01-05-2019 - 08:57

Truyện ký: Phượng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu bài viết truyện ký "Phượng" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu.

Vợ tôi là một cô giáo. Bây giờ nàng đã là một bà giáo rồi. Có một thời xa lắm, cái thời tôi còn là lính trận, chúng tôi đã đến với nhau bằng một tình yêu đẹp như giấc mơ. Ấy là vào mùa Xuân năm 1972, đại đội đặc công 20 chúng tôi hành quân từ chiến trường Xiêng Khoảng, Thượng Lào về dừng lại xã Sơn An, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh tổ chức huấn luyện bổ sung, để lật cánh vào Quảng Trị. Tôi đâu có ngờ rằng, chính trong những ngày đó, tôi đã mang theo một mối tình đi suốt cuộc đời.

Trong một lần tập khoa mục “Mũi đặc công vận động đánh địch đóng quân dã ngoại”, mục tiêu “đánh phá” của chúng tôi là trường cấp 2 của xã, nơi “đóng quân của một đại đội biệt kích ngụy Sài Gòn”. Tổ trinh sát đột nhập mục tiêu do tôi làm tổ trưởng và một tổ viên có cái tên đầy chiến trận: Cao Dương Lê. Trung đội dân quân làm quân xanh toàn con gái, canh gác cẩn mật lắm. Nhưng các o dân quân thì làm sao tinh quái và dày dạn trận mạc bằng cánh lính đặc công, đặc biệt tinh nhuệ chúng tôi được. Tôi và Cao Dương Lê chọn được con đường tiềm nhập rất hay là đoạn giao thông hào vốn được đào cho học sinh tránh máy bay, nay bỏ không, nông choèn, cỏ mọc rậm rạp, đêm đến đầy tiếng chuột kêu chí chóe. Dù có vô cùng dũng cảm trước máy bay Mỹ thì có cho kẹo các o quân xanh cũng chẳng dám bén mảng đến đoạn hào này. Thế là tôi và Cao Dương Lê ung dung bò vào trót lọt. Bò đến gần căn phòng đang sáng ánh đèn, tôi chợt nghe vọng ra tiếng đọc thơ: “Đó là cuộc chia li màu đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng”. Chao ôi, tôi nằm dán mình xuống đất nghe mà bao nhiêu gai ốc trong người nổi lên hết. Người đọc chắc là một cô gái trẻ lắm, bởi vì cái giọng nghe sao mà trong veo, sao mà thổn thức. Tôi đang ngơ ngẩn nhớ về một tán lá si xanh, có cô gái mặc chiếc áo rực như màu lửa, mang chiếc ba lô con cóc tiễn người yêu ra trận, thì đột nhiên cánh cửa phòng vừa vọng ra tiếng đọc thơ ấy kẹt mở. Rồi một bóng con gái mặc chiếc áo màu Boóc-đô như một chấm lửa thoáng qua ánh đèn nơi cánh cửa vừa mở đi về phía tôi. Theo phản xạ của một anh lính trinh sát đặc công, tôi ép người sát xuống lòng hào. Chẳng dè cô gái cứ thẳng  hướng tôi đang nằm mà đi tới, rồi dừng lại cách tôi chưa đầy ba bước chân. Tôi cố nín thở. Bỗng có cái gì lành lạnh trườn qua cánh tay trần của tôi. Rắn! Trời ơi, tôi vốn rất sợ rắn mà đây lại là một con rắn cạp nong to dễ bằng cổ tay đang bò về phía cô gái. Nguy rồi! Loại rắn này dù hiền nhưng ban đêm nó có thể mổ vào bất kỳ vật gì động đậy trước mặt nó. Cô gái định tiến lên bước nữa. Con rắn bỗng ngóc đầu lên. Cái đầu nó lắc lư ngay gần sát đôi chân cô gái. Không còn kịp suy tính gì thêm, tôi liền chồm dậy, vung tay bóp chặt cổ con rắn. Cao Dương Lê nằm bên thấy tất cả, lao tới vung báng súng lên...!

