14-07-2020 - 14:49

Bút ký CỔ TÍCH LÀNG CHẠY của Nguyễn Xuân Diệu

Thật ra thì tên làng đâu phải là “ Làng Chạy”! Làng có tên hẳn hoi: những là Kiều Thắng Lợi, những là Vĩnh Long, Minh Châu, Tiến Thủy vv…của các xã Xuân Hội, Đan Trường vùng bãi ngang huyện Nghi Xuân. Ấy vậy mà, từ đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, những tên làng ấm êm như nhung lụa, đẹp như những giấc mơ phải mang cái tên thoạt nghe đã nhức nhối cả lòng: “Làng Chạy”!

 

 

Nguyễn Xuân Diệu

                                                

                                       CỔ TÍCH LÀNG CHẠY

                                                                               

Bút ký                                                                                                             

                        Người kể cho tôi nghe câu chuyện về những làng mang tên “ làng chạy” này là ông Nguyễn Văn Nam ở xóm Kiều Thắng Lợi xã Đan Trường. Ông Nam là một ngư phủ đã gắn bó với biển suốt 3 đời. Đến thời đánh Mỹ, ông rời mái chèo cầm cây súng làm người lính biển. Là một người lính, mang dòng máu ngư dân, tiếng nói của ông cũng mang hương mặn mòi của biển, ồn ào như tiếng sóng, tiếng gió. Ngồi với tôi trong ngôi nhà bê tông vững chãi, bên ấm nước chè xanh đặc quánh, với tay lấy chiếc điếu cày rít một hơi dài, ông kể rằng, vùng quê của ông có người bảo giống như bán đảo, riêng thì cho rằng nó giống hệt con thuyền đang xé sóng ra khơi. Phía tây vùng quê là sông Lam xiết chảy, phía bắc là cửa Lạch Hội sóng cồn, phía đông là ầm ào biển cả. Sóng nước vây bủa ba bề. Những ngày biển động, hàng ngàn con sóng đục ngầu dâng cao, gào thét trước làng chài nhỏ bé nép trong rừng phi lao phòng hộ. Bây giờ rừng cây đã ngút ngát, chứ những năm cuối thế kỷ trước, sau chiến tranh, những rừng phi lao bị bom đạn tàn phá tan tành. Không còn rừng che chở, miền quê không còn phên dậu, biển thừa cơ dâng sóng nuốt chửng nhiều bãi cát mênh mông; nuốt chừng những cánh rừng phi lao rộng, dài hàng cây số. Biển nuốt bờ, lấn bãi đến chóng mặt. Bằng chứng là nhiều nơi “ngày xưa” từng là trận địa pháo, từng là bãi cỏ rộng chăn thả trâu bò, từng là sân bóng đá cho thanh niên, con trẻ; từng là nơi hẹn hò của bao cặp tình nhân… có đi hết tán cây  rừng phi lao ven biển này cũng gối mỏi, chân chồn. Vậy mà ngày ấy ngồi trong nhà nhìn ra rừng cây, bờ cát chẳng thấy đâu, chỉ thấy lớp lớp sóng bạc đầu tràn vào tận ngõ. Những ngày biển động, ngồi trong nhà mà cứ như ngồi trên mặt trống đang đánh ngũ liên. Bão tố liên miên tràn vào vùng này. Đến cơn bão năm 1989, sóng cửa Lạch Hội dâng cao cả chục mét đập vỡ đê Hội Thủy, chặt con đê làm mấy khúc, đào nên một con sông sâu hoắm dễ thường rộng hàng chục mét, sâu đến hàng mét, cắt làng Hùng Cường làm hai mảnh. Từ đó, gần 2 vạn cư dân bản địa cứ đến mùa tháng 8, tháng 9 là lo thon thót. Ông trời tính khí ngày càng thất thường. Bão tố ngày càng nhiều, càng dữ. Biển vốn hiền hòa là thế nay cũng trở chứng, như con quái vật lòng tham không đáy, hùa với bão tố, năm lại năm nuốt chửng biết bao bao đất đai mồ hôi, nước mắt của con người. Thế nên, hễ đài báo có bão là dân tình quê tôi lại bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, phó thác cả cơ ngơi mình cho bộ đội, dân quân, công an canh giữ, gồng gánh, dắt díu nhau chạy lên vùng trên, nơi sóng gió ít dữ dằn hơn. Chạy bão mà cứ như chạy giặc! Còn gian nan hơn chạy giặc! Vì đường sá bị nước chảy thành hói thành sông, ngập mênh mông, chẳng nhìn ra lối mà đặt chân. Trên đầu mưa dội. Trước mặt gió quật. Sau lưng sóng đánh. Cứ thế đội mưa, tắm gió mà chạy! Không chạy, ở lại chống chọi sao nổi với mưa lũ, với bão, với sóng? Cứ một trận bão ập vô, mỗi cánh rừng chí ít cũng bị bão, sóng quăng quật làm hàng trăm cây phi lao rừng phòng hộ ngã đổ. Cây cối đổ rồi, bờ bãi trống trơn, rứa là sóng gió nó hợp sức với nhau thả sức hoành hành. Nên năm mô, cứ đến mùa bão tố là dân làng bầy tui bỏ nhà, bỏ cửa, gồng gánh, dắt díu nhau …chạy! Người giản đơn thì tặc lưỡi chạy gần, lên tạm trú bà con, anh em xã trên vài ba bữa cho qua cơn bão. Kẻ kỹ tính hay lo xa thì chạy xa đến chỗ con cái mình làm ăn, dăm bữa, nửa tháng, có khi hết mùa bão mới lọ mọ tìm về làng. Cứ chạy miết rứa, nhiều người sinh nản lòng. Rứa là họ rủ nhau chạy tuốt lên tận Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An), chạy tuốt vô tận Tây Nguyên, chạy ra cả ngoài đảo Cô Tô tìm đất mới, những mong quãng đời còn lại của mình; những mong tương lai con cháu mình đến mùa mưa bão chẳng còn phải chạy nữa, được an cư mà lạc nghiệp. Ngày ấy ở vùng quê ni, một xã dễ chừng có tới hàng trăm hộ, hàng ngàn cư dân đành gạt nước mắt rời nơi chôn nhau cắt rốn, phiêu dạt tứ phương mưu sinh! Cái tên Làng Chạy có từ đó chú ơi!

