01-09-2022 - 09:10

BUỒN VUI MỘT KIẾP LÀM NGƯỜI

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8. 2022 trân trọng giới thiêụ bài viết của tác giả Nguyễn Văn Hùng về Nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ Thái Kim Đỉnh - "Buồn vui một kiếp làm người"

 

buồn vui một kiếp làm người

                    (Về Nhà nghiên cứu Văn hóa xứ Nghệ Thái Kim Đỉnh)                                                           

Quê gốc của tôi ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đã có bao nhiêu cuộc lên đường vào cái thị xã nhỏ bé và đầy ắp kỷ niệm ấy từ thuở ấu thơ. Nhưng sáng nay tôi vào thị xã là vào với cụ Thái Kim Đỉnh, khi cụ không còn trên đời này nữa! Có ghé thắp hương Đền Ông Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng một lúc, rồi chạy thẳng tới cái thành phố mà tôi vẫn quen mồm gọi "thị xã". Hôm giỗ hết khó cụ Đỉnh (12/2/2019), cháu Hải có gọi điện báo. Chưa vào thắp cho cụ nén hương dịp này, thấy ân hận!

Bà Miên tiếp khách văn thay chồng, vẫn chưa hết bàng hoàng thương tiếc ông Đỉnh một đời cặm cụi đi, đọc và viết; đã cho xuất bản 35 cuốn sách và công trình chủ biên; hơn 25 cuốn sách và bộ sách viết chung. Ngoài ra, còn vài cuốn sách, bộ sách soạn chung cùng một số bản thảo chưa xuất bản. Thái Kim Đỉnh từng được bạn đọc trong giới biết đến từ các cuốn "Cỏ mật - nhịp cầu" (thơ); "Truyện dân gian Nghệ - Tĩnh" (2 tập); "Năm Thế kỷ văn Nôm người Nghệ"; "Làng cổ Hà Tĩnh" (2 tập, chủ biên); "Tác gia Hán Nôm Nghệ - Tĩnh"; "Thơ văn quanh Truyện Kiều"; "Ca trù Cổ Đạm"; "Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh"; "Lễ hội dân gian Hà Tĩnh"; "Từ điển Tiếng Nghệ" (chung với Trần Hữu Thung); "Chùa cổ Hà Tĩnh"; chủ biên một số công trình về địa chí các huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Cẩm Xuyên... Đến mấy năm cuối đời, khi cuốn sách “Hà Tĩnh, đất văn vật Hồng Lam”, do Nhà xuất bản Trẻ vừa in xong, nhà văn Đức Ban cho biết, số lượng sách của Thái Kim Đỉnh đã lên tới con số 83!

Tôi lướt nhìn số sách xếp ngay ngắn trên chiếc kệ gỗ lớn chiếm lĩnh gian ngoài, rồi hỏi:

- Đã có khi nào gia đình đếm toàn bộ số sách là bao nhiêu cuốn chưa ạ?

- Chưa tính cụ thể. Ước chừng 5, 7 ngàn cuốn là ít. Nhiều báo, tạp chí xếp ngăn nắp theo thời gian, phần lớn đã sờn cũ, ố vàng, thậm chí rách nát. Khó giữ quá, chú ạ!

- Bà Miên này, cái hồi cụ Đỉnh còn sống, năm nào em cũng vào gõ cửa ngôi nhà này; thăm hỏi, ghi chép, chụp ảnh, cơm nước những khi gặp bữa. Có thời gian dài còn xin tư liệu, đặt bài vở của cụ về sử dụng cho Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Báo Nghệ An... Đã có lúc, một vài người nghĩ, ngôi nhà chúng ta đang ngồi đây, cùng bao nhiêu sách vở, tranh ảnh, câu đối, bộ bàn ghế gỗ cụ ngồi viết, thư từ trao đổi bè bạn, bộ tràng kỷ tiếp khách, chiếc quạt điện, ống đựng bút, một số huân huy chương, giấy khen... tất cả, rồi đây sẽ trở thành kỷ vật không thể nói là ít giá trị, với một người đức độ, tài năng, nhân cách như cụ Đỉnh, một Nhà Hà Tĩnh học được xa gần quý trọng, nể vì, bên cạch các cụ như Thanh Minh, Nguyễn Bân, Võ Hồng Huy, Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước... Và như thế, hiển nhiên, ngôi nhà này đáng để tôn tạo, trở thành "Nhà lưu niệm Thái Kim Đỉnh" được chứ?

