06-02-2020 - 15:44

Thơ chọn và lời bình: BÂNG KHUÂNG của Mai Văn Hai

bài thơ nằm trong trí nhớ, và đâu đó, thỉ thoảng, đôi ba câu thơ lại ngân vang trong tâm trí khi bắt gặp một một cảm xúc đồng điệu, một sự hồi nhớ thoáng qua hay một niềm bâng khuâng trước thiên nhiên, trước sự đổi mùa, sự trôi đi của ngàytháng, dường như là ngày càng vội vã.

BÂNG KHUÂNG

                        MAI VĂN HAI

Ta nôn nao khắc khoải đợi xuân về

Lòng nở rộ một nhành đào nẩy lộc

Đào chín lúc nào ta chưa về hái được

Đã bập bùng hoa gạo đỏ bên sông

 

Hoa gạo rụng rồi phượng dắt hè sang

Ôi mưa thật là mưa nắng ra là nắng

Muốn chằm cho em một vành nón trắng

Nón chưa kịp trong vành, cúc đã sang thu

 

Mùa thu ơi em là thực hay mơ

Để trời xanh cứ làm ta day dứt

Ôi lời hẹn vườn xưa về thăm cúc

Ta chưa về gió bấc đuổi heo may

 

Trước mắt kìa một chiếc lá vàng bay

Bao giá lạnh nhuốm trong màu lá ấy

Thương chưa hết mùa đông chiếc lá vàng run rẩy

Đào lại hé bên vườn lấp ló – đó màu xuân

 

Bốn mùa ơi vũ trụ xoay vần

Che trái tim từng khắc dây thao thức

Qua kẽ tay ngày tháng vừa rơi mất

Lại phập phồng chờ đợi tháng ngày sang

 

 

 Tôi đọc bài thơ Bâng khuâng của nhà thơ Mai Văn Hai đăng trên Báo Văn nghệ năm 1990. 30 năm bài thơ nằm trong trí nhớ, và đâu đó, thỉ thoảng, đôi ba câu thơ lại ngân vang trong tâm trí khi bắt gặp một một cảm xúc đồng điệu, một sự hồi nhớ thoáng qua hay một niềm bâng khuâng trước thiên nhiên, trước sự đổi mùa, sự trôi đi của ngàytháng, dường như là ngày càng vội vã.

Thời gian và sự thức nhận đầy tính phản tỉnh về sự trôi chảy của nó gần như là thường trực đối với con người. Vũ trụ là tuần hoàn, thời gian vô cùng vô tận nhưng đời người là hữu hạn, quỹ thời gian của con người cá nhân lại càng hữu hạn. Chính vì vậy con người ta thường phải đau khổ nhiều hơn, băn khoăn nhiều hơn với thời gian. Con người trong thơ cổvốn cảm thấy ở yên, tĩnh tạitrong vòng tuần hoàncủa vũ trụ, xuân hạ thu đông 4 mùa xoay chuyển, lặp đi lặp lại, họ không vội vàng, hoảng hốt… Vậy mà đối diện dòng thời gian vô thủy vô chung, cổ nhân vẫn  không khỏi cảm thán vềcái sự ngắn ngủi, thoáng chốc của thời gian, cuộc đời,như “áng phù vân”, như “bóng câu qua cửa”, “trôi chảy mãi thế ru, ngày đêm không nghỉ”... Đời sống hiện đại với guồng quay hối hả của nó, con người lại càng cảm thấy sự chóng vánh của thời gian.Một ngày gần như ngắn lại. Mùa nối tiếp mùa. Một năm như thoáng chốc. Con người trong cuộc sống hiện đạihôm nay lại càng thảng thốt hơn trước sự vội vàng của thời gian và cảm giác về sự bộn bề, tất bật…

