14-09-2019 - 09:58

Tản văn MÓN QUÀ CỦA BIỂN của Nguyễn Thị Hòe

MÓN QUÀ CỦA BIỂN

 

Bão về, biển và trời xám xịt một màu, thuyền bè nối đuôi nhau tấp nập chạy vào lạch, những con chim báo bão bay rợp trời. Tôi và Cò vừa hạ cái cột ăng ten xuống thì trời nổi gió, từng hạt mưa lốp bốp đáp mái hiên. Rồi mưa, mưa xối xả trắng trời...

Đêm! Hai anh em nằm nghe gió rít và sóng vỗ ầm ào bên tai. Cu Cò cứ thao thức mãi, dường như cả đêm không ngủ được. Thỉnh thoảng nó lại nhỏm dậy ngó qua cái lỗ hổng nơi cửa sổ nhìn ra biển tối thui. Tôi biết vì sao thằng em trai lại nóng lòng đến vậy.

Sáng ra, chờ cho cơn mưa dã bão trút như trú vừa dứt, hai anh em tôi men theo bãi cát bên nhà thu lượm "chiến lợi phẩm". Mới đó đất trời còn nổi cơn cuồng phong, biển thét gào giận dữ, vậy mà sáng nay biển đã trong xanh hiền hòa. Thủy triều rút đi kịp bỏ lại trên bãi cát mịn màng những vòng tròn đồng tâm lan xa. Nhưng chúng tôi không còn chú tâm vào nó để nghịch đuổi những con dã tràng bé tý như thường ngày mà hăng hái, mê mải nhặt nghêu và ốc sát mé nước.

Chợ cá trên bãi biến 

Những con nghêu vân cỡ bự, hình tam giác, vỏ láng màu vàng sữa đêm qua

bị sóng lớn đánh vào bờ, giờ vẫn còn nằm phơi trên cát. Sò lông nhỏ và tròn, hai mảnh vỏ hình bầu dục ngả về phía trước, tua tủa những lông màu nâu, các đường gờ tỏa ra từ đỉnh xuống tới mép vỏ. Những con ốc hương nhỏ như ngón tay, ngón chân cái, lốm đốm chấm hoa xanh, trắng, vàng đẹp mắt. Ốc mỡ vỏ tròn, hoa văn chấm xanh, xám, nâu, hồng sặc sỡ. Con ốc mỡ đang bò mà nhặt lên, ngó mình nó thấy y như miếng thịt mỡ nhỏ màu vàng nhạt. Ốc điếu mình xoắn, to dài bằng ngón tay cái, loài này thì thường ngày hay có sẵn trên bãi. Ốc móng tay màu trắng sữa, vỏ ốc khép hờ màu vàng nâu, dáng thon dài như ngón tay thiếu nữ.

 

"Chậm như ốc", thế là chúng tôi cứ tha hồ mà nhặt. Thỉnh thoảng thằng cu Cò í ới om sòm: "Anh Biền ơi ở đây lắm nghêu, lắm ốc này!", nghe vui cả bãi. Nhặt nghêu, sò lông, ốc các loại được non nửa bao tải thì hai đứa khệ nệ khuân về, lúc này người từ trong làng mới bắt đầu đổ ra bãi...

Mẹ tôi đổ tất cả ra mủng, xóc xóc chọn nghêu ra riêng. Chỗ ốc và sò còn lại, mẹ tôi vo gạo, gạn nước vào: "- Có giỏi, chúng mày cũng chỉ chén hết chỗ này thôi!". Rồi mẹ tôi quay sang bỏ nghêu vào chậu nước lạnh, cho thêm chút muối ngâm.

Thường khi bà hay sai tôi trèo lên cây khế mà rung: "- Rung thôi nhé, cành khế giòn lắm đó", mẹ tôi lần nào cũng dặn vậy. Mà đúng thật! Tôi chỉ mới trèo lên mấy bước, rung nhẹ một cái đã có cả một rổ khế đầy xanh ngon. Nhưng cơn bão vừa qua khế bị gió đập cho tan tành, rụng đầy quanh gốc. Khế chua thì trẻ con không mê lắm, đem bán chẳng mấy người mua mà đem cho nể quá người ta mới lấy. Thế là mẹ tôi gom mấy quả khế gọt cạnh, rửa sạch. Quả nhỏ bà cắt làm đôi, quả to cắt ba, cắt bốn bỏ vô cối dã sơ cho nước khế chảy ra. Sau mới cho cả nước và bã khế vào nồi nước sôi, nổi lửa to cho nước sôi trở lại rồi mới trút nghêu vào.

