13-09-2021 - 14:33

Bút kí dự thi NƠI HIỆN THỰC HƠN CẢ NHỮNG GIẤC MƠ của Võ Minh Châu

Văn học Nghệ thuật trân trọng giới thiệu bút ký dự thi NƠI HIỆN THỰC HƠN CẢ NHỮNG GIẤC MƠ của tác giả Võ Minh Châu trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 180 tháng 8/2021

vÕ MINH CHÂU

NƠI HIỆN THỰC HƠN CẢ NHỮNG GIẤC MƠ

                                                                                                         Bút ký dự thi   

 Năm 1982, Nghệ Tĩnh có trận bão lớn gây mất mùa, dân tình xiêu riêu. Năm 1983, từ Đại học Sư phạm Vinh tôi về dạy ở cấp 3 Kỳ Anh, mang theo tâm trạng “Năm Tám mươi, gạo cũng tám mươi. Dân Xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Cổ nhân đúc kết: “Ăn mày là ai?Ăn mày là ta! Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Tháng 10/1989 chỉ trong vòng 10 ngày đã có 3 trận bão lớn đổ vào Đèo Ngang. Sau thảm họa ấy, người dân Đèo Ngang đã hạ mình tận đáy của sự tủi nhục. Một nhóm người già và con trẻ mang nón cời, tơi rách lên Đèo Ngang cúi đầu chấp tay vái lạy xin ăn người qua đường. Mùa đông năm ấy, tôi vào Kỳ Nam. Đến gia đình nào cũng chứng kiến chỗ ngủ của bà con là nền nhà đất, chăn đắp là đống rơm, chiếu là thân gốc rạ bện lại. 

Những năm ấy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh là ông Nguyễn Din. Còn nhớ, Tết năm 1983 tôi đến nhà ông Nguyễn Din, tình cờ gặp anh Võ Kim Cự, lúc ấy đang phụ trách Tổng đội TNXP làm kinh tế. Đơn vị ấy tham gia khai thác thứ vàng đen là Titan dọc bờ biển Kỳ Anh. Hồi ấy, dân tiều phu Đèo Ngang đói rách nhưng vẫn gắng tạo được chiếc xe kéo tay để chở củi vượt được chặng đường 20km ra Thị trấn Kỳ Anh bán để mua gạo ăn Tết. Hồi ấy, nhà có con lợn trên tạ thịt, tôi được vợ phân công ra chợ cân lợn, bán xong cầm tiền về. Gặp cảnh hơn 30 người dân Đèo Ngang 29 tết bán củi không ai mua, kéo về vừa đi vừa khóc. Tôi dồn tiền bán lợn mua hết củi giúp bà con có chút tiền ăn tết. Về nhà phải bịa ra chuyện một anh bạn ở Can Lộc nhờ mua để ra tết vào chở về đốt gạch. Sau cái tết ấy, tôi vào Kỳ Nam viết phóng sự “Hoa héo Đèo Ngang” in trên Báo Tiền phong… Bài báo ấy làm xôn xao dư luận cả nước.

Kỳ Anh thực tế là mảnh đất giàu tiềm năng. Nhưng làm sao để thức dậy tiềm năng thì chưa ai biết. Trước đó, Nhà thơ Huy Cận là đại biểu Quốc hội vào tiếp xúc cử tri mấy xã vùng trong của Kỳ Anh. Bà con kêu than quê mình nghèo khổ. Nhà thơ Huy Cận động viên: “Đừng có trách quê mình nghèo…tương lai không xa khu vực này phát triển giàu có… những người ở nơi khác muốn vào đây kiếm một mảnh đất dựng nhà ở cũng không phải dễ...”. Khi huyện Kỳ Anh làm đặc san “Kỳ Anh mùa xuân”. Tôi được cử phụ trách, ra Hà Nội nhờ Thiếu tướng Nhà báo Trần Công Mân quê Kỳ Thư, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; ông Nguyễn Văn Cừ quê Kỳ Trinh, Tổng biên tập Tạp chí xây dựng của Ủy ban kế hoạch nhà nước và ông Dương Xuân Nam quê Kỳ Xuân, Tổng biên tập Báo Tiền phong…cùng giúp đỡ. Trong đặc san ấy tôi có bài “Nơi cửa gió” với mấy câu kết: Bao cuộc đời nghĩ thua kém chi ai?/Từng suy ngẫm bạc đầu nơi cửa gió/Mảnh đất ông cha đói nghèo ai nỡ bỏ/Đánh thức trái tim mình ta tìm hướng đi lên”. Chủ tịch Nguyễn Din có bài “Quê hương một giấc mơ…”, mơ về tương lai một Kỳ Anh được thay đổi. Ông Trần Công Mân kể chuyện đưa mấy vị Nhà báo Nam Phi vào Đèo Ngang. Họ thấy rừng, thấy biển của Đèo Ngang gật gù khen: “Chúng tôi chỉ ước có 1% thế này thì cũng hạnh phúc lắm rồi. Quê chúng tôi chỉ toàn cát trắng và nắng”. Ông Lê Duy Phương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước tỉnh Hà Tĩnh kể: Năm 1976, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Chương đã đưa Tổng Bí thư nước bạn Lào vào Vũng Áng. Kế hoạch mở đường ra biển cho nước bạn Lào có từ đó. Trong một lần hội thảo về “Xóa đói giảm nghèo” ở Kỳ Anh, ông Lê Duy Phương có tham luận: “Kỳ Anh không thể nghèo mãi… rồi sẽ có một thế hệ người Kỳ Anh xây dựng quê hương giàu có phồn vinh..”. Hồi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Kỳ Anh, khi ông Nguyễn Din mời vào xem phòng truyền thống, Đại tướng chỉ tay lên tấm bản đồ vùng thượng Kỳ Anh, gợi mở nhiều vấn đề về tương lai: “Kỳ Anh phải có khu công nghiệp ở Vũng Áng, phải có một đường sắt đi từ Lào về…”. Tôi đã từng được theo chân các vị Thủ tướng: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng… khi các đồng chí về thăm khu vực Vũng Áng và Sơn Dương. Ngẫm lại nơi nào các nguyên thủ quốc gia đến thì tương lai nơi đó sẽ là những công trình “Ích nước lợi dân”. Năm 2008, chính thức khởi công dự án Formosa Hà Tĩnh. Dự án này được đầu tư bước đầu 12,8 tỷ USD... giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nguồn thu của Hà Tĩnh những năm 2014-2015 đạt lên tới 14 nghìn tỷ. Sự đóng góp của khu công nghiệp lên tới 60-70%.

