25-01-2023 - 15:55

Bút ký HOA CƯƠNG KÝ của Nhà thơ Ngô Đức Hành

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Bút ký HOA CƯƠNG KÝ của Nhà thơ Ngô Đức Hành

NGÔ ĐỨC HÀNH

HOA CƯƠNG KÝ

                                                                                                                              Bút ký

Tôi thực sự tò mò khi biết tin, TS. Nguyễn Quang Cương sau 40 năm xa quê đã trở lại quê hương Hà Tĩnh sinh sống và lập bảo tàng tư nhân. Từ Thị trấn Nghèn, Can Lộc xuống xã Bình An, Lộc Hà không xa nên tôi tranh thủ đi ngay.

Đây rồi, “Hoa Cương”. Tôi mừng quýnh sau mấy lần, phải dừng lại hỏi đường. “Bảo tàng Hoa Cương” là một ngôi nhà 2 tầng, ngay vệ đường. Khoảng sân rộng, bạt ngàn cối đá. Loại cối, ngày xưa tôi hay trèo lên giã gạo, mỗi lúc giúp bố mẹ. Trong tôi, tất cả ký ức hiện về. Đón tôi, có TS. Nguyễn Quang Cương và vợ ông, bà Trần Thị Nguyệt. Khi tôi đến, đang có hai đoàn khách từ Nghệ An vào tham quan, tôi nhập đoàn luôn.  

TS. Nguyễn Quang Cương sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có 9 anh em. Năm 1979, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh (Khóa 15) và vào Quy Nhơn lập nghiệp. Trước khi nghỉ hưu là Trưởng bộ môn Lý luận và phương pháp giảng văn học của Đại học Quy Nhơn. Cuộc sống gia đình nghèo khó, trên quê hương nghèo khó giúp ông trui rèn, hình thành nên phẩm chất lam làm, chắt chiu, chịu khó. Đặc biệt, biết sẻ chia. Trước khi “Bảo tàng Hoa Cương” được thành lập, vào năm 2004, TS. Nguyễn Quang Cương đã chi hàng tỉ đồng lập nên “Nhà khuyến học Hoa Cương”, với gần 2 vạn đầu sách. Nhà khuyến học không đơn thuần là “địa chỉ văn hoá” cho vùng quê ngèo, mà còn dấy lên phong trào khuyến học, khuyến tài. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá là Thư viện tốt nhất trong số 47 thư viện tư nhân của cả nước lúc bấy giờ, từng tặng Bằng khen. TS. Nguyễn Quang Cương còn được nhắc đến như là người đã đứng ra khôi phục văn hóa cho làng. Ông đã xây dựng lại 3 công trình tâm linh bị mai một là Chùa làng, Lăng mộ Thành hoàng và di tích về hai nhà cách mạng Trần Xu và Trần Hoặc (Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Xứ uỷ Trung kỳ giai đoạn 1930 - 1936). “Hoa Cương”, theo sự cắt nghĩa của TS. Nguyễn Quang Cương, là “trăm hoa đua nở”, bất chấp đông lạnh, giá rét. “Hoa Cương” còn có nghĩa đen là tên ghép của TS. Nguyễn Quang Cương và con gái đầu lòng. TS. Nguyễn Quang Cương cho biết, bảo tàng đang trưng bày hơn 4.000 hiện vật và 3.700 tài liệu, hình ảnh, bút tích về con người, thiên nhiên của người Việt. Trong đó, có nhiều hiện vật quý, hiếm, mà theo nhận định của các chuyên gia, thì có tiền tỉ chưa chắc đã tìm mua được. Ông giải thích cặn kẽ từng hiện vật tiêu biểu. Thú thật, nhiều hiện vật có giá trị ngoài tiền. Đơn cử, hiện vật mộc hóa thạch với niên đại 300 triệu năm được tìm thấy dưới chân núi Chư Sê - Gia Lai; rùa đá cổ có nguồn gốc ở khe Hao, núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với niên đại hàng ngàn năm; hay bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 3.000 năm... “Bảo tàng Hoa Cương” được sắp xếp theo 13 chủ đề nhằm bao quát nhiều mặt đời sống, lịch sử dân tộc, phản ánh đa diện đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của người Việt từ cổ tới kim. Lịch sử làm nông, ngư dân làm chủ biển khơi, sinh hoạt người Việt... được các hiện vật phong phú kể chuyện, tái hiện.... Chum, ché, hũ, vại sành, cối đá... tất cả đều là đồ cổ, có niên đại hàng trăm năm tuổi hiện diện như những “sứ giả” của người Việt từ quá khứ đến hiện tại. Cùng với đó, là hiện vật biển đảo Việt Nam, được sắp xếp tại một vị trí riêng biệt, với tên gọi “Bảo tàng Trường Sa - Hoàng Sa”.

