10-01-2023 - 07:12

Bút ký LÀNG HOA DƯỚI CHÂN NÚI HỒNG của Tác giả ĐẶNG VIẾT TƯỜNG

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Bút ký LÀNG HOA DƯỚI CHÂN NÚI HỒNG của Tác giả ĐẶNG VIẾT TƯỜNG

ĐẶNG VIẾT TƯỜNG

 

LÀNG HOA DƯỚI CHÂN NÚI HỒNG

                                                                                                                             Bút ký

Sơ khai Xuân Sơn là vùng “đất chết”, có tiếng “ma thiêng nước độc” dưới chân núi Hồng Lĩnh. Nay Xuân Sơn đã sáng tạo vượt khó tìm hướng đi lên vững chắc bằng xuất khẩu lao động kết hợp làm giàu trên đồng đất quê hương. Làng hoa dưới chân núi Hồng là điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu ở Hà Tĩnh.

Hồi sinh vùng “đất chết”

Vào thời kỳ trước Cách mạng, đây là đất Chọ Lài, Chọ Sim, U Bò thuộc làng Liêu Đông, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, được coi là vùng hẻo lánh. Ngày xưa tương truyền ông Trần Vĩ, người huyện Vụ Bản, lúc làm tri huyện ở Nghi Xuân, mỗi lần rỗi việc quan cưỡi ngựa đi chơi thường đến Liêu Đông. Ở đây có miếu Ký Lục cổ kính. Sách Nghi Xuân địa chí của Đông Hồ Lê Văn Diễn có ghi chép: “Vườn Chánh sứ ở dưới núi Liêu Đông. Ông tên là Hoàng Ngạn Chương, người làng Mỹ Dương ở vườn đó. Về sau có Phan liệt công Chính Nghị cũng tới ở chổ đó. Thơ Hạnh Am (Nguyễn Thiếp) có câu: “Nghe nói Phan, Hoàng ẩn ở đây.” Thơ Nguyễn Hữu Lễ có câu “Phan, Hoàng đã đi ba niên kỷ”.

Xưa đất Liêu Đông hoang vắng, khí hậu khắc nghiệt. Những nhân vật tiến sĩ Hoàng Ngạn Chương, Phan Chính Nghị sống không gặp thời, chán ghét thời cuộc đã đến nơi hoang vu núi Lài ẩn dật, làm bạn với rừng núi sim mua, cỏ cây và động vật hoang dã. Tôi nghe kể những giai thoại trong dân gian đáng sợ, nào là ổ dịch sốt rét ác tích., nào là mắc bệnh thì “vô phương cứu chữa”… Dân sợ bệnh dịch hơn sợ cọp. Vì dịch sốt rét, dân đã bỏ làng đi nơi khác lập nghiệp. Nạn đói năm 1945, nhiều gia đình ở Liêu Đông bị xóa sổ, các cánh đồng, ruộng lúa bị bỏ hoang. Nhiều nhà không có cơm ăn, áo mặc, chết đói cả nhà. Người sống sót thì cơ cực, lầm than. Người Liêu Đông lũ lượt bỏ quê “tha hương cầu thực”. Người bám trụ chỉ đếm được trên đầu tay mà thôi. Liêu Đông tức Xuân Sơn ngày nay được gọi là vùng “đất chết” là vì thế.

