06-06-2022 - 08:16

Bút ký LỬA THIÊNG SÁNG MÃI GIỮA ĐẠI NGÀN của Phan Thế Cải

Trại sáng tác văn học nghệ thuật ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay của Vũ Quang trong quá trình xây dựng và phát triển được bế mạc sau hơn 1 tháng tổ chức. Các tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay đi lên của quê hương Vũ Quang trong thời kì mới. BBT xin giới thiệu bút ký LỬA THIÊNG SÁNG MÃI GIỮA ĐẠI NGÀN của Tác giả Phan Thế Cải

phan thế cải

lửa thiêng sáng mãi giữa đại ngàn

                                                                                                                Bút ký

Đại ngàn Vũ Quang không chỉ là Khu vườn quốc gia bảo tồn đa dạng sinh vật học quý hiếm, trong đó nhiều loài động thực vật đã được ghi vào “danh sách đỏ” của thế giới. Đây còn là “địa chỉ đỏ”, căn cứ khởi nghĩa của nhà sĩ phu văn thân yêu nước Phan Đình Phùng, người đã hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, kêu gọi nhân dân, tụ tập binh sĩ vùng lên đánh giặc Pháp và bọn tay sai bán nước, kéo dài cuộc khởi nghĩa Hương Khê mười năm ròng.

Miếu thờ cụ Phan

Tôi còn nhớ vào trung tuần tháng tám năm 2000, sau một tuần lễ thành lập huyện mới Vũ Quang, tôi được anh Phan Đức Cung, chủ tịch huyện cùng với hai cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang, dẫn vào đại ngàn thăm lại những dấu tích lịch sử “đại bản doanh” của cụ Phan Đình Phùng đánh Pháp thuở xưa. Đường vào khu rừng ngút ngàn cây xanh, lúc đó chỉ là một con đường độc đạo, rộng khoảng năm mét, dài hơn hai chục cây số (đường đặc biệt, dành cho cán bộ lâm nghiệp và các chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng), tuy có được rải nhựa, nhưng gặp nhiều vòng cua gập ghềnh, khúc khuỷu. Vất vả lắm, anh em chúng tôi mới đặt chân tới được Miếu thờ cụ Phan.

Miếu thờ cụ Phan, hồi ấy chỉ là một ngôi miếu nhỏ, do nhân dân sùng tín dựng nên để mọi người thắp hương tri ân cụ. Trong miếu dựng lên một tấm bia, ghi danh công trạng của Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng, cùng nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, do mưa rừng, gió núi lâu ngày bào mòn, nên ngôi miếu nhỏ đã bị phế tích, khiến những dòng chữ trên tấm bia kia cũng bị đứt gãy. Huyện mới thành lập, bao công việc ngổn ngang, nên chưa có điều kiện tôn tạo. Để có một di ảnh tạm thời cho khách khấn bái, cán bộ phòng văn hóa huyện chụp lại hình cụ Phan qua tư liệu, rồi ép bằng Plastic đặt lên trên tấm bia đá ấy. Tôi đã được nghe một cụ già cao tuổi nhất ở xã Hương Đại lúc đó, cụ từng tham gia nghĩa quân của Phan Đình Phùng tiết lộ: xung quanh ngôi miếu này, ngày xưa là bãi chôn xác giặc và thi hài những nghĩa quân đã anh dũng hy sinh sau trận chiến. Khi xây dựng ngôi miếu, một người dân bản địa đã  đưa hai cây sung tới trồng đối diện trước sân miếu thờ. Hai cây sung, biểu tượng cho hai nhân vật hào kiệt Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Thật kỳ lạ hai cây sung theo thời gian càng cao lớn, lẫm liệt như khí phách của hai người anh hùng.

Hôm nay tôi trở lại huyện Vũ Quang, đúng vào dịp cả huyện đang náo nức kỷ niệm 175 ngày sinh Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, một nhà sĩ phu yêu nước được sử vàng dân tộc ghi danh. Đường vào “địa chỉ đỏ” của cụ Phan đi nhanh hơn mọi ngày khi chúng tôi được ngồi trên chiếc xuồng máy, lướt sóng băng băng trên mặt hồ thủy điện Ngàn Trươi. Miếu thờ cụ Phan Đình Phùng đã được trùng tu lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tấm ảnh nhỏ in hình cụ Phan ngày trước, giờ được thay thế bằng tấm ảnh lớn được lồng trong khung kính trịnh trọng. Tấm bia ghi danh được sao chép và khắc lại nguyên bản bằng một phiến đá cẩm thạch đẹp. Miếu thờ nghi ngút khói hương của tao nhân mặc khách vào tưởng niệm.