Đoàn Nghệ An hơn 10 người, nhiều người già, gốc gác nhà nông, nhưng đứng trước bộ công cụ sản xuất gồm 300 hiện vật không khỏi ngạc nhiên, thích thú. “Cái đòn gánh này, xa xưa dùng gánh đồ sính lễ. Người được chọn gánh sính lễ phải là thanh niên khỏe mạnh, lúc mệt cả đoàn được nghỉ nhưng tuyệt nhiên không được trở vai. Trở vai gánh là “tráo trở”, tuyệt nhiên cấm kỵ...”, TS. Nguyễn Quang Cương giải thích. Đây là bài học văn hóa, đạo đức của các cụ đời sơ để lại. Ẩn chứa sau nhiều hiện vật, từ cái bình vôi đến bát chiết eo thời Lý – Trần, bộ “cột trống”, “cột mái” trong cái che mía... của người nông dân, nhiều thông điệp. Ví như, tại sao để kéo chiếc che mía, con trâu phải đi ngược chiều kim đồng hồ? Chân phải con trâu phải đi trước là một bí ẩn. Cả một chân trời văn hóa đấy, TS. Nguyễn Quang Cương nhận định.

Bảo tàng Hoa Cương 

Mỗi hiện vật được trưng bày ở đây đều mang những câu chuyện giàu giá trị, đậm tính nhân văn, thông điệp sâu sắc. Giá trị tinh thần ấy, là dòng chảy xuyên suốt mà ông, người con Hà Tĩnh nặng lòng với văn hóa Việt cổ muốn lưu dấu, gửi gắm lại cho hôm nay và muôn đời sau. Trên tường nhà bảo tàng, TS. Nguyễn Quang Cương khắc câu nói “Nếu ta ném quá khứ qua cửa sổ, nó sẽ trở lại bằng cửa chính” của William James Durant - một nhà sử học, triết gia và tác gia người Hoa Kỳ. Đúng vậy, quá khứ không mất đi càng không thể ruồng bỏ. “Có một lần tôi đến nhà cô giáo dạy văn, thấy cô cất giữ rất cẩn thận các giấy khen, bằng khen. Tôi nghĩ sao mình không lưu giữ vì chính mình cũng rất nhiều” TS. Nguyễn Quang Cương cho biết. Ông bắt đầu lưu giữ những kỷ vật đi qua cuộc đời mình. Tầng 1 của “Bảo tàng Hoa Cương” có gian trưng bày các kỷ vật cá nhân của các thành viên trong gia đình ông. “Đây anh, tất cả đồ chơi, sách vở học tập của con tôi từ thời thơ bé...”, TS. Nguyễn Quang Cương kéo cánh tủ giới thiệu. Ở một chiếc tủ khác là kỷ vật, sổ lưu bút... của cá nhân ông. Nhiều cuốn sổ lưu bút đã vàng vọt cùng thời gian, nhưng xanh mãi cùng nhịp sống…

