06-12-2024 - 00:39

Truyện ngắn “Ký ức Paracel” của Nguyễn Trung Tuyến

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Ký ức Paracel” của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

Thạch về đến nhà khi gà đã le te gáy sáng. 

Thu xô cửa nhào ra ôm ghì thân hình tiều tụy, đôi mắt hốc hác âu lo mệt mỏi của chồng. Lắp bắp hỏi: 

- Mình ơi! Mấy tháng nay em đứng ngồi không yên. Mình! Sao mình được về?! - Tay lóng ngóng cởi tay nải cho chồng, nước mắt dàn dụa:- Em mừng quá! Mình! Có sao không mình ơi?! 

Thạch ra hiệu vợ nói khẽ để con ngủ. 

Chẳng kịp thay áo quần. Gợt bấc ngọn đèn dầu lạc cho thu nhỏ ánh sáng lại chỉ đủ hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt xanh xao. Hai vợ chồng đi đến các phòng ngắm nhìn bốn đứa con đang giấc ngủ sâu - Chung, Tứ, Đàn, Vinh. Vợ chồng dừng lại ngắm đứa con út thật lâu - Vinh mới ba tuổi. Nhìn giấc ngủ của nó đã thấy nhọc nhằn tội nghiệp - thân hình gầy queo, đầu ngoẹo một bên, hai tay nắm chặt, hai chân bắt quéo như bị trói. Anh khẽ hôn lên tóc mỗi đứa. Lâu lắm rồi người mẹ mới được cảm nhận mùi thơm mồ hôi con trẻ quyện mùi mồ hôi nồng mặn phong sương của chồng. Căn nhà dậy lên thơm ấm thiêng liêng tình phụ tử. Thạch bế út Vinh lên hôn rồi đặt xuống sửa lại tư thế nằm tử tế cho con.  Anh dắt tay vợ trở về buồng riêng. Thu ấp tay lên giữ chặt lấy con tim lâu ngày bị giam hãm trong âu lo trở đã nên yếu đuối, chị sợ hạnh phúc đến quá bất ngờ làm cho nó đập mạnh mà vỡ ra chăng! 

*

Những ngày cuối năm 1940 âm lịch, anh em  lính đồn Lơ ghim- Kim Nhan ngồi đâu cũng bàn tán chuyện lính khố xanh Nghệ An sắp bị điều động sang Lào làm bia đỡ đạn cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa Pháp với Thái Lan. 

Đang bán tín bán nghi thì ngày 08 - 1 - 1941, ông Đội Cung từ Vinh bị điều lên đồn Chợ Rạng thay cho đồn trưởng A lông giô người Pháp. Vậy là lời đồn đoán đã rõ - chúng bắt anh em lính An Nam sang Lào làm bia đỡ đạn thay cho người Pháp thật rồi. Cuối năm, giữa căm căm gió rét, niềm bi phẫn nóng sôi trong lòng những anh lính đánh thuê xa nhà.

Ngồi đâu họ cũng nói với nhau những lời đại loại rằng:   

- Chúng ta không sợ chết nhưng những ngày giáp Tết này chúng bắt sang Lào chết thay cho chúng thì thà chết trên đất mình chắc mười phần còn hơn. 

Ông Đội lên thay A lông giô được 5 ngày thì ngày 13 - 1 - 1941 diễn ra cuộc binh biến Rạng - Lường. Anh em theo ông Đội lên kế hoạch cắt hết dây liên lạc rồi chia làm hai nhóm, một nhóm bất ngờ kéo đến giết tên Bạch tri phủ Đô Lương, giết đồn trưởng Rô sai. Nhóm  hai về đồn Rạng giết đồn trưởng kiểm lâm Lô đa gia, cướp xe ô tô rồi cùng 25 đồng sự  kéo về Vinh giết thanh tra, công sứ, phó công sứ Pháp ở Vinh. Họ đồng lòng hăm hở thực hiện kế hoạch binh biến. Ngày 13 - 1 đang khuấy đảo ở Đô Lương thì ngày 14 - 1 - 1941 đã xuất hiện trước cổng trường Quốc học Vinh. Họ chia các nhóm và hành sự theo kế hoạch đã định liệu.   

