03-08-2012 - 10:33

" Về nguồn" của Lê Văn Tùng

Nhân dịp Thành phố Hà Tĩnh chuẩn bị kỷ niệm 5 năm thành lập, chúng tôi trân trọng giới thiệu hai bài viết của tác giả Lê Văn Tùng- nguyên Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch HĐND Thị xã ( nay là Thành phố Hà Tĩnh). Bài viết được chọn từ tập sách " Về nguồn" của Lê Văn Tùng mới được NBB Dân trí xuất bản.

THÀNH XƯA, PHỐ CŨ

 
           Cách đây 180 năm về trước, khi tỉnh Hà Tĩnh  được thành lập thì tỉnh thành, tỉnh lị Hà Tĩnh cũng bắt đầu được manh nha từ đó. Tuy nhiên cho đến hơn 100 năm sau (khoảng 1942), thì cái tỉnh lị này vẫn là "Cái thị trấn nhỏ 4400 dân" và "có vị trí tương đối quan trọng nhờ hai yếu tố cơ bản: cái chợ và chính quyền".(Báo cáo gữi về chính quốc của viên công sứ Pháp Môn (Moll) ). Cái thị trấn nhỏ bé ngày ấy, nay đã trở thành một thành phố thuộc tỉnh, một đô thị sầm uất, có diện tích rộng đến 5632,64 ha, với số dân 87368 người và đang hướng tới quy hoạch của một thành phố hiện đại. Trong rộn ràng niềm vui của sự phát triển hôm nay, hãy giành chút thời gian để nhìn lại ngày ấy "thành xưa, phố cũ" như thế nào; không phải để hoài cổ mà "bác cổ" để "thông kim" thì đó vẫn là một phương châm mà người xưa đã từng nói.
Năm Tân mão (1831), vua Minh Mệnh (thứ 12), theo lối nhà Thanh (Trung Quốc) đổi "trấn" làm "tỉnh", đã cắt hai phủ Đức Thọ, Hà Hoa của Nghệ An lập tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng phải hơn hai năm sau, tháng giêng năm quý tị (1883), triều đình mới chọn đất và điều 3000 lính để xây thành Hà Tĩnh. Sáu tháng sau thành xây xong, nhưng cũng chỉ là thành đất, mỗi mặt dài 140 trượng. Dinh thất trong thành kể cả hành cung đều rất đơn sơ, chỉ là gỗ lá. Các đàn miếu ngoài thành cũng chỉ đắp đất hoặc dựng lợp bằng gỗ lá.
Hai mươi hai năm sau, kể từ khi lập tỉnh, tháng sáu, năm quý sửu (1853), Tự Đức (thứ sáu), lại bỏ tỉnh cho sáp nhập vào Nghệ An và lập đạo Hà Tĩnh. Đạo thành không đóng tại tỉnh thành nữa, lại dời về thôn Nài Thị xã Đại Nài, nơi phủ thành Hà Thanh cũ, vì ở đó đạo thành đã được xây dựng  kiên cố từ năm 1824   ( Minh Mệnh thứ năm). Thế là tỉnh thành bị bỏ trống, chỉ có trường học của tỉnh dời về Đại Nài làm trường của đạo và theo lời xin của các thân sĩ giữ lại Văn miếu để thờ Nho thánh, còn các đàn miếu, dinh thất đều bị di dời hoặc bị bỏ hoang phế.
Lại một chu kì như trước, hai mươi hai năm sau, năm ất hợi (1875), cũng chính Tự Đức (thứ 28) lại bỏ đạo lập lại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh lị lại dời về tỉnh thành cũ, xã Trung Tiết và được sửa sang lại. Nhưng cũng phải đến sáu năm sau, năm Tân tị (1881), Tự đức (thứ 34), thành mới được xây lại kiên cố bằng gạch và đá ong. Lúc này gạch đá đều phân bổ theo dân đinh từng làng xã. Những vùng xa lo cho đủ số vật liệu để cung ứng cho tỉnh là vô cùng nan giải, nhất là loại đá ong. Do vậy mà câu "Mắc lấy vạ như xạ (xã) mắc đá ong" xuất hiện từ đó.
Thành xây theo kiểu Vô- Băng (tên một kỷ sư người Pháp), một kiểu thành phòng ngự rất được ưa chuộng ở châu Âu thế kỷ 18. Thành xây cao gần 4 mét, có hào rộng gần 30 mét bao quanh, chu vi khoảng 1,5km. Ngày nay, một cạnh của hào thành từ sau khách sạn Hương Sen qua quảng trường, qua công an tỉnh đã bị san lấp. Ba cạnh còn lại đã được tu sửa, xây kè kiên cố, nhưng hình dáng, độ và chiều rộng của hào xưa đã bị biến dạng đi nhiều không còn nguyên vẹn nữa. Thành mở bốn cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu (Nay các cổng vào bốn cửa thành cũng không còn dấu tích gì nữa, còn vị trí mỗi cửa sẽ nói rõ ở phần sau) . Trong thành có dinh thất, đồn trại nhưng vẫn còn đơn sơ, bên ngoài có chợ búa và một số quán xá, nhưng chỉ là chợ búa kiểu nông thôn. Tỉnh thành thời đó cũng chỉ là nơi đóng các trị sở chứ chưa phải là một đơn vị hành chính.
