24-02-2022 - 08:31

Buổi đầu Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu hồi ký "Buổi đầu Tạp chí Hồng Lĩnh" của Nhà văn Phan Trung Hiếu, nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh

Ngày 4.9, cơ quan Hội chính thức chuyển về Hà Tĩnh thì đến ngày 26/9, BCH Hội đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất trong đó có việc chọn đặt tên và ban hành quy chế hoạt động của Tạp chí Hồng Lĩnh. Nhiều ý kiến tranh luận rất sôi nổi, người bảo nên chọn tên liên quan đến biểu tượng sông núi của quê hương như Lam Hồng, Ngàn Hống, Hoành Sơn, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Tam Soa, sông La… Người thì bàn nên nương bóng quê hương các danh nhân như Tiên Điền, Tùng Ảnh, Vũ Quang… Có ai đó lại hướng nhìn ra biển để tìm những cái tên như Cửa Nhượng, Cửa Sót, Cửa Hội… Cũng có người nghĩ về hương vị đặc sản riêng của quê nhà như Hương bưởi, Hương cau, Phấn thông vàng… Rốt cuộc, cái tên Hồng Lĩnh vẫn được số đông tán thành và được chọn để đặt tên cho Tạp chí văn nghệ mới của tỉnh nhà.

Hội nghị Hội đồng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh những năm đầu tách tỉnh

Sau cuộc họp, Văn phòng Hội bắt tay vào việc gửi thư cho các hội viên và cộng tác viên. Ngoài các ủy viên BCH, Thường trực Hội đã gửi thư, điện thoại mời một số văn nghệ sĩ có tiếng tăm là con em quê Hà Tĩnh tham gia Hội đồng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh như Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Vũ Ngọc Khánh, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Bá Hán, Nguyễn Xuân Thiều, Thái Kim Đỉnh, Chính Tâm. Họa sĩ Từ Thành ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nhận giúp khâu trình bày, nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo hứa sẽ làm măng set cho Tạp chí. Số Tạp chí Hồng Lĩnh đầu tiên in 1000 số, khổ 16 x24 cm ra mắt đúng vào tháng 1 năm 1992 để kịp chào mừng xuân Nhâm Thân và Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bìa 1 giới thiệu bức tranh” Hoa ngày thường” màu sắc nhã nhặn, nội dung giàu phong vị quê kiểng. Trong lời giới thiệu cùng bạn đọc, “Hồng Lĩnh sẽ là diễn đàn văn hóa - văn học nghệ thuật…là nơi gặp gỡ đầy tâm huyết với trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ vào sự nghiệp đổi mới của đất nước”. Số đầu, tạp chí đã hình thành các chuyên mục. Mảng văn xuôi giới thiệu các truyện ngắn của Phan Cung Việt, Đức Ban, Chính Tâm và bút kí “Nhà” rất nóng của nhà văn Đức Ban đề bút danh Sơn Hải. Phần thơ, giới thiệu tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh như: Phạm Ngọc Cảnh, Thuận Vi, Mai Hồng Niên, Nguyễn Quốc Anh, Lê Quốc Hán, Lê Thái Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Đinh Thu Hiền, Lê Kim Ngân, Lê Văn Vỵ, Đặng Quốc Vinh, Phan Quốc Bình, Trương Biên Thùy, Thái Vĩnh Linh, Xuân Hoài, Lê Duy Phương, Lương Xuân Cung… Lý luận phê bình và văn nghệ dân gian có các bài viết của Lê Đình Kị, Hà Quảng, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Kim Đỉnh. Ngoài ra, Tạp chí còn tung các chuyên mục Tìm giúp người yêu thơ, Giới thiệu sách, Công việc bút mực, Chúng tôi phỏng vấn, Thư về Hồng Lĩnh, Tin văn nghệ…. với sự tham gia của nhiều cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Ảnh minh họa cho số này được in màu, giới thiệu riêng 1 trang đóng kẹp vào giữa và ở bìa 4, với sự góp mặt của các nghệ sĩ Từ Tiện, Huy Tuấn, Nguyễn Đăng Việt….