Tôi đến nhà ông Phan Văn Thân, Bí thư chi bộ Xuân Sơn, hỏi về việc lập làng mới. Chính xác hơn là phục hồi vùng “đất chết”. Ông Thân cho biết, làng Xuân Sơn xã Cổ Đạm được thành lập từ năm 1980. Thời đó Đảng, nhà nước chủ trương di dời dân Hoa Vân Hải lên đây (Xuân Sơn - tác giả) lập làng, xây dựng khu kinh tế mới. Năm 1990, đổi tên gọi là thôn 1. Năm 2019, lấy lại tên cũ Xuân Sơn. Khi người dân biển đi xây dựng kinh tế mới chỉ có khoảng 20 hộ, cựu chiến binh chiếm đa số, làm nòng cốt. Theo ông Phan Văn Thân, lúc đó nguồn sống của dân chủ yếu dựa vào rừng núi. Bà con làm nghề đốn củi, đốt than kiếm kế sinh nhai. Sản xuất thường không mấy khi có thu hoạch… Cuộc sống của bà con thiếu thốn, khó khăn chồng chất. Đường sá nắng thì cát bụi mù trời, mưa lầy lội khổ sở. Đứng trước khó khăn đè nặng, một vài hộ chùn bước đã quay về làng cũ. Những hộ ở lại đoàn kết, gắn bó nhau bám trụ. Tuy khó khăn nhưng đồng lòng gắng sức quyết tâm khai phá đất đai, trồng lúa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả. Ông Hoàng Ngọc Trà, một cựu chiến binh, nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Nghi Xuân, một người sản xuất kinh doanh giỏi, đoạt giải nhì vườn mẫu cấp tỉnh, người đưa nghề trồng hoa đào về Xuân Sơn là một trong những người gắn bó với vùng đất này đầu tiên, kể chuyện: Cha tôi là Hoàng Văn Kiệp, người đưa dân lên Xuân Sơn đầu tiên. Lúc đó cuộc sống khổ sở, hạn hán, bão gió, bệnh sốt rét hoành hành, một số hộ dân muốn bỏ về, cha tôi đã đi vận động từng hộ ở lại quê mới.

Những giọt mồ hôi đổ xuống đất đai, ý chí bền gan vượt khó của những người dân nơi đây đã hồi sinh và tạo nên sức sống mới cho Xuân Sơn, biến vùng đất cằn sỏi đá thành miền quê đáng sống, đứng đầu xã Cổ Đạm, quê hương của những làn điệu Ca trù nổi tiếng.

Nhọc nhằn mở hướng làm ăn

Tôi chứng kiến người Xuân Sơn trăn trở, nhọc nhằn tìm hướng đi, đổi mới cách làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội. Mọi người thấm nhuần, thuộc lòng câu phương ngôn “thất bại là mẹ thành công”. Những người đi khai phá đất hoang xây dựng kinh tế mới đã lấy nghề nông, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi, làm chủ đạo. Cùng với trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, người dân Xuân Sơn còn đẩy mạnh nghề trồng rừng, phủ xanh đồi núi Hồng Lĩnh. 

Năm 1998, tôi đến Xuân Sơn gặp vợ chồng ông Hoàng Ngọc Trà để viết bài về mô hình VAC có hiệu quả thu nhập cao, đăng trên báo Khoa học và Đời sống. Từ đó tôi quen biết rồi thân thiết với Hoàng Ngọc Trà, ông chủ vườn đào đẹp nhất. Có một lần đến Xuân Sơn, chứng kiến vợ chồng Trà chặt hạ vườn cam bù trĩu quả một cách không thương tiếc. Tôi vô cùng thắc mắc, không hiểu lý do gì. Ông Hoàng Ngọc Trà giải thích: - Bác ơi! Giống cam này sai quả lắm, phá đi cũng tiếc công sức, nhưng không hợp thổ nhưỡng hay sao mà quả chua, khó tiêu thụ. Giữ lại thu nhập không bao nhiêu. Tôi đang suy nghĩ để tìm cây thay thế. Những vườn hoa đào bạt ngàn của Xuân Sơn hôm nay chính là kết quả của những trăn trở ấy. Trăn trở và biết bao mồ hôi công sức của những con người như ông Trà, một lòng gắn bó với đất đai, yêu và hiểu mảnh đất mình gắn bó…

Năm 2010, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, từ đó kinh tế Xuân Sơn hứng khởi vươn vai đứng dậy, đổi thay chóng mặt. Cây hoa đào đã đứng vững trên đồng đất Xuân Sơn. Đào trở thành cây kinh tế được chú trọng trồng đại trà cùng cây lúa. Cây không phụ công người đã bén rễ, bám trụ Xuân Sơn. Đất đai phù hợp, cây đào sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, ra hoa rất đẹp. Ông Trà được bạn hữu gán cho cái danh ông tổ nghề trồng cây hoa đào Xuân Sơn. Xuân Sơn hiện có tổ hợp tác trồng đào gồm 15 thành viên, ông Hoàng Ngọc Trà làm tổ trưởng. Thấy cây hoa đào phù hợp đất đai, khí hậu ở đây và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giờ đây người dân Xuân Sơn nhà nào cũng đầu tư trồng đào phát triển kinh tế. 