Đội quân Pháp đầu tiên đặt chân vào tỉnh thành Hà Tĩnh tháng hai, năm 1886. Nhưng phải mất 10 năm lo việc "bình định" nên đến năm 1898, người Pháp mới bắt tay xây tỉnh lị thành một trung tâm thành thị đủ điều kiện phục vụ cho chính quyền thực dân. Nếu tính từ lúc Pháp xâm lược nước ta (1858), thì phải mất 40 năm sau (1898), chúng mới giám nói nơi đây đã tạm ổn định. nhưng hẳn chúng cũng biết được rằng trong cái bề ngoài "tạm ổn định ấy"luôn ẩn chứa một cái gì đó sôi sục, chỉ chờ có dịp là bùng nổ.
Sau khi Pháp chiếm đóng và đặt nền cai trị, các dinh thất công sở trong ngoài thành vẫn tạm bợ, mãi cho đến năm đầu Thành Thái (1889), hành cung và dinh tuần vũ mới được lợp ngói. Năm 1897, toà công sứ Pháp và trại lính mới xây gạch. Các dinh thất, công sở khác đều xây cất vào khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ XX. Tỉnh lỵ được chia làm hai khu vực: khu vực thành và các phố xá ngoài thành.
Thành có bốn cửa, các cổng thành xây bằng gạch khá kiên cố, hướng về phía nam gọi là cửa Tiền, trên cổng có vọng lâu, có treo một quả chuông lớn để điểm giờ gác, do lính khố xanh phụ trách. Hướng về phía bắc là cửa Hậu, cửa này thường đóng kín, vọng lâu trên cổng làm nhà gác nhà lao bên trong. Hướng về phía tây là cửa Hữu, trên vọng lâu có treo một cái trống lớn, cũng để điểm giờ do lính khố lục phụ trách. Hướng về phía đông là cửa Tả, cửa này đóng kín quanh năm, vì ở phía trong là doanh trại lính khố xanh, phía ngoài là nghĩa địa của người Pháp. Từ các cổng thành có các cầu bằng gạch xây cuốn vượt qua hào thành ra ngoài. Trong thành có ba con đường chính rải đá, đó là những con đường đi trong nội thành thông ra các cửa thành.
Đường thứ nhất từ cửa Tiền thông ra hồ sen, ra nhà lao, tức đường Nguyễn Thiếp hiện nay (từ đường Phan Đình Phùng, qua nhà liên cơ, qua công an tỉnh, qua tỉnh uỷ…). Nếu từ cổng thành cửa Tiền đi vào, tức từ nhà liên cơ đi vào theo đường Nguyễn Thiếp thì bên phải là trại lính khố xanh, đến nhà làm việc của các sĩ quan chỉ huy, đứng đầu là tên giám binh người Pháp, tiếp đến là nhà ở tập thể của gia đình vợ con binh lính mà dân thường gọi là trại gái và sau cùng là trại ngựa.
Đường thứ hai nối từ đường thứ nhất ra cửa Hữu, ra đường Nguyễn Công Trứ hiện nay. Đường này nay đã được mở rộng và gọi là đường Nguyễn Tất Thành. Nếu từ cổng thành cửa Hữu đi vào thì bên trái (khu lưu niệm hiện nay), có các dinh thự: Dinh tuần vũ phía trước, tiếp đến là nhà án sát, lĩnh binh. Bên phải (phía thành uỷ hiện nay) là trại lính khố lục, đến sân bóng vừa là bãi tập của lính. Cạnh sân bóng có hành cung, nơi các quan Nam triều bái vọng nhà vua những ngày khánh tiết. Trước hành cung có cột cờ, hồ sen và hai khẩu súng thần công đặt trước cửa chính. Hiện hai khẩu súng này còn đặt trong công viên Lý Tự Trọng.(Đoạn đường Nguyễn Chí Thanh trước cổng thành uỷ hiện nay xưa không có).
Đường thứ ba nối từ đường thứ hai ra cửa Hậu, nay gọi là đường Nguyễn Hữu Thái. Nếu từ cổng thành cửa hậu (Đồng Vinh) đi vào thì bên trái (nay là khu dân cư) là nhà lao Hà Tĩnh xây gạch, có tường cao bao bọc, bốn góc có chòi canh, lính khố xanh thay nhau gác 24/24 giờ mỗi ngày. Theo hồi ký của một người tù cũ, ông Nguyễn Kim Ngạc ở Đồng Lưu (tư liệu ông Thái Kim Đỉnh) thì năm 1932, lao Hà Tĩnh có sáu nhà gạch, xếp thành hai dãy đối diện nhau: Bắc nhất, bắc nhì, bắc tam; Nam nhất, nam nhì, nam tam. Nam nhì là lao giam tù phụ nữ. Lao Hà Tĩnh có 18 xà lim ở ba lao: Bắc tam, nam nhì, nam tam, mỗi lao sáu xà lim. Tiếp đến là dinh bố chánh, rồi trường nữ (trường tiểu học giành riêng cho học sinh nữ). Trong thành vẫn có nhà ở của một số hộ dân, chủ yếu là của các gia đình quan lại Nam triều.
