09-06-2022 - 13:59

BÁC VỀ THĂM HÀ TĨNH

Tạp chí Hồng Lĩnh Số đặc biệt (tháng 5+6) năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết của cố Đ/c Nguyễn Tiến Chương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về những kỷ niệm sâu sắc ngày "Bác về thăm Hà Tĩnh" - 15/6/1957, nhân dịp tỉnh nhà đang hướng về Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

kỷ niệm 65 năm ngày bác hồ về thăm hà tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022)

và 15 năm ngày thành lập thành phố hà tĩnh (28/5/2007 - 28/5/2022)

 

BÁC VỀ THĂM HÀ TĨNH

                                        

                     

                                                                                      

Cứ đến tháng 6 hàng năm, tôi lại giở cuốn sổ tay công tác xem lại chương trình của “Phái đoàn ngày 15/6/1957” và đó là một kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời.

Ngày 12/6/1957, anh Nguyễn Hữu Thái - Bí thư Tỉnh ủy và anh Ngô Mậu - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh vừa đi họp Khu ủy Liên khu IV về (hai anh là Khu ủy viên) mời Thường vụ họp, phổ biến “Chương trình của Phái đoàn ngày 15/6/1957), nhấn mạnh việc giữ bí mật, kế hoạch bảo vệ và giao cho tôi, lúc đó là Ủy viên Thường vụ trực Đảng, lo công tác tổ chức bảo đảm. Chiều 13/6, điện của Văn phòng Khu ủy mời anh Mậu ra gấp. Về trong đêm, anh Mậu triệu tập chúng tôi lại cho biết có điều chỉnh lại hai điểm trong chương trình và thời gian có dài hơn. Khách ăn trưa, nghỉ và ra Vinh lúc 14 giờ chứ không phải 10 giờ 30 như chương trình cũ. Anh Thái nói: “Cho anh em vào Cẩm Xuyên, Kỳ Anh mua một ít cá ngon, tôm hùm, nước mắm ngon làm cơm mời khách…, giao cô Thìn (cấp dưỡng) luộc mười búp sen hái dưới hồ, chọn mấy bắp ngô non cơ quan ta trồng xát nấu chè cho khách ăn sau nghỉ trưa; nhớ phải thật sạch và ít thôi, chỉ vừa cho khách”.

Thật khẩn trương, lại giữ bí mật. Công tác chuẩn bị chỉ có ba ngày, thế mà đâu vào đó: Kê lót ván mở rộng Văn phòng Ủy ban cho đủ chỗ hơn 100 người, làm thêm tầng gác trên gian cuối hội trường để đủ chỗ cho 2.000 người, điều đủ xe đón, đưa cán bộ, đảng viên các huyện và đơn vị, xí nghiệp ở xa, bố trí lực lượng bảo vệ tuyến đường và nơi xung yếu. Ngày 14/6, chúng tôi tập trung vào việc kiểm tra cho thật chắc chắn, đồng thời cho điều tổ máy điện và micrô của Đội chiếu bóng lưu động Can Lộc vào phục vụ. Hai tổ ghi chép giao cho đồng chí Lư (Tuyên huấn Mặt trận) và đồng chí Tương (Tuyên huấn Tỉnh ủy) làm tổ trưởng.

Sáng ngày 15/6/1957, anh Mậu đi sớm ra Bến Thủy đón Bác. Đúng 6 giờ 30, chiếc Pôpêđa màu trắng đưa Bác đi thẳng vào trụ sở Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Anh Thái và đoàn đại biểu thị xã Hà Tĩnh đón chào Bác từ trong phòng họp của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngay bên hồ sen. Trong hồ, hoa đã nở đều, thoang thoảng hương thơm. Dọc bờ, hàng chuối anh Thái trồng, thân lá xanh tươi, tỏa mát. Cháu Hàm, con đồng chí Triêm tặng Bác bó hoa sen và hoa mồng gà. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công an, đồng chí Hoàng Văn Diện - Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu IV, đồng chí Khỏng, bảo vệ và thư ký, bác sĩ.

