02-03-2022 - 09:40

Tản văn NHỚ THƯƠNG NGÀN PHỐ của Hà Hoài Phương

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 xin trân trọng giới thiệu tản văn "Nhớ thương Ngàn Phố" của tác giả Hà Hoài Phương

HÀ HOÀI PHƯƠNG

NHỚ THƯƠNG NGÀN PHỐ

                                                                                            Tản văn

 

Quê chồng, quê vợ cách một dòng sông! Con sông mang cái tên tưởng rất thị thành - Ngàn Phố - nhưng nước sông chưa bao giờ tìm về phố thị, cứ nhẩn nha dưới bóng tre xanh, soi gương những xóm làng trù phú thanh bình, gom góp phù sa cho những bãi mía, đồng ngô, ruộng lúa thêm xanh óng mỡ màu. Sông chở nặng tình đất tình người, để nhớ để thương cho bao tâm hồn xa xứ, thành nơi “neo đậu bến quê” của những thuyền đời trôi dạt lênh đênh!

Khởi nguồn từ những dòng suối nhỏ trên núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn, ven biên giới Việt - Lào, Ngàn Phố đã tự mình tích nước thành sông và dành cả cuộc đời để chung thuỷ yêu thương miền đất trung du đồi núi nhọc nhằn nhưng giàu tình nghĩa - Hương Sơn, Hà Tĩnh. Suốt chiều dài hơn bảy mươi cây số, sông đã ân cần chia nước cho những cánh đồng khắp các xã từ Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Diệm đến Sơn Hà, Sơn Hoà, Sơn Thịnh, xuôi về Sơn Mỹ, Sơn Long, Sơn Tân để hoa màu trên đất Hương Sơn bốn mùa tươi tốt. Về đến Đức Thọ, Ngàn Phố hợp lưu với người anh em Ngàn Sâu tại bến Tam Soa. Nơi ngã ba sông này, hai dòng chảy hoà một, thành dòng sông La xinh đẹp hiền hoà, trôi về Nghi Xuân tiếp tục hợp lưu với dòng sông Lam rồi đổ ra biển. Bởi thương đất nghèo mà Ngàn Phố đã trọn tình ở lại với Hương Sơn, làm nên cảnh non xanh nước biếc cho miền đất quê hương của vị danh y lỗi lạc thời Lê Trịnh - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Chuyện kể rằng, bậc danh y hiền tài ấy vì chán ghét cảnh bon chen danh lợi chốn quan trường, đã tìm về Hương Sơn quê mẹ, dựng nhà bên núi, tháng ngày đọc sách, nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cho dân. Những chiều lên núi hái thuốc, thả diều, nhìn dòng sông Ngàn Phố xanh trong uốn khúc ôm lấy những làng mạc nên thơ, Lê Hữu Trác càng dứt khoát xa lánh bụi trần, về sống cuộc đời tự do, thanh bạch, bốn mùa hoà hợp với thiên nhiên, lấy việc bốc thuốc cứu người làm lẽ sống. Để tưởng nhớ công đức của Lê Hữu Trác, sau khi ông mất, nhân dân Hương Sơn đã lập đền thờ vị danh y tiết tháo tài năng. Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông nay nằm dưới chân núi Minh Tự, cũng là nơi ông an nghỉ, cạnh con sông Ngàn Phố thân thương mà ông gắn bó suốt những năm tháng cuối đời.

Bến sông (ảnh: NSNA Đậu Bình)

Với tôi, Ngàn Phố là dòng sông cổ tích thời thơ ấu. Thuở ấy, mỗi năm đôi ba bận, tôi được theo cha về quê nội, xã An Hoà Thịnh nằm ven bờ sông Ngàn Phố, để thắp hương và ăn giỗ ông bà. Đường về quê cha xa lắc lơ nhưng tôi không bao giờ thấy mệt. Suốt dọc đường, cha chỉ cho tôi, đây là Khe Nhảy, kia là đồng Kẻ Trúa, xa xa kia là núi Mồng Gà, Thiên Nhẫn... Lần nào ngồi sau xe cha, tôi cũng phấp phỏng chờ đến lúc được thấy sông Ngàn Phố hiện ra như một dải lụa mềm trước mặt. Tôi hỏi, cha ơi, sao người ta lại đặt tên sông là Ngàn Phố? Cha mỉm cười, giảng giải: Ngàn là rừng, sông chảy từ rừng về và quê ta cũng là vùng núi rừng giáp miền biên ải. Phố là những bãi bồi ven sông, nơi người ta trồng lạc, trồng ngô, trồng mía đó, con thấy không? Phải rất lâu, mãi sau này tôi mới hiểu, thì ra con sông kẻ quê ngay từ tên gọi, mang hồn vía của đất và người Hương Sơn trong từng âm sắc. 