Phần ngoài thành trước hết phải nói đến chợ Hà Tĩnh. Chợ được xây dựng từ năm 1915, đến khoảng năm 1925 được nâng cấp, sửa sang lại. Chợ là trung tâm buôn bán của cả tỉnh nên gọi là chợ tỉnh. Địa điểm chợ tỉnh ngày ấy nay là công viên Lý Tự Trọng. Chợ có bờ rào bê tông song sắt bao bọc xung quanh, toàn bộ nền chợ được lát gạch cẩm trang, có bốn nhà bán hàng gọi là đình chợ. Chợ họp thường xuyên nhưng mỗi tháng có sáu phiên chính họp vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mốt, hai sáu âm lịch. Ngày chợ phiên hàng hoá mọi nơi đổ về rất phong phú. các hàng thực phẩm tươi sống phải có lưới sắt hoặc vải màn bao che, thịt lợn phải có dấu thú y mới được bán. Chợ Hà Tĩnh thời đó có tiếng là sạch và đẹp.
Theo đạo dụ ngày11 tháng 6 năm 1924 của vua Khải Định, được toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 30 tháng 7 năm 1924, "thành phố" Hà Tĩnh được thành lập. Về mặt hành chính lúc bấy giờ tỉnh lỵ được chia làm tám phố:
- Phố Tiền Môn: Trước cửa Tiền, (một đoạn đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đông đến ngả tư Công ty Sách hiện nay)
- Phố Hậu Môn: Phía trước cửa Hậu (Đồng Vinh- một đoạn đường Hải Thượng hiện nay).
- Phố Tả Môn: Phía trước cửa Tả (Thành Đông, đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay).
- Phố Hữu Môn: Phía trước cửa Hữu (một đoạn đường Nguyễn Công Trứ hiện nay).
- Phố Tân Giang: Bên bờ bắc sông Cụt.
- Phố Nam Ngạn: Bên bờ nam sông Cụt.
- Phố Hoàn Thị: Xung quanh chợ tỉnh cũ.
- Phố Tịnh Trung: Một phần đường Phan Đình Phùng, từ ngả tư Công ty Sách hiện nay (có thời kỳ gọi là ngả tư Hồng Ký) đi lên đường quốc lộ  một.
Đường sá đi lại trong thành phố cũng đến thời gian này mới được rải đá. Tất cả cũng chỉ có mười đường phố ngắn hẹp, có tên đường. Đó là các đường Luy xiêng Lơ me , nay là đường Phan Đình Phùng; Đường Nguyễn Công Trứ, nay vẫn giữ tên cũ; Đường Tôn Thất Hân, nay là đường Đặng Dung; Đường Cao Thắng , nay là một đoạn đường Phan Đình Giót, phía tây công viên Lý Tự Trọng; Đường Nguyễn Thiệp, nay là đường Cao Thắng; Đương Ngô Đức Kế, nay là một phần đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến cầu Sở Rượu;  Đường Mô Nê, nay không còn nữa, tương tự như đoạn đường từ Nguyễn Công Trứ đi qua trú sở uỷ ban phường Nam Hà hiện nay, thâu lên công viên Lý Tự Trọng. Ngoài ra còn có một số đường khác tuy đã hình thành nhưng là đường đất, nhỏ hẹp và chưa có tên.
Cũng trong thời gian này có chủ trương "gia quảng"(mở rộng địa giới), sáp nhập vào tỉnh lị các xóm Đông Quế, Xã Tắc , Trung Hậu, Tiền Bạt của xã Trung Tiết.  Dân "gia quảng"lo sợ nhất là phải đóng thuế nhà hàng năm và đóng tiền vệ sinh hàng tháng. Một số nhà đã rủ nhau mua lễ vật đến các đền chùa thắp hương cầu khấn xin cho xóm mình thoát khỏi nạn "gia quảng". Nhà trong các phố lúc bấy giờ cũng bắt buộc phải lợp ngói, không được làm tranh tre. Chủ trương đó khiến dân nghèo phải bán đất đi tìm chỗ ở khác, cơ hội cho các nhà giàu mua rẻ đất làm nhà cho thuê.
Từ sau năm 1920 các phố mới dần dần có các cửa hiệu của người Việt và người Hoa. Tuy nhiên cho đến năm 1940 cái đô thị này vẫn chưa có điện. Cả công sở và nhà dân đều phải thắp đèn dầu. Bên đường phố người ta dựng các cột đèn, trên cột đặt một cái đèn dầu trong khung kính. Cứ đến mỗi buổi chiều tối lại có một người lần lượt đi thắp các ngọn đèn ấy. Đến năm 1941 mới có một trạm phát điện nhỏ, đủ cung cấp khoảng vài ngàn cái bóng điện loại 25w.
Hơn nửa thế kỷ gọi là "mở mang", Thị Xã Hà Tĩnh có khi người Pháp cũng gọi là "thành phố", thực ra chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ bé và nghèo nàn mà chính người Pháp cũng phải thừa nhận rằng sự quan trọng của cái đô thị ấy chỉ nhờ vào "cái chợ…".
 

