12-12-2018 - 16:23

Xóm cụt đọt

Tạp chí Hồng Lĩnh số 148 giới thiệu truyện ngắn "Xóm cụt đọt" của tác giả Nguyễn Thị Hương Liên.

Mới sáng bảnh mắt. Trên khoảnh sân chung đồng thời là lối vào của ba nóc nhà, có ba đứa trẻ đang cấu xé, cãi vã nhau ỏm tỏi. Đó là lũ con nhà Bướm mà thiên hạ vẫn gọi là “Bướm lột”. Cả ba đứa suýt soát nhau trên dưới mười tuổi cùng đu lấy chiếc xe đạp địa hình. Chiếc xe mới toanh đang là mốt của trẻ nhà lắm tiền. Thằng em chỉ thẳng tay vào mặt thằng anh nói bặm trợn: 
- Bố em bảo xe này mình em chơi, không được để đứa nào đụng vào.
Thằng anh lên giọng kẻ cả: 
- Cả ba bọn mình cùng chơi chung, thế mới là anh em một nhà chứ. 
Thằng em trợn tròn mắt: 
- Một nhà nhưng không cùng bố nên vẫn không phải là một nhà. Anh về bảo bố anh mua cho mà chơi.
Thằng anh xịu mặt. Nó biết bố nó chỉ uống rượu là giỏi, có bao giờ mua cho con thứ gì đâu. Ngay cả khi nó xin tiền mua sách vở để học cũng không cho. Nó thấy hơi buồn, nhưng cũng cố gắng tỏ rõ vai trò làm anh: 
- Đã bảo cả ba anh em chơi chung, nhà chung thì cái gì cũng chung, em không được hỗn láo!
Nghe nói đến hỗn láo, thằng em dạng háng, trỏ tay vào mặt thằng anh, giọng kiểu côn đồ mới nảy nòi: 
- Tao không chung với mày, đồ con nhà giẻ rách, bố tao bảo thế. Bố tao có con xe sang, có nhiều tiền, còn bố mày chỉ biết uống rượu say bét.
Con bé nghe nói thế liền lanh chanh: 
- Mẹ bảo bố em cũng nhiều tiền, cũng có ô tô xịn. Hôm nào bố chở em đi chơi tắm biển, ăn đặc sản, mua xe đạp mi ni cho em.
Thằng anh hai quát: 
- Thế mày bảo bố mày mua nhanh lên, sao cứ đòi đi xe tao. 
Con em mếu máo: 
- Nhưng mà mẹ bảo phải chờ, có dịp mới đi, không đi công khai được. 
Thằng em dài giọng:
- Vậy cứ nằm mơ đi. Chỉ có bố tao là nhất. Bố tao bảo trên đời này bố tao không sợ gì hết.
Thằng “con nhà giẻ rách” nhìn thấy cơ hội để bênh bố mình liền cười khanh khách: 
- Đấy nhé, bố chúng mày lắm tiền sao không mang chúng mày về nuôi mà lại để ở đây, bỏ vứt con thì tốt đẹp gì hơn bố tao đâu. Rồi nó kết luận: cũng là đồ giẻ rách tuốt! 
Nghe nói thế, thằng em tức khí xông tới, húc vào bụng thằng anh khiến nó ngã vật ra sân. Thằng em tru lên:
- Bố tao là cốp bự, là đại gia. Bố mày mới là đồ giẻ rách.
Thằng anh quyết không nhịn vì nó nghĩ bố nó dù không có tiền, không có quyền thì cũng không hề kém cạnh gì bố thằng em. Lúc này là để ăn thua, không phải lúc làm anh em. Nó cũng gào lên:
- Đại gia mà đẻ con hoang thì không bằng giẻ rách. Mày là đồ con hoang...
Cứ thế, hai anh em xông vào nhau, cào cấu cắn xé, máu me loe loét. Tiếng khóc, tiếng thét rậy lên một góc sân, phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng.
