30-04-2018 - 08:17

THẦY GIÁO ƯƠM MẦM VĂN HÓA ĐỌC CHO HỌC SINH - Ghi chép của Văn Lê

THẦY GIÁO ƯƠM MẦM VĂN HÓA ĐỌC CHO HỌC SINH

Về Kỳ Anh không ai không biêt đến thầy giáo Phan Duy Dương. Ba mươi bảy năm lăn lộn với ngành giáo dục vùng núi xa xôi  Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Sơn, và điều kỳ diệu là càng khó khăn thầy càng say mê nẩy sinh nhiều sáng tạo.
Phụ huynh, học sinh biết đến thầy Dương không chỉ là nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, mà còn biết đến”tiếng trống học bài” do thầy khởi xướng những năm 90 tại Kỳ Lâm, và những năm 2000  “Thư viện xanh” ươm mầm văn hóa đọc sách cho các em học sinh trường tiểu học miền núi Kỳ Sơn có sức lan tỏa rộng lớn.
Tôi hỏi thầy: “Nguyên nhân nào thầy nảy ra ý tưởng xây dựng Thư viện xanh cho nhà trường?”.
 Thầy chậm rãi: “ Tôi thấy những năm gần đây, phương tiện nghe, nhìn lên ngôi. Văn hóa đọc  xuống cấp. Ở các trường trung học, học sinh “nhoay nhoáy” với điện thoại. Đây là  thực trạng ai cũng thấy, nhưng làm gì, bằng cách nào để khôi phục lại văn hóa đọc hầu như bỏ ngõ. Bản thân tôi thấy,  không gian trường học là nơi có thể  hồi sinh văn hóa đọc . Thế là tôi nảy sinh ý tưởng thiết kế xây dựng một hình thức thư viện “mở” thoáng đãng gắn với không gian cây xanh, với hình thức mới mẻ kích thích tò mò, khơi gợi hứng thú đọc sách cho các em học sinh”. 

Ngày nào thầy Phan Duy Dương cũng có mặt ở Thu viện xanh với các em học sinh

Trường tiểu học Kỳ Sơn, có diện tích 24.783 m2, bình quân 40m2/học sinh, trong đó diện tích dành cho sân chơi là 6000m2,  vì lẽ đó, nhà trường đã thiết kế “Thư viện xanh” với diện tích  trên 1000m2. Từ ý tưởng đến hiện thực phải mất gần 1 năm. Đầu tiên là thiết kế Thư viện xanh trên 1000m2 với các hạng mục: Khuôn viên, mặt bằng, cây xanh, ghế đá, công khai thiết kế để cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh, học sinh góp ý, hiến kế. “ Chúng tôi đã trình bày ý tưởng trong Cấp ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường, phụ huynh, học sinh để mỗi thành viên không chỉ được biết, được bàn mà còn có cơ hội đóng góp vào công trình”. Thầy Dương chia sẻ.
Tạo được sự đồng thuận nên công việc tiến hành suôn sẻ. Dựa vào những gì có sẵn, nhà trường sắp xếp lại hệ thống cây xanh, cải tạo khuôn viên, lát gạch sân trường, làm cổng thư viện, nghĩa là hàng loạt công việc phải tiến hành đồng thời. Hội cha mẹ học sinh nhận cải tạo khuôn viên, lát gạch sân. Công ty sách thiết bị trường học đầu tư sách và ghế đá. Các tổ chuyên môn trong nhà trường đều nhận một hạng mục Thư viện xanh. “Góp gió thành bão”, chẳng bao lâu,Thư viện xanh hoàn thành.
Ý tưởng thiết kế ống quyển để bỏ sách treo lên cây xanh được nẩy sinh từ trăn trở của thầy  Phan Duy Dương. Theo thầy Dương, những ống quyển ấy được gợi ý từ ống quyển đựng bài thi của các sĩ tử thời xưa. Từ ống quyển bài thi sỉ tử đến ống quyển đựng sách là cả quá trình trăn  trở, sáng tạo của người thầy tâm huyết . Nếu như ống quyển sĩ tử ngày xưa làm bằng tre, nứa, thì ống quyển Thư viện xanh được làm bằng nhựa Tiền phong có thể thi gan với nắng gió giông bão.