Xã An Hoà Thịnh bên sông Ngàn Phố quê cha nổi danh với những làng nghề truyền thống như đan nón, dệt lụa, đặc biệt là nghề làm kẹo cu đơ. Những hạt lạc mẩy căng vị phù sa được nấu cùng thứ mật được ép ra từ những cây mía trồng trên bãi bồi ven sông, qua bàn tay tài hoa khéo léo của những nghệ nhân làng nghề, thành vị kẹo ngọt ngon, thơm bùi hương đất hương đời, thành đặc sản trứ danh trong Nam ngoài Bắc. Dù bây giờ nhiều nơi trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh làm kẹo cu đơ, nhưng tôi không sao quên được vị ngọt ngào của lạc mật pha lẫn vị gừng cay trên tấm kẹo cu đơ ngày bé tôi được nếm lần đầu. Bánh tráng giòn tan nhưng lớp kẹo ở giữa lại mềm dai, dẻo quyện và thơm ngọt đậm đà. Tôi đã yêu quê cha từ những tháng năm thơ dại ấy, thương con đường về quê gập ghềnh sỏi đá, yêu dòng sông và những tên đất tên người lạ lẫm mà thân thương, yêu tiếng nói “nỏ”, “răng-rứa” và cách phát âm vần “ông” với âm o kéo dài của người “Hà Tịnh”. Những thứ tưởng bình dị, đơn sơ nhưng lại ngấm sâu vào tâm khảm, là điệu hồn của quê hương xứ sở, để khi xa lòng vẫn khắc khoải nhớ về.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết, 19, 20 tháng Chạp, từ Thanh Chương đất Nghệ, tôi theo mẹ lặn lội đường xa sang phiên chợ tru (trâu), chợ bò ở Hương Sơn. Đường đến chợ phải qua sông. Thuở ấy chưa có cầu, chỉ có đò ngang thay nhau sang bến. Sông Ngàn Phố những ngày phiên tấp nập trên bến dưới thuyền, người qua lại bán mua nhiều như mắc cửi. Tôi đã chen chân leo lên mạn thuyền để được sang chợ bên sông - nơi đầy ắp những mẹt hàng kẹo bột, kẹo kéo, kẹo lạc, bánh đúc, bánh ú, bánh mật, những con tò he xanh đỏ, những quả bóng màu rực rỡ và cơ man là quần áo vải vóc lụa là, mũ nón giày dép... trên những sạp hàng. Rời phiên chợ tuổi thơ lấp lánh sắc màu, tôi lại theo mẹ xuống đò sang sông khi mặt trời đã ngả bóng. Con sông Ngàn Phố lặng lẽ chở mơ ước âm thầm của đứa trẻ, mơ ước được ở bên sông như những người dân quê cha, được sang sông qua lại mỗi ngày để ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ...

Rồi duyên lành cũng đưa tôi trở lại với sông quê, con sông Ngàn Phố thân thương thuở nào giờ là ranh giới tự nhiên giữa quê chồng và quê vợ. Ngày chồng đưa tôi về ra mắt gia đình, tôi đã xúc động bồi hồi khi xe chạy qua cầu Linh Cảm đi vào địa phận Hương Sơn. Cả một thế giới tuổi thơ ùa về sống dậy cùng dòng Ngàn Phố đang lững lờ êm ả trôi giữa những đồng ngô, ruộng lúa.

Nhà chồng ở bên này sông, xã Tân Mỹ Hà. Quê tôi ở bên kia sông, xã An Hoà Thịnh. Từ bên này nhìn sang bên ấy, thấy xanh xanh bờ bãi, thấp thoáng những con đường nhỏ giữa xóm làng bình yên trong tre trúc, thấy cả những ngọn khói ngoằn ngoèo bay lên trên những nếp nhà tranh mỗi sớm, mỗi chiều... Chợ phiên quê chồng - chợ Choi - mở ngày chẵn, chợ phiên quê vợ - chợ Gôi - mở ngày lẻ, là những phiên chợ dập dìu sắc xanh sắc đỏ trong mơ ước thuở nào của tuổi thơ tôi. Người khắp các vùng lân cận đều đổ về Choi, Gôi để trao đổi, bán mua hàng hoá. Và con sông Ngàn Phố cứ cần mẫn đón đưa bao lượt người xuống bến sang đò, làm nên nhịp sống sôi động cho cả một vùng quê yên ả.

Chợ bây giờ không đông như thuở ấy, ít hàng hoá hơn vì khắp nơi đều có cửa hàng, cửa hiệu. Làng xóm cũng thưa vắng người vì hầu như chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Phần đông thanh niên đều rời làng ra đi, học hành hoặc lập thân, lập nghiệp ở những miền đất mới. Chỉ những dịp Tết đến xuân về, thôn xóm mới tưng bừng đông vui khi những đứa con xa ríu rít rủ nhau về. Con sông Ngàn Phố cũng hẹp dần, để lộ những doi cát, những bãi bồi giữa lòng sông mùa nước cạn. Từ khi có cầu Mỹ Thịnh bắc qua sông, không còn mấy ai ra sông xuống bến nữa. Bến sông xưa giờ trở nên hoang vắng, cỏ dại mọc um tùm. Thế gian vẫn thường có những biến cải khiến lòng người không khỏi ngậm ngùi...

Một chiều cuối năm, tôi lái xe về bên nội. Chầm chậm qua sông, nhìn dòng sông lặng lờ trôi trong mưa bay lất phất, nhìn gương nước xanh trong, lòng bỗng khắc khoải nhớ thương, thuở trên bến dưới đò, có đứa con gái xắn quần lội nước, bước chân lên chao nghiêng mạn thuyền...

28.11.2021

H.H.P

. . . . .
Loading the player...