Thế mới biết khác máu tanh lòng. Tuy trong người lũ trẻ vẫn có dòng máu chung của Bướm nhưng mới tí tuổi đầu chúng đã ý thức rõ về nguồn gốc của mình: đại gia, quyền lực, và giẻ rách. Hai đứa trẻ ôm nhau lăn lộn cho đến khi Bướm xuất hiện, trên tay cấm chiếc roi tre to tướng mới chúng mới chịu buông nhau ra nhưng vẫn khóc tu tu.
Tiếng om sòm làm hai ngôi nhà chung sân tỉnh giấc. Bà Hồng bước ra lắc đầu vẻ ngán ngẩm. Bà San cũng mở cửa nhưng chỉ ngó không tỏ thái độ gì. Có lẽ họ đã quá quen với cảnh xung đột của mấy đứa trẻ chỉ chung nửa dòng máu kia nên cảm thấy bình thường, không còn bức xúc.


***

Tiếng nổ lụp bụp, lụp bụp rồi rền rền kéo dài, dội vào vách núi đá âm âm. Đó là vì bom nổ gần quá nên không còn nghe rõ âm thanh, chỉ nghe cái ụp rồi đất rùng mình. Cơ thể bị sức ép đến tức ngực khó thở. Đợt bom chưa dứt, Hồng đã đội đất đứng dậy, đảo mắt quan sát khắp trận địa. Thường hàng đêm, một nửa đơn vị nữ thanh niên xung phong của cô ra mặt đường trực chiến. Ban đêm, xe chạy nhiều hơn và bọn địch cũng hoạt động nhiều hơn. Bom vãi như trấu, mỗi đêm cả hàng chục lượt với đủ loại: đào đường, sát thương, bom lửa na-pan, bom từ trường, bom nổ chậm... đủ hết. Cả một vùng sườn núi rộng lớn lở loét, ngổn ngang đất đá, đến một ngọn cỏ cũng không tìm thấy. Trọng điểm ấy là khúc cua tay áo, một bên sườn núi dựng, một bên vực thẳm, là cổ họng của tuyến đường giao thông huyết mạch. Kẻ địch định dùng sức mạnh của bom tấn đào xới để hủy diệt con đường, quyết xóa sổ tuyến vận tải quan trọng bậc nhất này. Đại đội thanh niên xung phong nữ với sức trẻ bẻ gãy sừng trâu quyết tâm giữ con đường luôn sống. Lợi dụng pháo sáng còn sót lại, Hồng quờ tay tìm cuốc và nắm cọc tiêu. Khói bom mù mịt nghẹt thở. Đồng đội cô cũng đã băng lên. Vừa chạy Hồng vừa bật cười, bọn con gái chiều nay nhìn thấy mấy con gián nấp trong kẽ đá của hang sợ quá ôm nhau khóc thét lên mà sao bây giờ đứa nào cũng chạy như bay giữa trận địa tối om mịt mù khói lửa, lổn nhổn đất đá, bom nổ rùng rùng, mảnh đạn bay veo véo. Hồng vấp phải một hòn đá tảng ngã nhúi về phía trước đánh uỵch đau điếng, má đập vào một vật nóng bỏng. Hồng sờ soạng. Quả bom nổ chậm. Nóng quá. Hồng rụt tay lại. Có lẽ nó sắp phát nổ. Tự nhiên người Hồng nóng ran. Cô lồm cồm bò dậy, không một giây lưỡng lự,  nhanh  nhẹn quờ tìm bó cọc tiêu bị văng lúc ngã. Hồng thích thú nghĩ: có giỏi thì mày cứ nổ đi, nổ đi để bọn tao còn tiết kiệm được một cái kíp. Rồi Hồng nhanh nhẹn cắm cọc tiêu báo hiệu, cố sức vần hết những tảng đá xung quanh cho quả bom lộ ra thật rõ - để chốc nữa các anh công binh dễ đánh - Hồng lẩm nhẩm. Số lượng quả bom chết chóc lần lượt hiện hình bằng những chiếc cọc tiêu màu trắng. Đêm nay chúng rải nhiều bom nổ chậm hơn và quần thảo dai dẳng hơn. 
