03-07-2017 - 09:39

Thơ chọn lời bình: Trưa hè

Trong các tác phẩm dự thi viết – vẽ tuổi học trò lần thứ XI năm 2016 có bài thơ "Trưa hè" của cháu Nguyễn Văn Khương Duy , học sinh lớp 6C Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong huyện Thạch Hà. Chúng ta sẽ tiếp cận với bài thơ này qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

TRƯA HÈ
 
                                           Yên ả bóng tre
                                           Đàn trâu nằm ngủ
                                           Con đò lim dim
                                           Lặng nghe sóng vỗ
 
                                           Yên ả bóng tre
                                           Miếng trầu têm đỏ
                                           Tiếng bà đưa nôi
                                           Vẳng từ miền nhớ
 
                                           Từng trang truyện cổ
                                           Miên man miên man
                                           Trưa hè gió hát
                                           Ru em giấc nồng

 
     Bài thơ gồm ba khổ kết nối với nhau qua nhiều chiều liên tưởng để làm nên một trưa hè êm ả, bình yên chứa đầy kỉ niệm nơi làng quê yêu dấu của em. Một làng quê ngập tràn bóng tre xanh quen thuộc như bất kì làng quê Việt Nam nào.
      Các em hãy cùng chiêm nghiệm và thưởng thức bức tranh phong cảnh làng quê trưa hè đó, qua khổ đầu bài thơ. “Yên ả bóng tre/ Đàn trâu nằm ngủ/.” Rặng tre xanh tỏa bóng là một điều rất đỗi bình thường ở bất kì làng quê nào. Những ngày hè miền Trung gió Lào nắng lửa, lại là chốn thiên đường của mọi sinh vật sống quanh ta đặc biệt là trâu bò, bê nghé. Với con mắt quan sát tinh tế của bạn Nguyễn Văn Khương Duy, mọi vật đều hiện dần lên rõ nét và quen thuộc. Đó là đàn trâu nằm lơ mơ trong giấc ngủ ban trưa. Đó là con đò đợi khách qua sông giữa cái nắng oi nồng, lặng lẽ lắng nghe tiếng sóng vỗ quanh mình. Nguyễn Văn Khương Duy vận dụng khả năng quan sát tinh tế của mình để vẽ nên bức tranh đó. Khương Duy không những đi sâu vào tả- bạn còn biết gợi cho chúng ta khả năng tiếp cận khổ thơ một cách hoàn mĩ nhất. Cũng dưới bóng tre xanh đó“Con đò lim dim/ Nằm nghe sóng vỗ.”Đó là con đò nằm ngủ nhưng ngủ lim dim. Tính từ “lim dim” để chỉ trạng thái vừa ngủ vừa thức không dám nhắm mắt ngủ sâu vì ngủ sâu dể quên đi nhiệm vụ chính của mình là chở khách qua sông. Hình tượng đó thật đúng với con đò nằm đợi khách vào buổi trưa hè.  Nguyễn Văn Khương Duy thổi hồn mình vào hai câu thơ đó biến một vật vô tri vô giác là con đò cũng biết lim dim mắt ngủ cũng biết nằm nghe sóng vỗ như một sinh vật sống. Biên độ của sự suy tưởng, vẻ đẹp của trí tuệ làm cho ý thơ sâu sắc hẳn lên Hai câu thơ trên là minh chứng cho sức sáng tạo nghệ thuật để bài thơ thêm lắng đọng trong tâm trí mọi người

 



Bà cháu dưới bóng tre yên ả ( Ảnh: Internet)
      Dưới bóng tre trưa hè bao nhiều kí ức lại hiên về với các em, với cây bút nhí Khương Duy. Đó là: “Miếng trầu têm đỏ/ Tiếng bà đưa nôi/ Tất cả đều “Vẳng từ miền nhớ.” những kỉ niệm từ “miền nhớ” đó ùa về. Hình ảnh người bà hết mình vì con vì cháu là hình ảnh có thật trong cuộc đời. Đó là miếng trầu bà ăn nên đỏ, là tiếng ru cháu à ơi khi tay bà đưa nhẹ tao nôi. Những hình ảnh chân thật, sống động đó theo chúng ta trong suốt quãng đời thơ ấu của mình. Các em hãy cùng Nguyễn Văn Khương Duy chiêm nghiệm nó và  gửi hồn vào những kí ức ngọt ngào không thể nào quên. Những kí ức về người bà thân yêu của mình.
     Trưa hè ở làng quê khi cơn gió nồm nam mát dịu với cuốn truyện cổ tích trên tay các em đã say sưa đọc và ngủ thiếp đi từ lúc nào:”Từng trang truyện cổ/ miên man miên man/ Trưa hè gió hát/ Ru  em  giấc nồng.” Đó là những hình ảnh có thật đang diễn ra nơi làng quê yên bình từ bao đời nay trên chiếc chõng tre, dưới bóng mát của rặng tre vườn nhà. Nhưng thay vào trạng thái làn gió thổi mát dịu  thì ngọn gió ở đây lại hát để ru giấc ngủ em. Ngọn gió đã được tác giả dùng thủ pháp nhân cách hóa biến những hình ảnh bình thường của thiên nhiên đất trời từ chỗ vô hồn thành có hồn, từ vô cảm trở thành đa cảm.   
      Bài thơ Trưa hè là một thành công của cây bút tuổi hồng Nguyễn Văn Khương Duy từ cảm xúc, lựa chọn hình ảnh ngôn ngữ đến xây dựng hình tượng nghệ thuật. Trưa hè mãi rung ngân trong tâm hồn chúng ta.


 

25-6-2017
Nguyễn Văn Thanh
. . . . .
Loading the player...