10-09-2021 - 07:11

Bút kí dự thi TRUYỀN THUYẾT RỒNG TRẮNG HÓA SÔNG XANH của Lê Quốc Hán

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi TRUYỀN THUYẾT RỒNG TRẮNG HÓA SÔNG XANH của tác giả Lê Quốc Hán trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 180. tháng 8/2021

lê quốc hán

truyền thuyết rồng trắng hóa sông xanh

                                                                                              Bút ký dự thi   

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông

                                                            Bế Kiến Quốc

 

Chuyện kể rằng từ xửa từ xưa, trong một cuộc giao chiến giữa rồng với quỷ dữ đang âm mưu tàn hại dân lành, một con rồng trắng sau khi xé xác con quỷ đầu đàn đã rơi xuống vùng đất Hà Hoa, nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đuôi rồng biến thành núi Yên Ngựa, tựa vào vùng núi rừng Vọng Liệu. Đầu chạm đến biển Đông. Miệng hóa thành Cửa Khẩu. Hai cái sừng biến thành hai dãy núi cao: Bàn Độ bên trái và Cao Vọng bên phải. Thân biến thành dòng sông Trí, uốn mình như sóng lượn. Tai rồng, móng rồng biến thành những ngọn đồi lúp xúp: Cồn Cum, Cụp Bắp, Trại Cày,… bên hữu; Cỏ Lai, Ba Cụp, Cà Cưỡng, … bên tả. Vảy rồng, chân rồng biến thành những làng mạc trù phú: Hoa, Hưng, Châu, Hà, Hải, Ninh. Riêng hai con mắt, mắt trái chính là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, đẹp như một viên ngọc, người đời sau gọi Châu Long (Ngọc Rồng). Mắt phải làng Hương Nhin, có con ngươi hóa thành Giếng Vọt, bốn mùa nước trong veo, mát rượi. Đêm đêm, dưới trăng sáng, cả nhà quây quần nghe ông bà ngoại kể chuyện Rồng trắng hóa Sông xanh như thế nào. Mỗi người có một truyền thuyết riêng. Một người trong những thời điểm khác nhau cũng kể câu chuyện khác nhau. Tuổi thơ, bản tính hồn nhiên, tâm hồn trong trẻo, tôi đinh ninh mình được sinh ra từ dòng dõi Bạch Long (rồng trắng), dũng cảm oai phong, bách chiến bách thắng. Dẫu trên đường đời gặp bao khó khăn trở ngại cũng vượt qua.

Dòng sông Trí, con sông mảnh mai như sợi chỉ, nhưng phù sa hàng năm cũng đủ tạo nên vùng đất màu mỡ: Trung thổ Kỳ Anh. Không biết sông bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng nó bắt đầu lộ diện ở vùng núi Kỳ Hoa, qua Hưng - Châu, Hà - Hải, đến Cửa Khẩu (Kỳ Ninh) rồi đổ ra biển Đông. Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, thành Huyện được gọi là thành Dinh Cầu, nơi quân lính Nhà Trịnh tập kết ở đây trước khi vượt Đèo Ngang vào Sông Gianh đánh nhà Nguyễn. Những năm Pháp xâm lược, bên cạnh dinh quan huyện là đồn Tây. Ngày 9 tháng 9 năm 1930, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Trọng Bình, Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở Kỳ Anh, 300 người dân đã vào cướp huyện lỵ, thành lập chính quyền Xô viết công nông huyện nhà… Đất đai cằn cỗi, nhưng do vị trí huyện lỵ nên khá sầm uất. Phía dưới có chợ Cầu, phía trên có chợ Huyện, ngược lên chút nữa có chợ Hôm và Thị trấn. Buôn bán tấp nập. Người tận Ròn, Ba Đồn trong Quảng Bình cũng vượt Đèo Ngang ra trao đổi hàng hóa, buôn bán. Dân làng nhiều người học giỏi, Nhiều doanh nhân thành đạt. Điển hình là Giáo sư Tiến sĩ khoa học - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, tỷ phú Trần Đình Trường,…

Phía hữu ngạn, làng Hưng Nhin, đối xứng qua sông Trí. Đất Hưng Nhin màu mỡ, nhiều loại nông sản quý, đặc biệt là chè xanh và bưởi. Hưng Nhin có cái Giếng Vọt, nước trong veo từ hốc đá chảy ra. Bốn mùa mát lạnh thấu xương. Tắm nhiều dễ bị sốt rét. Mùa hè, tôi rủ bạn bè vượt Cầu Trí sang tắm Giếng Vọt một vài lần cho đã mát. Bên bờ sông, có nhiều cây dừa già. Rễ cừa nhiều và dài buông thỏng xuống lòng sông. Bọn trẻ thường ra đó hóng mát: Kết rễ cừa thành chiếc võng đu đưa/ Bống bang bang say sưa em hát/ Con bống nghe giật mình ngơ ngác/ Búng vội vàng trên sóng nước lăn tăn.Giờ đây, mỗi năm dăm ba lần về thăm quê. Sông Trí giờ khác hẳn. Dòng sông trở nên hẹp hơn, lòng sông cạn hơn.

