01-03-2018 - 15:42

Tùy bút ĐƯỜNG HOA của Lê Văn Vỵ

      Qua cầu Trưng là cửa ngõ Sơn Kim 2. Chạm vào Kim Bình, Chế Biến đã là con đường hoa. Hoa được trồng lúc nào mà bây giờ đã chúm chím khoe sắc. Hoa hồng nhung đỏ thẩm thoang thoảng tỏa hương. Cúc vạn thọ khiêm nhường khoác màu cà sa tươi tắn. Hoa mặt trời nhuộm tím. Thi thoảng bên hàng rào xanh điểm xuyết những bông hoa dâm bụt rực rỡ. Có thể những người dân ở đây có giống hoa gì thì mang trồng hai bên đường, cho nên trong bức tranh tổng thể thiếu đi cái nhất  quán, nhưng lại được cái phong phú, đa dạng, muôn màu.

       Tôi đã đến thôn Công Thương, An Sú của xã Sơn Kim 1 ngơ ngẩn với hoa Chiều tím. Những luống hoa chiều tím được trồng dọc hành lang vào thôn vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã tạo nên một điểm nhấn đặc biệt. Đang là mùa đông, trời u ám, liu riu rét, nhưng loài hoa Chiều tím vẫn chắt chiu nở muộn cho con đường những bông hoa phơn phớt  thủy chung.

Loài hoa Chiều tím bên đường

       Đã có lần, trên những đại lộ thành phố hoa Đà Lạt,  lòng tôi chợt mơ về tương lai không xa quê tôi sẽ có những con đường hoa rực rỡ sắc màu thơm hương trời đất. Điều mơ ước ấy đã hiện hữu dọc hai bên đường làng quê của xã miền núi biên giới Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2. Hiện hữu mà vẫn như một giấc mơ. Giấc mơ có thật. Là bởi vì, ngày xưa nói đến những địa danh như nước Sốt, Rào Mắc, Rào Tre, Khe Chè, Khe Tre, Thượng Kim là gợi đến những nơi “rừng thiêng, nước độc”. “ Rừng vàng, bọ chó, gió Hà Trai”. Ngày xưa chỉ có những người dân miền xuôi nghèo khổ mới  tìm đến núi rừng hiểm trở để mưu sinh. Những con đường lên núi là con đường “xẻ thịt rừng xanh”. Con đường đất đỏ ba zan sống trâu, khai tử những cánh rừng. Xe lồng cộ, trâu bò nối đuôi nhau. Người ùn ùn vào rừng. Gỗ ngổn ngang chất thành bãi.

       Hoa dại, bạt ngàn hoa dại. Hoa chạc chìu, hoa linh vang, hoa dẻ, hoa chuối, phong lan rừng nở buông bên suối. Rừng Sơn Kim nổi tiếng với phong lan hoang dã. Dưới đất, cơ man là hoa cỏ. Hai bên suối Rào Tre, bãi Đượng Giang hoa mua tím biếc và hoang hoải xuyến chi. Chỉ có hoa tàu bay mọc hai bên bãi sông là quen thuộc. Cụ Nguyễn Văn Mười người đã sống trên 1 thế kỷ ở thôn Công Thương  nhớ về ngày Ba tháng Tám, nhớ về những năm đói quay đói quắt, cả làng sống nhờ  rau tàu bay và rau má. Hoa tàu bay mọc ven bờ bãi, chỉ cần một cơn gió nhẹ là những cánh hoa thả dù bay đi khắp nơi. Hoa tàu bay rơi xuống đâu là mọc lên cây tàu bay đến đó, nhất là những vạt đất vừa khai hoang, những bãi bồi. Rau tàu bay cứ vậy mà xanh tốt mà sinh sôi nẩy nở. Rau tàu bay, luộc chấm muối. Rau má băm nấu cháo. Nhờ vậy mà dân làng đi qua được những năm đói khát. Khi bụng đói quay đói quắt,  mắt vàng mắt xanh thì hoa có nở trước mắt, dưới chân, lấy sức hơi đâu mà để ý. Nhưng bây giờ, những người lao động ở xã miền núi biên giới này đã bắt đầu có thú chơi hoa.  Hoa  trồng không chỉ ở nhà mình mà còn cả những nơi công cộng. Hoa mọc trong vườn, trước ngõ, hoa khoe sắc nơi hội quán. Trường học, Trạm xá, Ủy ban đã bắt đầu: “ Hoa chăm có xén, lối phẳng cây trồng”.

Không phải ngẫu nhiên mà người miền núi Sơn Kim bây giờ biết làm đẹp. Không chỉ đẹp người, đẹp nhà, mà còn đẹp  đường, đẹp cảnh. Khi cuộc sống áo cơm no đủ, khi xã hội phát triển, người ta có biết bao nhiêu là nhu cầu. Nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, nhu cầu thỏa mãn đời sống tinh thần là những nhu cầu chính đáng. Cho nên nhìn vào con đường hoa cũng phần nào hiểu được chất lượng cuộc sống của người dân ở nơi đây đã thay đổi. Những người dân một nắng hai sương không chỉ biết làm đẹp mà còn biết phát triển thương mại về cái đẹp. Vườn phong lan nuôi rồng trong nhà lưới với công nghệ phun sương tự động của gia đình ông Phan Xuân Cầu (thôn Chế Biến) tết này đã cho thu hoạch khẳng định hướng mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm của người nông dân Sơn Kim mà trước đây không ai dám nghĩ tới.