  Theo ông Phan Văn Thân, Bí thư chi bộ, một hướng đi khác ở Xuân Sơn là khi nhà nước có chính sách mở cửa, con em Xuân Sơn có 170 người đi xuất khẩu lao động. Hàng năm số ngoại tệ gửi về Xuân Sơn khoảng 32 tỷ đồng. Nguồn thu từ xuất ngoại, cộng với sản xuất lúa, chăn nuôi, cây đào, cây ăn quả khiến đời sống người dân khấm khá hẳn. Hiện tại, Xuân Sơn chỉ còn 2 hộ nghèo trên tổng số 215 hộ dân.                  

Bao quanh Xuân Sơn là núi Lài Sơn, U Bò, Chọ Sim, Liệt Sơn, Mồng Gà và những cánh đồng lúa xanh tốt. Đập Cồn Tranh, công trình thủy lợi đang được đầu tư xâ dựng. Rừng keo tràm, thảm thực vật được hồi sinh dưới chân núi Hồng. Những vườn mẫu, vườn kinh tế hoa đào, cam bưởi hứa hẹn tiềm năng, sức sống mãnh mẽ. Ông Phan Văn Thân cho biết: Xuân Sơn đã xây dựng được 14 vườn mẫu, trong đó có 4 vườn mẫu cấp tỉnh. Đó là vườn các ông Hoàng Quang Nhuệ, Hoàng Ngọc Trà, Phan Xuân Thái và bà Trần Thị Đào. Vườn mẫu cấp huyện có 10 vườn. Khoảng đến 60 đến 70 vườn trồng đào kinh tế có chàng trăm cây trở lên. Những vườn này trúng vụ hoa dịp Tết có thu nhập mỗi vườn 200 - 250 triệu. Tết Nhâm Dần 2022, dù có ảnh hưởng đại dịch Covid 19, nhưng làng trồng hoa đào vẫn có thu nhập khoảng 1,7 tỷ. Theo Bí thư Chi bộ Hoàng Quang Nhuệ, (thay ông Phan Thân) diện tích trồng hoa đào ở Xuân Sơn có biến động tăng lên nhiều. Vụ hoa Tết Quý Mão 2023 thời tiết thất thường, khó khăn cho người nông dân trồng hoa. Dự tính năm nay chỉ cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Để khuyến khích nghề trồng hoa đào, chủ tịch xã Cổ Đạm Lê Thanh Bình, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân xây dựng, phát triển nghề trồng hoa đào. Vụ Tết năm Quý Mão triển khai cuộc thi vườn hoa đẹp, cây hoa đào đẹp, giải nhất trao trị giá 1.500.000 đồng. Xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên tình nguyện lên Xuân Sơn giúp dân bán hoa và bảo vệ an ninh trật tự. Vào những ngày cận Tết nguyên đán, làng hoa dưới chân núi Hồng đông vui chẳng khác gì hội làng.

Từ nguồn thu xuất khẩu lao động và trồng hoa đào và sản xuất chăn nuôi,  tổng thu nhập của Xuân Sơn đứng đầu xã Cổ Đạm. Đường thôn ngõ xóm, mương máng được bê tông hóa, nhà văn hóa đạt chuẩn, khu dân cư luôn sạch đẹp với nhà ở kiên cố (70 % nhà mái bằng, nhà tầng), khoảng 20 hộ đã mua sắm xe xe ô tô … Những con số này cho thấy những đổi thay vượt bậc của Xuân Sơn trên tất cả mọi mặt. Xuân Sơn - làng hoa dưới chân núi Hồng Lĩnh tươi mới, tràn trề sức sống như sắc hoa đào bát ngát mỗi độ xuân về. 

Tôi nghĩ, trong tương lai không xa nữa, Xuân Sơn sẽ còn phát triển đi lên theo hướng du lịch trải nghiệm, khu du lịch sinh thái, có nhiều dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ bên những rừng hoa đào mùa xuân nở rộ dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh    

                                                                                                            Đ.V.T  

Làng đào Xuân Sơn Cổ Đạm (ảnh Đậu Hà)

. . . . .
Loading the player...