09-01-2020 - 23:40

XUÂN DIỆU VÀ BẢN TRƯỜNG CA CHÀO ĐÓN CÁCH MẠNG

Hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết: "Xuân Diệu và bản trường ca chào đón Cách mạng" của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt.

Xuân Diệu nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới, ông hoàng của thơ tình trong phong trào thơ ca lãng mạn, người đã đưa phong trào Thơ Mới đạt đến những cách tân mạnh mẽ nhất bằng việc mang đến một hình thức thơ tân kỳ và  một cái tôi trữ tình đầy rạo rực, đắm say và quyết liệt trong mỗi cung bậc cảm xúc trước cuộc đời đầy thanh sắc với những tuyên ngôn nghệ thuật kiểu như: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn ràng buộc với muôn dây/ Hay chia sẻ với trăm tình yêu mến” (Là thi sĩ)Với tạng chất tâm hồn luôn chân thành, vồ vập, tha thiết với cuộc đời, Xuân Diệu cũng là nhà thơ đã nhanh chóng nhập cuộc, hòa mình với cuộc sống mới của dân tộc, sự kiện lớn của đất nước. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Diệu đã đón chào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, độc lập dân tộc bằng một cảm xúc nồng nhiệt qua hai trường ca Ngọn Quốc KỳHội nghị non sông. Có thể coi đây là hai bản trường ca, tác phẩm thơ dài hơi đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại viết về cách mạng, chào mừng một sự kiện trọng đại của dân tộc.

          Cuối năm 1945 đầu năm 1946, ngay sau khi đất nước giành được độc lập,để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị, chào đón niềm vui lớn của  dân tộc, Xuân Diệu viết liền hai bản trường ca Ngọn Quốc Kỳ Hội nghị non sông. Xuân Diệu, chàng thi sĩ bước ra từ phong trào Thơ Mới, từ thế giới lãng mạn với những đắm say, mộng tưởng đặc trưng của một thời đại thi ca đã nhanh chóng hòa âm cùng không khí cách mạng đang dâng tràn khắp đất nước.Từ cái tôi cá nhân ráo riết muốn hưởng thụ, đón nhận đến cuống quýt, đến vội vàng những thanh âm, hương sắc cuộc đời: “Ta muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất/ Ta muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi/ Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng cỏ xanh rì/ây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si…” (Vội vàng), Xuân Diệu nhanh chóng tìm được tiếng nói đồng lòng “Vui thấy xuân trên đất nước lan tràn”. Cách mạng tháng Tám, sự kiện “long trời lở đất” ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đã giành được chính quyền về tay nhân dân nhanh chóng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cuốn cái tôi Xuân Diệu luôn hăm hở, khát khao đến cháy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc sống chung sôi động, đến với ngọn gió Cách mạng đang rào rạt thổi trên đất nước mới hồi sinh. Ngọn quốc kỳ được mở đầu bằng điệp khúc âm thanh diễn tả tiếng reo vui trong tâm hồn nhà thơ cũng là không khí chung của hàng triệu triệu người trước ngọn cờ độc lập: “Gió reo, gió reo, gió Việt nam reo. Mây bay, mây bay, mây hồng tười sáng. Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo/ Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo/ Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!/… Gió đã lên! Gió dậy khắp sơn hà!/ Gió đã nổi! gió thổi cờ vun vút/ Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt/… Một luồng vui căng hết ngực thanh niên/ Những men mới trộn vào lòng đất nước…”.  Vẫn là những hình ảnh gió mây, núi sông hoa cỏ nhưng chúng không chỉ tắm trong trí tưởng tượng, men say cuộc đời của cái tôi lãng mạn mà tồn tại một cách đầy hiện thực, đầy sức sống trong cái nhìn mới, tâm thế mới. 203 câu thơ trong Ngọn quốc kỳ dâng tràn niềm phấn khích, náo nức tột độ trước hình ảnh mới của đất nước, sức sống mới của dân tộc được biểu tượng qua ngọn quốc kỳ, lá cờ đỏ sao vàng. “Chất men say” cuộc sống là chất liệu dồi dào và cơ bản trong các thi phẩm của Xuân Diệu. Vẫn là cái tôi lãng mạn đắm say“Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ ta muốn riết mây đưa và gió lượn” giờ đây “Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng”. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho độc lập dân tộc mà những người anh hùng, chiến sĩ, dân quân, du kích đã trải qua biết bao hy sinh đổ máu, vượt qua những tháng ngày gông cùm xiềng xích đen tối nhất mới giành lại được. Dựa trên hình tượng, chủ đề đó, nhà thơ triển khai mạch trữ tình mang âm hưởng anh hùng ca nhằm hướng tới khái quát được chặng đường gian khổ đi tới thắng lợi rực rỡ của dân tộc, lý giải sức mạnh chiến thắng của cuộc cách mạng. Cấu tứ này cho phép nhà thơ huy động được nhiều nhân vật, chi tiết, địa danh, sự kiện để mở rộng ý tưởng, làm phong phú cho mạch cảm xúc. (Đây là dạng kết cấu phổ biến của trường ca được các nhà thơ trẻ thế hệ chống Mỹ sau này vận dụng). Theo đó, lần đầu tiên, những tư liệu lịch sử cùng hình ảnh của hiện thực cuộc sống, các địa danh trên mọi miền đất nước từ Việt Bắc đến Rạch Giá Kiên Giang, Sài Gòn Chợ Lớn, từ Nhị Hà, Cửu Long cho đến Ngự Bình, Tản Viên, Hồng Lĩnh… có mặt trong thơ Xuân Diệu và những con người bình dị như chị bán củi, anh kéo xe, người nông dân... bước vào thơ ông  một cách tự nhiên và gần gũi. Với hai bản trường ca đón chào Cách mạng, xác lập “mối tình đầu với cách mạng”, Xuân Diệu đã chuyển từ địa hạt thế giới của mộng tưởng về với cuộc đời thực, với những đồng cảm đầy trải nghiệm: Áo nâu thấm lại niềm quê tổ/ Cơm muối giờ đây nặng ái ân/ Võ trang thỏi sắt thành dao nhọn/ Khúc gỗ đơn thô hóa gậy thần/… Ai từng nghe nói quân du kích?/ Nhắc đến lòng son tràn cảm kích/ Ôi những chiến sĩ, những anh hùng/ Những kẻ hồn xanh như ngọc bích:/ Đi theo tiếng gọi nước non thiêng/… Áo đơn một chiếc, rách sờn vai/ Quần thủng móng heo, chưa kịp vá/… Nhà cửa để trong khăn gói cả!/ Dân quân ăn mặc đủ màu quê/…Cheo leo xác mệt, tối nghiêng nằm… Có phong thái lãng mạn, hào hoa thị thành như một tất yếu khó tránh khỏi trong cách biểu đạt của một nhà thơ lãng mạn về anh dân quân du kích, người anh hùng - “những kẻ hồn xanh như ngọc bích”. Nhưng rõ ràng, không phải đến giai đoạn chống Pháp hiện thực kháng chiến mới đi vào thơ, không phải đến Chính Hữu, hình ảnh người lính mới được miêu tả một cách chân thực. Xuân Diệu đã có sự phác họa tương tự chân dung người chiến sĩ ngay từ những ngày khởi nghĩa: “áo đơn một chiếc rách sờn vai”, “chân không dày”, “dân quân ăn mặc đủ màu quê”…