Đêm trôi dần về sáng. Các cô gái chuyển sang san lấp hố bom. Tiếng cuốc bổ vào đất phầm phập, tiếng thở gấp phì phò, tiếng hò dô vang dội khi mọi người cùng hợp sức để vần tảng đá to xuống lòng hố. Bỗng ánh chớp xanh lè lạnh toát phía trước, một quả bom chậm phát nổ, có bóng người lảo đảo. Hồng hét lên, vùng dậy lao tới... Bà mở mắt, thấy mình nằm ở trên giường. Đó chỉ là giấc mơ.
Trong tâm thức của người đàn bà luống tuổi, quá khứ thời tuổi trẻ không bao giờ ngủ yên. Nó vẫn luôn hiện hữu và sống động như thể đó là hiện tại. Cái chốt trọng điểm của một cung đường Trường Sơn thời đánh Mỹ, đại đội nữ thanh niên xung phong sống trong hang đá, cuộc sống làm bạn với bom đạn, chết chóc nhưng lúc nào cũng thấy lòng vui như hội. Đó là một phần máu thịt cuộc đời bà. Có lẽ vậy mà người đời gọi bà là “Hồng xưa”.
Trời mưa rả rích cả mấy ngày nay, quán tạp hóa của bà Hồng vắng ngơ vắng ngắt. Ba người đàn bà của xóm cụt đọt tụ tập ở nhà bà Hồng buôn dưa lê. Cả ba đều đã ở tuổi đầu năm đít chơi vơi. Bướm đến sau cùng, vừa hé cửa thì con chó nhà bà Hồng lao vụt ra, phóng thẳng vào màn mưa mịt mù. Bà Hồng thở dài: 
- Mưa gió thế, không biết nó đi đâu cho khổ.
Bướm chảnh chọe:
- Chó dái mà chị. Mưa gió nhưng nó đã ngửi thấy mùi con cái thì chị có làm kiểu gì rồi nó cũng đi. Bản năng thôi thúc mà. 
Bà San lườm Bướm:       
- Nói ít thôi! Mà trời mưa ăn mặc như cô không lạnh à?      
Bướm quét ánh mắt từ ngực xuống chân mình rồi cười: 
- Thế này mới gọi là theo kịp thời đại. Còn kín cổng cao tường như các chị là lỗi thời rồi. Các chị chưa nghe câu đàn bà con gái “không ăn thì uổng, không chơi thì già” à? Cứ chơi thả phanh, chơi cho tẹt ga. Ai cấm? 
Bướm vừa nói vừa đong đưa như thể bà San là giống đực. Tuy đã ngoài năm mươi nhưng thân hình ả vẫn mướt mát với cặp mắt đa tình và bạo dạn. Đàn bà tướng ấy các cụ gọi là đa dâm.
Nghe Bướm nói, bà San so vai lại như lạnh. Bướm băm bổ: 

Minh họa: QUỲNH LAN

- Các chị đã để phí cuộc đời mình một cách thậm vô lý. Nửa đời người rồi, lăn lộn nhiều rồi, cống hiến hy sinh cũng chán vạn ra rồi,  giờ là lúc tận hưởng. Các chị phải biết mình là ai, mình cần gì và đồng thời cũng phải hiểu thiên hạ sống như thế nào. Thế mới là biết người biết mình. Như em đây, chẳng có gì phải ngán, sống thế mới là sống chứ. Bướm cứ nói một hơi như lên đồng, cả bà Hồng và bà San đều không đủ lý lẽ và thực tế để tranh cãi trong lĩnh vực này.
Bà San vốn là một giáo viên, người đời vẫn gọi sau lưng là bà “San khùng”. Thuở trẻ bà không có vẻ bề ngoài xinh đẹp, nhan sắc chỉ ở mức bình thường. Cái thời chưa ai biết son phấn là gì. Cô giáo trẻ hay đứng trước sân nhà nội trú chải mái tóc dài mượt, xanh như dòng sông quê  cô. Cặp má tròn căng mịn tràn trề sức xuân. Vẻ thuần phác ấy là hình bóng của một thời nay đã trở thành xưa cũ và không thể tìm lại. Với nghề giáo lương thiện, bà San đã là sự đeo đuổi của bao người. Bà cũng có một mối tình đầu đẹp như trong sách vở. Bà đã dâng hiến. Nhưng cái thằng tình đầu ấy chỉ trong sáng bằng lời nói. Hắn chơi trò bắt cá hai tay. Cả hai người đàn bà yêu dấu của hắn đều có bầu. Bà thua cuộc, ôm khối kỷ niệm của tình yêu, dạt đến nơi xa lơ xa lắc sinh con, gửi lại đó và trở về sống tiếp, làm lại cuộc đời.