Đại bản doanh trên đỉnh Thanh Lù

Từ miếu thờ cụ Phan, men theo một con đường mòn hơn hai km, tôi và mấy anh cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đã leo lên tận đỉnh Thanh Lù. Đây chính là đại bản doanh của nghĩa quân đóng ngày xưa. Dưới chân đỉnh Thanh Lù, vẫn còn một số dấu tích hai bức tường thành trước cửa ghép xây bằng đá, chạy dọc theo hai hướng tả ngạn và hữu ngạn sông Rò Vền. Con sông này chảy về phía Tây thành, lại giao thoa với sông Cà Tỏ chảy từ phía Đông thành, hợp lưu đầu nguồn Ngàn Trươi. Cách ngã ba sông khoảng một km là bãi Cà Tỏ. Bãi Cà Tỏ có diện tích rộng khoảng hai ngàn mét vuông, đây là nơi nghĩa quân thường ngày tụ tập luyện súng, luyện gươm, luyện võ trước khi vào trận. Đứng trên đỉnh Thanh Lù, tôi ngợp mắt trước  hào thành sâu hun hút, róc rách tiếng suối chảy. Một cây muỗm cổ thụ, hơn bảy trăm tuổi cành lá sum suê, đang mùa ra hoa đậu quả.  

Theo nhà sử gia Đào Trinh Nhất, trong cuốn ký sự lịch sử của ông ghi lại rằng:“Cách xa Trung Khê, Tri Khê mấy dặm, có dãy núi là núi Vụ Quang. Tục gọi là Ngàn Trươi, cụ Phan đã chọn nơi đất này làm đại đồn. Ngàn Trươi là một khu rừng núi thật hiểm hóc, quanh co và có địa thế tiện lợi cho việc dụng binh, là nhờ có ba con đường độc đạo: mặt trước ngó ra đồng bằng, có thể nhìn được tỉnh thành Hà Tĩnh, đằng sau toàn là rừng rậm có đường lối bí mật đi qua đất Lào mà sang Xiêm. Một con đường nhỏ nữa, thì thông suốt qua núi tới Đại Hàm. Núi này cũng là một dãy núi hiểm hóc, sơn mạch liền tiếp nhau và đột ngột, khuất khúc. Cứ mỗi trái núi có một khe suối, hai bên bờ khe nào cũng có lau sậy mọc lên cao quá đầu người. Đường lối đi vào rất gay go, nếu ai không thuộc thì không biết đường vô, hay vô rồi không thuộc địa thế cũng không biết đường mà ra”

Những giây phút dừng chân tại “đại bản doanh” cụ Phan xưa và nghiền ngẫm qua sử tích, tôi càng khâm phục chí khí lẫm liệt và lòng yêu nước của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng. Sống trong ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, cụ Phan thấm đẫm cảnh nước mắt nhà tan, thương vua Hàm Nghi phải sa cơ thất thế, khi tên Trương Quang Ngọc “nối giáo cho giặc” tới bắt vua. Khi nghe tin vua Hàm Nghi bị đi đày biệt xứ, lòng Phan Đình Phùng đau xót tới tận cùng. Lời Chiếu Cần Vương, lại sang sảng bên tai cụ từng bữa ăn, giấc ngủ. Không còn đường nào khác, buộc cụ Phan phải gạt nước mắt thương vua, đứng lên cứu nước, cứu nhà.