Năm đầu tiên sau tách tỉnh, ngoài nhà thơ Xuân Hoài - Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập, nhà văn Đức Ban - Phó Chủ tịch Hội kiêm Phó Tổng biên tập, còn có nhà văn Chính Tâm biên tập mảng văn xuôi, anh Nguyễn Xuân Hải, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn về biên tập mảng thơ và lý luận phê bình. Đầu năm 1994 thì anh Phạm Việt Thư đưa cả vợ con vào trong khu tập thể nhận làm biên tập thơ thay cho anh Nguyễn Xuân Hải đã chuyển sang Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp. Nhà văn Chính Tâm sau vài lần theo xe chung vào Hà Tĩnh vì sức khỏe yếu, gia đình vợ con lại không chịu vào nên đã làm đơn xin nghỉ hưu. Tôi lúc ấy vừa phải đảm nhiệm chức trách Chánh Văn phòng vừa kiêm cái chân phóng viên chụp ảnh, viết bài cho Tạp chí. Năm 1992, Hội đã tổ chức họp Hội đồng biên tập tạp chí Hồng Lĩnh vào hai ngày 13 và 14/8 và họp mặt cộng tác viên mảng nghiên cứu LLPB tại trường Đại học sư phạm Vinh, phát động cuộc thi truyện ký và truyện ngắn của Tạp chí Hồng Lĩnh. Tổng kết cuộc thi ấy, tôi được nhận cái giải C cho bút ký “Từ cát” viết về khai thác vàng đen Êmênhit. Vấn đề quan trọng hơn là từ cuộc thi này, Hồng Lĩnh có thêm nhiều bút kí, phóng sự mang hơi thở của đời sống để đăng dần lên các số. Cuối năm 1993, anh Nguyễn Văn Hùng đang là giảng viên khoa Văn trường Đại học Vinh đã về đầu quân cho Hội. Đầu năm 1994, sau Đại hội V, tại phiên họp lần thứ hai (nhiệm kì 1994- 1998), Ban chấp hành đã bầu nhà văn Đức Ban làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh thay nhà thơ Xuân Hoài trước đó đã chuyển sang làm Giám đốc Sở Văn hóa và bầu anh Nguyễn Văn Hùng làm Thư kí Tòa soạn. Anh Lê Duy Văn đeo quân hàm Thiếu tá quân đội về làm “cụ Chánh”,  để tôi chuyển hẳn sang làm biên tập, phóng viên và phụ trách Ban Văn học thiếu nhi, anh Võ Minh Châu từ Phòng giáo dục Kỳ Anh về biên tập mảng văn xuôi và chuyên đi viết mảng phóng sự. Năm 1995, bổ sung thêm anh Bùi Quang Thanh ở Công ty cầu đường 4 về làm phóng viên, biên tập mảng văn học thiếu nhi sau đó vài năm thì làm Chánh Văn phòng thay anh Lê Duy Văn chuyển ra công tác ở Huyện ủy Hưng Nguyên, Nghệ An. Anh Nguyễn Văn Hùng làm Thư kí Tòa soạn từ số 10 đến số 23, độ cuối năm 1996 thì xin chuyển ra Nghệ An và giao lại cho tôi lúc ấy là Trưởng phòng nghiệp vụ kiêm thêm nhiệm vụ Thư kí Tòa soạn cho đến đầu năm 1997 thì bàn giao lại cho anh Nguyễn Ngọc Phú vừa mới tốt nghiệp Đại học Viết văn Nguyễn Du về nhận công tác ở Hội. Lúc này, Ban biên tập đã có thêm họa sĩ Lê Anh Ngọc chuyên lo khâu vẽ tranh minh họa và trình bày Tạp chí.

