25-03-2022 - 08:13

Bút ký NGÁT HƯƠNG HOA BƯỞI HƯƠNG TRẠCH của Lê Văn Vỵ

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 3 trân trọng giới thiệu bút ký NGÁT HƯƠNG HOA BƯỞI HƯƠNG TRẠCH của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

NGÁT HƯƠNG HOA BƯỞI HƯƠNG TRẠCH

Bút ký

Tháng 2, hoa bưởi trong vườn bung hoa trắng muốt. Dọc các đường làng huyện miền núi Hương Khê, ngát hương hoa bưởi. Mùi hương dịu dàng khơi gợi kỷ niệm, đằm sâu ký ức và xao động tâm hồn…

Cứ mỗi mùa hoa bưởi là cô Mão không sao nguôi được nỗi nhớ thương 33 bạn  lớp 5A trường cấp hai Hương Phúc đã bị bom Mỹ sát hại và 24 bạn bị thương (trong đó có Mão). “Tôi còn nhớ như in. Khoảng 16h30, thầy Nhậm  đang dạy chúng tôi giờ học Địa lý. Nghe kẻng báo động, thầy cho chúng tôi sơ tán vào hầm. Báo yên, chúng tôi trở về lớp học. Vào lớp tiếp tục giờ học, lại báo động, thầy nhanh chóng cho lớp sơ tán về trú ẩn tại các hầm chữ A bên giao thông hào. Hai quả bom đã rơi trúng lớp học. Ba mươi ba bạn bị bom Mỹ sát hại. Tôi và 24 bạn khác bị bom vùi lấp được dân quân cứu sống. Sau này, tôi nghe kể lại ba mươi ba bạn chết thảm thương. Xót xa, có bạn thi thể tan tành  vương vải khắp nơi, da thịt treo lên cả cành cây. Góc vườn trường, cây bưởi đang hoa, bật gốc, cành bị băm vằm, hoa lá lìa cành, đất đá chôn vùi. Có những cánh hoa trắng muốt, nhuốm đỏ máu bè bạn thân yêu!”. Cô Mão sụt sùi nhớ lại.

Theo đề xuất của Đảng đoàn Bộ Giáo dục, Hà Tĩnh đã cử Đoàn đại biểu gồm bảy người, trong đó có ba nhân chứng sống là thầy giáo Thái Văn Nhậm, cô Trương Thị Vỹ và em Nguyễn Thị Mão (học sinh lớp 5A). Trưởng đoàn  là nhà giáo Lê Sỹ Nghĩa - Trưởng ty giáo dục Hà Tĩnh. Sau hai tuần với hàng chục cuộc gặp gỡ, tiếp xúc lên án tội ác đế quốc Mỹ sát hại học sinh Hương Phúc với học sinh, sinh viên trường phổ thông, Đại học, bạn bè, các nhà báo quốc tế tại Hà Nội, đoàn đã được Bác Hồ hẹn gặp tại Phủ Chủ tịch. “Suốt đêm, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi lo lắng không biết sẽ nói với Bác điều gì, như thế nào? Không biết bắt đầu và kết thúc ra sao? Tôi tưởng tượng hình ảnh Bác. Đêm dài vô tận. Mong làm sao trời sáng mau để được gặp Bác Hồ”. Cô Mão hồi ức.     

Đúng giờ, trong bộ đồ ka ki đã bạc màu, dép cao su, Bác bước vào Phủ Chủ tịch. Mọi người đứng dậy chào Bác. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác đến gần, lần lượt bắt tay mọi người. Mão nhỏ tuổi, bé nhất đoàn được Bác xoa đầu, thơm lên má...

Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên giới thiệu các thành viên trong đoàn, Bác hỏi han từng người, chia sẻ nỗi đau mất mát với 33 em học sinh lớp 5A, thăm hỏi phụ huynh học sinh có con bị sát hại, Bác dành thời gian trò chuyện với Mão:

- Cháu còn đau không? Sức khỏe thế nào? Hoàn cảnh gia đình cháu ra sao? Có giúp đỡ được gì cho cha mẹ?