      Nghe ông kể thật xót xa, thật gợi, tôi bèn rủ ông đi một vòng quanh mấy làng mang cái tên nhức nhối ấy. Được ông nhận lời, quen như mọi lần, tôi định dông xe ra tỉnh lộ 8B để đi về hướng Lạch Hội. Con đường này từ ngày có phong trào “xây dựng nông thôn mới” được nâng cấp, cứ là rộng rãi, phẳng lì. Ông Nam khoát tay, cả cười:

-     Lâu nay chú không về vùng quê ni sao? Xuống Cửa Lạch, bây giờ nhiều người chẳng đi đường 8B đâu, toàn đi bằng đường đê thôi. Chú đã từng đi trên con đê biển bằng bê tông to cao lừng lững như bức tường thành mới làm xong hơn mười năm nay chưa? Chưa hả? Con đê là đoạn mở đầu cho chuyện cổ tích “ làng chạy” đấy! Để tôi tả chú nghe: con đê cao hơn chục mét, dài hơn 10 cây số. Thân đê đúc bằng bê tông, mặt đê cũng bằng bê tông đủ hai làn xe tải chạy. Dễ thường “ ông” Nhà nước phải bỏ vô đây cả mấy ngàn tỷ đồng. Đất nước mình tôi chưa đi được khắp, nhưng thấy con đê này thì to cao, vững chãi thật! Để tôi dẫn chú đi mà xem. Mặt đê vừa rộng, vừa phẳng, còn phẳng hơn cả mặt đường nhựa. Giữa tiết trời đẹp thế này, đi trên đó vừa thoáng mát, vừa ngắm được biển, được trời. Với lại đi đường đê, ta dễ ghé thăm các gia đình nhà ở sát bờ sóng, ngày xưa hay “chạy” nhất trong các “làng chạy” Chú muốn phỏng vấn chi chi thì cứ hỏi họ. Có nhiều chuyện hay đáo để, cũng có nhiều chuyện dễ phải cười ra nước mắt đó, chú ơi!

