DÒNG SÔNG TRÔI QUA TÔI
Lần đầu tiên trở về quê sau gần 20 năm xa cách, khi trước mắt mình là dòng sông trước nhà, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Trước khi gặp lại dòng sông ấy, tôi không nghĩ mình sẽ xúc động mạnh như vậy. Nhưng rồi, mọi cảm xúc không thể nén lại khi con sông nhỏ ấy như cái chốt cửa mở toang mọi ngóc ngách trong kí ức vốn vô cùng nhạy cảm nơi tôi.
Tôi sinh ra bên dòng sông nhỏ ấy, tôi đã từng ước con sông của tôi có một cái tên, để ít ra là thỉnh thoảng, vì nhớ thương, tôi có thể tìm trên bản đồ, hoặc có thể tìm lại hình ảnh như những con sông có tên khác trên Google. Ngày xa quê, tôi đã đem theo tấm ảnh của một cô bạn gái ngồi chụp bên vạt cỏ cạnh bờ sông, phía sau cô bạn ấy là một chú trâu đang dầm mình dưới nước. Thỉnh thoảng, tôi đem tấm ảnh ra nhìn thật kĩ, như sợ rằng thời gian sẽ làm cho tôi quên mất dòng sông nhỏ đã từng ôm ấp tuổi thơ tôi suốt những tháng năm êm đềm nhất.
Sao không nhớ không thương được, khi mà ngay trong giọt sữa mẹ ngày tôi chào đời đã chứa vị đậm đà của giọt nước sông quê. Ngày ấy tất cả mọi thứ đều trong lành, mọi sinh hoạt đều gắn với nguồn nước sông, không chỉ tắm giặt, mẹ tôi còn gánh nước sông về, đổ vào vại gốm rồi lóng phèn để nước thật trong mà nấu nướng. Cái vị lờ lợ của dòng nước cửa biển có lẽ đã ngấm vào tôi ngay từ trong bào thai bụng mẹ, ngấm vào làn da rắn rỏi và giọng nói chắc khỏe sau này. Xóm tôi có tên, nhưng người đi xa trở về cứ hỏi thăm xóm bờ sông. Bờ Sông trở thành một danh từ riêng từ lúc nào chẳng rõ, nhưng cái con đường bờ sông ấy, tôi đã thuộc từng cái ổ gà. Chúng tôi đã chập chững tập đi những bước đầu đời trên con đường ấy, sợ sệt ngồi lên khung chiếc xe đạp tập giữ thăng bằng rồi đạp những vòng đầu tiên trên con đường ấy, ngã xe những cú đau chí mạng khóc thút thít trên con đường ấy, tưởng không dám sờ vào chiếc xe nữa. Sau này bước vào đời, có sự trải nghiệm, so sánh, để thấy có những cú ngã chẳng nhìn được bằng mắt thường, nhưng đau gấp nhiều lần những cái ngã xe trầy trụa thưở nào.
Con sông nhỏ ấy nước bốn mùa thay đổi. Vui nhất là vào những ngày hè, nước sông luôn ngầu đục bởi lũ trẻ con chúng tôi quần thảo. Chẳng phân biệt gái trai, lớn bé, một lũ nhóc hàng chục đứa từ đầu làng tới cuối xóm tụ tập lại để nghịch phá nhiều hơn là tắm gội. Chúng tôi nghĩ ra đủ thứ trò, từ lặn ngụp kéo chân nhau, đến việc trèo lên những cành cây mọc vươn ra mặt nước rồi nhảy ùm xuống, có những đứa bạo gan hơn còn trèo mãi lên thanh ngang treo sợi xích cửa cống, lộn vài vòng trước khi thả mình xuống mặt sông. Những buổi trưa mùa hè, tiếng cười nói la hét chí chóe vang vọng cả một khúc sông, cho tới khi nào phụ huynh gọi năm lần bảy lượt mới chịu lên bờ.