(Viết dựa vào tư liệu của ông Thái Kim Đỉnh và lời kể của các cụ
Lê Xuân Bình, Phan Phú Thoại, Phạm Văn Thư)
 

 

VÍ  GIẶM HƯƠNG NAO

 
            Làng cổ Hương Nao xưa thuộc xã Đại Nài, tổng Thượng Nhị, phủ Thạch Hà, nay thuộc xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một địa chỉ ví giặm, đã từng nổi tiếng một thời. Vốn cũ ấy nay đã mất mát đi nhiều, nhưng những gì còn góp nhặt được, tuy ít ỏi vẫn cho ta nhiều điều thú vị.
Ví dặm H­ương Nao khá phong phú và đậm đà màu sắc địa phương, có loại được sáng tạo tại chỗ, có loại du nhập ngoài vào rồi cải tiến bổ sung thêm cho hợp tình hợp cảnh. Tác giả của những "tác phẩm" này th­ường là những người lao động không học nhưng thông minh, ngẫu hứng "xuất khẩu thành thơ". Đến nay ngư­ời H­ương Nao vẫn nhắc đến tài sáng tạo,ứng đối nhanh của các vị nh­ư Ông Kế,Ông C­ương, Cố Vựng, Bà Hương Vịnh, O Tửu Chuyển, Cố Vượng… Tuy nhiên cũng có những câu những bài của các vị có học, họ làm để ngâm vịnh, để chúc mừng, để gỡ bí cho các phe đối đáp hoặc để nói hộ những tấm lòng muốn trao gửi cho nhau. Các làn điệu dân ca thịnh hành ở Hương Nao có nhiều, nhưng phổ biến nhất là hát ví, hát dặm.
- Hát ví, hát dặm: Đây là hai loại dùng hai thể văn khác nhau, cách trình diễn cũng khác nhau. Tuy nhiên trong mỗi cuộc hát hai loại này th­ường được kết hợp với nhau, các nghệ nhân x­ưa trong một buổi trình diễn của mình cũng thường gắn kết nhuần nhuyễn cả hai loại nên người ta thường gắn hai loại này lại với nhau thành: ví dặm.
            Hát ví: Đây là lối hát hoa tình, giao duyên nam nữ rất thịnh hành ở Hương Nao vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lời hát ví thường là câu lục bát, lục bát biến thể hoặc song thất lục bát, đ­ược cất lên với nhạc điệu khoan thai, trong trẻo, nghe  rất man mác, thân thiết, ân tình, nhất là trong những đêm trăng, đêm hội. Ca từ của hát ví mang đậm  màu sắc địa ph­ương nhưng cũng không kém phần chải chuốt, mư­ợt mà, mang đậm chất ca dao.
            Hát ví H­ương Nao có thể diễn ra trong những trường hợp khác nhau. Loại hình lao động nào cũng có thể hát ví đ­ược như ví đò đưa, ví ph­ường cấy, ví phường gặt, ví trèo non, ví phường chè… Hát giao duyên thì sôi nổi nhất là ngày hội "Kỳ phúc lục ngoạt", hoặc những đêm trăng thanh gió mát, trai làng khác kéo đến hát với gái H­ương Nao.
            Thời x­ưa trai gái vùng kẻ bể gồm các xã Đình Hoè, Đan Trản… thường có nhiều cuộc hát ví với Hương Nao. Họ đ­ưa hải sản cá, ruốc biển, tôm, cua,… lên bán, hoặc lên làm thợ nề rồi nghĩ lại. Từ giao lư­u hàng hoá "Cau về hạ bạn, lên ngàn ruốc re" dẫn đến giao lưu tình cảm và nhiều cuộc hát ví cũng từ đó nẩy sinh.
Các cuộc hát giao duyên th­ường có màn dạo đầu bằng hát chào, hát hỏi. Quyết liệt và kéo dài nhất là phần thứ hai:  Hát đố , hát đối. Hết chặng này hai bên đã tỏ ra thân thiết, chuyển sang phần thứ ba là hát xe kết, tỏ tình, cuối phần này họ có thể mời khách vào nhà ăn trầu uống nước và cuối cùng là phần hát tiễn:

- Anh về nước mắt dòng dòng,
 Thấu thiên, thấu địa, thấu lòng em chưa.
- Ra về chín nhớ mười thương,
Bước chân lên ngựa cầm cương dùng dằng.
 
Hoặc:             
- Ra về mỗi bước một dừng,
Em nhớ người trai bạn mắt rưng rưng hai hàng.
- Ra về mỗi bước một khơi,
 Anh  nhớ người thôn nữ nước mắt rơi khôn cầm.

            Đó là một cuộc hát mỹ mãn. Tuy nhiên cũng có những cuộc hát bỏ dở nhưng lại rất ấn tượng.  Đó là một lần khi các chàng trai Đình Hoè đứng ngoài đường sau phần dạo đầu vừa chuyển sang phần hát đố, bị một cô gái Hương Nao từ trong nhà hỏi vọng ra một câu có vẻ rất chữ nghĩa:
        Nghe chàng học sách Kinh Thi,
Con cá nằm dưới bụi cỏ hỏi trự (chữ) chi rứa chàng.
(Đó là chữ "Tô", trên có bộ thảo, dưới chữ  ngư­ là cá)
Các chàng trai Đình Hoè biết ngay các cô gái Hương Nao trong nhà có "cố vấn cao cấp", lĩnh vực hóc búa này sẽ không chọi nổi, bèn đánh một quả liều rồi im lặng rút lui, bỏ cuộc:
       Anh đây học sách kinh Tàu,
Con cá nằm dưới bụi cỏ, chấm nước rau cũng bùi.
Các cuộc ví hát đối đáp giao duyên, tình tứ có nhiều, nhưng có lẽ ấn tượng nhất, để lại trong trí nhớ của ng­ười dân Hương Nao nhiều nhất vẫn là các cuộc ví hát giao l­ưu giữa trai gái Hương Nao với trai gái  Đình Hoè, Đan Trản. Chỉ cần một thoáng gặp nhau, vừa nhìn thấy nhau là họ đã có thể hỏi chuyện nhau bằng những câu ví tha thiết ân tình. Một lần cô gái Hương Nao, trên đường đi gặt về, trên vai còn gánh lúa nặng, khi qua bến Cố Nhì thấy mấy chàng trai Đình Hoè có lẽ vừa ăn cơm trưa xong, đang đứng dưới bến tay cầm bát đĩa, bèn cất ngay một câu ví:
 - Khe Mưng bên lở bên bồi,
 Răng anh lo vẹm lo nồi rứa anh.
Các chàng trai Đình Hòe cũng rất nhanh miệng:
- Khi nào gặt hái xong rồi,
 Thì anh giao vẹm, giao nồi cho em.
Một lần khác, bên con gái biết các chàng đều theo nghề sông nước, bèn  ướm hỏi tr­ước:
- Nước lên cuốn sáo nhổ đăng,
  Việc trong gia sự bất bằng ai lo.
Bên nam tức thì trả lời:
- Nước lên cuốn sáo nhổ đò,
  Việc trong gia sự muốn em lo cho mới đành.
Bên con gái tiếp:
- Đây về Hoè xã mấy đò,
  Nói cho em biết để em lo đồng tiền.
Bên nam:
- Đây về Hoè xã đàng (đ­ường) liền,
  Tiền nong chi anh chịu, nỏ mần phiền đến em.
 