Chúng tôi đón Bác và Phái đoàn trong một trụ sở giản dị. Gian bên trái sắp xếp lại làm phòng nghỉ của Bác, đặt một chiếc giường cũ loại gỗ thường, bộ xa lông gỗ gụ đã bóng màu đen của Công sứ cũ, một giá móc áo bằng gỗ. Phía sau bên bờ hồ là “phòng tắm và vệ sinh” quây lá cót, đặt chiếc lu sành đầy nước, một chiếc gáo dừa và thau rửa mặt. Bước ra ngoài nhìn thấy dãy mít chi chít hoa vàng, quả xanh chạy theo mép bờ ao, Bác nói với đồng chí Số - Thư ký văn phòng Tỉnh ủy đang đứng gần đó: “Tăng gia thế này là tốt”.

7 giờ kém 10 phút, anh Thái mời Bác sang thăm và nói chuyện với đại biểu nhân dân tại phòng họp Ủy ban hành chính tỉnh. Bác Mai Kính, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, linh mục Chính đại diện các đoàn thể, quân đội, trí thức, công thương, Hoa kiều và hơn 100 đại biểu đứng dậy, vỗ tay, chào mừng Bác. Đoàn thiếu nhi Thị xã vào tặng hoa Bác, Bác rút trong túi ra một tờ giấy ghi dàn bài nói chuyện bằng chữ Hán - Nôm, ra hiệu cho đồng chí Thích (Thư ký Văn phòng Tỉnh ủy) ngồi gần đó đưa Bác chiếc bút “vặn cổ đổ mực” tiện bằng sừng của Thái Yên, ghi bổ sung vào dàn bài để chuẩn bị trước.

Bác nói: “Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các vị đại biểu và nhân dân Hà Tĩnh lời chào thân ái”. Sau khi nêu những mặt tốt của nhân dân Hà Tĩnh, Bác nói: “Sau 50 năm tôi trở lại Hà Tĩnh. Tôi nói thật có mất lòng không?” Bác chỉ những khuyết điểm và những việc cần làm trước mắt. Kết thúc bài nói chuyện, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay, hòa bình được lập lại, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt ra hai miền. Chúng ta phải ra sức củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, việc đấu tranh thống nhất nước nhà không phải dễ dàng, đơn giản. Nhưng nếu toàn dân ta đoàn kết, tin tưởng, quyết tâm, thì nhất định thắng lợi cuối cùng sẽ về ta”.

Gặp đại biểu nhân dân xong, anh Thái đưa Bác về nhà Tỉnh ủy nghỉ, uống nước, rồi mời Bác ra hội trường nói chuyện với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội. Anh Thái mời Bác đi xe, Bác hỏi “gần hay xa”. Anh Thái lấy tay chỉ hội trường cách cổng Tỉnh ủy khoảng 200m. Bác bảo: “Đi xe hai bánh thôi”. Anh Thái hăng hái đi trước. Bác lại nói: “Chú to hơn tôi”. Anh Thái chợt hiểu, đi tụt lại phía sau Bác một tí, hướng dẫn Bác vào hội trường.

Trên 2.000 cán bộ, đảng viên đoàn thanh niên, bộ đội và một số đồng bào thị xã, đứng chật cứng hội trường và đứng bật dậy hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay bảo tất cả ngồi xuống và bắt đầu nói chuyện. Bác nói mấy ưu điểm chính, nêu gương hai đảng viên có nhiều thành tích. Tiếp đó Bác nói về những khuyết điểm, những việc cần làm trước mắt và nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải làm đúng tiêu chuẩn đảng viên”.