Cuối hạ là mùa mưa bão, nước sông dâng lên ngập đường. Những ngày mưa gió quật tơi bời, nhà ai cũng lo chằng chống nhà cửa. Bọn trẻ chúng tôi khoác manh áo mưa lò dò lội trên đường bắt những con cá ngược theo dòng nước đang tràn qua đường, đó vừa là thú vui, vừa là nguồn thực phẩm cho những ngày mưa bão. Lúc ấy tôi không nghĩ bây giờ nó còn trở thành những hồi ức đẹp. Sau này, lần đầu tiên nghe được câu hát: “Tôi xa quê hương bao năm tháng qua. Nhưng trong trái tim không bao giờ xa. Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường”… (Quê hương tuổi thơ tôi – Từ Huy), tôi như thấy cảnh tượng cũ xưa của chính mình ngày ấy hiển hiện trước mặt, nước mắt ở đâu tự nối nhau lăn xuống một vùng ký ức thẳm xanh. Những đêm mưa bão, mẹ tôi bấm mười đầu ngón chân xuống mặt đất trơn như đổ mỡ, một tay nắm chặt tay tôi, một tay xách cây đèn chai, trên lưng là em tôi thơ dại phủ dưới lớp áo mưa cũn cỡn bước dọc theo triền sông để đem chúng tôi đi tránh bão ở xóm bên trong đê. Cái ngọn đèn leo lét giữa đêm mưa bão, gió như chỉ chực hất tung mẹ con tôi bất cứ lúc nào nếu không níu chặt vào nhau, nếu không bám chặt xuống đường. Tôi đã đi qua biết bao bão gió cuộc đời, song vẫn vững vàng như mười đầu ngón chân mẹ bám xuống mặt đường ngày ấy. Có phải nhờ những ngày tháng ấy mà tôi trưởng thành, tôi không biết, nhưng rõ ràng, tôi học được cách biết ơn, biết ơn cả những gì khắc nghiệt nhất giúp tôi lớn lên giữa cuộc đời.
Tôi nhớ mãi những đêm trăng sáng, gió từ mặt sông đưa về mát rượi. Chúng tôi tập trung lại ngồi trên một con thuyền, con thuyền của một ông già làm nghề cất vó bè trong xóm. Chiếc thuyền nằm ghếch mũi một nửa lên bãi, một nửa dưới nước và được buộc lại rất chắc chắn, chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Thỉnh thoảng, đứa cháu nội của ông chủ chiếc thuyền – đứa duy nhất biết chèo thuyền – tháo sợi dây, rút cây sào, đẩy con thuyền đưa chúng tôi thong thả dạo trên mặt sông trăng. Nước lấp lóa như dát bạc, chúng tôi bồng bềnh dọc dòng sông nhỏ đến mãi tận khuya. Và cái mặt sông trăng ấy cứ mãi lấp lánh trong kí ức tôi đến tận bây giờ.
Cuối mùa đông, nước sông cạn và trong veo có thể nhìn rõ những con cá nhỏ tung tăng bơi lội. Lúc ấy dòng sông lành như một người mẹ dịu hiền. Bãi sông lộ ra một khoảng để chúng tôi bắt sò bắt hến. Lũ chúng tôi mặt mũi lem nhem bùn đất lội dọc theo bãi sông, cứ thấy chân mình dẫm phải thứ gì đó cưng cứng thì cúi xuống nhặt lên, những cái sò cái hến ngọt lịm mát lành trong bát canh rau, mát lành cả nụ cười hài lòng của mẹ.
Mùa ấy, bên kia sông còn nở vàng hoa cải. Tôi không ít lần gặp hoa cải nở vàng cả cánh đồng, nở sáng bừng cả sườn đồi. Song cái màu hoa mong manh vàng dịu ấy sao mà có sức gợi đến thế khi nở bên một bến sông. Tôi không biết cụ thể nó gợi đến thứ gì, chỉ biết, tôi thường ngồi lặng đi hàng giờ để nhìn sang bên phía có màu hoa chiu chắt ấy, mường tượng một ngày, cha tôi sẽ trở về với nụ cười bừng sáng như màu hoa và cất tiếng gọi mẹ tôi, thật tha thiết, đầy thương yêu trìu mến…
Sau này, tôi đã đi qua rất nhiều những dòng sông, cả có tên và không tên dọc đất nước này. Trước dòng sông nào, tôi cũng nhớ đến một nếp nhà nằm yên bình bên dòng sông nhỏ, vẳng bên tai tôi là những tiếng cười nói vọng về từ ngày cũ, âm thanh của chiếc bơi chèo gõ nhịp vào mạn chiếc thuyền con trên mặt nước trong xanh, và trước mắt tôi, còn nguyên những đêm trăng bềnh bồng trôi trên sông nước với những câu chuyện tan vào đất trời, tưởng như không bao giờ có hồi kết…
Đ.A.D