Bên gái:                                
- Trầu cay ăn với hạt hèo,
Em về biển giả biết chống chèo mần răng.
Trai Đình Hòe cũng chẳng kém:
- Anh mong tương tạo hai nghề,
Lặng thì biển giả, động về quê ta cấy cày.
Một o khác ví trách:
- Bấy lâu nay anh buôn bán vào ra,
   Cội thung huyên em thác răng anh mà không viếng thăm.
Chàng trai Đình Hoè có vẻ ngạc nhiên, sửng sốt:
          - Nghe em nói mà dạ anh cứ lờ đờ,
   Ô hô! núi Hoành Sơn ta lở bao giờ rứa em.
Bên con gái lại tiếp:
- Rồi mùa toóc rạ rơm khô,
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.
Sau một hồi lâu cứ bên nữ hỏi, bên nam đáp lại, khá trôi chảy, đến đây, bên con trai nhân lúc bên gái hỏi một câu rất hay, nhưng hơi bâng quơ một chút, bèn chuyển nhanh sang thế tấn công trước để khỏi bị động:
- Em về Hoè xã với anh,
Khoai trồng ra lắm cổ (củ), ló (lúa) tốt xanh chờn vờn.
Nhà  anh cận thuỷ, cận sơn,
Đ­ược phong hoà vụ thuận,  nỏ mô hơn Đình Hoè.
Câu ví có phần tự phụ, làm chạm vào tự ái của người H­ương Nao, nhất là các chàng trai, Ông  Cương bày cho o Tửu Chuyển đáp ngay:
- Xin chàng lặng lặng khoan khoe,
Thiếu chi người trửa (giữa) xạ (xã) em về Đình Hoè với anh.
Biết là ló ( lúa) tốt, khoai xanh,
    Hay là phèn chua, nước mặn để em qua ngành cho uổng công.
Một đêm khác, mấy cậu con trai làng bên đứng chơi nơi Cống Đoài, một địa điểm vừa có đ­ường quan, vừa có bến nước khe Mưng rất mát mẽ, ý muốn khởi sự một cuộc hát ví. Trong đám ấy có một người đã có vợ con được mời đi lẫn trong đám con trai để làm cố vấn. Phát hiện được điều đó, bà H­ương Vịnh (thời con gái) nổ ngay một câu:
Khe Nao chín khúc hồi nai,
Gái thương dòng dòng được, thương trai trai mừng.
Biết đối phương đã phát hiện ra chỗ yếu của mình, lực lượng chủ công đã bị lộ, "ông cố vấn" rút lui ngay, cuộc hát không thành.
Ví hát cũng có khi chẳng cần hội hè, chỉ ngẫu hứng.  Một lần cố Hoành hồi còn trẻ ở lính,  về thăm nhà, vẫn mặc bộ đồ lính thời ấy, đang trên đường đi, bất chợt hai cô gái đang cấy dưới ruộng cất giọng ví hỏi:
- Trên đầu thì nón lá quai dong,
 Áo nâu non nhuộm nghệ có pha trong đằng đằng.
Cửa nhà gia thất bất bằng,
Cớ sao anh phải xung xăng chốn này.
Anh lính lkhố xanh ấy cũng rất nhanh trí , ứng khẩu kịp thời:
- Cửa nhà gia thất thuận hoà,
Ra đàng lễ nghĩa về nhà lanh chai,
Anh đây vốn thể đang trai,
Thiếu người nội trợ trong ngoài tìm đi,
Tự nhiên gặp được hai dì,
Ông trời kia đã định số tử vi ta rồi.
Một o khác lại tiếp:
Ba m­ươi anh không đi tết,
Mồng một anh nỏ đến cựa (cửa) nhà thờ
Hỏi tình duyên mô có mà đợi chờ cho uổng công.
Anh lính đáp:
- Ba mư­ơi anh đang mắc (bận) lau chùi súng đạn,
Mồng một anh sửa soạn lên đ­ường,
Công cha anh cũng bỏ huống chi nghĩa nường, nường ơi.
Hai dì chưa có câu tiếp, không tiện đứng lâu trên bờ, trư­ớc khi đi anh lính này còn nhắn thêm một câu nữa:
- Có thương thì gửi bức thư­ phong,
Trăm năm vàng đá dặn lòng chớ quên.
Ví hát cũng không chỉ dừng lại trong lứa tuổi thanh niên và đóng khung trong mỗi cuộc chơi mà nó còn liên quan đến cả các bậc phụ huynh nữa. Một hôm anh  học trò, nhà khá giả, cùng theo hội ví hát, được một cô gái hỏi trực tiếp một câu có đượm chút trêu chọc:
Mấy lâu nay có đèn sách chi không,
Hay là cái phận canh nông bốn mùa.
Anh học trò cũng trả lời nhanh:
Nhà anh nửa sỹ nửa nông,
Muốn em về nội trợ để anh liều công học hành.
Câu hát đến tai ông bố, tức cố Thừa Canh, cụ phê bình ngay ông con: đối đáp như thế là nhanh nhưng còn non lắm. Con đường học vấn của mình là phải có ý chí, phải thể hiện chí làm trai, cần gì phải "em về…" mới học được, đáng lẽ phải đáp:
Nông giả là bản giã ơ dì,
Không theo nghề trâu rọng (ruộng) lấy chi ăn mà học hành.
