21-09-2023 - 07:46

Bi kịch và khát vọng tình yêu trong trích đoạn truyện thơ Tiễn dặn người yêu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Bi kịch và khát vọng tình yêu trong trích đoạn truyện thơ Tiễn dặn người yêu” của Đinh Thanh Huyền

Truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon sao) là tác phẩm thuộc loại nổi tiếng và phổ biến nhất của dân tộc Thái sống ở vùng Tây Bắc, Việt Nam. Người Thái có câu: “Hát tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, chàng trai quên cày ruộng”. Nhưng Tiễn dặn người yêu không chỉ là niềm tự hào của người Thái. Đây còn là tác phẩm có giá trị độc đáo trong di sản văn học dân gian Việt Nam.

Tiễn dặn người yêu kể về chuyện tình éo le, đẫm nước mắt của đôi nam nữ dân tộc Thái. Ngay từ thời thơ ấu, hai nhân vật chính đã gắn bó với nhau. Đến tuổi trưởng thành, tình cảm giữa hai người càng mặn nồng và họ mong ước được kết đôi chồng vợ. Nhưng khi chàng trai đến xin ở rể, cha mẹ cô gái không chấp thuận vì chê anh nghèo và chọn một chàng rể khác con nhà giàu có. Chàng trai đau khổ quyết đi xa để làm giàu với hi vọng sẽ về giành lại người yêu khi chưa quá muộn. Nhưng ngày anh trở lại bản làng quê hương với nhiều tiền bạc cũng là ngày cô gái phải về nhà chồng, vì thời hạn ở rể của người được cha mẹ cô chọn đã kết thúc. Không thể làm gì khác, chàng trai chỉ còn biết làm người đưa chân để nói những lời tiễn dặn tha thiết. Ở nhà chồng, cô gái bị đối xử tàn tệ, ít lâu thì bị đuổi về. Lần này, cô gái bị cha mẹ bán vào nhà quan. Quá tuyệt vọng và đau khổ, cô trở nên ương ngạnh, khiến nhà quan đem cô ra chợ bán. Người đẹp ngày xưa giờ đây bán em nghìn lần không đắt/bán em chín chợ không trôi, cuối cùng bị đổi lấy một cuộn lá dong. Không ngờ người đổi được cô lại là chàng người yêu năm nào, nhưng lúc này anh đã lập gia đình riêng, có nhà cao cửa rộng. Đặc biệt, chàng trai không còn nhận ra cô trong dáng hình tiều tuỵ của một kẻ tôi đòi. Một ngày, lúc tủi phận, cô đem đàn môi - kỉ vật tình yêu năm xưa - ra thổi. Nghe tiếng đàn, chàng trai bàng hoàng nhận ra người yêu cũ. Anh quyết định chia tay với người vợ hiện tại và cưới người yêu năm xưa để hai người được chung sống hạnh phúc.

Tác phẩm có 1846 câu thơ với cốt truyện gồm ba phần: gặp gỡ, hẹn ước -> biến cố -> đoàn tụ, hạnh phúc. Trong đó có khoảng gần 400 câu là lời chàng trai tiễn dặn cô gái. Hẳn là do tính đặc sắc, tiêu biểu của lớp ngôn ngữ này mà truyện thơ được đặt tên là Tiễn dặn người yêu. Sách Ngữ văn 11 tập 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) trích một đoạn được ghép từ hai lời tiễn dặn trong tác phẩm: lời 1 thể hiện tâm sự của chàng trai khi tiễn cô gái về nhà chồng; lời 2 bộc lộ niềm thương xót của anh khi chứng kiến cảnh cô gái bị nhà chồng đánh đập, hành hạ. Cả hai lời đều tha thiết, cảm động, thể hiện tình yêu sắt son, bền chặt, không thể nhạt phai giữa hai nhân vật chính (Theo sách Ngữ văn 11 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, NXBGD, năm 2023).

Trong Tiễn dặn người yêu, hai nhân vật chính được gọi là Anh yêuEm yêu. Đây là kiểu nhân vật phiếm chỉ rất điển hình trong truyện thơ Thái. Nhân vật phiếm chỉ không có tên riêng, không rõ lai lịch, không được miêu tả về diện mạo, tuổi tác, tính cách  mà chủ yếu được khắc họa ở tâm trạng.