Cửa Khẩu (xưa gọi là Cửa biển Kỳ Hoa), nơi sông Trí - con sông dài nhất Kỳ Anh - đổ ra biển Đông. Bên trái Cửa Khẩu là Kỳ Ninh với ba làng: Tam Hải, Tam Đồng và Tam Giang. Muốn đến Cửa Khẩu, phải qua Tam Giang. Hai bên đường, cánh đồng xanh mượt, xóm quê trù phú. Bên trái là Tam Đồng, làng chài ven biển. Dân làng nửa làm nghề đánh cá biển, nửa làm nông. Tam Hải có đền Bà Hải, còn gọi là đền Chế thắng phu nhân, ngôi đền linh thiêng nhất Kỳ Anh. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu, tự Phù Dung, ái phi Trần Duệ Tông. Sau chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, ngôi đền đổ nát, khói hương lạnh lẽo, mới đề thơ rằng: Chưa hai mươi đã lên Bà/ năm trăm lẻ vẫn là thanh tân/ Phải oan xưa, kiếp phong trần/ nên con sóng vỗ chưa lần lãng quên/ Phù dung, ai khéo đặt tên/ cho hoa sớm nở trăng lên vội tàn/ Biển kia ai nhuộm mà lam/ đèo kia ai dựng chắn ngang nẻo về/ Xa quê chạnh nhớ câu thề/ làm cây thông hát vỗ về hồn tiên/ Ai người hương khói ngày đêm/ với ta, duyên ấy cũng duyên bẽ bàng/ Chiều thu gom nhặt lá vàng/ nhen lên ngọn lửa rửa oan hồn Người. Gần đây, Đền được tu bổ khang trang. Hàng năm, rằm tháng Bảy, khách thập phương về viếng nhộn nhịp. Bà được tôn làm Thánh mẫu. Con đường lớn nhất từ Thị trấn Kỳ Anh - nay là Phường Sông Trí - mang tên Bà.    

                                                                                                                               

Bên phải Cửa Khẩu là làng đạo Quý Hòa - trước thuộc xã Kỳ Hải, nay thuộc xã Kỳ Hà - cách làng Dinh Cầu quê tôi năm cây số. Phía bên trái làng Quý Hòa có núi Cao Vọng, đối xứng với núi Bàn Độ qua Cửa Khẩu. Tôi đã từng đến đây, trèo lên đỉnh núi, nhìn phong cảnh quê nhà mới thấy hết vẻ đẹp của miền đất được ví “Thung lũng nàng tiên”. Ngỡ như với tay đến Hoành Sơn mây vờn đỉnh núi, Đèo Ngang choài mình ra biển. Ngoảnh ra bắc, núi Bàn Độ cao chót vót trên 500 m, với từng đàn hươu chạy thấp thoáng trong rừng cây non lộc nhú. Núi Cao Vọng mang nhiều huyền thoại.

Núi Cao Vọng thuộc xã Kỳ Trinh. Vũng Áng - một địa danh khá nổi tiếng cách đó không xa, nằm trên bờ con Sông Vịnh. Một khúc của Sông Vịnh nằm trên đất Kỳ Trinh gọi là Sông Quyền, dân địa phương gọi là Sông Quèn. Bạn tôi, nhà giáo - nhà thơ Trương Biên Thùy quê ở đây có câu thơ ám ảnh: Trong mơ vẫn thấy nước sông Quyền. Anh dạy văn xuất sắc. Tiếc anh ra đi quá sớm, để lại lòng tiếc thương cho bao thế hệ học trò, người thân, bè bạn. Mỗi lần về quê, nhìn lên Cao Vọng, tôi lại giật mình thảng thốt nhớ đến câu thơ định mệnh của anh: Lòng những sợ bước chân mình chậm trễ/ Vuốt mái tóc vài sợi rụng bất ngờ/ Thế mới biết cuộc đời nhiều nghiệt ngã/ chưa vượt được Đèo Ngang tóc đã bạc bao giờ.

Mãi ngoài sáu mươi tôi mới đến Vũng Áng, khi nó đã trở thành Khu công nghiệp - Cảng biển Vũng Áng khá lâu. Tháng 4 năm 2006, được mở rộng thành Khu kinh tế Vũng Áng. Nằm ở chân núi phía Bắc của dãy núi Hoành Sơn, bao trùm các phường - xã của Thị xã Kỳ Anh: Nam, Phương, Lợi, Long, Liên, Thịnh, Trinh, Hà và Ninh; với diện tích tự nhiên 227,81 km². Bắc và Đông giáp Biển Đông, Nam giáp tỉnh Quảng Bình. Mục đích thành lập khu kinh tế là khai thác lợi thế vị trí địa lý tự nhiên (gần cảng nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương, gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A nối với Lào và Thái Lan, gần mỏ sắt Thạch Khê) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập với cả nước và quốc tế. (Nguồn: Quyết định số 72/2006/QĐ -TTg ngày 03/4/2006). 

Năm 2008, Tập đoàn nhựa Formosa Đài Loan xin mở một chi nhánh với tên chính thức là Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Nó là một công ty nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng. FHS là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Tiếc rằng năm 2016, FHS thực hiện xả nước thải không đúng quy trình, đầu độc hải sản một dải biển Miền Trung. Sau một thời gian, nhờ sự nỗ lực của hai phía, sóng gió tạm yên. Gần đây, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xin mở Nhà máy liên hợp sản xuất ôtô ở đây. Hy vọng trong một ngày không xa, Khu kinh tế Vũng Áng ở thành trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn mạnh Bắc miền Trung.

Giờ đây, ngoảnh lại nhìn những năm tháng trôi qua, tôi càng tin huyền thoại Sông trắng hóa rồng xanh trên có thật: Có đêm nào không mơ thấy Hoành Sơn/ dương cánh cung lên trời xanh chờ bắn/ sau mưa lũ lưng trời treo tháng trắng?/ Có đêm nào không mơ thấy Đèo Ngang/ đứng chênh vênh giữa biển thẳm non ngàn/ vẫn ôm chặt Đèo Con nơi Cửa Gió?

          Thành Vinh, Hạ 2021

            L.Q.H

Một góc Sông Trí (ảnh Bùi Tiến)

. . . . .
Loading the player...