Trong một báo cáo gần đây, ông Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XIX, chiến lược phát triển của tỉnh, phương hướng nhiệm vụ 2020 - 2025 xác định: “4 trụ cột - 3 nền tàng; 3 đô thị - 1 trung tâm” làm trọng điểm cho giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó đô thị phía Nam Hà Tĩnh là Thị xã Kỳ Anh gắn liền với khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ngoài dự án Formosa, trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh hiện có 139 Dự án đang hoạt động. Trong đó có 82 dự án trong nước với nguồn đầu tư là 52.395,8 tỷ đồng và 57 Dự án đầu tư nước ngoài với nguồn tài chính đăng ký 13.5 tỷ USD. Đặc biệt Thị xã Kỳ Anh được chấp thuận triển khai thực hiện Dự án phát triển động lực từ vốn vay ngân hàng thế giới (WB) giai đoạn 2020 -2025 với tổng 55,07 triệu USD. Giai đoạn 2020 -2025 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển lô golistic và du lịch theo hướng đô thị công nghiệp hiện đại văn minh”. Trở lại lời “tiên tri” của Nhà thơ Huy Cận cách đây hơn 30 năm nay đã thành hiện thực. Ngoài Tập đoàn Formosa, trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh đã có mặt các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Mitsubishi, Tập đoàn dầu khí quốc gia, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Vinagrup…

Nhớ lại năm 2015, từ một huyện cũ Kỳ Anh được chia thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện. Hồi ấy nhiều người quan tâm việc chọn nhân sự. “Người và Việc”,“Việc và Người”. Sự nghiệp lớn cần người có “Tâm” và có “Tầm”. Thị xã Kỳ Anh cần phải chọn cho được người đứng đầu có trí tuệ, có bản lĩnh để cùng với tập thể lãnh đạo, bảo đảm cho một thị xã công nghiệp tồn tại và phát triển như ý Đảng lòng Dân. “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn”. Đại hội Đảng bộ Thị xã Kỳ Anh lần thứ nhất: Ông Nguyễn Đình Hải, ủy viên BCH Tỉnh ủy được bầu làm Bí thư. Ông Nguyễn Quốc Hà được bầu làm Chủ tịch UBND Thị xã. Những gì mà Đảng bộ, chính quyền Thị xã Kỳ Anh đã làm có hiệu quả được nhân dân ghi nhớ. Đại hội Đảng bộ lần thứ hai có sự chuyển giao thế hệ, ông Đặng Văn Thành được chọn giữ trọng trách Bí thư BCH Thị ủy. Ông Nguyễn Hoài Sơn được chọn vào vị trí Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh. Qua thực tiễn điều hành của các thế hệ lãnh đạo, nay thành quả của địa phương này đã đạt được rất có ý nghĩa xứng đáng với mọi niềm tin của nhân dân. Ngày 17/7/2020, Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận Thị xã Kỳ Anh xứng đáng là Đô thị loại III.