Mão đứng dậy để thưa với Bác thì Bác ân cần: “Cháu không phải đứng dậy. Bác cháu ta chứ phải ai xa lạ đâu!”

- Thưa Bác, sức khỏe cháu đã ổn rồi. Cháu không đau nữa!

Thưa Bác, bố Cháu hy sinh tại mặt trận Hòa Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 03/01/1952. Hai tháng sau, cháu sinh ra không được thấy mặt bố nữa. Sau đó, mẹ đi bước nữa với dượng người Mã Liềng, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tuổi thơ của cháu trên quang gánh của dượng khi vào Tuyên Hoá, khi ra Hương Khê. Chẳng bao lâu, hai người chia tay. Mẹ cháu lại đi bước nữa và có thêm bảy người con. Gia đình mười người. Bố dượng ốm đau. Mẹ cũng không khỏe. Rau cháo, khoai sắn qua ngày cũng không đủ…

Nghe Mão kể, Bác rơm rớm nước mắt. Bác nhắc thầy Lê Sĩ Nghĩa tổ chức cuộc sống an toàn cho nhân dân, học sinh; dù khó khăn đến đâu cũng dạy tốt học tốt; quan tâm, giúp đỡ em Mão học tập, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.  

Bác hỏi han thầy giáo Thái Văn Nhậm về cách quản lý học sinh, phương pháp dạy môn Địa lý không chỉ sưu tầm, sử dụng bản đồ, biểu đồ mà cần gắn bài giảng với tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa của địa phương để học sinh không chỉ dễ nhớ, dễ thuộc mà qua đó giáo dục các em: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Với cô Mão, ấn tượng sâu đậm mãi lần gặp Bác, Bác như người Ông, người Cha, thương yêu mọi người không bỏ sót một ai. Bác thấu cả nỗi đau, mất mát, nhưng buổi gặp gỡ đã truyền đến cho mọi người trong đoàn ý nghĩ và hành động tích cực trước mắt cũng như lâu dài. “Lần gặp gỡ Bác Hồ là bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời tôi. Nếu không có Bác, tôi và gia đình đâu có ngày hôm nay. Từ trong sâu thẳm trái tim, tôi vô cùng biết ơn Bác và cống hiến ra sao cũng không đủ để đền đáp công ơn trời biển đó.” Cô Mão xúc động.

Trở về Hà Tĩnh, thầy giáo Lê Sĩ Nghĩa đã báo cáo kết quả chuyến đi với lãnh đạo tỉnh và triển khai những điều Bác dặn dò xuống tận giáo viên, phụ huynh, học sinh. Vị Trưởng ty bám sát cơ sở, chuyển đến tận từng cán bộ quản lý, giáo viên lời dạy của Bác Hồ. Cùng với lãnh đạo địa phương, với nhân dân, phụ huynh, GV, học sinh, thầy Lê Sỹ Nghĩa đã góp phần xây dựng mô hình Giáo dục Cẩm Bình. Cẩm Bình cùng với Bắc Lý là tấm gương điển hình trong phong trào GD thời bấy giờ. Đối với em Mão, thầy Nghĩa nhận làm con nuôi. Mặc dầu hoàn cảnh gia đình đông con, khó khăn, thu nhập ngoài đồng lương không có nguồn gì thêm, nhưng thầy Nghĩa đã chắt chiu, cùng với gia đình san sẻ tiền lương, gửi tem gạo, sách vở, bút giấy, áo quần hỗ trợ cho em Mão ăn học...

Nhớ lời Bác dạy, được sự giúp đỡ của thầy cô, bè bạn, Mão nỗ lực vươn lên học tập. “Chưa bao giờ tôi có động lực học tập như bây giờ. Tôi thấy mình không chỉ học cho 33 bạn đã mất mà còn học để xứng đáng với sự quan tâm của Bác Hồ, của gia đình bố nuôi Lê Sỹ Nghĩa”.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, năm học 1967-1968, Mão là thành viên trong đội tuyển học sinh lớp 7, trường cấp hai Hương Phúc dự thi học sinh giỏi tỉnh hai môn Toán - Lý và đoạt giải. Càng vinh dự hơn, Mão nhận được “Giải thưởng Bác Hồ” trao tặng. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, với cô Mão tấm bằng nghi nhận giải thưởng như một báu vật. Cô Mão rưng rưng xúc động mở hộp mang phần thưởng Bác Hồ cho tôi xem. Đó là tờ giấy 14,5 * 20,5 màu vàng cát, in chữ đỏ: “Giải thưởng của Bác Hồ tặng em Nguyễn Thị Mão; Học sinh lớp 7; Trường cấp 2 Hương Phúc; Năm học 1967-1968”

