02-08-2017 - 22:00

Thơ chọn lời bình: Sau chiến tranh

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng với không ít người, dường như nỗi đau vẫn còn đó. Hình ảnh về cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa giờ đây đã trở thành ký ức nhưng sự mất mát, nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại. “ Sau chiến tranh” là bài thơ thành công của Đặng Quốc Vinh về nỗi đau mà chiến tranh để lại. Chúng ta sẽ tiếp cận với bài thơ này qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

       SAU CHIẾN TRANH (1)
 
                                                             Sao bạn con có bố
                                                             Mà con thì lại không?
                                                             Sao dì Lý có chồng
                                                             Mà mẹ lại không có?
 
                                                              Ngây thơ hồn con trẻ
                                                              Làm nát lòng người nghe
                                                              Chiến tranh không còn nữa
                                                              Đau thương vẫn đi về


                             Đặng Quốc Vinh


LỜI BÌNH:

    Chiến tranh đã qua bốn mươi hai năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Bao nhiêu gia đình mất người thân. Bao nhiêu người bố, người mẹ đã hi sinh thân mình vì đất nước để lại nỗi trống vắng nhớ thương trong lòng con trẻ. Nhà thơ Đặng Quốc Vinh quê Hồng Lộc –Lộc Hà dẫu bận trăm công ngàn chuyện lòng vẫn đau đáu một niềm riêng “dẫu đi đâu ở đâu và làm gì vẫn luôn nghĩ về quê hương, gia đình và quãng đời niên thiếu của mình” như lời ông tâm sự. Ông luôn trăn trở với nỗi đau quá lớn đó. Bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, biểu cảm, tạo ấn tượng và lay động lòng người đã viết nên bài thơ tự sự “Sau chiến tranh” đóng góp vào Văn học Thiếu nhi tỉnh nhà thêm một tác phẩm tiêu biểu, giàu sức lay động và truyền cảm, cuốn hút người đọc. Bài thơ “Sau chiến tranh” chỉ có hai khổ với thủ pháp độc thoại trực diện và ngẫm nghĩ, suy tư, chiêm nghiệm  nhưng ẩn chứa trong đó là một tứ thơ sâu sắc. Đó là tiếng nói nội tâm, là sự đồng cảm, là trạng thái tâm lí đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường. Các em hãy cùng nhà thơ lật giở lại những kí ức đau thương.
 



Ngây thơ trẻ nhỏ ( Ảnh: Linh Châu)
 

      Khổ đầu bài thơ là hai câu hỏi làm xót xa lòng mẹ và đau nhói trái tim người đọc liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau để tìm ra câu trả lời đang bỏ ngỏ. Một câu hỏi mà như một lời trách móc, giận hờn: “Sao bạn con có bố/ Mà con thỉ lại không?” Bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa cùng đi học, cùng chăn trâu bắt bướm đều được sống trong vòng tay yêu thương hết mực của người  bố, riêng em chỉ có mẹ hôm sớm tảo tần chăm sóc. Tại sao? Và vì sao? Những câu hỏi xoáy vào lòng người đọc, buốt xót tận tâm can. Em có biết đâu chiến tranh đã cướp đi của em tình yêu thương thiêng liêng đó. Em cũng có bố có mẹ như tất cả mọi người. Nhưng để bảo vệ làng xóm quê hương khỏi tay bọn giặc dữ, bố em đã ra đi chiến đấu không về. Bố đã hi sinh thân mình vì sự bình yên của quê hương đất nước.
      Nhà thơ đã hóa thân vào em bé với tính cách hiếu động và ham tìm hiểu của tuổi thơ, để đối diện với hàng triệu mảnh đời có vợ không có  chồng, có mẹ không có bố. Sự khiếm khuyết của cuộc đời họ bắt nguồn từ sự tàn bạo của chiến tranh. Nhà thơ một lần nữa lại lật lại câu hỏi khó đó: “Sao dì Lý có chồng/ Mà mẹ lại không có?” Với tuổi thơ non nớt của mình em đâu có hiểu mẹ em đã vượt lên trăm cay nghìn đắng để thay chồng, vừa làm mẹ vừa làm bố nuôi em khôn lớn. Cái lỗi đó không phải tại em, cũng không phải tại mẹ mà là hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh làm cho mẹ mất chồng và em mất bố. Đó là cội nguồn của những nỗi đau còn âm ỉ đến mãi tận bây giờ.
       “Ngây thơ hồn con trẻ/ Làm nát lòng người nghe.” Những câu hỏi ngây thơ đó xoáy vào lòng người đọc với bao niềm thương cảm. Nhà thơ lựa chọn ngôn ngữ suy diễn để vật chất hóa những rung động trong tâm hồn. Hai câu luận ở khổ hai đã đạt tới biên độ cảm xúc mãnh liệt.
        Bài thơ “Chiến tranh”là bài thơ thành công của nhà thơ Đặng Quốc Vinh với vài thủ pháp độc thoại nhẹ nhàng không đao to búa lớn, ông vẫn lột tả đầy đủ tội ác của chiến tranh. “Chiến tranh không còn nữa/ Đau thương vẫn đi về.”
 
(1) Trích trong tập Văn thơ thiếu nhi Hà Tĩnh năm 2006
 

Ngày 4-7-2017
Nguyễn Văn Thanh

. . . . .
Loading the player...