Gần đây, chúng tôi đã có nhiều chuyến vào thực tế ở các xã cũ Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương khi được chuyển đổi lên phường. Đến đâu cũng thấy cơ sở vật chất nhà cửa, cảnh quan “Điện - Đường - Trường - Trạm” chuẩn mực. Tác phong đô thị đã được hình thành. Kỳ Nam là nơi thay đổi lớn nhất, chuyện phải nằm ổ rơm, ở nhà tranh tre đã thành quá khứ xa xưa. Cùng đi với chúng tôi có nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam thời xa xưa Cao Xuân Chiến và ông Lê Hà nguyên cán bộ Huyện ủy Kỳ Anh. Đến nhiều gia đình ở xã Kỳ Nam, anh Lê Hà giới thiệu: “Nhà báo Võ Minh Châu tác giả “Hoa héo Đèo Ngang là ông này…!”. Những người biết chuyện cũ đều cười, nói:“Hoa Đèo Ngang bây giờ đã nở rộ...”. Ông Cao Xuân Chiến đưa chúng tôi đi đến nhiều ngã đường lên núi, xuôi biển. Thật khó tưởng tượng sự thay đổi diệu kỳ đến như thế. Ông Chiến kể về những vườn mai có giá hàng tỷ đồng…và đọc câu thơ Bà Huyện “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi…”. Ông Lê Hà giới thiệu mảnh vườn ở của mình đã tạo dựng hơn chục năm nay có giá mấy tỷ đồng.

Thời tôi dạy ở cấp 3 Kỳ Anh, 4 xã Long - Phương - Thịnh - Lợi gom lại chỉ một lớp có khoảng 40 em. Kỳ Nam chỉ có 1 học sinh. Nay, Kỳ Nam đã có đến trăm em. Chúng tôi vào Trường PTTH Lê Quảng Chí, được thầy hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết: trường hiện có 28 lớp với 1.076 học sinh, 60 cán bộ giáo viên, 18 giáo viên đạt chuẩn thạc sỹ, một nghiên cứu sinh tiến sỹ. Đời sống văn hóa của một miền quê nhìn vào số lượng đội ngũ học sinh trung học phổ thông sẽ biết.

Ai muốn tìm hiểu về lịch sử vùng đất Đèo Ngang thì tìm đọc tập “Kỳ Anh Thơ”, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2006. Trong số khoảng trăm tác giả thì có đến 22 người sống từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII. Những danh nhân như Nguyễn Trung Ngạn, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Hà Tôn Quyền, Vũ Phạm Khải, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Vua Thiệu Trị, Nguyễn Thượng Hiền và bà Huyện Thanh Quan đã có bài viết về Đèo Ngang và Cảng Thần Đầu. Thì ra từ xa xưa Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đã từng vào biển Vũng Áng, để lại hai câu thơ: “Cưỡi chiếc thuyền lan trông bát ngát/Ngỡ mình nhưở chốn bồng lai”. Và Vũ Phạm Khải (1807-1973) đã viết “Bốn bể nay vui hội một nhà” (Thơ dịch). Đọc những bài của các vị tiền nhân mới hiểu thêm lời “tiên tri” của nhà thơ Huy Cận là dựa trên những cơ sở thực tiễn đã được ghi lại. Ai đã từng sống ở Đèo Ngang cách đây 30 năm, ai đã một thời khổ ải ở vùng đất này nay nhìn những khu nhà cao tầng chạy dài hàng cây số trong khu công nghiệp Vũng Áng, chứng kiến những chiếc tàu vạn tấn cập Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, đọc những con số nghìn tỷ, vạn tỷ nguồn đầu tư vào Kỳ Anh. Nhiều địa phương đều có những ngôi nhà cao tầng được xây dựng làm chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Mỗi buổi sáng hàng chục xe buýt từ Thành phố Hà Tĩnh chở công nhân đi làm; chứng kiến những đoàn xe trọng tải lớn mang biển số Lào nối đuôi nhau theo QL12B chở hàng về Cảng Vũng Áng… Được biết đường sắt nối từ Thủ đô Viêng Chăn về Cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã được cắm mốc… chờ thi công mới cảm nhận được sự thay đổi kỳ diệu của một miền quê từng hoang sơ nghèo khổ.

Trở lại các xã vùng trong bây giờ, thêm một điều khác lạ: Những trận gió Lào không còn thổi quyết liệt như xưa, không còn những dải đồi mênh mông hoang hóa. Những trận bão liên tiếp nối nhau đổ vào Bắc Đèo Ngang ngày xưa hình như không còn đường cũ để quay lại. Các tổ dân phố và các phường đều có trụ sở khang trang. Tôi chạnh nhớ đến bài viết “Vùng đất chảo lửa túi mưa” của anh Phan Thế Cải cũng đã thành chuyện cổ tích.Tâm thế mỗi người dân chúng tôi gặp trên đường cũng đã đổi khác. Tôi hân hoan mang về câu nói của ông Cao Xuân Chiến: “Nhìn hiện thực bây giờ, không thể tưởng tượng nỗi, trước đây những người dân Đèo Ngang chúng tôi dù có nằm mơ cũng không thấy được cảnh thật như thế…”. Ngay cả“Những giấc mơ” trong thơ của Chủ tịch Nguyễn Din - Người lãnh đạo tâm huyết nhất của Kỳ Anh thời ấy cũng chưa mơ đến như bây giờ.

                                                                                          Tháng 7/2021

                                                                                                       V.M.C

Trung tâm hành chính xã Kỳ Nam  

. . . . .
Loading the player...