Thấy hai bà bạn ngồi ngây mặt, Bướm hạ giọng: 
- Này, các chị, cứ mạnh dạn lên, rồi các chị sẽ thấy Bướm này bao giờ cũng bắt kịp thời đại. Đừng bỏ phí của giời đi nhé. 
 Bà Hồng nheo mắt, cười cười: 
- Chắc mày sợ phí của giời nên mới bỏ chồng để sống cho thoải mái phải không? 
Bướm không ngắc ngứ: 
- Chí phải. Thằng chồng em hắn tưởng em là siêu nhân thần thánh. Vừa làm việc kiếm tiền, vừa lo thu vén việc nhà, chăm con cái, hầu hạ phục vụ chồng, mệt mỏi cấm cáu bẳn, bao giờ cũng phải ăn nói ngọt ngào. Và nhiều, nhiều chuyện khác nữa. Tóm lại, hắn coi em là công cụ của cuộc đời hắn. Quá đáng! Ngoài sức chịu đựng của em! Con nhà người ta đẻ ra, nuôi dạy mấy chục năm trời còn không dám nói nặng lời, đằng này thằng chồng đương nhiên đánh đập, hành hạ, hạch sách. Em thấy bất công nên giải tán sớm. 
Bướm dừng lại uống tọc tọc cạn cốc nước rồi nói tiếp tỉnh bơ:       
- Đàn bà như em thuộc loại hình thức xấu. Xấu nhưng có gấu (gạo) là được. Các chị thấy đàn ông bu lấy em như ruồi bu đĩa mật chẳng qua là do em biết người biết mình. Làm nghề gì cũng phải tinh nghề. Em biết bọn đàn ông nhìn thấy em là liếm mép hít hà và kháo nhau trông em nái nẩm. Em thả thính bằng cách bịa chuyện gia cảnh thật mùi mẫn để cho lũ dại gái động lòng trắc ẩn, thương cảm thân phận đàn bà hẩm hiu của mình. Em thẻ thọt, chiều chuộng làm mê muội quí ông, để chúng thấy con vợ ở nhà đích thị là đồ phàm phu tục tử, còn như em mới đúng ngoan hiền. Em thành thạo các ngón gợi tình đến mức thằng oắt con cũng mê lú.
 Bà San ngắt lời Bướm: 
- Mày làm như lũ đàn ông ngu dại lắm hay sao? 
Bướm cười:  
- Không phải ngu dại nhưng nhiều thằng sống bản năng, ích kỉ.  Mà một khi sống bản năng thì cũng giống như con chó dái nhà chị Hồng, ngửi thấy mùi giống cái là chạy theo bất kể.
Bà Hồng và bà San nghe nói thế phá lên cười. Bướm vặn hỏi:
- Các chị không tin à? Em thì hiểu thừa tâm lý loại người đó. Bọn ấy chỉ cần đàn bà chịu chơi. Cái thứ vợ trẻ đẹp, giỏi giang, đoan trang, thục nữ đến mấy mà khi lên giường chồng lột quần áo còn xấu hổ là vứt, là thua đứt con Bướm già xấu nhưng lúc nào cũng sẵn sàng tấn công, chào mời, khích lệ nồng nhiệt này. Có thằng còn sướng điên lên vì thấy được gái thích ấy chứ.
Bà Hồng thăm dò:     
- Thế mày làm vậy để làm gì, không sợ người ta chửi là đồ vô đạo đức à? 
