07-06-2022 - 15:08

Bút ký RÚ CỒI - RÚ CỌNG của Tác giả Đinh Quang Lân

Trại sáng tác văn học nghệ thuật ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay của Vũ Quang trong quá trình xây dựng và phát triển được bế mạc sau hơn 1 tháng tổ chức. Các tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay đi lên của quê hương Vũ Quang trong thời kỳ mới. BBT xin giới thiệu bút ký RÚ CỒI- RÚ CỌNG của Tác giả Đinh Quang Lân

ĐINH QUANG LÂN

RÚ CỒI - RÚ CỌNG

                                                                                                       Bút ký

Ngược lên xã Thượng Bồng (cũ), nay là xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang mênh mông nắng. Nắng vàng như mật ong chảy tràn, loang khắp từng lũng núi. Du khách bắt gặp một màu xanh mát mắt của cây rừng, của núi đồi, của nương rẫy do bà con nông dân chăm chỉ làm ăn. Vũ Quang là một huyện miền núi, gần như toàn bộ diện tích núi đồi, là một phần của dải Trường Sơn Bắc, nằm giữa ngọn Rào Cỏ cao 2286m và ngọn Giăng Màn cao 931m bốn mùa xanh tươi.

Đức Bồng có nhiều món ngon nhưng có lẽ xuất sắc nhất vẫn là chè xanh. Bà con ở đây và khắp các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh…coi chè xanh Đức Bồng là thứ đặc sản ít nơi nào sánh được. Chẳng thế, bà con đi chợ phải cố tình lựa chọn mua cho được bó chè Chợ Bồng về nấu nước sông La, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố ngọt lịm om hãm một ấm nước chè xanh đạt tiêu chuẩn “ba chò” (chò xanh, chò chát, chò thơm) mới là chuẩn chỉnh.

Chuyến ngược ngàn, chúng tôi đã được thưởng thức thứ nước chè xanh BA CHÒ của gia đình ông Lê Hồng Thanh. Ông Thanh năm nay 64 tuổi, là cán bộ nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh, là họa sỹ chuyên vẽ phong cảnh và chân dung tặng bạn bè, người thân; và em trai là Lê Hồng Lương 60 tuổi trú tại xóm 6 - xã Đức Bồng chiêu đãi. Ông Thanh và ông Lương là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Lê Hữu Chỉ, người có công với chủ tướng Phan Đình Phùng và các nghĩa quân.

 Theo dòng lịch sử để lại, Phan Đình Phùng sinh ngày 06/06/1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn - Nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi kinh kỳ Huế bị giặc Pháp chiếm đóng, chiếu Cần Vương được ban bố tháng 7/1885, Phan Đình Phùng đã kêu gọi Văn Thân và nhân dân Hà Tĩnh nổi dậy đánh giặc cứu nước. Nghĩa quân hoạt động rộng trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê và mở rộng ra các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình họp thành 15 quân thứ cùng phối hợp chiến đấu. Địa bàn rộng, nghĩa quân đông, nhưng đại bản doanh của nghĩa quân chưa có nơi cố định. Khi cụ Phan Đình Phùng ra Bắc gặp cụ Hoàng Hoa Thám để bàn công việc về, được Lý trưởng xã Bồng Thượng giới thiệu, người Lý trưởng yêu nước họ Lê, tên là Cựu Tơn làm cầu nối để cụ Phan Đình Phùng đóng đại bản doanh tại nhà cụ Lê Hữu Chỉ.

Cụ Lê Hữu Chỉ chịu trách nhiệm làm thư ký và lo hậu cần cho chủ tướng Phan Đình Phùng và “Bộ chỉ huy” giúp việc cụ. Bữa ăn của cụ Phan Đình Phùng và các nghĩa quân thường do bà con đóng góp như: gạo, ngô, khoai, sắn, mít, chuối và các loại rau rừng, rau do bà con sản xuất.

