31-10-2019 - 07:25

Văn học viết về cái ác - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 158 giới thiệu bài viết "Văn học viết về cái ác" của Nhà văn Uông Triều

 

Đã có một nhà phê bình viết hẳn một quyển sách về cái ác trong văn học, đó là Georges Bataille với cuốn “Văn học và cái ác”. Vậy là văn học không chỉ có cái thiện, cái đẹp. Cái ác đôi khi chiếm một vị trí rất lớn trong văn học, nó song song cùng cái thiện và là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.

Nếu ai đã từng đọc kiệt tác “Đồi gió hú” của Emily Bronte thì không thể quên được nhân vật Heathcliff . Đó là có lẽ là một trong những nhân vật ác lừng danh nhất từng tồn tại trong văn học. Heathcliff có một tình yêu cuồng nhiệt với Catherine nhưng sự ác độc và tàn nhẫn của hắn cũng đã đến mức cực điểm. Sở dĩ “Đồi gió hú” trở thành một tác phẩm kinh điển trong văn học Anh một phần lớn vì tình yêu và cái ác đã được hoà quyện nhuần nhuyễn ở một nồng độ rất cao. Người ta ngưỡng mộ sự thuỷ chung và ý chí sắt đá của Heathcliff dành cho Catherine và cũng không thể quên được những tội ác mà hắn gây ra. Chính vì sự hoà quyện mãnh liệt và ấn tượng này “Đồi gió hú”  được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của chị em nhà Bronte, dấu ấn về một tình yêu đầy bi thảm cùng nỗi ám ảnh của một kẻ tàn độc bậc nhất mà văn học đã từng tạo ra.

“Anh em nhà Karamazov” là tác phẩm vĩ đại nhất của văn hào Dostoievsky. Tác phẩm này có một phần rất lớn nói về cái ác và là một trong những nội dung chính của cuốn tiểu thuyết. Một tấn bi kịch nhuốm màu tội ác trong tác phẩm kì vĩ này. Cha từ bỏ con, tranh cướp người tình với con và cuối cùng bị chính con trai mình giết chết. Một người cha có bốn đứa con trai thì có ba đứa con căm nghét ông ta đến cùng cực. Một người cha truỵ lạc, xấu xa, đầy rẫy tội lỗi và những đứa con của ông ta không chấp nhận điều đó. Người cha mang tên Fiodor Pavlvitr là một nhân vật gần như quái đản, vô luân, tàn nhẫn, ác độc, và những đứa con của ông ta cũng ảnh hưởng bởi điều đó. Giết cha dường như là kết cục không tránh khỏi. Người con cả Dmitri Fiodorovitr chưa kịp giết cha nhưng ý định trong anh ta đã có từ lâu. Người con thứ Ivan Fiodorovitr không trực tiếp giết cha mình nhưng chính triết lí và suy nghĩ của anh ta thúc đẩy kẻ giết người làm việc đó. Vai trò đao phủ dành cho người con hoang vô thừa nhận Xmerdiacov. Xmerdiacov giết Fiodor Pavlvitr vì anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Người cha quá tàn độc và càng ngày lão càng khủng khiếp. Bi kịch con giết cha có lẽ là tội lỗi thuộc hàng đáng sợ nhất của loài người, cái ác đã bị đẩy lên đến tột đỉnh.