Khi ngọn đuốc thiêng của Phan Đình Phùng thắp lên, ngọn đuốc lương tri ấy tỏa sáng từ làng gần đến làng xa. Hàng ngàn nông dân áo vải, chân đất hăm hở lên đường đi theo tiếng gọi của cụ Phan. Họ bất chấp rừng sâu, núi thẳm, bất chấp hổ dữ rình mò, bất chấp sên vắt, muỗi rừng và sốt rét, miễn là mình được làm một nghĩa quân yêu nước. Vất vả không làm họ sờn lòng, hiểm nguy không làm họ nhụt chí, từ hai bàn tay với dao, rựa, cưa, rìu và cuốc xẻng, họ đẵn gỗ rừng, chặt nứa, giang, mây, tro dựng đại bản doanh. Trời phù hộ, văn thân Phan Đình Phùng gặp tướng quân Cao Thắng, chẳng khác gì rồng gặp mây. Bởi Cao Thắng là người “có trí, có dũng, có ân, có oai, có cơ mưu, có thao lược” một vị tướng tài chỉ huy quân sĩ khi xung trận.

Đại bản doanh trên đỉnh Thanh Lù, cứ địa chỉ huy của cụ Phan như một quả tim lớn, nối liền huyết mạch các đường dây lớn nhỏ. Từ đại ngàn Vụ Quang đến Đồng Khê, Trí Khê  dài đến hàng trăm cây số, đều xuất hiện những đồn bốt nghĩa quân đóng. Đồn được dựng theo thế núi, thế nước, nghĩa là ở đâu có rừng rậm, sông suối sâu, là cụ Phan cho nghĩa quân mình ra trấn giữ. Tinh thần yêu nước của nhân dân ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp, mỗi ngày một đông. Cả bốn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình đều có đội hình nghĩa quân cụ Phan xây đồn, dựng lũy. Hồi ấy đồn lớn là một đề đốc đóng, còn đồn nhỏ là một lãnh binh. Cụ Phan chia ra mỗi viên tùy tướng, làm chủ một địa phương, gọi là một quân thứ (cứ địa nghĩa quân). Cả bốn tỉnh miền Trung, thời bấy giờ có 15 quân thứ rải dọc từ Lệ Thủy (Quảng Bình) đến tỉnh Thanh Hóa. Mười năm (1885 - 1895) nghĩa quân Phan Đình Phùng, kiên gan chiến đấu là mười năm nhân dân miền Trung bí mật luồn rừng, lách núi tiếp ứng lương thực và thực phẩm giúp nghĩa quân. Mỗi nhát gươm, mỗi viên đạn phơi thây quân thù đều có hạt gạo, mớ rau làm hậu thuẫn.

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.Trong trang sử vàng dân tộc, thấm máu hồng nghĩa quân Phan Đình Phùng, vẫn không quên nhắc tới chuyện cô Tám, người đàn bà làm nghề buôn bán than, tại chợ Tràng bên bờ sông La. Lính bảo hộ Pháp thời bấy giờ, không thể ngờ rằng người con gái “phận liễu đào tơ”, ít nói hay cười này lại là người giỏi võ nghệ, một “điệp viên” của cụ Phan. Bằng diệu kế thông minh, cô Tám đã “nhử giặc” vào tại quán mình, uống rượu say bí tỉ. Rồi đưa  hai chục nghĩa quân ập tới, bắt gọn một toán lính bảo hộ Pháp, tước toàn bộ súng ống và đạn dược của giặc. Người đàn bà này, sau đó “rút êm” vào đại bản doanh cụ Phan. Khi tướng quân Cao Thắng cùng nghĩa quân dựng lò chế tạo súng ống giữa đại ngàn, cô Tám lại một mình vượt núi, băng sông hàng vạn dặm, sang tận đất Xiêm mua vật liệu nổ. Hành động dũng cảm và sự khôn ngoan trong giao thương của cô, khiến mọi người ai cũng cảm phục.

Từ khi tước được vũ khí của binh lính Pháp, tướng quân Cao Thắng đã tự tháo một khẩu súng ra từng mảnh, nghiên cứu kỹ từng chi tiết, rồi cùng với tốp thợ làng rèn Trung Lương mà ông chiêu dụ lên đây, vừa làm nhiệm vụ  rèn gươm giáo, vừa đúc súng. Trong ba tháng đầu, lò đúc súng của nghĩa quân đã đúc được 350 khẩu súng, với hàng chục ngàn viên đạn, sử dụng chất lượng không kém gì súng của đối phương.