- Chú nghĩ như thế thì quý quá, nhưng không được mô, chú ơi! Con cụ Đỉnh nỏ có ai theo được nghiệp cụ cả. Cái ni là cơ bản. Với lại, ngôi nhà cấp bốn này cũng đã già nua, xập xệ. Người mất thì đã đành, còn người sống nữa chớ.

- Thế, các tổ chức văn hóa, văn nghệ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh họ tính toán ra răng rồi?

- Cách đây ít lâu, đại diện bên tỉnh và thư viện đến gặp, bảo tỉnh đã có chủ trương mua toàn bộ số sách này, với giá 130 triệu đồng! Họ sẽ chuyển sách đến Thư viện Hà Tĩnh, dành cho cụ Đỉnh một phòng riêng, cũng như đã dành cho sách cụ Võ Hồng Huy một phòng ở bên đó rồi.

Đã đành như thế là tỉnh đã quan tâm đến những trí thức danh tiếng trên quê hương. Có điều, sách để ở đấy sớm muộn cũng dễ bị hao mòn, thất lạc, khó có ai đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể, như khi chúng ở tại nhà cụ. Bà Miên còn than thở việc cụ Đỉnh rất "hời hợt" mỗi khi có ai bàn đến chuyện giải thưởng, tặng thưởng, huân huy chương cho một sự nghiệp. Cụ không muốn làm phiền đến mọi người, kể cả những người thân trong nhà."Có mần cho tui thì mần, không mần thì thôi!"- có lần cụ bực mình thốt lên vậy.

Còn nhớ, năm cụ Đỉnh 90 tuổi, Tạp chí Văn hóa Nghệ An do nhà báo Phan Văn Thắng chủ trì, long trọng tổ chức một cuộc vui đón cụ từ Hà Tĩnh ra dự. Bạn hữu, báo chí đến chật phòng tòa soạn. Vài ý kiến, trong đó có tôi, nêu mong muốn thiết tha làm sao để Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh được tôn vinh với một giải thưởng, như Giải thưởng Nhà nước chẳng hạn? (Ở Hà Tĩnh, hiện có 2 người được nhận Giải thưởng Nhà nước, là cố nghệ sĩ Sân khấu Phan Lương Hảo và nhà văn Đức Ban). Cũng có những ý kiến đại loại bảo cụ Đỉnh chẳng cần, phần thưởng xứng đáng dành cho cụ chính là tấm lòng tôn trọng, yêu quý của bạn đọc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, trong và ngoài nước dành cho cụ bấy nay! Tôi nghĩ, thế cũng quý rồi. Gần đây, bộ "Tuyển tập Thái Kim Đỉnh" gồm 6 tập lần lượt ra mắt, do tỉnh thành lập ban tuyển và cấp kinh phí in ấn, là một ghi nhận đặc biệt đáng lưu ý. Theo nhà văn Đức Ban, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, trực tiếp tham gia Hội đồng làm tuyển, người rất nhiều năm gần gũi, "cùng hội cùng thuyền" với cụ Đỉnh, thì tuyển tập này ban đầu lên đề cương 7 tập, qua quá trình thực hiện rút lại còn 6 tập: Tập I, Văn hóa dân gian Nghệ - Tĩnh; Tập II, Nghệ Tĩnh, đất và người, phần thứ nhất; Tập III, Nghệ - Tĩnh, đất và người, phần thứ hai; Tập IV, Thơ và tiểu luận; Tập V, Truyện Kiều và thơ văn quanh Truyện Kiều; và Tập VI, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ. Kể ra đỡ tủi, vậy là cụ vẫn được tỉnh nhà ưu ái, trọng vọng khi còn sống cũng như sau khi qua đời. Tuy thế, nhìn rộng ra, một trong nhưng trí thức hàng đầu ở Hà Tĩnh có đóng góp và tầm ảnh hưởng về văn hóa, học thuật rộng như Thái Kim Đỉnh, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi bằng lòng cho như thế đã là đủ?