Bướm vặc lại:
- Nếu có vô đạo đức thì đâu chỉ mình em, cả cái thằng đàn ông nữa chứ. Em lội trong gan ruột của bọn chúng. Có thằng vợ con đàng hoàng nhưng vẫn lén lút vụng trộm, vui vẻ tí chút. Có thằng bệnh hoạn, quen mùi, thiếu gái không chịu nổi. Cũng lắm kẻ mũ cao áo dài đấy chị ạ. Như thằng cu em nhà em ấy, nó được sinh ra là kết quả của hợp đồng ngầm với một vị cốp bự. Ông ta có vợ hiền và một đàn con gái. Ông ta cần người nối dõi nhưng ông ta cũng cần giữ cái ghế và không muốn mình mang tiếng là người vô đạo đức. Khi thằng cu ra đời, ông đưa tiền cho em xây cái nhà hai tầng ấy, thực chất là ông xây nhà cho con trai mình, chu cấp đầy đủ để em nuôi con, hẹn lúc già về hưu, khi đủ điều kiện sẽ công khai con trai với thiên hạ. Hay như con bé nhà em, bố nó cũng là cốp. Ông ta có đủ nếp đủ tẻ nhưng luật chỉ cho phép đẻ hai đứa. Nếu muốn có nhiều con thì cái ghế sẽ bị đổ. Mà sự đời, thừa tiền thì nảy sinh nhiều ham muốn, mưu mô. Ông ta nghĩ ra cách gửi con. Và công em đẻ con bé được ông đền đáp bằng chiếc xe Cam ry cả tỷ cùng tài khoản nạp tiền hàng tháng. Bướm dừng lại, ngó bộ mặt ngây ra của hai bà chị rồi cười ngắt nghéo: 
- Thế là nhất cử trăm tiện nhé. Họ được thỏa mãn bản năng ích kỉ thích của lạ. Được có thêm con. Được yên vị. Và hàng ngày vẫn cao ngạo rao giảng đạo đức. Còn em chỉ cần có nhiều tiền là được. 
Cuối cùng Bướm kết luận: Các chị thấy chưa? Nhà lầu xe hơi đều từ “cái ấy” mà ra cả đấy.
Bà San hỏi vặn: 
- Mày giàu như thế rồi sao còn để vợ thằng nhãi con hàng xóm đánh toạc mặt? 
Bướm nhắm mắt lại như để hồi tưởng.
Buổi trưa oi nồng hôm ấy, cả xóm đang thiêm thiếp ngủ. Bỗng tao tác tiếng la, tiếng thét tiếng chửi rủa. Bà Hồng, bà San mở cửa ngó ra. Giữa sân nhà, Bướm trần truồng, mặt có vết rách rỉ máu. Con vợ hàng xóm đang khuơ dao đuổi thằng chồng chạy vòng quanh sân, hét lanh lảnh: 
- Đứng lại! Chồng ơi là chồng. Hôm nay bắt quả tang rồi nhé. Cấm cãi. Nó là con đĩ già bằng tuổi mẹ của chồng đấy, không biết nhục à? 
Thằng chồng tồng ngồng, vừa chạy vừa lấy tay che hạ bộ, hét trả: 
- Chồng có làm gì đâu, chỉ sang xin cốc nước mà vợ cũng làm toáng lên.   
- Nhà mình bán quán giải khát lại thiếu nước à? Chồng thèm nước gì...nước gì... của con mụ ấy? Mà sao xin nước lại phải lột trần truồng ra thế kia? 
“Bướm lột” thản nhiên đứng lau máu trên má, xem hai vợ chồng trẻ hàng xóm khủng bố nhau.  
Thấy Bướm vẫn nhắm mắt mơ màng, bà Hồng đập vai Bướm: 
- Sao, chuyện ấy khó lí giải à? 
Bướm mở mắt, thản nhiên: 
- Chuyện ấy cũng thường thôi. Họ mua thì mình bán, tiền nào mà chẳng giống nhau, sướng lên rồi kể gì tuổi tác.
