19-08-2020 - 19:39

Bút ký SÁNG NGỜI MẮT BIỂN của Phạm Anh Hoài

PHẠM ANH HOÀI

 

 SÁNG NGỜI MẮT BIỂN

                                       Bút ký

Tôi vẫn thường ngồi trước biển nhìn hoàng hôn dần tắt. Khoảnh khắc tựa như mình đang bị bao vây bởi bốn bề bóng tối đang thu hẹp lại, tiến dần về phía tôi như một tấm màn. Cảm giác đó luôn gợi cho tôi một nỗi sợ hãi mơ hồ giống như mình sắp bị nuốt chửng thì bỗng nhiên như một tia chớp, ngọn đèn biển chợt sáng lên, nhấp nháy, nhỏ nhoi thôi nhưng nó có sức mạnh của một hướng đạo sinh đưa lối dẫn đường…

Ngọn hải đăng Mũi Ròn – Vũng Áng - Kỳ Anh (ảnh: Huy Tùng)

 

Đã từng đến nhiều trạm hải đăng nhưng hải đăng Mũi Ròn – Vũng Áng - Kỳ Anh (thuộc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) là nơi khiến chúng tôi mất nhiều công sức nhất. Sau hơn 2h đồng hồ vượt qua con đường bê tông dài hơn 3km quạnh vắng trên ngọn núi Chúa thuộc dãy Hoành Sơn, chúng tôi mới đến được cột đèn hải đăng Mũi Ròn. Nếu như những ngọn hải đăng tôi từng đến đều có thể thấy từ chân núi thì hải đăng Mũi Ròn lại nằm trong thung sâu mái bắc núi Chúa. Từ phía nam chúng tôi cứ đi trong mông lung và không thôi hình dung về dáng vóc của mắt biển.

Ngọn hải đăng Mũi Ròn được dựng vào năm 1999. Đèn cao hơn 15m được đặt trên mỏm đất cao  nên ánh đèn phát tỏa ở cao độ hơn 200m so với mặt biển, tầm nhìn địa lý 33,0 hải lý với chiều cao mắt người quan sát bằng 5m. Tầm hiệu lực ánh sáng: 20,4 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T= 0,74  là công trình trọng điểm có tác dụng là đèn nhập bờ, báo vị trí Mũi Ròn giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh- quảng Bình định hướng ra vào Cảng Vũng Áng.

Khi chúng tôi đến trạm thì đã thấy một cậu thanh niên vóc dáng nhỏ nhắn đứng sẵn ở con dốc xuống trạm. Cậu đón chúng tôi bằng nụ cười dài hiền hậu, sau cặp kính cận, đôi mắt toát lên niềm vui của một người hiếu khách. Cậu là Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1993, quê ở thị trấn Nghèn (Can Lộc), mới được luân chuyển đến làm việc ở cột đèn này 2 tháng. Mặc dù hải đăng Mũi Ròn là nơi có địa thế đặc biệt nhất (cao nhất, xa nhất, đường đi hiểm trở nhất) trong những nơi Thành từng công tác nhưng Thành đã đến và đã kịp yêu mến nơi này.

Những điều Thành nói đều cho thấy một tâm thế điềm nhiên, đĩnh đạc. Thành nói, công việc của một nhân viên hải đăng vất vả nhưng thiêng liêng lắm. Công việc đã chọn em nên em sẽ kiên định với nó. Dù phải sống ở nơi heo hút và cô đơn nhưng em hạnh phúc với công việc hiện tại vì biết rằng giữ sáng cho ngọn hải đăng cũng là giúp cho biết bao tàu thuyền trên đại dương mênh mông đi đúng hướng, nhất là trong mùa mưa bão, niềm hạnh phúc đó còn nhân lên bội lần.

Tôi nghe Thành nói mà nhớ về một lần trò chuyện với những chủ tàu cá từng gặp ở cảng cá Thạch Kim sau một cơn bão. Trong rất nhiều nỗi hàm ơn, anh luôn nhắc về mắt biển với niềm biết ơn sâu sắc. Giữa mịt mùng biển thẳm, giữa bão bùng mưa gió, ánh đèn hải đăng là ánh sáng thần kỳ giúp tàu của anh tìm được đường vào bờ. Anh còn nói, bao giờ có điều kiện anh sẽ lên thăm các trạm hải đăng để được bắt tay những người thắp sáng mắt biển. Tôi không biết, đến bao giờ người chủ tàu cá ấy mới thực hiện được mong muốn đó nhưng tôi tin tình cảm trong anh là có thật, niềm biết ơn trong anh là có thật.

