07-05-2018 - 08:23

VỀ NGÃ BA ĐỒNG LỘC Ghi chép của Trần Đăng Đàn

      VỀ NGÃ BA ĐỒNG LỘC

     Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đoàn Cựu chiến binh  chúng tôi tổ chức họp mặt để về thăm Ngã ba Đồng Lộc. Gặp nhau trong dịp kỷ niệm trọng đại này, ánh mắt mỗi người không dấu được niềm xúc động. Những cái bắt tay, những lời thăm hỏi, những nụ cười tươi nở trên những gương mặt như vẫn còn hằn vết chiến trường…Tất cả đều toát lên sự chân thành ấm áp thân tình đầy xúc cảm.
*
Đó là một buổi sáng mát mẻ đoàn Cựu chiến binh  chúng tôi tổ chức về thăm Ngã ba Đồng Lộc. Những người lính đầu bạc bây giờ cũng háo hức không kém khi gặp lại những đồng đội cũ. Sau những phần việc có tính chất nghi thức chúng tôi lên đường. , Khi xe vừa chuyển bánh, anh bạn ngồi cạnh tôi bỗng đứng bật dậy dõng dạc hô:
    - Toàn đơn vị chú ý! Mệnh lệnh hành quân… Hướng hành quân… Tốc độ hành quân… Cự ly hành quân…
     Thoáng một chút ngỡ ngàng rồi tất cả cùng cười phá lên. Khẩu lệnh của người đồng đội gợi nhớ biết bao những lần chúng tôi hành quân vào chiến trường thời đánh Mỹ. Mấy người lính trẻ phía cuối xe vỗ nhịp sôi nổi hát liên khúc Trường Sơn, bắt từ bài này qua bài khác thật là vui nhộn. Ra đến đường lớn, xe nhằm thẳng hướng Ngã ba Đồng Lộc.

                                                             Ngã ba Đồng Lộc (ảnh Phạm Chiến)
     Đến Lạc Thiện, xe rẽ theo đường 15A. Anh bạn ngồi bên tôi đọc to dòng chữ đề trên cái biển chỉ đường: "Đồng Lộc - 18 km" và cái cột mốc đúc bằng bê tông chôn gần đó ở bên vệ cỏ: "Đường Hồ Chí Minh - km 0". Mấy người trong xe cùng nhau bàn tán nhiều về chi tiết này. Vâng! Đây không phải là nơi bắt đầu của con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhưng đây chính là  một phần của con đường 559 - con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác Hồ kính yêu. Và cũng bắt đầu từ đây, từ cái biển đề "Đồng Lộc - 18 km" này, chúng tôi đã nằm trong tầm bán kính của cái tọa độ lửa Ngã ba Đồng Lộc thời ấy.
   Xe qua cầu Chợ Giấy, đến Quán Trại, qua Nga Lộc, Phú Lộc, Nhân Lộc, Thượng Lộc… những tên đất tên làng  chắc hẳn vẫn còn in mãi trong tâm trí bao người đã từng vào Nam ra Bắc trên con đường lửa này. Ngày ấy địch phá một thì ta làm mười, địch đánh ngày thì ta xuyên màn đêm mà đi. Tất cả đều quyết tâm dồn sức người sức của chi viện cho tiền tuyến lớn. Bom đạn và sự điên cuồng của kẻ thù không thể nào ngăn nổi bước ta đi.
    Hơn 9 giờ chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc.
    Tại hội trường của Ban quản lý di tích, chúng tôi được giới thiệu về Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt, về những kỳ tích của bao anh hùng dũng sỹ đếm bom, phá bom, ủi đất, san đường, về mười cô gái thiên thần của ngã ba huyền thoại… Tất cả những điều người hướng dẫn viên nói chúng tôi đã biết, thậm chí đã thuộc lòng. Nhưng hôm nay nghe thuyết minh mới thật sự thấm thía và xúc động. Nhiều người trong chúng tôi bật khóc. Rồi người hướng dẫn viên đề nghị chúng tôi cùng hát bài "Cô gái mở đường" của nhạc sỹ Xuân Giao trong khi màn hình tivi màu hiện lên những thước phim về TNXP phá đá mở đường, về chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Chúng tôi hát trong nhớ thương tưởng niệm, trong nước mắt và nụ cười. Bài hát thật hay và xúc động bởi tiếng hát của chúng tôi hôm nay không chỉ vang lên từ lồng ngực mỗi người mà còn dội lên từ lòng đất thép của ngã ba thiêng liêng ngã ba huyền thoại. Tôi còn kịp ghi lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa danh lịch sử trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác".
    Trong tiếng nhạc buồn của bài "Hồn tử sỹ", chúng tôi thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm rồi kính cẩn cúi đầu im lặng. Tôi không thể đọc hết được tên của các liệt sỹ TNXP trong cả nước, cũng không thể kịp đọc hết tên của hơn 1.000 liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc. Tôi chỉ kịp ghi được những địa danh trên tấm bia: Hà Tây, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu… Và tôi thấm thía nghĩ rằng Đồng Lộc không phải chỉ là của riêng Hà Tĩnh. Đồng Lộc là của cả nước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đồng Lộc là của cả nhân loại yêu chuộng hòa bình, kiên quyết chống lại mọi cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.
    Viếng mộ những đồng đội của tôi, mộ của mười cô gái anh hùng bất tử tại Ngã ba Đồng Lộc mà trong lòng không cầm được nước mắt. Dưới chân tượng đài Tổ quốc ghi công, nhưng ngôi mộ giản dị nằm đó. Chúng tôi gọi tên mười cô gái: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Hương, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Dương Thị Xuân trìu mến thân thương của những người đồng đội cũ thầm nói lên rằng: sự hi sinh của các cô sẽ mãi mãi được ghi công trong lòng dân tộc. 