“Sóng ở đáy sông” không phải là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Lê Lựu nhưng trong tác phẩm này ngoài Núi là nhân vật trung tâm với một dòng đời vô cùng cơ cực, lên thác xuống ghềnh thì ông bố của Núi cũng là một nhân vật rất đáng kể. Ông bố này tự xưng là “cậu” theo kiểu trưởng giả ngày trước và tạo được ấn tượng với người đọc bởi tính cách của ông ta. Đó là một ông bố độc ác, tàn nhẫn với những đứa con đẻ của mình. Một kẻ ích kỉ với những lí lẽ cứng nhắc giáo điều đến ngu xuẩn. Ông bố đặc biệt căm ghét đứa con trai tên là Núi chỉ vì một lần anh ta đã nói dối chỉ vì đói khổ quá. Ông bố đã từ chối chu cấp cho Núi, đuổi Núi ra khỏi nhà trong một đêm mưa gió, cự tuyệt mọi sự giúp đỡ cho đứa con trai của mình khi nó rơi vào cảnh cùng đường và ở mức cực điểm, ông ta đã viết đơn xin cho đứa con đẻ bị tù chung thân dù tội của anh ta chưa đến mức phải thế. Nếu tôi không nhớ nhầm thì trong văn học Việt Nam chưa từng có một ông bố nào độc ác và tàn nhẫn hơn thế. Nếu như “Sóng ở đáy sông” không tồn tại nhân vật ác cỡ đó, cuốn tiểu thuyết của Lê Lựu sẽ nhạt đi rất nhiều. Dù ở đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, nhà văn đã không làm được một cái kết xứng đáng với sự ác độc của nhân vật ông bố nói trên. Tác giả có phần “nương nhẹ” với nhân vật và chính điều đó đã giảm sức nặng đáng kể với tác phẩm.

Những tác phẩm viết về cuộc diệt chủng của phát xít khiến người ta rùng mình ớn sợ. Những người phải vào các trại tập trung của Đức quốc xã, sống sót trở về và chỉ cần kể lại trung thực những gì diễn ra đã gây một ấn tượng mạnh. Cái ác luôn tạo ra một bầu không khí sợ hãi và đầy ám ảnh. Những người Do Thái bị tước mọi quyền cá nhân, bị bỏ đói, bị lao động khổ sai cực nhọc, bị ném vào các lò thiêu như mớ giẻ rách khiến người ta kinh sợ. Cả một vệt văn học viết về tội ác của loài người như  “Có được là người” của Primo Levi, “Không số phận” của Kertész Imre, “Nhật kí Anne Frank” của Anne Frank, “Đêm” của Elis Wiesel… Rất nhiều cuốn sách trong series này đã được coi là kiệt tác văn chương của nhân loại và được tôn vinh một cách xứng đáng. Kertész Imre được giải Nobel văn học, Elis Wiesel được Nobel hoà bình…

Một câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại viết về cái ác và có lúc cái ác đã trở thành một phần rất quan trọng trong nhiều tác phẩm? Có phải vì loài người luôn ca ngợi cái chân thiện mỹ và nhà văn cũng hết lòng phụng sự cho điều đó? Ai cũng biết cái ác luôn song hành cùng cái thiện, thậm chí nó được sinh ra đồng thời, triết học phương Đông đã từng có hai mệnh đề đối lập về thiện  - ác từ rất sớm. Mạnh Tử cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện” thì Tuân Tử đáp lại rằng  “Nhân tri sơ tính bản ác”. Hai mệnh đề này đối lập nhau và không phải  không có cái lí của nó. Cuộc đấu tranh thiện ác chưa bao giờ ngừng nghỉ và các nhà văn cũng không thể chống lại các quy luật ấy. Người viết miêu tả và tường thuật lại cái ác vì nó là một phần của cuộc sống và hiện hữu. Người ta nhìn thấy cái ác ở khắp mọi nơi: chiến tranh, bạo lực gia đình, giết người... Không ai muốn cái ác nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người.

Văn học về cái ác luôn gây một ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Tôi cho rằng nhà văn chẳng hề thích thú khi mô tả cái ác và sự tàn bạo của nó nhưng có lẽ trong sâu thẳm ta phải công nhận rằng loài người vẫn có những hứng thú về cái ác. Các tiểu thuyết trinh thám đầy rẫy cái ác và luôn là dòng văn học bán chạy nhất. Nước Pháp, một cường quốc về văn học thì người dân ở đây cũng ưa chuộng nhất những tiểu thuyết trinh thám - kiểu tiểu thuyết luôn chắc chắn tồn tại một loại tội ác nào đó. Và người đọc nín thở hồi hộp theo dõi hành trình, nút thắt nút mở của nó.

