18-01-2023 - 08:30

Tùy bút KHI ĐÀN CHIM TRỞ VỀ của Tác giả NGUYỄN THẠCH ĐỒNG

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Tùy bút KHI ĐÀN CHIM TRỞ VỀ của Tác giả NGUYỄN THẠCH ĐỒNG

NGUYỄN THẠCH ĐỒNG

KHI ĐÀN CHIM TRỞ VỀ

                                                                                                                                                                                             Tùy bút

                                                       Thương nhau nấu cháo cu kì.

                                   Giận nhau ngồi cội cây si nhớ người 

                                                                                   Ca dao

Cứ mỗi lần về thăm quê là câu ca dao đó lại ngân vang lên trong tôi. Kỳ Xuân quê tôi, dải đất hẹp nằm kề bên biển, ba bề núi biếc non xanh bao quanh những xóm làng hiền hòa tươi đẹp. Biển thì tôm hùm, mực ống, chim thu bù ngứa, tươi ngon bốn mùa. Rừng thì đủ muôn loài cây cối, muôn loài muông thú chim chóc. Đặc biệt hơn, Kỳ Xuân có chim Cu Kỳ, loài chim câu hiền lành này đã gắn bó với quê hương Kỳ Xuân từ xa xưa đến nay. Có lẽ từ khi có rừng, có biển thì nơi đây đã có chim Cu Kỳ.

Cu Kỳ là loài chim câu chỉ có ở dãy núi Hoành Sơn. Về tên gọi loài chim này có nhiều cách biểu đạt. Dân quê tôi thường gọi là Cu Kỳ. Bởi theo dân gian nôm na truyền lại thì quê Kỳ Anh có chữ đầu là Kỳ. Đất Kỳ Xuân có chim cu kì bay về nên được gọi là Cu Kỳ. Gọi thế thành quen. Đại ngàn xa xanh là xứ sở của chúng. Kỳ Xuân là chốn dừng chân, nghỉ cánh sau hành trình bay ngàn dặm. Không phải nơi đâu chim Cu Kỳ cũng bay về. Từ những cánh rừng, dãy núi xa xa, những trảng rừng mênh mông của dãy Tượng Lĩnh đến dãy núi Kỳ Đầu (Chóp Cờ) chúng mở cánh bay về phía biển. Chúng bay theo triền núi đá như để ngắm nhìn bức tranh thủy mạc hữu tình quê tôi. Từ xuân sang hè cho tới mùa thu, triền núi Chóp Cờ trăm loài hoa rừng đua nở. Đầu xuân mai vàng rực rỡ, chớm hè sim tím mênh mang. Những lũng hoa chuối đỏ tươi, những triền chạc chìu trắng muốt, giêng giếng vàng mơ, bông trang đỏ rực .v.v bừng lên trong nắng, kéo dài từ đỉnh núi đến tận mép sóng biển. Chính trong thời khắc này, từ trên cao, từng phi đội chim Cu Kỳ rẽ gió nghiêng mình chao liệng. Từ những đường bay nhanh từ xa, khi chạm đến khu vực Bãi Lài, cả đàn sà xuống gần sát ghềnh đá tung bọt trắng xóa.