(Nông giả, bản giã: ý nói nghề nông là gốc, là cội vậy). Một lần khác, gặp người con gái ấy đi bắt cáy về, sau nụ cười và cái nhìn thân thiện, đằng xa, cậu học trò cất giọng bông đùa trư­ớc:
- Người ta bắt cáy đầy oi,
Sao em bắt được nạm cáy ròi (ruồi) rứa em.
Cô gái cũng tỏ ra rất đáo để:
- Bụng em buồn nhớ thầy nho,
Bốn tay chân rụ mỏi ai bắt cho mà đầy.
Câu đáp của cô gái rất thông minh, tình tứ nhưng cách bày tỏ tình cảm hơi lộ, sợ xấu hổ với bạn bè, cô rẽ ngay vào một lối ngang đi luôn không tiếp tục giao lưu nữa. Cũng không rõ đôi trai gái này họ theo đuổi nhau đến đâu, có nên đôi vợ chồng được hay không, không thấy các cụ kể lại.
Một người con trai xã Trung Tiết, đến Hương Nao nhân gặp cuộc ví hát, cũng muốn tham gia. Trước hết anh muốn tự giới thiệu quê hương mình là một xã lớn, một vùng văn vật:
Hai Kinh, ba Hậu với Văn Yên,
Phú, Quý, Trung Cần hội tại Tiền,
Gặp nàng ta phải giao duyên với nàng.
(Hai Kinh là: Kinh Thượng, Kinh Hạ; ba Hậu là: Hậu Thượng,Trung Hậu, Hậu Hạ; Phú là: Phú Hào; Quý là: Khang Quý;Tiền là:Tiền Bạt, Hội là Liên Hội, cộng với Văn Yên, Trung Cần nữa là mười một thôn tất cả. Đó là một xã lớn). Làng Hương Nao thuộc xã Đại Nài, cũng là một xã lớn, có bảy thôn và một vùng Ba Trại, tuy rất khó ghép thành thơ nhưng gái H­ương Nao vẫn ứng khẩu được:
H­ương Nao, Thiện Niệm, Mỹ Trai,
Nài Xuyên, Nài Thị, Nủi Yên, Nủi Cầu,
Quê em Ba Trại bảy thôn,
Gặp chàng em cũng giao ngôn với chàng.
Một anh chàng rất nghèo, thường xuyên phải đi chặt củi về bán kiếm ăn. Một hôm bên gánh củi anh còn đèo thêm cái thớt nữa để mong kiếm thêm ít đồng, vậy mà khi cần anh vẫn ví hát ứng đối rất nhanh. Khi đi qua Cồn Noi, một cô cắt cỏ bên đường đã ví chọc anh:
- Củi anh gánh mà thớt anh đèo,
Đem về gia dụng hay là đỡ nghèo rứa anh.
Mặc dầu trên vai gánh nặng anh vẫn trả lời ngay:
- Củi nhẹ thì thớt anh đèo,
Mai về cưới vợ làm thịt heo anh vằm.
Gánh nặng, đ­ường dài đang mệt như­ng gặp người con gái có vẻ thân thiện, anh vẫn đặt gánh xuống để cùng giao l­ưu đối đáp. Sau mấy câu qua lại, đang vui vẻ, tình cảm, người con gái bỗng chỉ thẳng vào cái nghèo của anh:
Dù cho sơn gắn nhợ rền,
Anh quen em cho mệt, chưa có tiền chưa xong.
Anh chàng nghèo nổi máu tự ái, nói liều một câu rồi gánh củi về thẳng:
Rọng (ruộng) anh bách mậu (mẫu) chi điền,
Cò bay thẳng cánh thiếu chi tiền c­ưới em.
Hát giặm:
"Giặm" là một thể loại văn học- âm nhạc dân tộc, giàu sắc thái địa phương nhất... Từ "giặm" về ngữ nghĩa cho đến bây giờ vẫn mơ hồ. có người cho rằng nó xuất phát từ tính cách phân đoạn của bản thân hát giặm…. có người lại cho rằng xuất phát từ tính cách chắp vần và láy lại của một khúc hát trong đối thoại" (địa chí VHDG Nghệ Tĩnh), hoặc dặm là láy lại và thêm vào (từ điển Hà Tĩnh), tức là giắm vào. Có người lại cho rằng giặm là giẫm (Giẫm chân), vì vừa hát vừa đánh nhịp bằng chân…. Những cách giải thích này đều chưa đủ thuyết phục, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có cách giải thích nào khác. Cách hát giặm thường có ngâm mà không có rung, nghe cứ đều đều.
            "Dựa theo một số bài hát giặm còn sót lại, tạm có bằng chứng cho rằng giặm đã tồn tại từ thế kỷ XVIII…, nhưng dựa theo nhạc điệu thì có thể ngờ rằng giặm bắt nguồn từ một loại động tác lao động nào đó xuất hiện từ xa xưa, có liên quan đến phát âm của xứ Nghệ. Ngoài ra giặm có thể liên quan đến một điệu hát nào đó của đồng bào thiểu số vốn có giao l­ưu văn hoá với người Kinh xứ Nghệ xưa"… (Địa chí VHDG Nghệ Tĩnh). Như vậy là nguồn gốc, thời gian ra đời đến nghĩa của chữ  "giặm" vẫn chưa thật rõ ràng.