Để có một bảo tàng với hàng ngàn hiện vật, hàng ngàn trang “lý lịch” khoa học hiện vật như hiện nay, khó tính được bằng tiền và thời gian, tâm sức bỏ ra để sưu tầm, thuyết phục chủ sở hữu bán lại, vận chuyển, bảo quản v.v... Ví như bộ hiện vật cối đá qua các niên đại có hơn 150 hiện vật, bộ chum có hơn 100 hiện vật. Bộ một “chum ông” và hai “chum bà” lớn nhất trong bộ chum.v.v.. TS. Nguyễn Quang Cương kể về hành trình thuyết phục một người sở hữu một chiếc “chum bà” để mua lại đã cho thấy sự kiên trì, nhẫn nhịn là những phẩm chất không thể thiếu. “Tôi đến bốn lần, ba lần trước cứ nghe tiếng xe ôtô của tôi là bà vợ bỏ trốn. Chồng đồng ý bán nhưng vợ thì không. Lần thứ tư, tôi phải ngụy trang, đi xe ôm bất ngờ xuất hiện mới gặp được bà để thuyết phục. Bà đồng ý bán, nhưng khi tôi chở đi bà khóc”, TS. Nguyễn Quang Cương tâm sự. Chiếc chum vốn để trong phòng ngủ của người phụ nữ xưa. Bà nói với ông, cái chum có hồn vía, năm đó bà 70 tuổi.

Nghe ai mách ở đâu có hiện vật quý là TS. Nguyễn Quang Cương lên đường. Thuyết phục để mua lại, sở hữu là một hành trình dài, suốt cuộc đời. Nhưng đến năm 2017, ông mới có điều kiện để xây dựng bảo tàng. Ngày 3/7/2020 với Quyết định số 2067/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập với Bảo tàng Hoa Cương. Ngày khai trương, 9/11/2020 trở thành sự kiện văn hóa không chỉ của huyện Lộc Hà mà cả tỉnh Hà Tĩnh. TS. Nguyễn Quang Cương, ngày nào cũng có các Đoàn khách đến trong và ngoài tỉnh tham quan. - Mừng nhất là học sinh các trường phổ thông trong huyện, trong tỉnh. Đôi mắt TS. Nguyễn Quang Cương chan chứa hạnh phúc.

TS. Nguyễn Quang Cương mời tôi lên xe điện, tự mình lái đưa tôi đi thăm ngôi làng của ông với tất cả niềm tự hào. Tại các mốc của làng mình với các làng dọc quốc lộ 281, ông đều đặt các phiến đá lớn, khắc tên làng. Ông yêu làng với một tình yêu khắc cốt. Việc về lại Lộc Hà xây dựng “Bảo tàng Hoa Cương”, ông thay lời tri ân quê hương. Bất giác tôi nhớ câu thơ của nhà thơ, TS. Lê Thành Nghị: “Mai mốt em về đi chợ Huyện / Mưa bay như bụi phiên đông người / Ngàn hạt mưa bay ngàn thương mến / Có nhớ ngày xuống chợ cùng tôi?” (Chợ huyện). Tôi đang ở giữa vùng đất “Chợ huyện” ngày xưa. Chợ họp theo phiên giữa một vùng nghèo đói. Bây giờ quê hương của TS.Lê Thành Nghị, TS. Nguyễn Quang Cương đã hoàn toàn đổi khác.

- Tôi muốn làm chiếc gạch nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. TS. Nguyễn Quang Cương trải lòng. 

- Rất mừng thầy đã góp phần tạo nên một điểm nhấn về văn hóa trên quê hương. Tôi nói thật lòng, không giao đãi.

Cứ thế, chén rượu chiều, chuếnh choáng. Ông còn muốn tôi ở lại thêm, nhưng tôi không nỡ phiền ông thêm. Con đường ngoài kia, đèn đã bật sáng./.

Hà Tĩnh - Hà Nội, tháng 12/2022

                                                                                                  N.Đ.H

Tiến sĩ TS. Nguyễn Quang Cương và tác giả 

. . . . .
Loading the player...