Nghe thế, bà San rụt cổ lại, ngồi dịch sát tường vách. Bà hiểu những điều Bướm nói nhưng để làm thì không dám. Bà cũng hận thằng tình đầu bạc bẽo lắm chứ. Bà cũng từng có ý định trả thù đời nhưng rồi có lẽ nghề nghiệp đã giữ bà chừng mực. Sau đó, vẫn có không biết bao người ngỏ ý, đeo đuổi nhưng bà đều lắc đầu. Bà kinh sợ thói bạc tình lật lọng của đàn ông. Bà ghê tởm những lời đường mật. Và hơn hết, bà nghĩ đến đứa con, không thể giấu thiên hạ mãi được. Bà không tưởng tượng ra nếu người đàn ông bà chọn phát hiện ra bà đã có con riêng thì sẽ ra sao. Chắc là kinh khủng lắm.
Gia đình bố trí cho bà San đón con gái về vào năm nó học cấp hai. Không lấy chồng thì ở với con, cho con đỡ thiệt thòi. Con bé gọi bà bằng dì nhưng người quen, bạn bè bảo nó là hình bóng của bà San thời thiếu nữ. Con bé nhanh nhẹn, thông minh, vui vẻ và rất ý tứ, vậy nhưng nhiều lúc bà thấy nó ngu đần hết chỗ nói. Những lúc bực mình bà hay chửi: thằng cha mày ngu nên đẻ ra mày ngu. Con bé nghe và ngơ ngác. Có đêm giá lạnh, cơn điên nổi lên, bà bắt con bé nằm sấp trên nền nhà, lấy dép đánh vào mặt nó chửi rủa liên hồi về cái người đã làm ra nó khiến bà Hồng phải sang can ngăn. Rồi không chịu đựng nổi những cơn giận dữ vô cớ của bà giáo, với sự giúp sức của bạn bè, con bé trốn chạy, trở về nơi người ta đã cưu mang nó. Bà San lại ở một mình. Những lúc buồn, nhớ con, bà gặm nhấm quá khứ và tự nổi cơn thịnh nộ với bản thân. Bà uống rượu, chửi bới om sòm trong căn nhà lẻ bóng.


***

Đêm chuyển trời. Bà Hồng trở mình mãi vẫn không ngủ được. Tuổi tác đã nhiều, những lúc như thế này nghe rõ cơ thể đang bị thời gian gặm nhấm, nhức mỏi râm ran. Bà ngồi dậy, bật đèn, mở cửa tủ thờ lấy ra một chiếc hộp kính. Bà Hồng ôm nó vào lòng. Chiếc hộp truyền hơi ấm. Bà bồng bềnh trôi vào giấc ngủ và thấy mình đang chạy như bay trên cung đường Trường Sơn năm xưa.
Trời mưa dầm dề, bom thả nhiều, tắc đường, xe chờ nằm dài cả xuống tận dưới thung lũng. Toàn những thứ thiết yếu cho chiến trường. Đại đội nữ thanh niên xung phong làm việc quần quật, đứa nào đứa nấy lấm lem như trâu vầy. Phải thông xe trước lúc trời sáng. Đó là mệnh lệnh. Sức trẻ bẻ gãy sừng trâu. Đường thông. Xe qua cao điểm rùng rùng. Tiếng chào hỏi, tiếng cười nói rộn rã vui như hội. Xe anh chạy cuối cùng. Anh thò đầu qua cửa xe không kính nói với Hồng: giỏi lắm em gái. Rồi anh cười. Nụ cười hiền hậu cũng lấm lem bùn đất.
Những ngày sau đó, mỗi lần ra cao điểm, Hồng lại có thêm niềm ngóng đợi. 