Điều gì hấp dẫn chim cu kì để chúng chọn những triền đá sát biển từ mũi Tượng Lĩnh đến chân núi Chóp Cờ hạ cánh nghỉ chân. Vẽ đẹp nên thơ hữu tình của nơi đây chăng? Rất nhiều câu trả lời thú vị nhưng chưa thỏa đáng. Chỉ biết rằng, chúng sinh sống gắn bó với thiên nhiên, chúng thích nghi với đất đai, khí hậu, thời tiết ở miền quê này, dù có khi rất khắc nghiệt. Thuận với tự nhiên, chúng dựa vào thiên nhiên mà sinh sống, truyền đời và tồn tại. Nơi đây, trước kia, con người chưa khai phá đất rừng để làm nương rẫy, muông thú nhiều vô kể. Đêm đêm, từng đàn lợn rừng đêm xuống dắt díu nhau tìm đến những nương khoai, vạt sắn sát biển để kiếm ăn, mãi đến sáng tỏ mặt người mới kéo nhau lên núi. Chồn cáo, cầy nhím, chim chóc nhiều vô kể. Trên núi Chóp Cờ có bãi Bằng Sư bằng phẳng, rộng đến trăm ha, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi… lại có nước ngọt xứ biển Bãi Lài. Nước từ trên đỉnh Chóp Cờ qua mưa nắng ngấm vào tầng đất mát có thảm thực vật ken dày như tấm lọc thứ thiệt. Trong veo, mát ngọt, êm lành là tính vượt trội của nước ngọt tự nhiên nơi đây. Nước ngọt ở các bãi chim cu kì đáp xuống không chảy ồ ạt mà róc rách khoan thai. Vậy mà chưa có mùa hè nào khô cạn, dù là những năm đại hạn cây rừng khô héo. Từ trong mạch đất len ra, từ trên vách núi chảy xuống, gặp hốc đá, gò đất, nước chảy dần dà như mạch giếng khơi, trong veo mát lạnh. Chim cu kì chắc cũng bị dòng nước ngọt ở đây mê hoặc chúng. Nhìn đàn chim cu kì sà xuống bãi đáp. Chúng hồn nhiên uống nước, tỉa lông rỉa cánh, gù nhau trong nắng sớm. Các chị chim mái với chuỗi hạt cườm lấp lánh trên cổ, trình diễn những vũ điệu uyển chuyển, yểu điệu, duyên dáng, thướt tha say đắm hòa với những tiếng gù thân ái của các càng chim trống mới yên bình thân thiện đáng yêu biết bao.

Người hoài cổ thì xem loài chim này là biểu tượng của quê hương Kỳ Xuân hiền lành chân chất. Người hay ví von thì cho Kỳ Xuân là nơi có tính đặc thù của đa dạng sinh học. Người yêu thiên nhiên thì xem Cu Kỳ là sứ giả thân thiện của môi trường, là loài chim trời quý hiếm cần được bảo vệ trong hệ sinh thái trường tồn. Khách thập phương đến Kỳ Xuân chọn Cu Kỳ làm món ẩm thực khoái khẩu trong vô số sơn hào hải vị của miền quê. Thích đặc sản, âu cũng là tính ham thanh chuộng lạ của người đời, xem cu kì, tôm hùm, cửu khổng, mực nháy… là thức ngon vật lạ được đất trời ban tặng, ai được đến phần thì mặc sức hưởng thụ. Và thế là vô tình dần dà mang đến nguy cơ diệt chủng đối với loài chim hiền lành quý giá này.

“Chim trời cá nước”, ngoài việc đánh bắt hải sản ở biển để sinh sống thì việc săn bắt chim đã trở thành một nghề kiếm sống của một bộ phận cư dân ở quê tôi. Tuy là nghề săn bắt chim theo mùa, từ giữa mùa xuân đến cuối mùa thu, nhưng nguồn thu nhập từ chim cu kì mang đến giá trị kinh tế không nhỏ cho một số hộ gia đình nơi đây. Một nghề truyền thống, cha truyền con nối, các bãi chim cu kì tự nhiên trở thành có chủ khi có người đến định đất làm sân, tạo giếng, dựng chòi, giăng lưới đặt bẩy. “Điền tư ngư chung”, năm này qua năm khác các bãi đánh bắt chim đã trở thành của riêng của từng gia đình, luật bất thành văn, có giá trị chuyển nhượng thỏa thuận khá cao. Ngày trước chim Cu Kỳ nhiều vô kể, có những năm chim bay về hàng trăm đàn, bóng chim đổ rợp cả một vùng. Mỗi ngày ở các bãi cu kì đánh bắt được hàng chục, có khi lên đến hàng trăm con. Săn bắt chim Cu Kỳ bằng những chiếc bẫy sập bằng lưới, lại có cả săn chim bằng các loại súng thể thao gắn kính ngắm, có độ chính xác cao. nên dần dần số lượng đàn chim cu kì bay về đất Kỳ Xuân giảm hẳn, có năm quá ít, coi như mất mùa. Mấy năm gần đây, con đường Kinh tế - Quốc phòng ven biển thông tuyến, đoạn từ Cẩm Lĩnh Cẩm Xuyên đến Xuân Thắng Kỳ Xuân chạy sát mép biển, hầu như xẻ hết các bãi chim cu kỳ truyền thống. Đến mùa du lịch biển khai trương, khách thập phương đổ về đông như trẩy hội, cùng với việc các bãi cu kì bị phá bỏ khi làm đường mới đã đem đến tác động không nhỏ trong việc vắng bóng chim cu kì ở đất Kỳ Xuân.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo địa phương đã đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm bảo tồn các bãi đáp, cấm tuyệt đối việc săn bắt chim trời trái phép, trong đó có chim Cu Kỳ, bảo vệ loài chim đang trong tình trạng báo động nguy cấp. Không chỉ có các tổ chức đoàn thể ra quân mà đông đảo người dân quê tôi tự nguyện bắt tay vào việc khôi phục các bãi chim cu kỳ, hầu mong đàn chim đông trở lại để phục vụ các đoàn khách du lịch đến ngắm cảnh tham quan.