Bây giờ, cô Tám đã theo hồn cụ Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng, bay về trời đã lâu lắm rồi. Nhưng dấu tích đại bản doanh và bóng hình cô vẫn còn khắc sâu tâm khảm hàng triệu người.

Đến đại bản doanh cụ Phan hôm nay, dẫu không được xem lại kỷ vật chiến đấu oanh liệt một thời của nghĩa quân. Nơi sản xuất giáo gươm, súng ống đạn dược, nơi cất dấu vũ khí, lương thực, giờ đây đã nhường chỗ bao loại cây cổ thụ mọc. Nhưng trước mắt tôi dường như vẫn còn  hiện lên nhiều ánh lửa, hiện lên bóng nghĩa quân đi rầm rập. Hiện lên hình ảnh cụ Phan, với đôi mắt vừa quắc thước vừa trầm tư, đọc lại cho tôi nghe bài thơ:                  

                         Non rất cao mà núi rất xanh

                        Núi non linh hiển giúp cho mình

                        Nếu không bên ít, bên nhiều thế

                        Sao đến đầu khe đã hoảng kinh.

Chiến thuật “đánh úp” thắng lớn:

Mười năm ròng dấy binh (1885 - 1895) của nghĩa quân Phan Đình Phùng là mười năm diễn ra hàng ngàn trận đánh ở từng địa cứ, khu vực khác nhau. Nhưng chiến thuật “đánh úp” thắng lớn, vẫn là chiến thuật được tướng quân Cao Thắng vận dụng nhiều nhất. Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại bình luận rằng, đây là lối đánh “Sa nang ứng thủy” như chuyện Hàn Tín đánh Sở ngày xưa trong lịch sử Trung Quốc. Tại đại ngàn Vụ Quang, Cao Thắng đã huy động nghĩa quân hàng ngày xây kè, đắp đập ở thượng nguồn với mục đích ngăn các dòng chảy sông lại, tạo thành “thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan”. Mặt khác, cử một đội quân chặt những cây gỗ to, dùng dây mây rừng kết lại như bè nứa, rồi xếp thành từng đống đặt sẵn hai bên bờ sông. Nghĩa quân thay phiên nhau mật phục địch. Kiểu “đánh úp” này nhiều trận địch mò vào các đồn lũy, nghĩa quân không cần tốn một viên đạn, nhưng vẫn diệt gọn từng tốp lính Pháp. Tốp ít vài chục quân, tốp nhiều ba bốn chục quân. Hễ vào đúng “tầm ngắm” là nghĩa quân bắt đầu xả nước ào ào và lao gỗ ầm ầm xuống lòng sâu. Đầu quân giặc, bị gỗ “phang” bẹp dí, chẳng khác gì đầu cóc, đầu nhái. Toán địch vào đại ngàn Vụ Quang, hay vào các đại ngàn khác chẳng có một tàn quân nào sống sót. Trận “đánh úp” giòn giã nhất, đó trận đánh ngày 26/10/1895, khi ba tên sĩ quan Pháp hùng hổ dẫn 120 tên lính, tiến vào đại bản doanh cụ Phan.

Trên đại bản doanh, cụ Phan bố trí cho các nghĩa quân chủ động đỏ đèn, đỏ lửa. Thỉnh thoảng lại dóng tiếng chiêng khua, để nhử địch, còn cả tướng lẫn quân, lại ẩn tích nơi khác. Quân lính Pháp lò dò tiến vào khu vực Thanh Lù, thấy các con sông chảy đại ngàn, bỗng dưng khô cạn, mừng rỡ  kéo nhau từng đoàn bì bõm lội sông, tay lăm súng đạn, vào sâu  đại bản doanh. Chúng vừa đi, vừa nổ súng bắn loạn xạ lên đồn lũy, đạn kêu  chí chóe, mùi thuốc súng khét lẹt, các bụi lau bén lửa đạn cháy rần rật. Thấy nghĩa quân cụ Phan không động tĩnh gì, tưởng đã ăn no “kẹo đồng” nên lũ giặc lại càng hí hứng. Ai ngờ, khi  tới  giữa lưu vực sông, cách đại bản doanh chỉ còn khoảng bảy trăm mét, nước đổ xuống ào ào hơn thác đổ, gỗ đè lên thân xác, khiến nhiều đứa vỡ bụng, nhiều đứa bẹp đầu và rụng răng. Xác 120 tên giặc, nổi vật vờ trên mặt nước, biến thành một dòng sông máu đỏ ối. Nghĩa quân thu dọn chiến trường, chôn cất xác giặc mất hơn mười ngày, mới rửa hết mùi xú uế.