Trong văn hóa người Thái có tục ở rể. Người Thái quan niệm rằng, cha mẹ và gia đình đã có công sinh ra, nuôi dạy cô gái trưởng thành, thì trước khi đón cô gái về nhà làm vợ, chàng rể phải trả công cho cha mẹ vợ bằng cách ở rể. Thời gian ở rể tùy vào từng vùng và từng gia đình. Trong thời gian đó, cô gái vẫn có quyền tìm hiểu người khác (theo Văn Hoa – báo Dân tộc và phát triển, 29/9/2021). Hết thời gian ở rể, người chồng mới được đón cô dâu về nhà mình và chỉ đến lúc này, anh ta mới chính thức có vợ. Người con gái trong Tiễn dặn người yêu đã cố gắng kéo dài thời gian ở rể để đợi người yêu trở về, nhưng càng chờ đợi càng vô vọng. Trái ngang thay, ngày đón dâu cũng chính là ngày Anh yêu trở về, giàu có nhưng không còn cơ hội cưới được Em yêu. Trong tiếng Thái, “chụ” có nghĩa là Bạn tình. Người Thái quan niệm rằng vợ chồng do duyên Then (Trời) đặt cho. Còn tình yêu do “lẽ Trời” tạo ra. Yêu nhau mà không lấy được nhau thì gọi là “chụ”. Những người con trai con gái là “chụ” của nhau, dù không trở thành chồng vợ nhưng mãi mãi gắn bó bằng một sợi dây tình vô hình, vĩnh viễn và đầy bi thương. Cũng theo tục lệ người Thái, dù không lấy được nhau, đôi trai gái vẫn coi nhau như anh em, bạn bè. Người con trai vẫn có thể chia sẻ, động viên người con gái. Đoạn trích kể chuyện chàng trai đã đưa cô gái về nhà chồng cùng với lời tiễn dặn đẫm nước mắt thực sự là một đoạn hết sức đặc sắc.

Truyện thơ thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,... nhưng lại được thể hiện dưới hình thức thơ. Lời kể trong đoạn trích là của chàng trai, như vậy, chàng trai là người tự kể câu chuyện từ ngôi thứ nhất. Nhưng do lời kể được thể hiện bằng hình thức thơ nên rất đậm tính biểu cảm, dễ khiến người đọc cho rằng đoạn trích mang đặc điểm của một bài thơ trữ tình dài, với nội dung chính là thổ lộ cảm xúc của chủ thể.

Đoạn trích Tiễn dặn người yêu bắt đầu với sự việc cô gái về nhà chồng. Sự việc được kể bằng lời của chàng trai, bằng cái nhìn đau đớn dõi theo từng bước chân người yêu Quẩy gánh qua đồng rộng, Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng. Chàng trai “nhìn” thấy cả những giằng xé, nấn ná trong bước chân trĩu nặng của người con gái: Vừa đi vừa ngoảnh lại,/ Vừa đi vừa ngoái trông,/ Chân bước xa lòng càng đau nhớ.

Lời thơ có lúc trực tiếp gọi tên tâm trạng cô gái: lòng càng đau nhớ, có lúc miêu tả những động tác, cử chỉ ngoại hiện: đi, ngoảnh lại, ngoái trông, chân bước xa. Các động tác này như những biểu tượng có tác dụng khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật. Những bước chân ngập ngừng, dùng dằng của cô gái được miêu tả một cách đầy cảm xúc bằng hiệu quả của phép điệp. Trong ngôn ngữ truyện thơ Thái, phép điệp trở thành nét đặc trưng nổi bật. Các yếu tố điệp tạo nhạc tính, khiến truyện thơ có đặc điểm của dân ca, dễ hát, dễ ngâm. (Truyện thơ Thái được gọi là Khắp, một hình thức diễn xướng dân gian). Phép điệp xuất hiện trong đoạn trích với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nếu ở trong ba câu thơ trên là điệp/liệt kê thì ba câu thơ sau là phép điệp tăng tiến: Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,/ Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,/ Tới rừng lá ngón ngóng trông