 Là vùng quê hiền hòa, giàu truyền thống văn hóa, bà con thấu hiểu “Đất lành chim đậu”, thấu hiểu nỗi buồn khi đàn chim cu kì vắng bóng trên quê hương mình, thấu hiểu Văn hóa du lịch gắn liền với văn hóa tâm linh, gắn liền với việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường , ổn định đời sống, phát triển kinh tế hài hòa trong lợi ích chung. Bảo vệ không gian sống cho động thực vật quý hiếm ngay trên quê hương cũng chính là bảo vệ môi trường sống bình yên của mình…

Hôm nay, về quê Kỳ Xuân đúng tiết Thanh minh, thời tiết xem chừng khác mọi năm. Nắng chiều trải vàng trên quê hương xứ biển ngập tràn hoa xuân khoe sắc. Trên con đường KT-QP ven biển mới toanh, tôi cho xe chạy liền một mạch thẳng tiến Bãi Lài, Xuân Thắng để kịp đón đàn chim Cu Kỳ trở về. Điểm đến là bãi đáp cu kì của anh bạn thuở hàn vi nay đã giao lại cho cậu con trai để làm “Du lịch Văn hóa - Tâm linh - Môi trường”, đón khách thập phương. Anh chủ vườn chim Bãi Lài cho biết, “đàn chim nhà” sáng kiếm ăn, trưa ghé về sân uống nước, chiều dạo biển, tối về rừng ngủ, giờ chắc cũng đang sắp về tổ. Có hôm đẹp trời, đợi mãi không thấy đàn chim về, trong bụng lo lo. Thì ra bọn chúng nghỉ lại qua đêm ngoài Đảo Én để ngắm trăng thanh. Đàn chim này hiện có hơn chừng vài chục cá thể đã dần dần thích nghi với điều kiện sống mới cùng với một số đàn từ phía Hoành Sơn về lại nơi đây. 

Thấp thỏm, tôi quay ống kính về phía Đảo Én chờ đợi. Kia rồi! Không gian biển trời như gần hơn bởi những chấm sáng nhỏ bé xinh xẻo rồi lớn dần trong tầm mắt. Sự xa cách được rút lại gần hơn, đàn chim Cu Kỳ vút qua, nghiêng cánh chào bãi đáp rồi bay về đỉnh Chóp Cờ trong ráng chiều ửng đỏ của mặt trời sắp gác núi. Tôi nhanh tay bấm máy. Một cảm xúc lâng lâng xao xuyến bất chợt ập đến. Đất dưới chân tôi đứng như có sự vang âm lay gọi. Vang âm của sóng biến dội vào núi đá cao xanh cộng hưởng âm vang của niềm hân hoan đón đợi trong lòng, của những ngày đêm mong mỏi, đang vỡ òa niềm vui hạnh phúc khôn tả khi đàn chim trở về…

                          N.T.Đ

Khi đang chim trở về (ảnh: Lâm Lâm)

. . . . .
Loading the player...