Cuộc binh biến bất thành. Ngày 11 - 2 - 1941 ông Đội bị bắt tại nhà Tống Gia Liêm gần Cổng Chốt. Cai Vị, cai Á cùng các đồng sự của ông Đội dần dần bị Pháp bắt.

Ngày 20 - 2 - 1941. Ở Hà Nội, Pháp mở phiên tòa đại hình xét xử 51 người lính khố xanh tham gia binh biến Đô Lương với: 11 án tử hình, 12 án chung thân, 2 án 20 năm tù khổ sai, 7 án 15 năm tù, 1 án 12 năm tù. Ngày 25 - 4 - 1941 thực dân Pháp thi hành án tại 3 địa điểm: Vinh, Chợ Rạng và Đô Lương. 

Đoàn tù gây binh biến Rạng -  Lường chịu án 15 năm tập trung tại ga Vinh rồi lên tàu vào Sài Gòn và họ sẽ nhập với các đoàn tù khác cùng lên tàu thủy ra đảo.

Thạch nhìn về quê lòng đau như cắt. Từ đây về nhà khoảng 18 km thôi, cơ hội mong manh này có thể giúp anh gặp vợ con lần cuối hoặc là không bao giờ được gặp nữa.  

Anh trao tất cả số tiền dành dụm cho người lính áp giải.   

Nhận tiền. Người lính áp giải nói: 

- Được. Tôi cho anh về nhà từ tối nay. Chiều mai anh phải có mặt ở đây để lên tàu. Biết rồi đấy. Nếu trốn tù thì Đại Pháp giết cả họ nhà anh! 

- Tôi biết điều đó - Thạch trả lời. 

Trời nhá nhem, cởi áo tù cải trang trong bộ đồ lính khố xanh nhàu nhĩ, anh vội vã chạy về nhà. Vừa chạy  vừa lo tính trăm bề. Lo từ Vinh về quê đò giang cách trở, về khuya không may lỡ chuyến đò. Bụng bảo dạ - phải vượt sông Lam khi đang có thể nên càng cố chạy nhanh hơn nữa. Anh động viên đôi chân đói khát: “Cố lên! May còn kịp chuyến đò!”. Vừa chạy vừa tiên liệu cân nhắc mọi tình huống tính thật thấu đáo để dấu cái án tù của mình.15 năm lưu đày thì cũng coi như đã chết. Đành thế, nhưng còn cha, mẹ, vợ, con, anh em, bà con thông gia làng xóm nữa? Nếu không khéo léo che đậy để lộ cái án 15 tù ra thì có cơ cả nhà anh cũng bị liên lụy tan nát theo. Anh cân nhắc thật kỹ lưỡng nói sao cho ai cũng tin anh về lần này là chào mọi người rồi ra đảo theo điều động của việc binh.

Minh họa: LAN ANH

Để khỏi quên, thỉnh thoảng anh lẩm nhẩm - “Paracel  Paracel  Paracel! Ừ! Đúng thế! Paracel Paracel  Paracel !”

Thu ôm riết chồng, thổn thức: 

- Gần đây hương lý, seo mõ rao khắp làng trên xóm dưới tin lính khố xanh Rạng Lường nổi lên làm giặc bị Đại Pháp và triều đình bắt và giết sạch. Buổi chợ nào người ta cũng xì xào kể nhau nghe lính phản loạn chịu tra tấn hành hình đủ kiểu rùng rợn như móc mắt, lột da, mổ bụng, moi gan, phanh thây, xẻo thịt. Người ta còn nói với em là anh cũng tham gia vào đám giặc ấy, đã bị tử hình rồi! Từ ngày có hung tin, em lo lắng, sợ hãi vô cùng. Đêm đêm nằm ôm con hình dung thân xác anh đày đọa thê thảm là em khiếp đảm, kinh hoàng.  Anh ơi là anh ơi! - Thu khóc rung rúc, nước mắt dàn dụa trên ngực chồng. 