Lại tắc đường. Mùa mưa, chuyện này xảy ra như cơm bữa. Vì mưa nhiều nên đất nhão nhoét, bom nổ chậm chui sâu xuống, phải mất nhiều thời gian  khoét hố rộng mới làm hắn lòi mặt để gắn kíp nổ. Xong rồi lại lo lấp hố bom. Mưa tầm tã nhìn sát mặt mới thấy nhau, tổ trực chiến trận địa nhịn đói để làm cọc tiêu cho xe qua cao điểm. Từng người một, đi trước, giơ cao lá cờ hiệu, dắt xe qua. Hồng dắt chiếc xe cuối cùng. Khi đã đến chỗ an toàn, chiếc xe bỗng phanh khựng lại. Là anh. Anh chìa qua ô cửa buồng lái không kính một cái gói được bọc kỹ càng, trao cho Hồng. Cô rụt rè đón nhận. Anh nói gì đó lẫn vào âm thanh của tiếng mưa và cười. Vẫn là nụ cười hiền hậu lấm lem bùn đất.
Món quà là một dé hoa cau. Đã có lấm tấm vài quả non, còn lại là nụ, là hoa, trắng ngà, thơm ngát. Một mảnh giấy với dòng chữ đẹp bay bướm: Là em đấy. Đợi ngày hòa bình, anh sẽ mang lá trầu biếc đến xin phép bố mẹ  cho chúng mình thành trầu cau.
Đại đội nữ đã mất cả tuần lao xao tiếng nói tiếng cười bởi món quà. Hình như ai cũng nhận thấy quê hương là những thứ thật cụ thể và hạnh phúc rất gần với họ.
Bẵng đi một thời gian không thấy xe anh qua cao điểm. Nghe nói anh đã chuyển binh trạm khác, vào sâu hơn, đi xa hơn, gần với mặt trận hơn.
Ngày hòa bình, Hồng theo địa chỉ anh ghi tìm đến nhà.
Trên bàn thờ, tấm hình của anh cùng nụ cười tỏa sáng.
Bà Hồng bỏ công mang món quà ra tận Thủ đô tìm gặp người bạn thân làm cán bộ bảo tàng, nhờ hướng dẫn cách cất giữ kỷ vật.  Dé hoa cau được bảo quản để đảm bảo trường tồn vĩnh cửu.
Bà Hồng trở về với cuộc sống đời thường. Đã có bao nhiêu đám mối lái, bao nhiêu người dạm hỏi. Bà vẫn im lặng. Trái tim bà mãi mãi thuộc về chàng trai ngồi trong buồng lái không còn kính có nụ cười hiền lành lấm lem bùn đất.
Gia đình thấy bà dửng dưng với đám đàn ông con trai bèn bàn nhau xây căn nhà ven phố thị này cho bà ra ở riêng. Họ còn sắm cho bà một quán tạp hóa, những mong khi sống tự do tiếp xúc với nhiều người, bà sẽ mở lòng. Hoặc chí ít, không lấy chồng, bà cũng sẽ kiếm đứa con, để được làm thiên chức cao quí của người đàn bà. 
Thế nhưng bà Hồng không thấy có ai giống người lính lái xe ấy. Những lúc một mình bà thường đem chiếc hộp kính ra ngắm. Dé hoa cau đã chuyển sậm màu nhưng vẫn còn nguyên vẹn, mùi hương thanh tao vẫn thơm dịu dàng gợi nhắc. Mỗi khi như thế bà lại thấy mình đang sống cuộc sống của Trường Sơn năm xưa. Bà cùng người lính, ngồi trong chiếc xe trụi trần, móp méo vì đạn bom, đang chạy băng băng về phía trước, tiếng cười của cả hai vang xa, lan tỏa, đánh thức núi rừng.
Ba nóc nhà nằm ngoài rìa phố thị làm thành một cái xóm mà người đời gọi là “xóm cụt đọt”. Những đêm trở gió, ba người đàn bà lại chụm đầu bên nhau kể chuyện cuộc đời. Có những câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần như không bao giờ có hồi kết. Bướm vẫn là “Bướm lột”, hàng ngày cứ đi phơi phới, ra khỏi nhà là nhận về mình những ánh mắt hình viên đạn. Bà Hồng vẫn là “Hồng xưa”, với nhan sắc còn mặn mà đằm thắm.Và bà San vẫn cứ khùng nhưng đã nghĩ tới chuyện đưa con bé trở về.
Họ, mỗi người một số phận, một tính cách và là một phần của cái xóm cụt đọt này.


                N.T.H.L

. . . . .
Loading the player...