Cụ Phan Đình Phùng về đến Thượng Bồng tháng 9/1889, được bố trí ở trong ngôi nhà của cụ Lê Hữu Chỉ trên Rú Cồi, tại xóm Công, xã Thượng Bồng. Còn nghĩa quân chủ lực có khoảng 300 người phần lớn đóng trên Rú Cọng và vùng phụ cận do tướng Cao Thắng trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân được trang bị đầy đủ gươm, giáo, súng hỏa mai, súng trường 1874 do nghĩa quân tự chế tạo. Nghĩa quân được mang quần áo màu đen, hoặc màu nâu được luyện tập kỹ càng, kỹ luật nghiêm, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Phía trước nhà cụ Chỉ là một hồ nước sâu trên 2m, rộng cả trăm ha, xung quanh là đồi núi trập trùng, hiểm trở “Khó công - Dễ thủ” nên giặc Pháp không dễ gì tấn công. Quân lính Pháp không thể cơ động, bơi lội qua hồ sâu và rộng, không thể đi theo những con đường xung quanh núi chưa thể đủ mòn, cây cối gai góc, rậm rạp để tấn công vào nhà cụ Chỉ - Đại bản doanh của Phan Đình Phùng. Trong thời gian gần 4 năm cụ Phan Đình Phùng đóng đại bản doanh tại nhà cụ Lê Hữu Chỉ, ngôi nhà đã dỡ đi, dựng lại 3 lần. Mỗi khi nắm được tình hình giặc Pháp sắp lùng sục, càn quét lên vùng Thượng, cụ Phan Đình Phùng lệnh cho các nghĩa binh dỡ nhà cụ Chỉ ngâm sâu xuống hồ nước trước nhà. Với kế “Nhà không - vườn trống” bọn Pháp rút đi, trước đó cụ Phan và các nghĩa quân đã rút vào rừng sâu. Cả 3 lần trước an toàn. Nhưng lần thứ 4 không như ý muốn. Hôm đó, do nắm tình hình chậm, giặc Pháp càn quét lên vùng Thượng đột xuất. Chỉ trước đó 4 giờ, cụ Phan và toàn bộ nghĩa quân đã kịp di chuyển vào rừng sâu, còn ngôi nhà vẫn trơ cùng tuế nguyệt. Giặc Pháp càn đến, không thấy người, chỉ thấy ngôi nhà to lợp gianh trống hơ, trống hoác, bọn chúng điên cuồng châm lửa đốt. Ngôi nhà bằng gỗ mít 5 gian cháy hừng hực, bốc khói cao vượt cả đỉnh đồi. Giặc Pháp rút, gia đình nhặt nhạnh lại cột, kèo chưa cháy hết, đục đẽo, bào sửa lại ngôi nhà 1 gian, 2 chái để ở, là nhà thờ cụ Lê Hữu Chỉ ngày nay.

Sau nhiều lần tấn công của giặc Pháp, nghĩa quân trên đường phát triển mạnh đã đánh lui hàng trăm trận càn của Pháp. Có lần nghĩa quân tập kích vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh gây cho địch nhiều tổn thất. Nhưng trước sức tấn công dồn dập của giặc Pháp, nhất là sau khi tướng Cao Thắng hi sinh, cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân phải rút vào rừng sâu Vũ Quang – Ngàn Trươi để tính kế cầm cự lâu dài.

Đứng chân dưới núi Đại Hàm và rú Quạt, biết quân Pháp sớm muộn rồi cũng đánh lên, cụ Phan họp các tướng và bày trận “Sa Nang - Úng Thủy” để đợi giặc đến. Các nghĩa quân ngày đêm hăng say lao động, đắp một con đập ngang dòng suối Cà Tỏ, tạo ra một cái hố chứa hàng vạn mét khối nước. Nghĩa quân vào rừng chặt hàng vạn cọc tre, cọc gỗ, nứa vót nhọn thả nổi dọc lòng suối phía thượng nguồn và đặt phục binh hai bên khe núi. Quả nhiên, tháng 10 năm 1894, khi cái rét đầu mùa đã về đến núi rừng Vũ Quang, những ngọn gió ngang tàn và run rẩy, ấy là lúc quân Pháp kéo lên sục sạo đến các khu lán đều thấy trống vắng. Bọn Pháp cho rằng, cụ Phan và nghĩa quân sợ hãi mà trốn hết. Khi giặc pháp xuống núi, thấy một toán nghĩa binh vừa chạy vừa bắn toán loạn liền đuổi theo hòng bắt sống. Giặc Pháp ồ ạt băng qua lòng suối cạn phía hạ lưu nấp bắn. Quan Pháo ào xuống lội qua khe thì một tiếng pháo nổ, lập tức đập bị phá, nước chảy xuống ào ạt như thác đổ. Hàng vạn cọc tre, cọc gỗ, nưa được vót nhọn lao xuống theo dòng  nước như tên bắn. Giặc Pháp la hét nhưng không thoát vì bị nước cuốn trôi, bị tre, nứa, gỗ đâm chết. Trận này, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã tiêu diệt 3 sỹ quan Pháp và hàng trăm lính Ngụy, thu giữ trên 50 khẩu súng.