Hết lớp bảy, tốt nghiệp cấp hai, Mão được chuyển đến học trường Bổ túc Công- Nông đóng tại xã Sơn Bình huyện Hương Sơn. Mười ba tuổi, lần đầu xa gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhất là những buổi chiều khi mặt trời xuống núi vô cùng da diết, nhưng nhớ lời Bác dạy, Mão vươn lên trong học tập. Những năm xa nhà, mùa Đông lạnh thấu xương, mùa hè nóng như lửa đốt, nhưng không hề vơi ý chí vươn lên. “Tôi ý thức rằng trước đây học tập rèn luyện một, thì bây giờ học mười vẫn chưa đủ”. Năm 1968, Mão được tuyển sinh vào Khoa Vật lý, Đại học Vinh. Bốn năm học Đại học Vinh, từ lúc trường sơ tán ở Yên Thành, Quỳnh Lưu đến khi về Vinh đối mặt với bao khó khăn gian khổ, nhưng mỗi lần nghĩ đến Bác Hồ là Mão lại cố gắng vượt lên mình. Ra trường, Mão được phân về giảng dạy ở trường cấp Ba Phan Đình Phùng. “Năm 80, gạo 80”, “củi quế, gạo châu”, đời sống giáo viên vô cùng khó khăn; có người định nghĩa “giáo viên là nông dân có nghề phụ dạy học”. Trong hoàn cảnh đó, có giáo viên đã ngã lòng, rời bục giảng. Ấy vậy nhưng Mão và tập thể sư phạm nhà trường, vâng theo lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt” bám lớp, bám trường.

Tôi có dịp ngồi với cô Mão mấy tiếng, nghe cô trao đổi về Học tập làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Với cô: Học Bác học suốt đời. Chỉ một lời Bác nói mà làm cả đời chưa đủ. Bác căn dặn thầy Nhậm dạy học phải gắn với thực hành, gắn với thực tế địa phương. Một chữ “hành”, gần 40 năm dạy học, không phải lúc nào cũng làm được.

Học Bác Hồ là học để làm, để phục vụ Tổ quốc nhân dân, phục vụ cách mạng. Cho nên, hàng chục năm dạy môn Vật lý, để không dạy chay, để “học đi đôi với hành” không hề dễ dàng. Bởi lẽ, để có một thực hành thành công ngoài dụng cụ thí nghiệm còn là tài năng, lòng đam mê của thầy, cô giáo. Nhà trường những năm chiến tranh và những năm sau hòa bình, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng thí nghiệm máy móc, thiết bị thiếu đồng bộ. Do vậy, để có một thí nghiệm, nhiều đêm thức trắng. Đó là chưa kể đến, tự cô Mão phải tìm kiếm những đoạn dây thép, lò xo, những vật liệu thô để mày mò làm ra những thí nghiệm cho học sinh. Nhưng không phải tìm kiếm nào cũng thành công. Có những lúc thí nghiệm thất bại, bài giảng trên lớp bị “cháy giáo án” cô Mão đã khóc định bỏ cuộc. Nhưng nhớ lời Bác dạy, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, cô Mão lại kiên trì, học hỏi, và “tiếp tục” đứng lên sau thất bại.

Được phân công giảng dạy nghề điện phổ thông cho học sinh, cô Mão hướng dẫn các em tìm hiểu thực tế rồi từ công tắc, cầu chì, sợi dây điện vv… cô Mão hướng dẫn các em biết lắp đặt sửa chữa bóng điện thắp sáng trong gia đình, chỗ nào thì mắc song song, chỗ nào thì mắc nối tiếp vv…Từ đó, những bài giảng Vật lý khô khan đã mang hơi thở cuộc sống, gắn với cuộc sống.