Thạch vừa thương vợ vừa lo sợ cảnh giác đưa bàn tay sần chai lau nước mắt vợ, vỗ về an ủi: 

- Mình! Đừng khóc, khẽ thôi, kẻo đánh thức các con!  

- Dạ! 

Vợ chồng lâu ngày gặp lại. Sau ân ái và khi Thu đã bình tâm, Thạch thì thầm nói với vợ: 

- Họ nói gì kệ họ! Em đừng tin những lời người đời đồn thổi thêu dệt làm gì, họ có thể biến những chuyện không thành có, chuyện bé xé ra to là sự thường. Thật ra thì cũng có cuộc binh biến. Cũng vì những ngày giáp Tết anh em binh lính ai cũng nóng lòng mong sớm được về nhà sum hợp gia đình vui Tết đón xuân nhưng bỗng hay tin bị điều động sang Lào. Chốn rừng thiêng nước độc, xưa nay sang Lào thì có mấy ai về? Thân phận người lính đánh thuê bị dẫn đến chỗ chết khi mà năm hết Tết đến nên tâm tư càng thêm phẫn nộ. Vậy đấy! Bị dồn ép đến bước đường cùng, bi phẫn lên cực độ nên họ bàn với nhau làm một cuộc sống mái. Họ tính nếu Trời cho sống thì được sống nhược bằng bắt chết thì chết trên đất mình chứ không chịu đi làm bia đỡ đạn rồi bỏ xương nơi đất người. Vậy nên sinh ra sự binh biến. Mọi chuyện đã dẹp yên cả rồi. Thời gian gấp nên anh chỉ bàn chuyện của nhà mình. Anh về lần này kịp thu xếp vài việc, mai anh phải đi.   

Thu nằm bên. Lặng nghe như khắc vào xương từng câu nói của chồng. 

Anh thầm thì: 

- Mình ạ, binh biến cháy thành vạ lây, anh cũng bị điều đi nơi khác. Tiếc là chỉ còn ba năm nữa thì mãn hạn lính. Mình đi lính đã được mười bảy năm rồi bây giờ trả thẻ mà về tay không thì thiệt quá. Về lúc này cũng không biết làm gì kiếm sống và nuôi vợ con. Vẫn biết, anh đi xa thì ở nhà mẹ con sẽ khổ nhưng đành cố gắng cho được ba năm nữa, đủ hai mươi năm được nghỉ hưu khi đó sẽ có đồng lương hưu, nhà mình đỡ khổ. 

Sau những tháng ngày âu lo nghẹt thở giờ được nghe lời tâm sự của chồng, Thu giống như cái cây chết héo hồi sinh. Chị tưởng tượng gia đình chị sau ba năm nữa chồng mãn hạn trở về đẹp như giấc mơ. 

Chị thủ thỉ: 

- Đành biết sao được! Trăm sự mẹ con đều trông cậy ở anh! - Một ý nghĩ vui vui, Thu thầm thĩ: - Kể ra nhà mình bây giờ cũng có phần mát mặt, hai gái lớn Hương và Xuân thì đã gã về nhà khá giả. Ở nhà  còn song thân với năm mẹ con. Ba năm anh đi, em sẽ cố xoay xở nuôi cha mẹ già, các con thơ. Hai đứa Chung, Tứ đã lớn, em bày cho con dệt vải, đến mùa thì đi mót khoai, mót lúa kiếm dặm thêm. Đàn với Vinh nay tuy bé nhưng năm sau thì Vinh đã 4 tuổi, Đàn 7 tuổi, anh em có thể dắt nhau đi chơi được rồi để mẹ chạy chợ buôn thúng bán mẹt đắp đổi qua ngày. Em tính thế  cũng là tạm ổn. Anh về,  khi đó có lương hưu, mình sẽ lợp lại mái nhà, cho Chung sang Vinh học trường Quốc học, Tứ đi lấy chồng, Đàn và Vinh cũng lớn rồi. Đến khi đó vợ chồng mình sẽ đỡ vất vả, anh nhỉ! 

