06-09-2021 - 08:22

Bút kí dự thi SỨC BẬT MỚI CỦA MIỀN “ĐẤT MŨI” HUYỆN THẠCH HÀ của Trần Hậu Thịnh 

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi SỨC BẬT MỚI CỦA MIỀN "ĐẤT MŨI " HUYỆN THẠCH HÀ của tác giả Trần Hậu Thịnh trên tạp chí Hồng Lĩnh số 180 tháng 8/2021

TRẦN HẬU THỊNH

SỨC BẬT MỚI

CỦA MIỀN “ĐẤT MŨI” HUYỆN THẠCH HÀ

                                                                                                                                            Bút ký dự thi   

Làng Bình Dương xã Thạch Hội,Thạch Hà, nằm tận cùng phía Đông Nam huyện Thạch Hà. Hai hướng Tây - Nam giáp huyện Cẩm Xuyên. Làng Bình Dương xưa gọi là làng Bình Yên, nơi đây có địa bàn thấp trũng, thổ nhưỡng phù hợp cho cây lúa nước phát triển, nhưng mọi giao dịch gặp rất nhiều khó khăn, thuận hướng thủ tiến vào phương Nam. Làng Bình Dương mãi là miền “đất mũi” đáng tự hào của của người Thạch Hội nổi tiếng hay lam hay làm, khiêm nhường và tiết kiệm.

Tôi sinh ra ở làng Liên Phố, cách Bình Dương một cánh đồng. Tuy không cất tiếng chào đời ở đó nhưng mảnh làng nhỏ này cùng những con người nơi đây đã gắn bó máu thịt với cuộc đời tôi. Mãi sau này, mỗi khi bước chân qua cánh cổng làng, nghe thoang thoảng mùi hương lúa phơi mau, lòng vẫn man mác nhớ về thủa hoa niên cắp sách đến trường, bụng đói quay quắt, ngọn đèn dầu ngốt gió lấp loáng, mờ tỏ. Với ai đã sống qua giai đoạn những năm thập kỷ 70-90 của thế kỷ trước, không bị đói đã là hạnh phúc lắm rồi. Và người Bình Dương thủa ấy không bị đói. Bằng sự cần cù và sáng tạo, theo thời gian, dân làng Bình Dương đã biến mảnh đất của họ thành vùng quê yên bình, hiền hòa, mang bản sắc riêng mà nhiều miền quê khác không có được.

Quay lại cái thời bao cấp, thủa ấy cha tôi làm đội trưởng thôn Liên Phố. Người cùng trợ lý cho cha tôi là ông Sừ Thanh. Tôi còn nhớ có đêm đang chong đèn học bài lại thấy ông Sừ lọ mọ đến nhà bàn công tác triển khai việc đồng áng. Có lần ông Sừ hỏi cha tôi “Không biết đội Khoai, đội Kẹ ta nên lấy lúa gì”. Sau một hồi ngẫm nghĩ cha tôi trả lời: “Ta cứ từ từ chờ coi người Bình Dương họ cấy lúa gì ta làm cùng họ. Năm ngoái người Phát Nạo gieo 314 theo Bình Dương, họ thắng lớn. Còn ta cấy trân châu lùn trổ bông gặp bão thua đậm đó ông”. Dần dần bằng sự chắp nối truyền từ của thiên hạ, người Bình lại nổi lên, giỏi thiên văn, tường địa lý.

Thật vậy, cùng giải đất ấy, nguồn nước ấy dân nhiều làng như Bàng Quý, Liên Thai, Bắc Phố… cứ đến mùa giáp hạt lại thiếu ăn xoắn vó vác mủng chạy sấp chạy ngửa. Hoặc lên rừng đào nâu thủ ráy, hoặc bỏ xứ ra đi, nhưng người Bình Dương chẳng đi đâu cả, ruộng đồng từ xưa đến nay chưa hề bỏ hoang một tấc đất, bởi họ biết mảnh đất này, cuộc đời này là của mình, do mình. Họ không những siêng năng cần cù mà còn biết dự trù, đắn đo để ấm bề gia thất. Lạ gì cái thủa chưa có đường bê tông thì làng nối làng bằng những con đường đất. Mùa nắng bụi cuốn mù mịt, mùa mưa choẹt loét những bùn là bùn, nhưng thu hoạch xong lúa, dân Bình Dương lại cõng gạo vào tận Mục Bài, Phát Não (Cẩm Xuyên) để đổi khoai ăn dặm. Thủa ấy mọi người gọi gạo là "ngọc trời". Một cân gạo có thể đổi được hai mươi ki lô gam khoai lang. Cái thưở mọi người truyền nhau “Ta nghe trong đó ăn cơm là chuyện lạ” thì một cân gạo một người ăn không no, nhưng 20 cân khoai thì cả gia đình ăn thả cửa 3,4 ngày. Thực ra đây cũng là hình thức chống đói để "dĩ giật đãi lao" trong những ngày nông nhàn. Thế là từ đây hình thành những lối mòn do bàn chân của những kiếp mưu sinh tạo ra. Và sau này tôi hẵng còn nghe câu phương ngôn “Khoai Phát Nạo, gạo Bình Dương, lương Phù Việt”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cơ chế cào bằng độc đoán của thời bao cấp bị dỡ bỏ. Ánh sáng nghị quyết TW6 ra đời như một luồng sinh khí mới thổi bay tư tưởng chầy lỳ ỉ lại. Từ đây, những trầm tích ngưng tụ nơi miền đất trũng thực sự “lên men” dưới bàn tay con người. Nhận được sự quan tâm sát sao của các ngành các cấp, và sự giúp đỡ về tinh thần vật lực của con em xa quê, mà trước hết là nội lực của những người nông dân cần cù sáng tạo đang sinh sống trên mảnh đất này, cùng nguồn nước ngọt của đại thủy nông Kẻ Gỗ, người Bình Dương liên tiếp đạt những vụ mùa bội thu làm thí điểm trước lúc nhân ra diện rộng. Từ đây họ không phải cõng gạo đi đổi khoai ăn dặm như thời xưa mà thay vào đó là những bầy gà, đàn lợn được vỗ béo nung núc. Chăn nuôi đã trở thành nguồn thu lớn cho từng hộ cá thể. Cuối năm 2020, sau khi rà soát theo tiêu chí mới cả làng chỉ còn một hộ nghèo. Làng Bình Dương đã trở thành một địa chỉ đỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, được nhiều đoàn thuộc các ban ngành về tham quan, học hỏi kinh nghiệm, các giống lúa mới được Ban khuyến nông huyện Thạch Hà đưa về làm thí điểm trước khi nhân ra diện rộng. Tôi về thăm Bình Dương trong một ngày cả thôn nô nức đón danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Ở đây không có “Vườn mẫu” nhưng hòa trong sóng lúa mênh mông nhà nào cũng có những mảnh vườn xanh mươn mướt. Đường làng được rải thảm mịn màng. Các phong trào văn hóa thể thao diễn ra rầm rộ. Về đêm điện sáng như sao sa, tiếng diều sáo ngân nga trầm bổng thả điệu nhạc không lời xuống miền quê thanh bình yên ả. Các quầy hàng tạp hóa không thiếu một thứ gì. Bên những ghế đá từng tốp người, già có, trẻ có đang ngồi tìm khoảng lặng để nghỉ ngơi sau một ngày đi làm về. Tản bộ dưới những cây lộc vừng bung hoa gióng giả như chuông gió, lòng ta càng thêm thổn thức, tự hào về quê hương.