     Cũng không ai dám nghĩ tới có một ngày, nơi núi rừng thâm u này lại đường ngang đường dọc như ô bàn cờ không đường nhựa thì cũng bê tông, cho nên đi tuần tra không ô tô thì cũng xe máy . Tôi đã có dịp cùng bác Anh- Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 2 đánh xe lên tuyến đường tuần tra biên giới.Từ thôn Chế Biến dừng lại ở Lâm Nghiệp 3 chỉ mất 13 phút. Những con đường khi uốn lượn quanh đồi chè, khi đi qua những rừng cây  xanh  biếc. Mà chẳng phải riêng gì đường đến vườn Quốc gia Vũ Quang. Lên nước Sốt, vào Rào Àn, hoặc bạn lên ô tô từ Hà Trai ngược biên giới Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, hai bên đường, rừng đã tái sinh. Chả thế mà, năm 90, đường Quốc lộ 8A được xếp là một trong những con đường Quốc lộ đẹp nhất Việt Nam, có lẽ do con đường này uốn lượn giữa màu xanh tít tắp của núi non trùng điệp.

Nhưng giải bài toán về rừng đâu phải đơn giản. Nhân dân Sơn Kim 1 dưới sự lãnh của Đảng đã biết phát triển chăn nuôi, trồng trọt để không “ăn vèn” vào rừng. Lá từ rừng chăn nuôi hươu, cỏ chăn nuôi trâu bò, khe suối, hồ đập nuôi cá. Bạt ngàn rừng. Mùa nào cũng có hoa dại nở là điều kiện thuận lợi để nuôi ong. Măng, nấm, rau sạch từ rừng là những thứ có thể khai thác phục vụ cuộc sống thường ngày.

Những cư dân định cư dọc trục đường 8A hay các ngã Ba, ngã Tư như  thôn Chế Biến, Kim Bình, Công Thương, Kim Cương thì bung ra mở ốt kinh doanh phát triển thương mại dịch vụ. Hàng ngàn nông dân được học nghề, nhờ  đó mà mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đó là cách mà Sơn Kim 1 lo được cái ăn cái mặc để dành rừng cho con cháu mai sau.

Còn đến với Sơn Kim 2, cây chè đã lên ngôi. Chè trước nhà, sau vườn, chè trên đồi, dưới bãi. Đượng Giang trước đây quảng canh ngô, khoai, sắn đã nhường chỗ cho chè nguyên liệu. Những người nông dân ở đây đã hợp đồng với Xí nghiệp chè Tây Sơn sản xuất chè theo quy trình Vietgap.  836 hộ ký hợp đồng với trên 1000 lao động trồng chè có việc làm thường xuyên thu nhập từ 7 triệu đến 15 triệu đồng tháng. Chè với Sơn Kim 2 không chỉ là “cây xóa đói giảm nghèo” mà còn là “cây nông thôn mới”. Chè đã giúp Sơn Kim 2 xây dựng nông thôn mới bền vững. Cho nên đồng chí Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn nói vui với tôi rằng: Những con đường hoa mà anh bắt gặp trên đường làng có duyên nợ với hoa chè. Ngẫm ra có lý của nó. Nhưng với ông Cụ Nguyễn Văn Mười; người đã đi qua 101 cái tết thì cần phải kể để cho con cháu hậu thế biết được con đường hoa thấm mồ hôi, xương máu của bao nhiêu thế hệ cha anh đi trước. Đó là những người cộng sản đã vào sinh ra tử, đã “nếm mật nằm gai” với núi rừng Kim Cương để gây dựng phòng trào, xây dựng cơ sở để năm 1945, Chi bộ Kim Cương ra đời lãnh đạo nhân dân phá tan xiềng xích đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Từ chi bộ Đảng chỉ có 3 người, được tôi luyện thử thách và trưởng thành qua hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đến nay đã có  Đảng bộ xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 đã trưởng thành với một lực lượng hùng hậu, tiên phong trong mọi cuộc cách mạng,  xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, nhân dân hạnh phúc với lý tưởng cao đẹp của Đảng. Vì vậy, Đảng là mùa Xuân của quê hương, đất nước là mùa xuân của mỗi con người. Cho nên, theo cụ Mười, con đường hoa không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn chứa đựng ý nghĩa ẩn dụ về con đường hạnh phúc mà Đảng mang lại cho nhân dân.

Mỗi làng quê không chỉ có những con đường hoa, mà mỗi chi bộ, mỗi thôn xóm là vườn hoa, rừng hoa, mỗi con người là bông hoa, nụ cười nở trên môi hoa rạng rỡ. Nói rồi cụ khe khe ngâm câu thơ của Tố Hữu: “ Bát cơm tấm áo, hương hoa, hồn người”

      Những chủ trương của Đảng về nông thôn, nông nghiệp và nông dân; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm lột xác Sơn Kim. Những dự định, ước mơ, những khát vọng ngàn đời của người dân lao động ở biên giới phía Tây Tổ quốc đã hiện hữu trong đời sống thường ngày. Con cháu của cụ Nguyễn Văn Mười, những thế hệ hậu sinh bây giờ nếu không là  chủ gia trại, trang trại, không là Giám đốc Công ty thì cũng Chủ nhiệm Hợp tác xã, lái xe ô tô đi làm, dám đầu tư làm ăn lớn, thoát ra nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế mà mở cửa làm ăn với bạn bè, tiếp tục kế bước cha anh, dệt nên những con đường hoa rực rỡ

                                                                                   Hương Sơn, Xuân 2018

                                                                                           LÊ VĂN VỴ

 

. . . . .
Loading the player...