Đứng cùng tôi trên đỉnh cột đèn là nhân viên Phan Thông Dũng. Dũng sinh năm 1982 ở thị xã Hồng Lĩnh, đã có thâm niên 12 năm trong nghề thắp sáng mắt biển. Dũng mới lên nhận công tác ở đây 20 ngày sau khi trải qua nhiều trạm hải đăng như Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Sót, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình)… Dũng nói, so với những trạm hải đăng anh từng công tác thì đây là trạm cao nhất, hẻo lánh nhất, xa dân cư nhất. Anh chỉ tay về phía “đại bản doanh” của Formosa và nói nhẹ trong tiếng gió lùa: “Ban đêm đèn lên đẹp lắm”.

Tôi nghe trong lời nói của Dũng chất chứa bao nhiên nỗi niềm. Ấy là nỗi nhớ nhà triền miên, ấy là một chút thèm muốn không gian náo nhiệt, và đầy ắp hơn cả là sự yên định. Tôi nhìn Dũng lặng lẽ lau chùi mắt biển và trong lòng không thôi cắc cớ, làm thế nào mà các nhân viên ở đây có thể sống ngày này qua tháng khác ở một nơi nhiều nỗi cô đơn đến thế, quạnh vắng đến thế? Thoáng nghĩ rồi thấy mình quá duy cảm. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” – nhạc sỹ Trần Long Ẩn đã viết thế rồi. Và hẳn là ở đây cũng không ai băn khoăn về công việc của mình. Công việc nào cũng là một mối lương duyên. Và khi đã là lương duyên thì người ta hẳn phải trân trọng và yêu thương nó biết chừng nào.

“Công việc của chúng tôi là vận hành và quản lý, bảo dưỡng đèn hải đăng. Thường xuyên kiểm tra, lau chùi, bảo dưỡng hệ thống năng lượng như bình ắc quy, thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời... để bảo đảm cho ngọn hải đăng lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng hoạt động tốt. Để tàu thuyền nhận biết mình đang ở vùng biển nào, người ta cấu tạo đèn tại mỗi trạm hải đăng có một chu kỳ chớp khác nhau. Chính vì thế, đảm bảo chu kỳ chớp của đèn là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu không thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, không tìm thấy đường về”. Tôi nghe Dũng nói và không thôi mường tượng về những ca trực trong đêm tối, giữa mênh mông biển trời, về những đêm mưa gió bão bùng, những đêm mùa đông lạnh lẽo. Quạnh hiu biết mấy. Đáng trân trọng biết mấy.

Có một điều bất ngờ khi tôi nhìn lên bảng phân công công việc của trạm ấy là nhìn thấy dòng tên quen thuộc – Trịnh Thúc Công. Anh Công là người tôi đã từng gặp trong lần đến trạm hải đăng Cửa Sót, rất tiếc là hôm chúng tôi đến anh lại đang đi làm nhiệm vụ khác cùng trạm trưởng Nguyễn Hồng Sơn. Lần tôi gặp anh là năm 2010, khi đó anh đã có 14 năm gắn bó với những đôi mắt biển. 23 năm đi thắp sáng mắt biển, dẫn đường cho tàu thuyền ắt hẳn trong anh đầy ắp kỷ niệm. Và tình yêu nghề trong anh hẳn cũng đã thật bền chặt.

Chia tay xuống núi, chúng tôi vẫn không thôi nghĩ về 4 người đàn ông của trạm hải đăng Mũi Ròn. Tôi đã vượt qua một hành trình dài để lên nhìn mắt biển, chạm tay vào mắt biển, đặt tầm mắt mình ngang với mắt biển để nhìn ra xa xa biển biếc. Biển ban trưa lặng phắc và xanh đến nao lòng. Thảng hoặc, có đôi ba con thuyền như những chấm nhỏ di chuyển trên biển. Ở đây nhìn xuống dưới đồng bằng, tất cả đều rất bé nhỏ và tĩnh lặng. Không còn có thể nghe cả tiếng nhịp sống ồn ào sôi động phía dưới của khu dân cư sầm uất với những công trình mới mọc lên hằng ngày nhưng từ đây có thể có thể thu vào tầm mắt cả đảo Sơn Dương, đảo Cồn Chim và khu kinh tế Vũng Áng với những con tàu cập bến bình an. Để có được sự bình yên đó, đêm đêm, ngày ngày những con người lặng lẽ đó vẫn miệt mài bên những công việc quen thuộc mà không hề nhàm chán. Tôi vẫn như còn nghe và thấy trong âm điệu của biển trời những xúc cảm của người thắp đèn mỗi lần họ nhìn về biển cả mênh mông, mỗi lần họ nhìn sâu vào lòng mình. Và rồi, trong lòng lại tha thiết: “Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành”, lại “Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…”

 

Anh Hoài

 

 

. . . . .
Loading the player...