Bài thơ của Mai Văn Hai nêu lên một mệnh đề sáng rõ. Thời gian trôi đi một cách vội vã, kéo theo bao hình dung, dự định không thành,bao hẹn hò bỏ dở:Ta nôn nao khắc khoải đợi xuân về/ Lòng nở rộ một cành đào nẩy lộc/ Đào chín lúc nào ta chưa về hái được/ đã bập bùng hoa gạo đỏ bên sông/… Hoa gạo rụng rồi phượng dắt hè sang/… Muốn chằm cho em một vành nón trắng/ Nón chưa kịp tròn vành thì cúc đã sang thu… Gọi tên bốn mùa, không chỉ là xuân hạ thu đông mà gọi về những nỗi nhớ cỏ cây, sắc màu của thời gian, của mưa nắng và bao nỗi thân thương kết đọng lại trong những sắc mùa riêng có: Ôi lời hẹn vườn xưa về thăm cúc/Ta chưa về gió bấc đuổi heo may. Phong vị thiên nhiên là cách nói hơi có phần kiểu cách, nhưng quả thực dư vị riêng biệt của mỗi mùa, qua nhiều năm tháng của đời người, dường như đã trở thành một thứ kinh nghiệm của tâm hồn, rất đỗi nhạy cảm và rất dễ đồng điệu. Và Mai Văn Hai đã gọi tên được “nỗi nhớ mùa” trong mỗi chúng ta:Trước mắt kìa một chiếc là vàng bay/ Bao giá lạnh nhuốm trong màu lá ấy. Thiên nhiên nói chung và thiên nhiên đặc trưng gắn với mùa, với mỗi miền đất, mỗi xứ sở đã trở thành một ký hiệu, một thứ ngôn ngữ, hình dung một cách chính xác hơn là những âm thanh ngân vang trong mỗi tâm hồn. Ví như nhà thơBasho đã chạm đến được tâm hồn Nhật Bản trong vẻ rơi của hoa anh đào mùa xuân: Từ phương trời xa/ Cánh hoa đào rơi lả tả/Gợn sóng hồ Biwa.Hay nhà thơSergei Yesenin đã gọi tên được tâm hồn xứ sở mình trong âm điệu riêng của mùa thu nước Nga: Nơi ấy mùa thu vẫn chưa đi/ Cây phong cây du vẫn còn bên của sổ/ Những cành to vẫn xòa vào gọi nhớ/ Những người thân yêu từng sống nơi này. Và ý tứ sâu xa này ta cũng đã được diễn đạt trong bài thơ khá nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: Mùa xuân lên đồi cỏ thơm/Mùa hạ nhìn trời mây khói/Mây tím chân cầu tím núi/Đông xa ngày trắng mưa dầm/Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói/Mới thôi mà đã một năm/Sẽ đến một ngày trắng tóc/Nhưng lòng anh vẫn không nguôi/Thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới thôi đã một đời người (Dù năm dù tháng).

Nỗi “Bâng khuâng” của Mai Văn Hai, cũng không hẳn là vì thời gian trôi chảy vội vàng, mà chính là nỗi bâng khuâng, xao xuyến, hoài nhớ những thân thươngvề vẻ đẹp của thiên nhiên và tháng ngày xưa cũ.Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ, hình ảnh trong trẻo giản dị, gần gũi, bằng giai điệu thiết tha của một nỗi niềm bâng khuâng, hoài nhớthời gian, kỷ niệm, và những thươngyêu… Đã gọi nhớ được những tình cảm sâu đằm đó trong tâm hồn mỗi người với hoa lá cỏ cây, với mưa nắng, với con người và quê hương xứ sở.

Mùa tiếp mùa, thời gian làm phôi pha rất nhiều thứ đẹp đẽ, nhiều thứ đã bị chúng ta bỏ quên, nhiều thứ cứ bị chúng ta làm cho muộn màng, chuồi lấp bởi những lo toan, kiếm tìm vội vã đâu đó…Nhưng cuộc sống vốn dĩ là như thế, sau tất cả, cái được và cái mất, điều đang đến hay đã qua đi, tiếc nuối hay đợi chờ hy vọng, thảy đều là những cái chúng ta có được và chúng làm đầy, làm giàu có và làm vững vàng hơn tâm thái của mỗi người. Miễn là chúng ta có được niềm tin, sự bằng an trước vũ trụvà cuộc sống này: Bốn mùa ơi vũ trụ xoay vần/Che trái tim từng khắc dây thao thức/Qua kẽ tay ngày tháng vừa rơi mất/Lại phập phồng chờ đợi tháng ngày sang…

                                                                                         Nguyễn Thị Nguyệt

Xuân ngời (ảnh Minh Chiến) 

. . . . .
Loading the player...