      Chạy vi vu dọc con đê mới thấy nó hùng vĩ thật! Bỗng ông Nam chỉ tay vào một ngôi nhà nhỏ nằm sát thân đê nép trong rừng cây phi lao ngút ngát na ná như ngôi nhà của 7 chú lùn trong chuyện cổ tích, ra hiệu cho tôi rẽ vào đó. Hỏi mới biết, thì ra đây là nhà ông Nguyễn Lán người xóm Hội Thành, xã Xuân Hội, một ngư phủ nổi tiếng luồn sóng, chém gió và trồng rừng phòng hộ ven biển suốt hơn ba chục năm nay ở vùng bãi ngang này. Ông từng nhiều phen được bầu là đại biểu trồng rừng xuất sắc của Hà Tĩnh đi dự hội nghị tiên tiến ngoài Thủ đô Hà Nội. Thấy tôi cứ thắc thỏm về cái tên “làng chạy” vốn tính bỗ bã, ông Lán cười to:

-     Tui mần nghề chài lưới, ít chữ nghĩa, nhưng vẫn biết câu cha ông dạy con cháu có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Sống với sóng, với biển, tui mới thấm thía rằng: sóng đánh vô đất đai thì hãi ít, sóng đánh vô lòng người mới thật kinh hãi chú ơi. Ngày tháng chính xác thì tui nỏ còn nhớ, nhưng hình như là sau cơn bão lớn cuối những năm 1980 mà báo, đài gọi là cơn bão thế kỷ ấy. Gọi thế chẳng ngoa vì khi bão đến, những quãng đê sông Lam không còn rừng phòng hộ là bị sóng đánh tan tành. Có những con tàu vận tải nặng vài ba trăm tấn cũng bị sóng hất tung lên bờ, nói chi đến nhà với cửa. Sau cơn bão, nhìn căn nhà của mình bẹp dúm dó, chổng mấy cái cột trông như những cánh tay giơ lên trời cầu cứu, tui chưa buồn dọn dẹp mà mang áo tơi đi một vòng quanh bờ biển. Có đi mới biết, tui thấy nơi mô rừng phi lao phòng hộ biển còn sót lại, nơi đó nhà dân nỏ hề hấn chi. Rứa là tui và bà con quê tui nẩy ra ý định trồng rừng. Được xã, làng ủng hộ, cấp cây giống, năm mô người dân bãi ngang bầy tui cũng ra quân trồng cây chắn sóng, chắn gió, để sống chung với bão, với sóng mà sinh sống, mần ăn.

-    Tuyệt vời! - Tôi trầm trồ, cắt lời ông, hỏi dồn – Trồng cây trên cát , lại cát biển, bà con ta trồng cách sao?

-     Nhiều người đến đây cũng hỏi tui câu đó. Trên bờ biển thời đó chỉ còn sót lại mấy cụm xương rồng, vài ba bãi cây bọng, muống biển, trồng cây lên đó khác chi đánh bạc với trời. Vùng bãi ngang ni mùa hè đến, chưa nói cái nắng vốn dữ dằn, chỉ riêng “cái anh” gió lào ngùn ngụt cứ như hắt lửa vô mặt, cũng đủ sợ rồi. Nắng gió hợp nhau lại, nóng đến kinh người. Trồng cái cây xuống đó cho nó sống được đâu có dễ dàng chi. Trồng xong phải gánh nước dội xuống gốc cây cho “đất nín” để rễ dễ bám vô cát. Hàng ngày phải đi lại tưới tắm cho cây. Rồi lại phải cử người canh giữ, tuần tra kẻo trâu bò thả rông xéo nát, ngoạm đứt ngang cây. Cây mới trồng, chỉ cần một đàn trâu, bò tràn đến khác chi xe bọc sắt càn vô! Giữa trưa nắng như đổ lửa cũng phải mang áo tơi mà đi tuần, mồ hôi ướt đẫm cả áo lẫn quần. Cát nóng đến ngô cũng nổ bung, lọt vô giày dép, nóng quá cứ phải nhảy cà tưng. Bọn trẻ thấy thế cứ bụm miệng cười, nói đùa là tui đang nhảy vũ điệu “cha cha cha” trên cát đó chú!