Học Bác, học tác phong chuẩn mực, học tình cảm ấm áp, gần gũi, chia sẻ với mọi người. Bác nhắc nhở thầy Nhuận không dùng chữ Hán “Sĩ số”, “hiện diện” mà thay vào những từ thuần Việt như “Số học sinh có mặt, vắng mặt” nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. “Nghề nhà giáo, ngôn ngữ là công cụ vô cùng quan trọng. Nhà giáo nói và viết phải chuẩn mực để làm gương cho học sinh. Một lời nhắc nhở của Bác, nhưng làm mọi lúc mọi nơi, làm suốt đời chưa xong”. Cô Mão thấm thía.

Sau này về hưu, sống với cộng đồng ở tổ dân phố Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, cô Mão đã lan tỏa tình cảm của Bác, lan tỏa Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cô Mão không nề hà bất cứ việc gì từ Trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 5, phường Tân Giang cho đến Trưởng Chi hội người cao tuổi; Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Chủ tịch Hội khuyến học của phường cô Mão đều đảm nhận và hoàn thành xuất sắc. Bà con khối phố cảm phục tấm gương tận tụy của cô Mão “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tận tụy khi thì gỡ mối bất hòa cho gia đình này, khi đến hỗ trợ một gia đình neo đơn khác, lại chung tay với chị em phường tổ chức “bát cháo tình thương” cho bệnh nhân, cùng với nhà hảo tâm chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam. Trăm công ngàn việc thế nhưng cô Mão không quên sắp xếp cùng bà con trong phường thường xuyên chăm sóc Khu di tích Bác Hồ về thăm Thành Sen để bất cứ thời gian nào cũng xanh sạch đẹp. Cô Mão lan tỏa Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Học Bác là học “cái gì có lợi cho dân thì làm” nên cô Mão được Đảng tin, dân cậy. Năm 2014, cô Mão được Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh vinh danh là điển hình học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một năm sau, cô Mão được UBND tỉnh Hà Tĩnh vinh danh: Điển hình tiên tiến giai  đoạn 2010-2015….

Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Tân Giang, vợ chồng cô Mão đã dành chỗ trang trọng nhất lập bàn thờ Bác Hồ. Không chỉ ngày lễ mà những lúc gặp khó khăn, khuyết điểm vợ chồng cô Mão thắp hương báo cáo với Bác. “Chỉ như vậy, lòng tôi mới thanh thản”.  Mão tâm sự

Ngày 09/2/2022, UBND huyện Hương Khê phối kết hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức tưởng niệm 33 em học sinh bị bom Mỹ sát hại và tu tạo lại Di tích tội ác chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra tại trường cấp 2 Hương Trạch (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê).

Chúng tôi đi trong vườn trường. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Hai hố bom sâu hoắm nhắc nhở mọi người về tội ác chiến tranh. Nhưng bên hố bom, những cây bưởi xanh tươi, khép tán, nở những chùm hoa trắng muốt. Có điều gì mà hoa bưởi trong khu di tích này trắng muốt và tỏa hương thơm đến nao lòng? Có phải linh hồn ba mươi ba bạn hóa thành hương bưởi quẩn quanh cùng quê hương đất nước hay hoa bưởi trắng muốt biểu trưng cho tấm lòng ngây thơ trong trắng của tuổi học trò!? Có phải Lý, Lan, Minh, Tiệp… ba mươi ba bạn đang bước ra từ những cánh hoa bưởi đến sân trường, trở về nhà…

Trong khói hương lãng đãng, cô Mão nâng niu chùm bông bưởi trắng muốt run run khẽ khàng đặt lên mộ từng bạn mà lòng không nguôi nỗi nhớ thương.

Những bông bưởi trong vườn trường hồi sinh gửi đi thông điệp về khát vọng hòa bình và hạnh phúc.

                                                                                  Hà Tĩnh ngày 15/2/2022

                                                                                                           L.V.V

. . . . .
Loading the player...