Trường ca Hội nghị non sông cùng một cảm xúc và đề tài về cuộc cách mạng tháng Tám nhưng ở tầm bao quát lớn hơn. Trường ca gồm hơn 300 câu, bao quát cả chiều dài lịch sử dân tộc từ thở dựng cơ đồ, từ Hội nghị Diên Hồng của các bô lão vời lời thế “Sát Đát” và thời điểm lịch sử 600 năm sau, Cách mạng Tháng 8 thành công, Quốc Hội ra đời. Những “hội nghị non sông” ấy là cái tứ để trường ca bao quát chặng đường dài của lịch sử dân tộc, dù qua bao nhiêu thằng trầm vẫn luôn thống nhất một chân lý: “Đất cha ông, ngàn thuở chém chông gai/ Đổ nước mắt, tưới mồ hôi mới có/... Đất chúng tôi một ngón chẳng nhường ai/ Chúng tôi sống và chúng tôi giữ lấy/... Tổ quốc còn lên tiếng gọi, còn theo”. Cách mạng tháng Tám hôm nay, tổng tuyển cử - những lá phiếu “thanh tân” có được từ “tranh đấu”, “ngục tối”, “nhà chôn”…, hội nghị lớn của non sông hôm nay là thành quả được kế thừa từ sức mạnh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc: Khí sông núi bừng lên Bắc Đẩu/ Qua buổi sương vây, xong ngày gió xấu/ Thùng phiếu cười mang mẻ cả lòng dân”. Nhà thơ bày tỏ cảm xúc ngưỡng mộ tột cùng, tự hào, ngợi ca đất nước, lý tưởng cách mạng, sức mạnh của dân tộc: “Vui thấy xuân trên đất nước lan tràn/ Hôm nay đây mặt trời dọi với trăng/ Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt”… Cả hai trường ca cùng một nhịp điệu tráng ca, kết cấu trên cùng một tứ. Trên cơ sở mạch cảm hứng cuồn cuộn chảy chứa đựng “niềm vui bất tuyệt”, những suy tư về đất nước, về nhân dân được nhà thơ khát quát và lý giải sâu sắc:  Ôi lịch sử! mấy ngày tháng Tám / Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân/… Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa/ Trên gốc cũ nảy một chồi sống mới/... Một trăm năm tan nát tựa mù sương!/ Việt Nam! Việt nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở ngày độc lập... Bốn nghìn năm, trông mặt Mẹ không già/ Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy” (Ngọn quốc kỳ). Những câu thơ đậm chất triết lý này của Xuân Diệu về đất nước sẽ được kế thừa, triển khai hoàn thiện và thuyết phục hơn nhờ vào sự gia tăng chất liệu đời sống hiện thực kháng chiến trong các trường ca của các nhà thơ trẻ thế hệ chống Mỹ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, hai bản trường ca được hoàn thành. Mạch thơ rào rạt, tứ thơ hùng tráng, Xuân Diệu cho rằng ông đã “viết bằng hồn”. Chúng được viết bằng chất men say lý tưởng, bằng hình dung tưởng tượng bay bổng, đầy lãng mạn. Xuân Diệu đã thuyết minh thêm về trạng thái tâm hồn say sưa ngây ngất không khí cách mạng khi viết về hoàn cảnh ra đời của hai bản trường ca này: Ngọn quốc kỳ đã làm ra trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của cách mạng thành công ấy. Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng, chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu(…). Ngọn quốc kỳ là sự sống của người dân Việt Nam ở trong tôi, là mối tình đầu của tôi với những ngày đầu của chính quyền nhân dân cách mạng…”.Có người cho rằng khó có thể hình dung chàng thi sĩ Xuân Diệu với hình ảnh mái tốc xoăn lòa xòa trên vầng trán trữ tình, ông hoàng của những bài thơ tình mê đắm lại trở thành tác giả của trường ca Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông hầm hập hơi thở anh hùng ca. Thực ra hoàn toàn dễ hiểu, dễ lý giải về một sự thống nhất trong giọng điệu thơ Xuân Diệu cả trong thơ tình lãng mạn và sự chuyển hướng viết về cách mạng trong hai bản trường ca. Từ sự vồ vập và những đắm đuối trong tình yêu của cái tôi lãng mạn đến niềm phần khích, say mê với lý tưởng, cuộc hồi sinh mới của đất nước nhân dân đều là biểu hiện thống nhất của một trái tim chân thành và thủy chung rất mực với đời, với những đổi thay tươi mới từ cuộc sống. Vì thế, Xuân Diệu, chứ không phải ai khác, với tạng chất tâm hồn luôn vồ vập, sôi nổi, nồng nàn, ham hố đã chào đón cách mạng bằng tất cả niềm xúc động và say mê của mình. Nhà thơ đã đi từ cái riêng đến cái chung một cách rất tự nhiên và hợp lẽ (sau này Xuân Diệu có tập thơ Riêng chung, 1964).

Vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giàu tính suy nghiệm, triết lý trường ca Ngọn quốc kỳHội nghị non sông của Xuân Diệu đã khái quát được tầm vóc lớn của một sự kiện cách mạng đồng thời là tầm vóc của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử. Lần đầu tiên trong văn học hiện đại, hình tượng đất nước, dân tộc như một hình tượng thẩm mỹ, được khắc họa trong một tầm vóc lớn lao, sâu rộng và với dung lượng dài hơi của một thề loại trường ca. Mạch thơ này sẽ được tiếp nối ở giai đoạn trước và sau chiến tranh chống Mỹ kết thúc với sự nở rộ của trường ca của các nhà thơ thế hệchống Mỹ trẻ tài năng bước ra từ những trải nghiệm khốc liệt của chiến tranh.

 Thơ Mới đã  hoàn tất quá trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc, đưa lại cho thơ ca một hình thức biểu đạt tự do, linh hoạt theo nhu cầu bộc lộ của tâm hồn của phong trào. Xuân Diệu, một hồn thơ luôn chứa “nguồn sống rào rạt” (Hoài Thanh), đắm say, háo hức trước cuộc đời đã bắt nhịp được “hiện thực lớn”. Cách mạng tháng Tám là sự kiện lớn lao tạo nên sự lay thức dữ dội trong tâm thức của mỗi người Việt Nam – là “nội dung lớn” cho trường ca. Sự gặp gỡ “đúng thời điểm” của cả ba “yếu tố” đó là điều kiện tất yếu cho sự ra đời của những tác phẩm thơ dài hơi. Hai bản trường ca Ngọn quốc kỳHội nghị non sông của Xuân Diệu không chỉ có ý nghĩa đánh dấu một sự chuyển hướng trong sáng tác của ông mà còn là dấu hiệu cho thấy xu hướng  chuyển động nội tại của nền thơ.

Nguyễn Thị Nguyệt

. . . . .
Loading the player...