Thạch nhìn lên mái nhà tranh dột lỗ chỗ. Vỗ về an ủi vợ, khẽ gật đầu:

- Ừ! Em ở nhà chịu khó mới được! Anh đi rồi, ở nhà trông cậy tất cả vào em!

 Chị ôm riết chồng hờn dỗi:

- Sao anh nói như báo điềm gỡ thế? “Một lời là một vận vào khó nghe”! Sao lại là “anh đi rồi”? Anh hứa anh đi rồi sẽ về với mẹ con nhé! Em sợ mất anh !

- Ừ, anh hứa!...

Ngoài sân đã sáng nhờ nhờ. Trên cành xoan trụi lá, mấy con dơi kêu thất thanh vì tiếc đôi chùm quả xoan nặng sương rơi lộp độp. Chúng cố bấu vào những chùm quả vàng ủng còn sót lại hút chút nước cuối cùng để  kịp bay đi khi ngày đang đến. 

Không dấu được tâm tư, giọng anh như lời trăng trối. Anh nói tiếp: 

- Vì việc binh, anh phải đi xa. Ở nhà mọi việc sao được trong ấm ngoài êm đều trông cậy cả vào em- Anh thở dài:- Không biết cơ vận sẽ vần xoay thế nào! Anh bị điều ra đảo xa em ạ! Đảo Pracel.

Chị níu chặt ngực chồng, hỏi:

- Pracel? Tên lạ quá! Pracel là ở đâu?

Anh giải thích: 

- Pracel là quần đảo rất xa đất liền, nó nằm giữa biển Đông còn gọi là Hoàng Sa. Quân lệnh như sơn, không trễ nãi được, anh cùng anh em ra đảo trên cùng một chuyến tàu. Là việc hệ trọng nên ở nhà nếu ai hỏi anh đi đâu thì mẹ con cứ nói như vậy. Trưa nay, mình làm mâm cơm cáo với tổ tiên cũng là làm bữa cơm chia tay. 

Bằng linh cảm của người vợ, Thu nhận ra anh đang giấu sự thật gì đó chứ không phải như anh nói. Chị cảm giác bóng đêm đang phủ lên mái nhà mình nhưng không dám gượng hỏi. Chị ngoan ngoãn đáp: 

- Dạ!

Anh thấu hiểu và cảm nhận được tiếng “dạ” đau khổ cam chịu bất lực của vợ.

Để chồng chợp mắt, chị rón rén dậy ngồi bên mép giường nhìn chồng nằm ngủ. Vẻ mệt mỏi căng thẳng tột độ, đôi mắt nhắm nghiền ép nước mắt rỉ ra lăn xuống gối, râu ria bơ phờ lởm chởm, mái tóc quăn phong trần, xương quai hàm bạnh ra, hàm răng nghiến chặt, bàn tay sần chai bấu chặt mép giường… là hình ảnh người chồng mà chị được nhìn lần cuối cùng trong thương đau. Toan ôm ghì chồng lần cuối thì Thạch hốt hoảng giật mình ngồi bật dậy nhìn trời đã tang tảng sáng.

Chị an ủi:

- Anh chợp mắt thêm chút nữa.

Vợ khuyên, Thạch héo hắt như cây chuối già lại đổ gục xuống.  

Nhân khi chồng đang ngủ, chị đánh thức các con dậy. 

Chị cố tỏ thái độ để các con biết điều chị nói với các con là rất hệ trọng. Trong cái rét Nàng Bân khô lạnh, chúng nhìn ánh mắt mẹ lạnh lùng nghiêm khắc khiến cho đứa nào cũng run cầm cập. Chúng nghe như nuốt từng lời của mẹ. Chị nói với các con những điều anh đã căn dặn. Mấy đứa đồng ý với mẹ bằng những lời "vâng vâng", "dạ dạ" rất khẽ.  