Giờ ra chơi, em nào cũng tự giác tìm cho mình 1 chỗ ngồi lặng lẽ đọc sách

Những ống quyển chứa sách treo (vừa tầm tay học sinh) trên cành của 30 cây xanh trong thư viện được chia theo Chủ để các em dễ lựa chọn: Vườn cổ tích; Kể chuyện Danh nhân; Theo dòng lịch sử; Kể chuyện Bác Hồ; Toán tuổi thơ; Văn hay, chữ đẹp; Cuộc sống quanh ta; Thế giới đó đây; Báo Nhi đồng; Thiếu niên Tiền phong; Tạp chí Hồng Lĩnh… Tất cả 30 cây có đến 500 ống quyển đảm bảo cho  hàng trăm em học sinh giờ ra chơi có thể đọc cùng một lúc.
Tôi  đến trường tiểu học Kỳ Sơn rất lấy làm ngạc nhiên trong giờ ra chơi hàng trăm học sinh ùa ra cây xanh, không ai bảo ai, tìm đến ổng quyển lựa chọn cho mình một cuốn sách và  một chỗ ngồi đọc chăm chú. Cả các thầy cô giáo cũng tìm đến Thư viện xanh. Cô Hồ Thị Hiền Thu tâm sự: “Trước đây, nhà trường cũng có thư viện, nhưng  chật hẹp, mùa hè nóng bức, 2 cái quạt không đủ mát, nên  không mấy giáo viên, học sinh đến đọc. Vả lại, thời gian nghỉ có hạn, đến thư viện, tìm được sách là hết giờ, còn hàng trăm ống quyển này có thể cùng một lúc phục vụ hàng trăm độc giả.  Ngồi trên ghế đá, dưới bóng cây xanh, thoải mái, thoáng đãng để đọc sách báo kể ra cũng thú vị”.
Em Dương Thị Hồng Phương (Học sinh lớp 5 B) cho biết : “ Sách để trong ống quyển gợi trí tò mò của chúng em. Mỗi lần cầm ống quyển, em lại học cái cách của A li ba ba : “Vừng ơi mở sách ra” và câu thần chú ấy, được nhiều bạn yêu thích ”. Còn em Nguyễn Thị Tú Anh (học sinh lớp 5C) lại thú vị ở những ống quyển treo lủng lẳng dưới cây sinh động như những trái mướp và gợi cho em sự liên tưởng: Những  trái mướp sách này mang đến cho chúng em những những kiến thức mới lạ, mở ra trước mắt chúng em những chân trời  mới. Vì lẽ đó, không một bạn nào trong trường không đến với Thư viện xanh. Đến một cách tự nguyện, tự giác đọc sách, không ồn ào làm ảnh hưởng đến những bạn xung quanh. Dần dần,  Thư viện xanh trở thành nơi cuốn hút, quyến rũ vì hấp dẫn, thiết thực và  tự nhiên văn hóa đọc sách của các em học sinh trường tiểu học miền núi Kỳ Sơn được ươm mầm từ ống quyển đã nẩy nở, phát triển và sinh sôi. 
Từ Thư viện xanh nhà trường lên lịch đưa vào nội dung hoạt động học tập, đưa vào tiêu chí thi đua của các Lớp, các Chi đội. Liên đội nhà trường đã gắn :” Cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” với việc đọc và làm theo sách. Hơn 40 đầu sách về Bác Hồ được các em học sinh lựa chọn thay nhau đọc. Cứ đầu tháng, trong chương trình báo công với Bác Hồ ở trường thế nào cũng có tiết mục kể chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện sinh động, gần gũi từ Thư viện xanh được các em kể một cách hấp dẫn. Cũng từ sân chơi này mà  các em học sinh Liên đội trường tiểu học Kỳ Sơn tham gia thi kể chuyện về Bác Hồ ở huyện giành được giải cao. Nhưng điều quan trọng hơn là các em luôn được nhắc nhở học tập và làm theo “Năm điều Bác Hồ dạy”. 
 Không có thể nói hết được những giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục con đường tự học cho các em học sinh từ Thư viện xanh. Ông Bùi Quang Hoàn- Chủ tịch UBND Kỳ Anh tâm đắc với Thư viện xanh và khuyến khích các trường nhân rộng mô hình này:” Điều đáng nói là mô hình này đơn giản, không phải đầu tư tốn kém, có thể sử dụng những điều kiện sẵn có của nhà trường nhưng tổ chức duy trì được đều đặn thì hiệu quả vô cùng to lớn”.

Thư viện xanh
“ Tiếng lành đồn xa”, không chỉ nhiều trường học trên địa bàn Kỳ Anh mà các huyện thị, thành phố khác cũng tìm về Kỳ Sơn tham quan, học hỏi cách  làm Thư viện xanh của nhà trường. Cùng với sự đồng hành của Chương trình sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, cùng với hoạt động của Tủ sách nhân ái với  chuỗi hoạt động phủ sách kín các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh và gần đây là Chương trình Mừng tuổi sách nhân dịp Xuân Mậu Tuất, Thư viện xanh đã tìm được sự kết nối và lan rộng. 


                                                                                                                     Bài và ảnh: VĂN LÊ

. . . . .
Loading the player...