Minh họa: PHÚ NAM

Con rắn “ăn đủ’ ba cái báng súng, nhưng nghe tiếng đập thình thịch, tiểu đội quân xanh ào tới. Cuộc trinh sát bị lộ, tổ chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày sau đó, cái chấm đỏ màu Boóc-đô của cô gái chiều chiều thường cứ dạo qua thao trường chúng tôi tập luyện. Cao Dương Lê vốn là tay thông thái, hắn hiểu ngay ra “vấn đề”, liền hăng hái đi tìm “cái chấm đỏ” ấy. Chẳng hiểu vì sự nhiệt tình của Lê hay vì sợi dây vô hình nào kéo chúng tôi lại, mà tôi và Phượng (bây giờ thì qua Lê tôi đã biết tên em) thân nhau như đã từng thân nhau từ kiếp trước vậy. Trong những đêm hẹn hò sau đó, Phượng cứ nhìn tôi bối rối:

- Eo ơi, sợ sợ là! Đến giờ em vẫn chưa hết rùng mình. Vì em mà các anh bị quân xanh bắt. Dưng mà bữa đó nếu không có anh thì... Eo ơi..!

Những đêm như thế, Phượng thường đọc cho tôi nghe bài thơ: “Cuộc chia li màu đỏ”. Em dịu dàng nói với tôi rằng, em rất thích bài thơ này. Rằng đó là bài thơ về tình yêu người lính, về hy vọng và cả khát khao nữa. Tiếng em ngọt ngào bên vai tôi: “Ngày mai sẽ là ngày sum họp”, phải không anh?”.

Thời gian qua nhanh. Những cành phượng sân trường đã lốm đốm đơm những cánh hoa đầu mùa. Đơn vị tôi chuẩn bị lên đường. Đêm chia tay em, trăng trung tuần trong vắt. Phượng mặc chiếc áo màu Boóc-đô, khuôn mặt em trắng ngần, ngỡ như ánh trăng tỏa ra từ gương mặt em. Tôi vuốt nhẹ mái tóc mềm mại của em, nói đứt nối:

- Mai anh đi rồi. Chiến tranh...nếu sau này anh có điều gì...Em có...?

Phượng đưa bàn tay âu yếm bịt miệng tôi lại không cho nói tiếp. Đôi vai em rung lên nhè nhẹ trong tiếng nấc:

- Con gái Việt Nam mình không dễ quên lời nguyền đâu anh! Anh đã để lại cho em một kỷ niệm kỳ lạ, một tình yêu đủ cho em mang theo suốt cuộc đời. Em sẽ chờ...! “Ngày mai sẽ là ngày sum họp” mà anh!

Cho tới bây giờ, khi đã thành vợ, thành chồng, bàn chân lính trận của tôi đã lội gần hết mặt đất dưới vòm trời này, tôi vẫn không quên được đêm trăng ngọt ngào ấy. Đồi sương trăng mênh mang. Đôi mắt em nhìn tôi bỏng rát. Nụ hôn đầu đời của người con trai tôi đã gửi cho em ở đó. Mái tóc Phượng xõa tung, bay rối trong gió Lào, nồng nàn hương bồ kết làm cho tôi như nghẹt thở. Khi tiếng gà trong làng đã eo óc gáy, chúng tôi mới bịn rịn chia tay nhau. Em ngượng ngùng trao cho tôi chiếc mùi-xoa trắng. Tôi bồi hồi mở ra xem. Đó là một bông hoa phượng ép trong tờ giấy bóng kính và bài thơ “Cuộc chia li màu đỏ” của Nguyễn Mỹ em chép bằng mực Cửu Long. Cuối bài thơ thay vì chỗ đề ngày tháng là nét chữ nắn nót: “Em đợi anh về!”

Hôm sau, đại đội tôi hành quân vào chiến trường. Trong trận đánh cứ điểm Cồn Tiên, chúng tôi vừa hành quân đến vị trí tập kết thì một chiến sĩ bộ binh đi cùng luống cuống thế nào vướng phải dây mìn sáng. Mỏ vịt mìn vừa bật đánh “tách”, không còn thì giờ để suy nghĩ, tôi lao tới giật chiếc mũ cối của người lính ấy chụp lên quả mìn, rồi nằm đè lên. Luồng lửa mìn sáng phụt vù vù xuống đất nung chín cả phần bụng và phần bẹn của tôi.