Dưới con mắt của thực dân Pháp, ban đầu vẫn xem việc Phan Đình Phùng dấy nghĩa chỉ là chuyện “châu chấu đấu voi” ai ngờ sức châu chấu ngày càng khỏe, đánh cho voi nhiều phen bạt vía kinh hồn. Từ trận đánh chống càn quân giặc ở Cồn Chùa và Khe Đen, đến trận đánh đồn ở Trung Lễ, dưới sự bài binh, bố trận của tướng quân Cao Thắng, trận nào mở màn và kết thúc cũng dành được thắng lợi giòn giã. Quá cay cú, khi tên tuần phủ Đinh Nho Quang (Hương Sơn) bị bắt, với sự bại trận thảm khốc nhiều lần trên sông Ngàn Trươi, Pháp càng tăng cường binh lực, khí giới, mở nhiều cuộc càn quét, cố truy lùng những tổ chức bí mật ủng hộ nghĩa quân. Chúng tìm mọi cách ngăn chặn, bao vây những địa cứ nghĩa quân hoạt động. Mưu sâu, chước quỷ hơn, giặc Pháp còn nhờ đại thần Hoàng Cao Khải (người đồng hương, bạn học đồng lứa) viết thư dụ dỗ cụ Phan. Nội dung thư đủ lời thâm giao, nhưng không hề lay chuyển được “trái tim thép” của Phan Đình Phùng. Sau sự hy sinh anh dũng  của tướng quân Cao Thắng, khi đưa cả ngàn quân sĩ mở một trận đánh lớn tại đồn Nu (huyện Thanh Chương) vào tháng 11 năm 1893, Phan Đình Phùng rất đau đớn, thương tiếc và khóc cạn nước mắt. Hai năm sau, trong một trận giao tranh quyết liệt với quân lính Pháp, tại đại ngàn Vụ Quang thủ lĩnh  Phan Đình Phùng bị thương nặng, cụ mất  vào ngày 28/12/1895.

Vĩ thanh: Cuộc khởi nghĩa Hương Khê, do Phan Đình Phùng lãnh đạo là đỉnh cao nhất của phong trào Cần Vương thế kỷ XIX. Tuy thất bại, nhưng tên tuổi Phan Đình Phùng, Cao Thắng và hàng ngàn nghĩa quân vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Khởi nghĩa Hương Khê là biểu tượng sức mạnh yêu nước của dân tộc ta, lòng quân thù giặc sâu sắc, với khát vọng tự do độc lập. Sức mạnh ấy được khơi dậy từ lòng dân, được sĩ phu văn thân Phan Đình Phùng nhóm lửa. Tuy ban đầu, quy mô của nó còn nhỏ, với vũ khí thô sơ, nhưng đã tạo nên sức bền suốt mười năm ròng (1885- 1895) như rễ cây bám sâu trong lòng đất, với hàng triệu người dân yêu nước đồng lòng, đồng sức ủng hộ. Chiến thuật đánh giặc của nghĩa quân Phan Đình Phùng là bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho quân và dân ta, góp phần làm nên những kỳ tích vĩ đại qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, đại ngàn Vụ Quang hôm nay và mai sau vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” cho các hậu duệ đến tri ân các bậc tiền nhân. Để trang sử vàng quá khứ rạng rỡ thêm, huyện Vũ Quang cần có một đề án khoa học trong xây dựng nhà thờ, phòng truyền thống, dựng sa bàn, sưu tầm kỷ vật trưng bày, để khách đặt chân tới đại ngàn có thêm hơi ấm ngọn lửa thiêng.

                                                                                                5- 2022

                                                                                                  P.T.C

Nhà bia tưởng niệm Phan ĐÌnh Phùng và nghĩa quân (Ảnh Hoài Thương)

. . . . .
Loading the player...