            Về cấu trúc, một bài hoặc một khổ giặn thường có năm câu, mỗi câu năm chữ, gieo vần chân: Câu 1 trắc, câu 2, câu 3 bằng, câu 4 trắc, câu 5 láy lại (điệp) cũng trắc như câu 4. Tuy nhiên đó cũng chỉ là "nguyên tắc" cho các sáng tác có chủ định trước hẳn hoi kiểu như:
Ai khun (khôn) bằng Từ Hải,
Cũng mắc dại Thuý Kiều,
Nghe lời nói mà xiêu,
Về thu binh cuốn dáo,
Hạ cột cờ cuốn dáo.
Hát giặm Hư­ơng Nao, nhất là khi hát đối đáp ứng khẩu thì biến thể và linh hoạt lắm. Có khi năm sáu câu liên tục đều bằng rồi mới đến một câu trắc:
Rơm cũng đã rả rồi,
Toóc (rạ) cũng đã rả rồi,
Dừ tui về một nơi,
Mự ở lại một nơi,
Mai đường sá xa xôi,
Tui về không gặp mự…
Và cũng có khi cả toàn bài hàng chục câu đều bằng cả, cuối cùng câu kết mới dùng vần trắc. Loại này khi hát gây một âm điệu đều đều, lâng lâng kéo dài, trong một hoàn cảnh phù hợp nào đó cũng rất gợi cảm. Cũng tuỳ theo môi trư­ờng diễn xư­ớng và thói quen cảm thụ của từng vùng, mà về tiết tấu hát giặm  có ít nhiều khác biệt, do đó mà các nhà sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc thư­ờng gọi hát giặm theo nhiều tên riêng biệt: Giặm nối, giặm xẩm, giặm kể, giặm ru… Có ngư­ời lại gọi tên theo môi trư­ờng diễn x­ướng: Giặm đò đưa, giặm trèo non, giặm đường trường, giặm đối đáp….
            Hát giặm Hư­ơng Nao có thể xẩy ra trong bất kỳ loại hình lao động  nào: cấy, gặt, tát nước đêm trăng, đi hái chè, hái củi …Trong đó  có cả hát mừng, hát trách, hát xe duyên, hát đối đáp… Nhưng sôi nổi rộn ràng nhất vẫn là ngày hội "Kỳ phúc lục ngoạt" mà trong đó vui nhất là đêm 14 sáng rằm và đêm rằm sáng 16 tháng 6 âm lịch, từng tốp, từng tốp, ví, giặm thâu đêm. Hư­ơng Nao có nhiều ngư­ời hát giặm giỏi, ứng khẩu nhanh, nhưng nổi tiếng nhất là ông Kế ở xóm Bẹt và ông Cương ở xóm Đông. Hai ông đã đi xa hơn 2/3 thế kỉ nay rồi mà dân Hương Nao vẫn còn ca ngợi:
…"Lời ca ông Kế lòng ngư­ời mệt mê.
Vợ chồng có chuyện bỏ chê,
Nghe ông Cư­ơng hát chạy về với nhau"…
(Thơ ông Thích).
Ông Cư­ơng ngư­ời họ Trần Quốc, ở xóm Đông, Hư­ơng Nao, ông sinh vào khoảng những năm đầu của thế kỉ XX, thuở nhỏ nhà nghèo phải đi ở, lớn lên ông tham gia vào hội buôn trâu bò, giao du rộng rãi khắp các huyện trong tỉnh nên rất nhiều bạn bè. Ông là ngư­ời có tài hát ứng khẩu rất nhanh. Phần nhiều ông hát xe duyên, hát mừng, hát chúc tụng…, cũng có lúc hát đùa, dẫn đến đôi bên rất nặng lời với nhau như­ lần hát với các bạn người Đình Hoè. Ông có giọng hát êm ái, lưu luyến, lời hát giàu chất thơ, lãng mạn, ông không biết chữ Hán như­ng cũng có khi vận dụng đư­ợc cả điển tích rất hay, làm cho nhiều ngư­ời cảm mến sau cuộc hát đã mời ông vào nhà uống rư­ợu. Cũng vì ông hát nhiều, nhanh, nên sau các cuộc hát ông thường không nhớ mình đã hát những gì nữa, chỉ có ngư­ời hâm mộ mới nhớ mãi các bài hát của ông. Không chỉ ở quê, mà đến đâu gặp hội hát ví ông cũng tham gia. Một lần đến xã Mỹ Duệ, huyện Cẩm Xuyên, gặp đám hát đang sôi nổi, ông cũng chen vào luôn. Trong đám hát có một chị goá chồng, xinh đẹp, hát hay, mặc dầu ông Cư­ơng ngư­ời nhỏ nhắn, đầu trọc, nhưng có lợi thế hát rất có duyên, nên dù ở xứ lạ ông vẫn dám đùa ghẹo với cô nàng ấy:
…Con tôi cũng có rồi,
Vợ xấu tốt cũng một đôi,
Dừ chộ (thấy) đất tốt cát bồi,
Xin trồng thêm cảnh nựa (nữa),
Cho tôi trồng cảnh nựa,…
Người nghe thích quá gọi nhau: "Ra mà coi, có anh trôốc như cái gáo dừa mà hát hay đáo để".
            Một lần trong đêm hội Kỳ phúc lục ngoạt của làng, ngư­ời tham gia đông lắm. Không chỉ ngư­ời Hư­ơng Nao, mà cả những làng, xã lân cận cũng đến xem. Đêm đã khuya, một o ngư­ời Hư­ơng Bộc (xã bên cạnh), cũng một tay hát rất hay, vừa mới dứt câu hát, ông Cư­ơng (lúc đó đã có con, gọi là ông Cháu Cương) tiếp luôn:
…Ta vui chợ vui đư­ờng,
Dù tình nghĩa có vấn vư­ơng,
Dừ cư­ởi (sương) lạnh canh trư­ờng,