Sau khi về Quân y viện 4 điều trị lành vết thương, tôi được về đoàn 70 an dưỡng. Đoàn an dưỡng này cũng đứng chân ở huyện Hương Sơn cách nơi Phượng dạy chỉ chưa đầy 5 cây số. Bác sĩ bảo phần ruột bị bỏng nặng của tôi đã được cắt bỏ, đã ổn. Nhưng với giọng không vui, ông nói thật với tôi rằng, có thể tôi khó còn được hạnh phúc làm cha. Tôi chán nản vô cùng. Suốt gần một năm ở đoàn an dưỡng, dù rất gần nhau, tôi giấu biệt tung tích mình, không hề viết lá thư nào cho Phượng. Nhiều lúc tôi tự nhủ mình cố quên em đi, nhưng không thể nào quên được. Những lúc ấy, tôi lại ngơ ngẩn đọc thầm bài thơ và đưa đóa hoa phượng ép vào ngực mình. Giữa năm 1975, Cao Dương Lê bị thương ở căn cứ Mai Hắc Đế, Buôn Ma Thuột cũng về đội an dưỡng với tôi. Lê nhiều lần hỏi về Phượng, tôi chỉ ậm à cho xong chuyện. Sau nhiều đêm không ngủ, đắn đo mãi, tôi nhờ Lê viết hộ cho Phượng một lá thư nói dối rằng tôi đã hi sinh. Kèm theo thư, để cho Phượng tin, tôi còn nhờ Lê gửi kèm theo bông hoa phượng và bài thơ “Cuộc chia li màu đỏ”, nói rằng đó là kỷ vật cuối cùng của tôi. Cao Dương Lê săm soi nhìn tôi, nét mặt rất đáng nghi, gật gù:

- Tao nói thật, mày nhờ viết thì tao viết. Mày nhờ gửi thì tao gửi. Tao là bạn của mày mà, từ chối thế quái nào được!

Ngày qua đi. Đêm qua đi. Tôi sống trong thắc thỏm của tâm trạng một kẻ phản bội. Tại sao tôi lại gửi trả bông hoa phượng và bài thơ mà Phượng đã trao cho tôi? Bông hoa và bài thơ không đơn giản là một kỷ niệm, mà đã trở thành một lời hẹn ước, mà không, đó là một lời thề nguyền! Bao năm nay tôi đã giữ gìn, nâng niu kỷ vật ấy cả trong những lúc sinh mạng tôi khó có thể giữ được. Ấy vậy mà...!

Sáng ngày thứ ba kể từ ngày tôi nhờ Lê viết thư đi, đột nhiên cậu ta đến tìm tôi. Không nói không rằng, hắn lôi tôi đi xềnh xệch. Đến cửa phòng tôi ở, Lê dừng lại. Hắn sửa sang quần áo, trịnh trọng đưa tay ép vô ngực, cúi gập mình y chang kiểu chào của giới quý tộc tôi vẫn thường thấy trên phim. Rồi Lê từ từ mở cửa. Trong căn phòng nhỏ hơi tối, một người con gái mặc chiếc áo Boóc-đô như một chấm lửa đang đứng tần ngần. Tôi sững sờ:

- Trời ơi... Phượng!

Phượng giang tay nhào về phía tôi, đôi mắt em nhòe ướt. Em lắp bắp, nghẹn lời:

- Đọc thư anh Lê... em biết cả rồi! Anh không... thương em sao... mà làm thế?

Cao Dương Lê vung hai tay, bước đều đi đến trao bông hoa phượng và bài thơ cho chúng tôi. Giọng hắn véo von: “Sẽ tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp”, rồi Lê nở một nụ cười mãn nguyện. Lạy trời, trong cuộc đời lính trận của mình, tôi chưa từng thấy nụ cười nào “vô duyên” đến thế!

                                                                                                          N.X.D

. . . . .
Loading the player...