Nói có vẻ một cách mâu thuẫn, con người khiếp sợ cái ác nhưng lại tò mò với chúng. Cái ác tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ và câu hỏi đặt ra, văn học cần cái ác làm gì?

Trước hết phải khẳng định rằng những tác phẩm như  “Đồi gió hú”, “Anh em nhà Karamazov”, “Có được làm người”… là những kiệt tác của văn học và chủ để chính trong những tác phẩm đó là bạo lực, sự tàn ác của con người. Có nghĩa viết về cái các vẫn có những tác phẩm rất lớn. Cái ác được phơi bày ở đủ mọi góc cạnh, nhà văn miêu tả cái ác tỉ mỉ, có lúc trần trụi để con người khiếp sợ với nó và cảnh báo về những hoàn cảnh tương tự có thể xảy ra. Yêu thương bằng hận thù như Heathcliff sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Phóng đãng, đồi truỵ mất hết tình cha con như Fiodor Pavlvitr rồi cũng phải chịu một cái chết bi thảm, hoặc anh chàng Raskolnikov trong “Tội ác và hình phạt” cũng của Dostoivesky, giết người và đâu được yên thân: sống trong một nỗi sợ hãi và giày vò khủng khiếp… Nhà văn đưa ra cái các và những biểu tượng của nó để thấy rằng cái ác dù có dữ tợn và khủng khiếp thế nào nó cũng chẳng thể trường tồn, nhất định nó sẽ bị trả giá bằng một cái giá rất đắt.

Văn học luôn có tính đa dạng, cái thiện, cái đẹp đương nhiên là một dòng chủ đạo lớn và được quan tâm nhất nhưng sự tha hoá của con người, những mâu thuẫn không thể hoá giải cùng với chiến tranh đôi khi là những trường hợp bất khả kháng. Xã hội luôn có cái ác lộ diện và tiểm ẩn. Văn học khai thác mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có cái ác. Thậm chí một nhà nghiên cứu văn học đã nói rằng, bản ngã của con người trong những tác phẩm liên quan đến cái ác còn mạnh mẽ và ấn tượng hơn những tác phẩm mang tính thiện mĩ. Điều này không phải không có cơ sở vì khi con người bị đẩy đến mức tha hoá tận cùng hoặc ở mâu thuẫn ở mức cao nhất - cơ sở để nảy sinh cái ác - thì bản ngã trong mỗi con người sẽ được thể hiện rõ rệt và mạnh mẽ nhất. Quay lại với tác phẩm “Sống ở đáy sông” của Lê Lựu, tôi tin rằng nếu nhà văn “dũng cảm” hơn nữa, giáng một đòn đích đáng trừng phạt sự độc ác của ông bố và sự tàn bạo của ông ta, tác phẩm sẽ ấn tượng mạnh hơn nữa. Để một nhân vật ác được kết thúc một cách nhẹ nhàng, nhà văn đã duy lí chủ nghĩa nhân văn và làm giảm chiều kích của tác phẩm. Ta chỉ cần so sánh trong trường hợp này, nếu Nam Cao không cho Chí Phèo đâm chết Bá Kiến ở cuối truyện giá trị của “Chí Phèo” sẽ giảm đi rất nhiều.

 Văn học được sinh ra không phải để tôn vinh cái ác. Nhà văn viết về cái ác để người ta có thể hiểu tường tận, tránh xa hoặc đề phòng các nguy cơ từ nó. Văn học viết về cái ác chính là để đấu tranh với nó, đưa nó ra ánh sáng và kéo người ta đến cái thiện. Viết về cái ác chính là rèn luyện con người đi trên con đường chông gai hướng đến cái thiện.

                                                                                                     U.T

. . . . .
Loading the player...