Trời ngả chiều. Tôi ngỏ ý xin thắp cho người quá cố một nén hương nữa, rồi cáo lui. Bà Miên kéo ở lại, bảo làm cơm, sợ muộn thì sáng mai về. Sẽ còn trở lại thăm ngôi nhà, bà cháu nhiều lần nữa. Bây giờ cụ đi xa, nhìn quanh thấy trống trải vô cùng. Nắm tay tôi, bà còn nói thêm:

- Ra đi, ông ấy có dặn lại đôi điều, trước sau đều liên quan đến sách. "Những cái tui viết rồi, để trong tủ. Sau này, có ai đó họ cần hoặc xin xuất bản, bà có chút tiền chi tiêu rồi đó". Ông dặn cháu Hải, con gái chúng tôi, sách của ông đã in, những ai ham đọc, đọc được thì lấy ra tặng, còn không thì thôi...

Nhớ thời gian cuối năm 2013, nhân một lần vào, tôi viết bài thơ "Thăm nhà cụ Đỉnh", đưa in trong một tập thơ, giờ đến tặng cụ xem cho vui. Rồi cụ mất, tôi bổ sung khổ cuối, chứa đựng tình cảm xa xót, trống trải của mình, nhân đây nói thêm sức sống những trang viết tâm đắc, chắc sẽ còn lại lâu dài, của cụ:

THĂM NHÀ CỤ THÁI KIM ĐỈNH

 

Toàn dân ra sức chống tiêu cực

Nhà cụ lắm sách thì chống mối mọt

Càng ra sức chống mối mọt càng nhiều

Đành sấp mặt xuống bàn nối cao thêm bản thảo.

 

Nửa con mắt trái còn khoan vào vạn quyển

Sao buồn thương chất ngất tựa non Hồng

Hội ngộ về đây những câu chuyện cổ

Những phận Kiều chưa hết kiếp long đong...

 

Giờ thì cụ đã về cõi lặng

Trong tôi một khoảng trống dâng đầy

Sách trên giá không chịu nằm yên nữa

Tất cả hóa Nhịp cầu và Cỏ mật bay hương...

                             TP. Hà Tĩnh, 2 - 2017.

Hai câu cuối bài, tôi mượn ý từ tên tập thơ "Cỏ mật - nhịp cầu" của Thái Kim Đỉnh, do Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản, tháng 4-1975. "Sách trên giá không chịu nằm yên nữa/ Tất cả hóa Nhịp cầu và Cỏ mật bay hương". Viết thì tung tẩy vậy, chứ trên thực tế, sách cụ sắp được đưa tới Thư viện tỉnh Hà Tĩnh; và hành trình này thật khó biết sẽ đưa số sách quý của cụ đi đến đến đâu?

Lâu lắm, tôi chưa vào thăm Thành Sen để thắp hương cho người quá cố và nắm thông tin cụ thể; vẫn hy vọng ngành Văn hóa, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh, già đình cụ Thái Kim Đỉnh, cùng bạn đọc xa gần yêu quý cụ biết nâng niu, gìn giữ, bảo quản, khai thác tới mức tốt nhất, lâu bền nhất số "di sản" cụ gửi lại này cho mai hậu!

            Nguyễn Văn Hùng

. . . . .
Loading the player...