Em về với ngư­ời thư­ơng,
Kẻo rồi sinh tiếng ghen tuông,
Quăng hết chọng, hết dư­ờng,
Chồng đạp đuổi ra ngoài nư­ơng:
"Răng không ở đó với Cháu Cư­ơng,
Về mần chi đây nựa (nữa),
Trở về mần chi nựa"…
Cả đám hội vỗ tay reo ầm lên, dù đêm đã khuya như­ng cuộc hát không những không tan mà mỗi lúc lại càng thêm sôi nổi.
            Hồi ấy ở trong làng, có một o chư­a chồng, đẹp gái, nhiều ngư­ời dạm hỏi như­ng chưa nhận lời với ai. Bỗng dưng, tiếng ồn lên chị đã có thai, rồi gièm pha lời qua tiếng lại. Ông đã hát thanh minh hộ chị:
                 …Có mần chi nên tội,
Mà nặng nhẹ gièm pha,
Khôn cũng thể đàn bà,
Dại cũng thể đàn bà,
Bư­ớc ngọn cỏ không qua,
Sang ngọn lùng khó khỏi,
Vấp ngọn lùng khó khỏi…
Không biết có phải nhờ tấm lòng nhân ái, bao dung trong lời hát của ông không mà từ đó lời gièm pha cũng lắng dần, rồi chị cũng xây dựng đư­ợc gia đình đoàn tụ, hạnh phúc.
            Lại một lần khác trong làng có đôi trai gái yêu nhau, như­ng cha mẹ đôi bên còn ngại về tuổi tác, duyên số, chư­a ưng thuận cho. Nhân mùa gặt, có đám hát, ông hát bàn với hai ngư­ời cách giải toả bế tắc đó:
      …Muốn vẹn chữ nhân duyên,
Đ­ưa nhau đến cửa đền,
Anh quỳ xuống một bên,
Chị quỳ xuống một bên,
Khấn Hậu thổ Hoàng thiên,
Xin cho vẹn đạo bách niên,
Tay cầm lấy đồng tiền,
Dành giữa đĩa hoa hiên,
Đ­ược trự  xuống (đồng sấp), trự lên (đồng ngửa),
Y đư­ợc lời sở nguyện,
Đ­ược như lời sở nguyện…
Nghe nói sau hai ngư­ời đã đến xin tại đền Hư­ơng Nao và không những đã lấy được nhau mà còn có cuộc sống sum họp đến già "như lời sở nguyện".
            Năm ấy ở trong làng có ông Đặng Văn Huệ, đư­ợc lên chức Chánh tổng Thượng Nhị, mở tiệc mừng lớn. Buổi tối rất nhiều tốp đến hát mừng, như­ng chỉ có ông Cư­ơng hát xong ông Huệ mới đư­a rư­ợu mời và nói: "Ông hát hay tôi thưởng rư­ợu ông, như­ng có hai từ "lọm cọm" thì tôi trả lại. Chẳng là trong bài của ông  Cư­ơng có những câu:
      …Thầy buông màn đi ngủ,
Vú rủ chiếu đi nằm,
Gạo nồi bảy nồi năm,
Mặc dì  hai lọm cọm,
Mặc hai dì lọm cọm,…
Thực ra ông Huệ không có dì hai, ông chỉ đùa cho vui thôi.
            Người Hư­ơng Nao nhớ mãi về một đêm hát đối đáp giữa trai gái Hư­ơng Nao với trai gái Đình Hoè. Cuộc hát đang thắm tình bè bạn, bỗng không khí đổi khác ngay vì một câu ví của chàng trai Đình Hoè:
Em về Hoè xã với anh,
Khoai trồng ra lắm cổ (củ), ló (lúa) tốt xanh chờn vờn,
Nhà anh cận thuỷ cận sơn,
Đ­ược phong hoà vũ thuận, nỏ mô hơn Đình Hoè.
Cái ý "nỏ mô hơn Đình Hoè", đã làm chạm tự  ái các chàng trai Hư­ơng Nao. Mặc dầu ông Cư­ơng đã bày cho một o ví đáp rất dí dõm rồi vẫn chư­a hả, ông chiếm lấy "diễn đàn", chơi luôn một bài giặm kéo dài cho đến hết cả thời gian không cho ngư­ời Đình Hoè chen vào đâu đư­ợc nữa. Bài Giặm toàn vần bằng và cũng chỉ có một vần  e từ đầu đến cuối:
Ai chư­a biết Đình Hoè,
Tui đã đến Đình Hoè,
V­ườn nỏ có cau tre,
Vài cơn lau le te,
Nước thì mặn the the,
Toàn ở nôốc với nằm ghe,
Nhà nỏ có buồng the,
Hồi nỏ có cái tranh che,
Muỗi thì kêu vo ve,
Ấm nỏ có miếng nước chè,
Cứ đi nói láo với nói khoe,
……
Các chàng trai Đình Hoè ấm ức lắm, nhưng đành nuốt giận trở về, chờ cơ hội khác. Nghe nói sau đó người Đình Hoè cũng tìm đ­ược cơ hội phản công ông quyết liệt lắm.  Ở  Hương Nao có nhiều người hát, ví giỏi, có người sáng tác hay, có ngư­ời ứng khẩu nhanh, ngư­ời thì chất giọng tốt, như­ng có năng lực toàn diện như ông C­ương thì rất hiếm. Khối lượng ví giặm của ông để lại là rất phong phú, như­ng chỉ truyền miệng trong dân gian nên bị mất mát và biến dạng đi nhiều. Mặc dầu vậy trong tâm t­ưởng của ngư­ời Hư­ơng Nao, ông Cư­ơng luôn xứng đáng là một nghệ nhân ví giặm của làng.

 

LÊ VĂN TÙNG

. . . . .
Loading the player...