Chị nói tiếp: 

- Các con không được làm ồn để cha ngủ. Trưa nay nhà ta làm bữa cơm chia tay để chiều cha ra đảo Paracel. - Chị nhắc lại:- Cha đi ba năm mới về. Đẻ ra chợ, Tứ ở nhà trông em, Chung và Đàn chạy lên nhà hai chị mời các anh các chị trưa về dùng bữa. Các con phải nhớ tất cả, nhé! 

Thu cắp mủng ra ngõ, Đàn còn gặng hỏi theo: 

- Đẻ ơi! Paracel là chi hè? 

Thu quay lại giải thích dặn dò lần nữa: 

- Là đảo ngoài biển khơi. Cha ra đi làm đầu bếp ba năm ngoài đó. Thế thôi. Ai hỏi thì cứ nói thế! Các con phải nhớ!   

Lâu rồi cha mới về, lại được đến nhà các anh chị mà không bị mẹ ngăn cấm. Mẹ thường nói: - Hai chị làm dâu nhà giàu, không được đến các chị chơi nhiều vì người ta tưởng rằng các con đói khát đến cầu cạnh thì họ khinh các chị. Thế nên dẫu nhớ các chị, hai đứa cũng không dám mò đến. Hôm nay thật hãnh diện đến nhà mời các anh các chị về ăn cơm chia tay với cha nên Chung và Đàn sướng như mở cờ trong bụng. Mẹ vừa ra khỏi nhà thì hai đứa cũng như hai con chó con lao nhanh ra cửa. Vừa chạy được một thôi đường thì máy bay Pháp lao đến ném bom xuống làng Tiên Điền. Hai anh em thấy những tiếng nổ cùng khói bom cuồn cuộn bốc lên phía sau nhà thờ Nguyễn Du. Lửa trùm lên những mái nhà, những ngọn tre. Tiếng nổ bùm bụp của ống tre, ống luồng trong lửa cháy nhà bung ra những bụm lửa, khói hất tung tàn tro bay loạn xạ lên trời. Tiếng người la thét sặc sụa trong mùi khét lờm lợm của thuốc bom khiến hai đứa trẻ khiếp đảm. Chúng chui vào cống Bà Thông sợ hãi run như cầy sấy. Khói bom tan, hai đứa chui ra khỏi miệng cống nắm tay nhau chạy thục mạng báo tin cho các anh các chị. 

Bữa cơm chia tay. Tâm trạng người lớn buồn như đưa đám. Mấy đứa trẻ tranh nhau ăn, con trẻ cười nói vô tư cố chống lại một cách yếu ớt không khí u ẩn nặng nề bao trùm căn nhà nhỏ. Trẻ nhỏ càng vui cười lại càng khiến gia cảnh thêm não nề. 

Trước khi từ biệt, Thạch nắm tay và nhìn sâu vào đôi mắt vợ. Không nói với nhau điều gì. Thấu hiểu cả rồi. Rời tay chồng, Thu nhìn theo, bật nước mắt.   

*

Năm 1945. 

Ra giêng, mây xám xập xè chiều lạnh. 

Xuân nằm còng queo giữa gánh cói non mà cả ngày chị kéo mấn lội khắp bãi sông bùn ngập bẹn chọn từng cây. Chị biết tính mẹ, một cây cói già lẫn vào thì sẽ vứt luôn cả gánh cói non. Cả ngày lội khắp bãi sông chị cắt được gánh cói đầy. Chị gánh về cùng hy vọng sẽ đổi được bát cháo. 

Ấy là chiều qua thấy con dâu đói nên mẹ chồng nói với con dâu ra bãi sông cắt cói về mẹ mua cho. 

Thế nhưng khi nhìn kỹ gánh cói mẹ chồng chê cói già bò không ăn được. Mẹ không mua nữa.  

Chị đang nằm nhai nhai sợi cói thì Vinh - đứa em út ở đâu đến đứng trước mặt. Xuân nhìn đứa em út gầy dơ xương. Thương em mà chị không gượng dậy được.   