Tôi đứng tựa vào cột to phía trái hội trường nghe Bác nói chuyện. Giọng Bác ấm áp, nghiêm túc mà thân tình, có sức lôi cuốn lạ thường. Tôi như uống từng lời, khi Bác nhắc đến các khuyết điểm về đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, về tinh thần trách nhiệm, về tính toán cá nhân, tham ô  lãng phí của công, về tư tưởng tự kiêu tự đại, về thái độ lao động. Tôi tưởng như Bác đang dạy cho riêng mình. Bác vui vẻ đưa một gói Huy hiệu Bác Hồ làm giải thưởng. Bác nói: “Huy hiệu chỉ có 100 mà ở đây đã hơn 2.000 người, hơn nữa cán bộ, đảng viên ở nhà cũng đều muốn được thưởng. Nếu cần thêm 15 cái nữa Bác cũng sẵn sàng”. Bác vẫy tay chào, bước xuống bục cùng anh Thái, anh Thanh đi về nhà Tỉnh ủy. Mọi người luyến tiếc nhìn theo.

Buổi trưa, anh Mậu ăn cơm với Bác. Cá, tôm tươi, nước mắm ngon mới đưa về sáng nay đều chuyển cho bác sĩ và người nấu ăn đi theo Bác. Vì để đảm bảo ổn định sức khỏe cho Bác, các đồng chí đó chỉ dọn cho Bác những món đã được chuẩn bị từ trước. Ăn xong, khi uống nước Bác nói: “Về quê mà không được ăn mắm, ăn cà”. Trưa đó, Bác nghỉ trên chiếc giường gỗ cũ, trong gian phòng hẹp nhưng ba bề thoáng gió, thoang thoảng hương sen. Cô Thìn đã luộc mươi búp sen và nấu mấy chén chè ngô để Bác dùng sau khi nghỉ trưa. Nhưng Bác chỉ ăn mấy hạt sen và một chén nhỏ chè ngô non.

Chưa đến giờ nói chuyện với bộ đội, Bác với bộ quần áo lụa nâu, anh Thanh quân phục chỉnh tề bước xuống mép hồ, cùng đứng trên cầu ao bằng gỗ, ngắm sen, trò chuyện. Anh Thanh nói với Bác: “Ở Bình Trị Thiên có câu:

Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen.

Bác nói lại: “Người phụ nữ Việt Nam thương chồng nhưng cũng rất thương cha, mẹ. Trong Kiều có câu:

Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.

Tuy giữa trưa hè, công việc được tính từng giờ, từng phút, nhưng trước cảnh đẹp, Bác và anh Thanh cũng có những lúc thanh thản ung dung nói chuyện văn chương, nhắc đến truyền thống văn hóa dân tộc.

13 giờ 15, Trung đoàn 812 của Khu VI (cực Nam Trung Bộ) do đồng chí Phan Ty làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Hượt làm chính ủy từ xã Thạch Vĩnh về tập kết trên sân Tỉnh ủy, trước nhà văn thư. Bác vẫn mặc bộ đồ lụa nâu, từ sau nhà bước ra đứng trên thềm “cổ cò” nhà văn thư lợp lá tro, nói chuyện với bộ đội. Bên cạnh Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, anh Nguyễn Hữu Thái, đồng chí Trần Quốc Hoàn, đồng chí Khánh, người cận vệ bao giờ cũng đi bên cạnh Bác. Tôi chịu trách nhiệm điều động, hướng dẫn Trung đoàn sắp xếp đội hình trước “cổ cò” để cán bộ, chiến sĩ ai cũng được nhìn thấy Bác, ai cũng được nghe tiếng nói của Bác. Sau khi đồng chí Trung đoàn trưởng báo cáo, Bác hỏi thăm sức khỏe cán bộ và chiến sĩ, nhắc giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cấp trên. Bác vừa nói xong, một chiến sĩ của Trung đoàn - đồng chí Dưỡng đi lên tặng Bác chiếc khăn tay thêu đồng bào tặng khi tiễn đơn vị tập kết ra Bắc. Bác nhận chiếc khăn, ngoảnh lại nhờ lấy bút, Bác ký vào chiếc khăn và trao lại cho đồng chí Dưỡng. Bác nói: “Chiếc khăn này là vật kỷ niệm, chú nên giữ lấy”.