Tương truyền - Năm 1888, nhân dip mùa xuân, tướng Cao Thắng đến chúc Tết chủ tướng Phan Đình Phùng, để chào mừng năm mới, tướng Cao Thắng đưa một khẩu súng trường bắn vào thinh không, nhưng viên đạn không nổ, chỉ xì ra một vệt khói mỏng manh. Một cây đa cổ thụ mé chân đồi Rú Cồi tự nhiên không gió bão, bị gãy một cành to? Cụ Phan Đình Phùng có ý buồn. Cụ dở kinh dịch ra xem. Sau một đêm buồn bã cụ Phan nói với cụ Lê Hữu Chỉ: “Khả năng cuộc kháng chiến này khó thành công”. Nói rồi, trước lúc rời doanh trại tại Rú Cồi Phan Đình Phùng gửi lại cụ Lê Hữu Chỉ: một chiếc khăn đính năm xếp màu đen do vua ban cho cụ, một nghiên mực, một cục son màu đỏ nặng khoảng 1/2 kg dùng để mài làm mực dấu của cụ, một dao têm trầu cán bằng ngà voi, và lời dặn: “Nếu cuộc kháng chiến không thành công, nếu tôi có mệnh hệ gì, thì cụ đưa các thứ này ra trình các quan (như chính quyền ngày nay - TG) để được công nhận gia đình có công với nghĩa quân”. Đúng như dự đoán của cụ Phan Đình Phùng, mùa đông năm đó, tướng Cao Thắng dẫn quân đánh thắng nhiều đồn bốt của giặc Pháp. Nhưng khi nghĩa quân tiến đánh đồn Nỏ thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thì tướng Cao Thắng bị thương rất nặng vào vùng bụng. Nghĩa quân đưa Cao Thắng về đại bản danh để điều trị, nhưng ông đã mất sau trận đánh 12 ngày. Thi hài của tướng Cao Thắng được chon cất tại mé đồi Rú Sắn, thuộc thôn 8, xã Đức Bồng ngày nay.

Ngôi nhà 5 gian bằng gỗ mít của cụ Lê Hữu Chỉ bị giặc Pháp đốt, gia đình nhặt nhạnh sửa lại thành 1 gian 2 chái để ở. Bây giờ, một số cột kèo vẫn còn một số vết hăm vì cháy. Ngôi nhà nguyên thủy trước kia vạm vỡ, sau khi bị đốt cháy do phải đục đẽo, bào lại nhiều lần vì tính thẩm mỹ, nên các cột chính bây giờ có đường kính 25cm.

Ngôi nhà của cụ Lê Hữu Chỉ đã gần 200 năm tuổi, và nơi đây là đại bản doanh của cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân đã góp công không nhỏ vào cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta. Cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân pháp kéo dài hơn 10 năm (1885-1895) của nhân dân các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình do Phan Đình Phùng, Cao Thắng tổ chức và lãnh đạo đã kết thúc. Thời gian tuần tự đi qua bao lớp người rồi cũng nằm lại. Chỉ có những ngọn núi, dòng sông, tên đất, tên làng, vẫn mãi mãi trường tồn. Những đồng nước Vàng, đồng nhà Ngâm, những rú Cồi, rú Cọng… Vẫn xanh mãi muôn đời, vẫn ca vang bài ca dân tộc. Những tên đất tên làng bình dị ấy đã gắn liền tên tuổi của những anh hùng cứu quốc cuối thế kỷ XIX và mai sau…

Thời chống Mỹ, vùng Rú Cồi, Rú Cọng được coi là thanh bình nhất của Nghệ An và Hà Tĩnh vì không một quả bom rơi. Mé đồng Rú Cồi có một cái hầm sâu 4m, rộng vuông vức 15m, được ủy ban kháng chiến khu 4 cũ, dùng làm kho chứa vũ khí để chống giặc Pháp. Khoảng từ năm 1950 đến năm 1952 nhà nước đã dời hết vũ khí, đạn dược đi nơi khác. 70 năm qua, căn hầm trở nên hoang phế, bị người dân san lấp để trồng cam, khoai mỳ…

Ngôi nhà ở còn lại của cụ Lê Hữu Chỉ bây giờ đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận và cấp bằng: “DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CẤP TỈNH”. Các Chắt - Đời thứ 4 của cụ Lê Hữu Chỉ đều làm ăn, công tác, định cư ở xa. Chỉ còn lại ông Lê Hồng Lương năm nay 60 tuổi ở lại quê nhà tại xóm 6 – xã Đức Bồng trông coi nhà thờ, di tích…Bởi thế, trong không gian hồi tưởng này, với ấm nước chè xanh “ba chò” chúng tôi đến Đức Bồng giống như được lạc vào một miền khác: miền lịch sử anh hùng của vùng đất đang dần vươn mình thức giấc…

                                                               Trại sáng tác VHNT Vũ Quang

                                                                                    Đ.Q.L

ảnh nguồn ITN

 

. . . . .
Loading the player...