Phút trước vừa mới đậy vung, phút sau đã nghe tiếng vỏ nghêu va vào nhau lách cách. Cu Cò ngồi kế bên đếm ngược từ mười vừa tới một, mẹ tôi đã mở cái vung, nồi canh đang sôi ngùn ngụt khói, thơm lừng. Những con nghêu đã nở bung hết thảy. Mẹ tôi nêm chút muối rồi nhấc xuống.

Món canh nghêu nấu khế của mẹ tôi, lúc thì bà rắc thêm rau răm, lúc lại dùng hành lá hoặc ngò rí, mỗi loại gia vị góp nhặt một cộng hưởng riêng, mà kiểu nào ăn cũng rất ngót, rất thấm. Quả khế chua tưởng chừng bỏ đi ấy dường như lại có duyên thầm với các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Cái bề ngoài tưởng chừng suồng sã, dân dã ấy kỳ thực lại dụng công. Bát canh không cần đến dầu ăn, tươi ngon và tự nhiên. Chút vị chát ẩn trong miếng khế giã dối, làm cho nước canh nghêu màu sữa đục có được vị ngọt dịu, chua thanh. Anh em tôi đưa tay nhặt nghêu, nhẩn nha tận hưởng phần thịt nghêu béo múp căng đầy rồi xì xụp muỗng canh.

Cu Cò hứng chí bình thơ:

- Quê hương là chùm khế chua mới đúng mẹ nhỉ?

Mẹ tôi nhìn nó mỉm cười:

- Ừ! Khế ngọt là khế vô duyên!

Khế ngọt chỉ để ăn chơi thế thôi, kho cá hay nấu canh cá, canh các loài nhuyễn thể như nghêu, hến, hàu lại phải dùng đến trái khế chua. Đem khế ngọt mà nấu, ăn nghe mắc lợm lắm. Đi làm dâu người ta, đừng có dại mà phụ trái khế chua. Mẹ tôi bảo, ngày xưa bà ngoại thường dạy con gái thế.

... Buổi chiều, mẹ tôi đổ ốc đã ngâm rửa sạch vào chiếc nồi gang lớn đã lót lớp lá bòng, đổ lưng bát con nước, bắc lên bếp. Tôi ngạc nhiên lắm. Bà bảo:

- Ốc luộc không cần hoặc cần rất ít nước.

Nồi ốc bắt đầu sôi. Hơi nước phả ra mùi lá bòng thơm quyến rũ. Mẹ tôi bắc nồi ra, xóc xóc rồi lại đặt lên bếp cho ốc thơm đều. Lát sau, mẹ tôi đổ ra rá. Chúng tôi khều chấm nước mắm gừng, lá chanh thái chỉ, ăn trong ngùn ngụt hơi lá bòng.

Ốc hương đúng như cái tên, thơm như lá dứa, ngát như hoa ngâu lại gay gay như riềng, thịt dai giòn mà ngọt. Ốc mỡ ngon nhất phần ruột, bùi như lòng đỏ trứng vịt muối. Ốc móng tay thì có lớp thịt trắng phau, vị ngọt ngon, bùi và dai. Ốc vôi lại có mẩu đầu ăn ngon, dai sần sật nhưng ruột cay. Sò lông màu đỏ ghạch, vị ngọt đậm, giòn dai lẫn chút beo béo.

Ăn ốc điếu lại là cả một nghệ thuật. Không dùng đến cái thớt, con dao hay cái kìm thì chịu. Hai anh em tôi ngồi chặt trôn ốc rồi hăm hở mút ''chí cha chí chút, chì chà chì chụt''. Thế mà có con lì lợm mút đến rát cả môi, đỏ cả miệng cũng chẳng chịu ra cho. Mẹ tôi bảo: "- Gặp con nào khó mút, hãy mút ngược đằng đuôi cho nó tụt lại, sau quay lại mút tiếp, mút mạnh một cái là được". Tôi làm theo và thành công! Ruột con ốc điếu thơm lừng nằm sâu trong chiếc vỏ cứng dài, vị ngọt lừ, đậm đà đến mức chẳng cần chấm vào bát nước chấm pha gừng, chua chua ngọt ngọt, cay vị tương ớt mà vẫn thấy ngon.

- Sao người ta có câu "nhạt như nước ốc" hả mẹ?

Mẹ tôi cười dịu hiền:

- Câu ấy chỉ đúng với ốc suối, ốc đồng thôi con ạ!

Ngày hôm ấy, chúng tôi đã ăn no nê và thỏa thích các loại ốc, rồi những lần sau, lần sau nữa. Cứ thế mỗi lần cơn bão tan, tụi con nít chúng tôi lại được biển cả hào phóng đãi cho những món quà hậu hĩnh. Bên Mẹ và Biển chúng tôi thấy mình giàu có quá!

                                                                                                                                    

 

 

 

. . . . .
Loading the player...