Đói quá, Vinh tính đánh liều lên nhà chị. Tưởng lên chị cả kiếm bữa ăn nhưng thấy chị cũng sắp chết đói.

Hai chị em nhìn nhau…

Thấy tình cảnh chị, Vinh bất lực, đổi ý, Vinh thều thào nói với chị:

- Em đến chào chị. Em đi kiếm cái ăn. Mai đây nếu còn sống thì em về tìm chị!  

Xuân nhìn theo bóng đứa em út khuất vào ngõ rẽ rồi nấc lên.       

Thương mẹ, thương cha, thương đàn em, thương mình… buồn tang tóc. 

*

Từ ngày Thạch ra Paracel tính đã bốn năm.

Đến năm 1945 - năm Ất Dậu thì Thu không thể gắng gượng thêm được nữa. Chị đã kiệt sức, bất lực buông chèo mặc con thuyền nát giữa mùa bão tố. Gia đình tan nát, con cái ly tán mỗi đứa một phương trời. Từ ngã ba Gia Lách, mấy đứa con của Thu: -Tứ thì đi vào phương Nam, Đàn thì đi ra phương Bắc. Chiều nay Vinh lên chào chị cả để tha phương cầu thực. Nhà Thu không còn gì để mất nữa. 

Mùa xuân nay, từ "an toàn khu" - chiến khu Việt bắc xưa - bầu đoàn thê tử cháu chắt nội ngoại cụ Đàn dắt díu nhau về cố hương làm lễ mừng thọ.   

- Mừng thọ thì Cụ phải vui sao Cụ lại khóc ? - Thằng cháu thấy ông xúng xính trong bộ khăn đóng áo dài lụa đỏ, râu ria bạc trắng như cước mà khóc rung rúc như đứa trẻ nên hỏi thế.

Nghe cháu hỏi, cụ khóc to hơn.

Cụ mếu máo trong nước mắt: 

- Sau bao năm lưu lạc giờ về lại nơi mà cách đây 80 năm cha ra đảo Pracels. Sau ngày cha đi thì tan cửa nát nhà, anh em ly tán mỗi đứa một nơi góc bể chân trời. Út Vinh đi kiếm ăn nơi đâu mà mãi đến giờ vẫn chưa thấy em về! 

Ký ức đau thương của ông làm tim nó buốt nhói. 

Đứa cháu an ủi: 

- Ông đừng nhắc chuyện buồn nữa. Năm ấy cả nước hơn hai triệu người chết đói, ông ạ! - Đứa cháu lại hỏi: - Ông ơi! Ông còn nhớ quần đảo Paracel bây giờ gọi là quần đảo gì không? 

Giương đôi mắt đục đờ mệt mỏi nhìn xa xăm, ông lắc đầu: 

- Ông nhớ trước khi chia tay, cha nói cha ra đảo Pracel. Cha đi ba năm rồi về. Chờ mãi không thấy cha về nữa. Nhà ta điêu tàn. Ông ra chiến khu Việt Bắc. Rồi được sống, có vợ, có đàn con cháu bây giờ, trong đó có thằng bố của cháu đấy! 

Chuyện này thì từ ngày thơ ấu ông đã kể bao lần, nó đã biết chuyện cuộc đời của ông nội từ khi nó chưa biết chữ.

Đứa cháu giải thích: 

-  Quần đảo Pracel còn có tên gọi quần đảo Hoàng Sa đấy ông ạ!   

Ông nhìn cháu, nở nụ cười già nua hồn hậu: 

- Ừ! Thế đấy! Hoàng Sa, Trường Sa… ông chỉ nhớ Paracel thôi! Ngày ông còn thơ dại, cái tên Paracel mòn mỏi cùng nỗi mong đợi cha về, ông không quên được cái tên Paracel cháu ạ!  

Đứa cháu nhìn ông, thầm thốt lên: “Chao ôi! Paracel... Trí nhớ của người già!  Paracel cùng ký ức ấu thơ bão táp đã mặc định trong máu thịt của ông nội”

N.T.T

. . . . .
Loading the player...