Còn nhớ hai năm về trước, đàn gia cầm nhiều địa phương bị dịch tai xanh, nhiều nhà, nhiều doanh nghiệp bị hiệt hại lớn thì Bình Dương, số lượng đàn bị tiêu hủy rất ít, còn đại đa số hộ chăn nuôi vẫn phát triển lành mạnh. Phương án khoanh vùng tự cách ly diệt khuẩn luôn được mọi gia đình tự giác thực hiện nghiêm chỉnh tránh lây lan ra diện rộng. Để đến hôm nay một cơ hội lớn nữa lại đến với họ. Nhiều nhà đã giàu lên rất nhanh nhờ kế hoạch nhân đàn lợn giống. Điển hình như nhà anh Tùng, chị Hợp, tháng sau dịch đã xuất chuồng có lãi trên 200 triệu đồng. Đây là một thành quả rất đáng ghi nhận về tinh thần tự giác, tự chủ và sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ với nhân dân. Lại nói nhiều vùng nông thôn hiện nay nợ ngân hàng lên tới hàng trăm triệu đồng, cứ đến kỳ trả lãi là tiếng loa ra rả về thu lãi, thì làng Bình Dương đại đa số gia đình đều có tiền gửi tiết kiệm, không ít hộ có số dư trên 300 triệu đồng. Họ coi đây vừa là lưng vốn tạm gọi là lương để an dưỡng tuổi già, là của hồi môn cho con cháu. Một thuở do kinh tế ngặt nghèo, phương tiện đi lại khó khăn, sự học ở miền quê này bị hạn chế. Nhưng vài ba thập kỷ lại nay con em Bình Dương luôn là tốp đầu về thành tích học tập giỏi trong vùng. Hiện toàn thôn có 21 người là kỹ sư và 2 tiến sĩ cùng nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề đã qua đào tạo đang công tác trên mọi vùng miền. Họ là cánh tay nối dài tiếp thêm nguồn lực cho quê hương xây dựng cuộc sống bình yên giàu mạnh.

Anh Phan Anh Duẫn, Phó Chủ tịch UBND xã - người con mẫu mực của làng Bình Dương tâm sự với chúng tôi: Làm nông nghiệp không có gì chắc ăn bằng trồng cây lúa nước. Làng Bình Dương xưa đến nay chưa hề có một tấc đất bỏ hoang. Năng suất lúa luôn đạt năng suất cao nhất huyện. (Vụ Đông Xuân vừa qua đạt bình quân 3,15 tạ/sào. Trong khi đó bình quân sản lượng huyện Thạch Hà cũng chỉ đạt 2,95 tạ/sào). Xem ra những thành tựu của người Bình Dương hôm nay ngoài sự nỗ lực đồng lòng đoàn kết giữa các cấp bộ Đảng với nhân dân và các nhà khoa học thì nền móng được đặt từ thủa ông cha.

Đi đôi với phát triển kinh tế và thể thao, Bình Dương còn thường xuyên quan tâm phong trào văn hóa, kết hợp bảo tồn các di sản. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn để con cháu nhìn vào và khắc tâm ở các bậc tiền nhân. Đặc biệt thôn luôn chú trọng xây dựng mối đoàn kết cộng đồng, lúc vui cũng như lúc buồn đều có nhau để gìn giữ sự bình yên của cuộc sống.

                                                                                                      T.H.T

Thạch Hội ngày mới 

. . . . .
Loading the player...