Bác không về phòng nghỉ mà đi thăm cơ quan Tỉnh ủy, vào Ban Tuyên huấn trước. Thấy trên vách có treo bức tranh Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài của Trung Quốc, Bác cười, nói: “Các chú nhìn vào đây thì làm sao làm việc được”. Bác đi sang Ban Tổ chức bên cạnh, thấy một cháu trai nhỏ, Bác hỏi: “Cháu tên gì?” Cháu đáp: “Dạ cháu Trung Lập ạ” (Con là Trung cha là Lập, cán bộ tổ chức). Bác cười: “Trung Lập tích cực chứ”. Trên tường có treo bức tranh hái chè bắt bướm cũng của Trung Quốc, Bác không nói gì, hỏi anh em: “Hôm qua có sạch như hôm nay không?” anh em trả lời: “Hôm qua cũng sạch nhưng hôm nay sạch hơn”. Bác gật đầu: “Thật thà như thế là tốt”. Sang Văn phòng ở đầu bên kia hồ sen, nhìn tấm khẩu hiệu “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” treo phía trên bàn làm việc, Bác khen: “Nơi làm việc nên treo tranh này”. Trên 50 anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Tỉnh ủy đã ngồi ở phòng họp của Văn phòng. Bác phát kẹo cho các cháu, chúc anh chị em mạnh khỏe, đoàn kết, công tác tốt. Hồi đó kinh tế gia đình còn khó khăn, có cán bộ muốn xin về. Bác khuyên: “Hãy cùng lo kinh tế của tỉnh khá lên thì gia đình mình cũng bớt khó khăn. Nước lên thì thuyền lên”. Bác chào từ biệt rồi đi Vinh. Lúc đó là 14 giờ ngày 15/6/1957.

Chiếc Popêđa màu trắng chạy qua đường chính của thị xã (đường Phan Đình Phùng). Đồng bào biết Bác về thăm Hà Tĩnh, ra đứng trước nhà, hai tay vẫy vẫy chào Bác. Bác ngồi ghế sau, ở giữa, hai bên là người bảo vệ và bác sĩ. Tôi đi xe sát sau, thấy Bác nhổm dậy vươn tay ra khỏi cửa xe vẫy đáp lại đồng bào. Tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra.

Quốc lộ 1 tuy không được tốt, nhưng không có xe nhiều, nên chưa đến một giờ sau, xe đã qua nhà, đưa Bác vào công trường Nhà máy điện Bến Thủy. Đông đảo công nhân, chuyên gia Liên Xô và đồng bào đang đón Bác. Tôi đứng trên xe nhìn thêm một hồi lâu, rồi quay về thị xã Hà Tĩnh.

Bác về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh từng bước củng cố và tăng cường đoàn kết, hoàn thành công tác sửa sai, khắc phục hậu quả trận bão tháng 9 - 1956, mở rộng phong trào tổ đổi công gắn với khôi phục và phát triến sản xuất nông nghiệp, hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế hai năm, từng bước ổn định đưa tỉnh hình các mặt của Hà Tĩnh tiến lên vững chắc.

Riêng phần mình, mấy lâu ao ước được gặp Bác, nay không những được tận mắt nhìn Bác, được nghe giọng nói ấm áp của Bác, mà còn được làm nhiệm vụ trực tiếp phục vụ chuyến về thăm quê hương của Bác, tôi thấy mình thật hạnh phúc.

Tuy nhiên, còn có nhiều điều làm tôi băn khoăn, day dứt: Bác về thăm nhưng thời gian quá ngắn; Bác mới gặp được cán bộ mà chưa trực tiếp gặp dân và dân chưa trực tiếp được gặp Bác. Bác “về quê” mà chưa được ăn mắm, ăn cà. Nỗi day dứt đó đeo đuổi tôi suốt nhiều năm, thúc đẩy tôi muốn chọn lúc nào thuận lợi sẽ báo cáo với cấp ủy mời Bác vào thăm Hà Tĩnh lần thứ hai. Mỗi lần nhớ đến Bác, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để làm tốt nhiệm vụ của mình trong những năm tháng về sau.

                                                                                    Nguyễn Tiến Chương

                                                                            Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

. . . . .
Loading the player...