      Nghe ông ví von, tôi bật cười, gật gù:

-     Thì ra trồng được cái cây, cái rừng cũng lắm công phu!

-    Đúng vậy! – Ông Lán tán thành - Từ ngày “ông” Nhà nước cho xây dựng con đê, mấy năm ni tui thấy làng mạc yên rồi. Thật tình nói dân bầy tui vùng ni không còn phải “chạy” nữa thì cũng phải mà cũng chẳng phải! Vì khi có bão quá lớn, để giữ an toàn cho dân, những ông già, bà cả, các cháu nhỏ cũng được các ông trên huyện, trên tỉnh cho bộ đội đưa ô tô về tận nơi chở đi sơ tán tránh bão. Tận tình rứa đó chú ạ…!

     Ông kéo chúng tôi cùng ra mặt đê. Sáng hè rừng rực nắng, nồng nàn gió mang hơi mặn thổi lên từ biển. Sóng ào ạt tung bọt trắng xóa vỗ vào thân đê rồi uể oải rút ra xa như bất lực. Từng đàn hải âu chao cánh ríu ra, ríu rít gọi nhau  sà xuống thân đê. Chợt chúng tôi gặp một tốp người cả nam lẫn nữ ăn mặc sang trọng vừa bước xuống xe hơi đang đứng trên mặt đê nơi đàn hải âu vừa sà xuống, mắt dõi, tay chỉ hết về hướng làng lại ra phía biển. Nhìn thoáng qua tôi biết họ chẳng phải là người bản địa. Như hiểu suy nghĩ của tôi, ông Lán hỉ hả giới thiệu:

-    Mấy người đó là con cháu của dân “làng chạy” ngày trước cả đấy. Họ bỏ nhà, bỏ làng, bỏ đất “chạy” sang tận bên Đức, bên Nga, bên Ukraina, bên Cộng hòa Sec lập nghiệp… hè ni rủ nhau về thăm quê đó. Người quê ta vốn thông minh, siêng năng, cần cù, nên đến nơi đất mới họ làm ăn được lắm. Đợt ni trở về thấy quê hương, thấy xóm làng đổi thay, việc làm ăn thông thoáng, lớp trẻ vốn năng động, có mấy đứa manh nha đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái biển, các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên cát. Ngày xưa ông bà, tổ tiên ta cũng từ tứ phương đi thuyền vượt sóng gió đến đây, thấy đất lành nên đậu lại, chài lưới, trồng cây, đắp đập lấn sông, trồng cây lấn biển mà cấy cày, xây nhà, dựng cửa, sinh con, đẻ cái…Bao mồ hôi, nước mắt, cả máu xương nữa đã đổ xuống đây mới có được đất này. Nay con cháu thành đạt về góp sức xây dựng quê hương, hay lắm chớ! Đã nói tui là dân chài lưới, ít chữ nghĩa, thấy răng tui nói rứa, có phải không hai chú?

     Tôi và ông Nguyễn Văn Nam nhìn ông Lán, gật đầu lia lịa. Rồi thật tự nhiên cả ba đều cười vang. Thấy chúng tôi vui quá, tốp người về quê cũng hớn hở cười theo. Tiếng cười thanh bình trộn vào nhau, vang xa trên đê, lan xa trên mặt biển đầu hè đang dâng ngàn con sóng trắng, nghe ấm áp lạ lùng…!

 

                                                                                    Nghi Xuân chớm hè 2020

                                                                                                               

Nghi Xuân ngày mới ( ảnh Sách Nguyễn)

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...