Những năm đầu tách tỉnh, Tạp chí Hồng Lĩnh được in ở Hà Nội do họa sĩ Từ Thành đang công tác tại trường Đại học mỹ thuật công nghiệp và nhà nghiên cứu văn học Hữu Nhuận - Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ giúp từ khâu trình bày, đọc bông, in ấn. Cho đến giữa năm 1995 thì Tạp chí mới chuyển về in tại Xí nghiệp in Hà Tĩnh và trở thành khách hàng chung thủy cho đến tận bây giờ. Nội dung bài vở phong phú, chất lượng in tốt nên Tạp chí Hồng Lĩnh là một ấn phẩm sang trọng, được lãnh đạo tỉnh thi thoảng đặt mua mỗi lúc có họp hành, đối ngoại quan trọng. Những năm đầu, Hồng Lĩnh chỉ in trên dưới 1 ngàn bản, ra 3 tháng/ kỳ cho đến đầu năm 1996, mới xin đổi giấy phép chuyển sang xuất bản 2 tháng/ kì. Mỗi lần xuất xưởng, tạp chí được buộc thành gói thành đùm chất lên ô tô, bỏ lên xe máy, thứ biếu, thứ bán phát hành đến các nơi trong và ngoài tỉnh. Có một thời gian, Tạp chí còn gửi sang cả Pháp để biếu học giả Hoàng Xuân Hãn, linh mục Nguyễn Đình Thi…Nhuận bút thời ấy đã ít ỏi lại luôn chậm trễ, vậy mà bài vở gửi về Tòa soạn vẫn cứ nhiều, làm xong số này, Ban biên tập vẫn còn lưng vốn để giới thiệu cho mọi người đón đọc số sau. Đến như tôi làm ở Văn phòng Hội đã từng có tác phẩm giới thiệu trên Văn nghệ Nghệ Tĩnh, Báo Nghệ Tĩnh nhưng cũng phải xếp hàng chờ đến số 3 phát hành vào tháng 10/1992 mới chính thức được giới thiệu chân dung với 3 truyện ngắn đồng thoại. Chỉ có cái việc xin giấy phép xuất bản chính thức và xin tiền là khổ. 9 số đầu tiên, trong khi chờ đợi GPXB chính thức của Bộ, Tạp chí phải đi xin từng cái Giấy phép xuất bản tạm thời khi thì của Bộ, khi thì của Sở Văn hóa Thông tin. Bao nhiêu công văn giấy tờ, kể cả ý kiến đề xuất của Thường trực Tỉnh ủy mà mãi tới đầu năm 1994, Bộ Văn hóa Thông tin mới chính thức cấp cái Giấy phép xuất bản có số “đẹp” như mơ: 1888/BC-GPXB. Riêng chuyện tiền nong thì làm xong bản thảo số nào, Thường trực Hội lại phải làm tờ trình xin tỉnh cấp cho số ấy. Nợ nhà in, nợ nhuận bút cứ thế dầm dề. Trong cái khó ló cái may. Yêu mến Hồng Lĩnh nên những năm đầu và kể cả sau này, nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ngoài việc động viên khích lệ tinh thần còn ủng hộ thêm kinh phí cho Hội và Tạp chí, nhất là vào các dịp Tết nhất, kỉ niệm ngày Nhà báo Việt Nam hoặc thông qua việc kí hợp đồng làm các trang chuyên đề, tuyên truyền, quảng cáo.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chúc mừng Tạp chí Hồng Lĩnh nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Những năm tháng đầu chia tỉnh, hoạt động của Hội và Tạp chí được các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Đã có những phiên làm việc riêng của lãnh đạo tỉnh chỉ để bàn việc định hướng hoạt động và hỗ trợ xuất bản Tạp chí Hồng Lĩnh. Nhân ngày Nhà báo Việt Nam, sáng ngày 19/6/1994, Hội đã tổ chức một cuộc gặp mặt cộng tác viên tại khu vực Hà Nội. Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Thại, Thượng tướng Lê Minh Hương - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và gần 60 văn nghệ sĩ, nhà báo đã tới tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Hồng Lĩnh trở thành nơi thu hút tình cảm và tài năng của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là con em Hà Tĩnh xa quê, được đánh giá là ấn phẩm chững chạc, hay và đẹp, xứng đáng là ấn phẩm tinh thần của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Hồng Lĩnh một thời còn được chọn làm tên chung của Chi hội nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh bao gồm hội viên của các Tạp chí Hồng Lĩnh, Văn hóa Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - người làm báo, sau này còn thêm Tạp chí Thông tin tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số nhà báo đang làm việc ở các cơ quan khác.

Kỉ niệm 30 năm Tạp chí Hồng Lĩnh ra số đầu tiên, vẫn thấy như còn nguyên niềm vui háo hức mỗi lần đón xe chở Tạp chí về còn thơm nức mùi giấy mới. Âm thầm lặng lẽ, rồi cười nói ồn ào cứ thế diễn ra trong những căn phòng tuyền toàng dưới bóng những cây dừa và gốc ngô đồng già cả của thị xã một thời xưa cũ.

Đầu năm 2022

P.T.H

. . . . .
Loading the player...