Những động tác có tính biểu tượng: ngắt lá, ngồi chờ, ngồi đợi, ngóng trông, phản ánh chân thực nội tâm nhân vật Em yêu. Phép điệp diễn tả mỗi bước chân của Em yêu như chất chứa trong đó mọi xót xa cay đắng mà nàng phải chịu đựng. Buộc phải về nhà chồng, nhưng cô gái chỉ một lòng hướng về người yêu. Thời gian càng trôi, con đường đến nhà chồng càng ngắn lại, cô càng cố trì hoãn, giằng níu một cách đau khổ. Các yếu tố vừa lặp lại ý trước, vừa tiếp tục triển khai ý tiếp theo làm cho nội dung lời thơ được phát triển theo lối tăng cấp: lá ớt – lá cà – lá ngón. Tên các loại lá vừa gợi về không gian sống quen thuộc của người Thái vừa diễn tả sự đắng cay của thân phận con người. Loại lá được nhắc đến cuối cùng trong chuỗi trên là lá ngón, thứ lá độc có thể tước đi sinh mạng. Hành trình cuộc đời người phụ nữ bị ép duyên trải ra bằng chông gai, bằng độc tố hủy hoại cả thể xác và tâm hồn. Lời kể của chàng trai hàm chứa sự đồng cảm với nỗi đau khổ, tuyệt vọng của người con gái. Những câu thơ mộc mạc, nhưng là sự kết nối tinh thần sâu sắc của cặp tình nhân khốn khổ. Trong đoạn trích, hình tượng Em yêu hiện ra một cách gián tiếp nhưng cụ thể, sắc nét qua lời kể thấm đượm buồn thương của chàng trai.

Nếu như hình tượng cô gái hiện lên qua lời kể của chàng trai thì hình tượng chàng trai được khắc họa bằng cách tự biểu hiện. Mất người yêu, chàng trai cũng phải chịu đựng nỗi đau vò xé nhưng lời chàng chỉ chan chứa niềm xót thương người tình: Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,/ Quấn quanh vai ủ lấy hương người,/ Cho mai sau lửa xác đượm hơi,/ Một lát bên em thay lời tiễn dặn!

Giọng thơ tha thiết, ngập tràn tình yêu thương. Lời thơ bộc lộ những giằng xé của chàng trai: buộc phải tiễn người yêu về nhà chồng nhưng quyến luyến không dứt nổi. Bởi thế, chàng trai nguyện được gần bên người yêu dù chỉ trong một lát. Thậm chí cả khi cái chết đến Cho mai sau lửa xác đượm hơi, cũng phải được quấn quýt bên nhau.

Trong nỗi đau, chàng trai vẫn cất lên những lời lẽ hết sức ân cần: Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,/ Bé xinh hãy đưa anh bồng,/Cho anh bế con dòng đừng ngượng,/ Nựng con rồng, con phượng đừng buồn

Với Anh yêu, con của người yêu là bé xinh, con dòng, con rồng, con phượng. Trong mắt chàng trai, điều gì thuộc về người yêu cũng đẹp, cũng quý báu, kể cả đó là đứa con nàng sinh cho người đàn ông khác. Một tình yêu lớn, chân thành đến thế đâu dễ gặp trong cuộc sống cũng như trong văn chương. Có thể thấy, Xống chụ xon xao đã cho người đọc hiểu được một nét đẹp tâm tâm hồn người Thái: tình yêu chân thành, cao thượng, vị tha. Tình yêu ấy không thể đổi thay dù đối diện nghịch cảnh: “Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng Năm lau nở,/ Đợi mùa nước đỏ cá về,/ Đợi chim tăng ló hót gọi hè,/ Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,/ Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già.”

Sự chờ đợi được diễn tả bằng kiểu tư duy nghệ thuật đặc trưng của người dân tộc. Nó khắc họa một tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng trải khắp thời gian mùa vụ: tháng Năm lau nở, mùa nước đỏ cá về, chim tăng ló hót gọi hè, mùa hạ, mùa đông…; trải suốt thời gian đời người: thời trẻ, khi goá bụa về già. Thời gian chờ đợi vừa thực vừa có tính tượng trưng. Đoạn thơ có các cấp độ điệp: điệp từ đợi, điệp ngữ ta sẽ lấy, điệp cấu trúc câu nhằm nhấn mạnh, khẳng định sự chung thủy, niềm hi vọng bất diệt vào tình yêu của đôi trai gái. Dù hiện tại là chia cắt, cách biệt nhưng họ chưa bao giờ mất niềm hi vọng vào sự đoàn tụ mai sau. Hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã đến đâu cũng không thể ngăn cản được tình yêu của họ. Nguyện ước tình yêu vang lên vừa đau đớn vừa kiên định. Sự giản dị của lời thơ và sức mạnh của cảm xúc đã góp phần tạo nên những câu thơ tuyệt đẹp, có khả năng lay động lòng người một cách sâu sắc.