    Dâng hương bên mộ Mười cô gái Thanh niên xung phong tại  Ngã ba Đồng Lộc (ảnh Phạm Chiến)
      Trong khi cả đoàn tham quan  Nhà truyền thống, tôi nán lại vội vã chép bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng với ý định trở về sẽ đọc cho nhiều người khác cùng nghe
     Dưới tán những cây thông xanh trước cửa tượng đài, một cựu TNXP trong đoàn  đọc to dòng chữ được khắc trên bia đá  "Trên mảnh đất thiêng liêng này, lúc 16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968, tiểu đội 10 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông "Hậu phương lớn" với  "Tiền tuyến lớn", góp phần cho Tổ quốc toàn thắng.
     Tên tuổi 10 cô mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng" rồi anh quay sang bảo tôi “ Anh đọc lại bài thơ “ Cúc ơi” đi. Tôi vừa mới hắng giọng thì mấy cháu nhỏ chăn bò nãy giờ vẫn đứng ngồi cạnh đó đã vội lên tiếng trước: "Cúc ơi em ở đâu…"
    Tôi ngạc nhiên:
    - Các cháu cũng thuộc bài thơ này ư ? Giỏi lắm! Thế các cháu học lớp mấy rồi ?
     Một bé gái có vẻ mạnh dạn hơn trả lời:
     - Ba đứa này mới học lớp 2. Còn cháu học lớp 5.
     Trò chuyện với các cháu, tôi thầm nghĩ ở Đồng Lộc còn biết bao điều kỳ diệu mà ta chưa thể khám phá hết nổi.
     Khi chúng tôi chuẩn bị lên xe thì một bé gái, chính là cháu bé học lớp 5 ấy, chạy đến dúi vào tay tôi một bông hoa súng. Tôi ngỡ ngàng xúc động, chưa kịp hỏi tên và nói lời cám ơn thì cháu bé đã chạy về bẽn lẽn trốn sau lưng bè bạn.
     Xe từ từ lăn bánh. Các cháu nhỏ đứng nhìn theo. Tôi vẫy tay chào. Các cháu cũng vẫy tay chào lại. Tôi lưu luyến bâng khuâng phóng tầm mắt dõi nhìn bao quát toàn cảnh Đồng Lộc, chợt thấy dưới những hố bom sâu, mùa này thắm nở rất nhiều hoa súng.
                                                                                      TRẦN ĐĂNG ĐÀN
                                                                         
 

. . . . .
Loading the player...