Ở đoạn trích thứ hai, khi theo cô gái về nhà chồng, chàng trai đã chứng kiến cảnh người mình yêu bị hắt hủi, giày vò tàn tệ. Chàng trai chỉ có thể bày tỏ mong muốn được vỗ về, chăm sóc người yêu: “Dậy đi em, dậy đi em ơi!/ Dậy rũ áo kẻo bọ,/ Dậy phủi áo kẻo lấm!/ Đầu bù anh chải cho,/ Tóc rối đưa anh búi hộ!”/Anh chặt tre về đốt gióng đầu,/ Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,/ Lam ống thuốc này em uống khỏi đau.

Lời chàng trai bộc lộ niềm thương cảm, đau xót khi người mình yêu thương, nâng niu bị nhà người rẻ rúng, hành hạ. Đó là lời động viên, an ủi giúp cô gái còn giữ được động lực để sống. Mặt khác, dường như chàng trai cũng nung nấu ý định giải thoát cho người yêu: Tơ rối đôi ta cùng gỡ,/ Tơ vò ta vuốt lại quay guồng;/ Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn/ Về với người ta thương thuở cũ.

Những câu thơ tiếp theo thể hiện khát vọng mãnh liệt muốn gắn kết vĩnh viễn với người yêu: Chết ba năm hình còn treo đó;/ Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,/ Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,/ Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,/ Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,/ Chết thành hồn, chung một mái, song song.

Từ chết lặp lại sáu lần bộc lộ biến chuyển bi thiết trong tâm trạng nhân vật. Chàng trai liên tục nêu các tình huống giả định mang tính thử thách đặc biệt để tô đậm sự kiên định trong tình yêu, trong đó, cái chết luôn được nhắc đến như một thử thách cao nhất. Trong nỗi tuyệt vọng, chàng trai không còn khát vọng sống hạnh phúc mà chỉ có khát vọng chết chung đôi. Thậm chí không chỉ chết trong một kiếp mà muôn kiếp khác vẫn tìm đến nhau. Dù không được tái sinh làm người, nếu sống kiếp phi nhân như nước, đất, dây trầu, bèo, ao, muôi, bát họ vẫn tìm về với nhau. Bởi nguyện ước đó, chàng trai dặn dò người con gái dù hoàn cảnh đẩy đưa đến bước đường bi thảm nhất cũng không được đầu hàng: Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát,/ Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi,/ Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh.

Những câu thơ cuối là cao trào của cảm xúc:  Đôi ta yêu nhau, tình Lú - Ủa mặn nồng,/ Lời đã trao thương không lạc mất;/ Như bán trâu ngoài chợ,/    Như thu lúa muôn bông./ Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,/ Bền chắc như vàng, như đá./Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,/ Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,/ Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển/ Người xiểm xui không ngoảnh, không nghe

Có thể nói, đây là một lời nguyền chung tình đau đớn mà vô cùng quyết liệt. Khát vọng tình yêu càng mạnh mẽ bao nhiêu thì giá trị phản kháng của tác phẩm càng lớn bấy nhiêu. Bi kịch tình yêu của đôi trai gái trong Xống chụ xon xao chính là hậu quả của những tập tục phi lí, phi nhân tính tồn tại như một thứ quyền lực trong cộng đồng người dân tộc Thái. Quyền lực đó đã phá vỡ, ngăn cản khát vọng tự do yêu đương của con người, đặc biệt là người phụ nữ và người yếu thế trong xã hội. Thực trạng đó không xa lạ với những cộng đồng dân tộc khác ở nước ta. Vì thế, tiếng nói đau xót và khát vọng tình yêu cháy bỏng của Anh yêu, Em yêu trong truyện thơ Thái không hề xa cách với mọi tấm lòng người đọc.

                                                                                      Đ.T.H

. . . . .
Loading the player...