04-04-2022 - 09:18

Bút ký TÌM LẠI “BẾN ĐÒ XƯA” của Nhà thơ Bùi Quang Thanh

Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu Bút ký TÌM LẠI “BẾN ĐÒ XƯA” của Nhà thơ Bùi Quang Thanh

BÙI QUANG THANH

TÌM LẠI “BẾN ĐÒ XƯA”

Bút ký

Tìm về xã Song Lộc (nay là xã Kim Song Trường) huyện Can Lộc, tôi gặp được thầy chủ nhiệm lớp dạy toán thời kỳ lớp 6, lớp 7 của trường cấp 2 Cẩm Thăng. 55 năm qua từ mùa hè 1966, cũng đã có vài lần cùng bạn bè ra chơi nhưng từ đó lại nay đã ngót hăm mấy năm rồi. Cuộc sống bộn bề, những chuyến đi dài triền miên, bạn bè tản mát mọi nơi, có người đã thành thiên cổ... nên lần này một mình tôi là học trò cũ về tìm thăm thầy Phan Văn Mạnh.

Gõ cửa rồi kêu mấy lần, một cụ già chống gậy lần ra mở cửa. Hai thầy trò ôm lấy nhau cảm động và vui mừng. Thầy già đi nhiều, có vẻ yếu hơn nhưng vẫn giữ đúng phong thái của một nhà giáo. Thầy chỉ cái gậy: "Mấy hôm nay mình ốm, phải đi ba chân. Trong số các học trò cũ của mình ở Cẩm Xuyên hồi ấy, mình nhớ rất nhiều gương mặt, cả đứa học nhất nhì lẫn đứa cá tính, cả đứa trưởng thành đến những đứa đã hy sinh ngoài chiến trường khi vừa bỏ bút cuối cấp hai hay học dở cấp ba. Bùi Quang Thanh cũng là trường hợp đặc biệt mà thầy không quên, hình như cũng là một chiêm nghiệm thú vị cho lời "tiên đoán" của thầy khi chia tay lớp 7B thương nhớ ấy"...

Hồi ấy, mùa hè năm 1966 bom đạn ác liệt, lớp chúng tôi sơ tán tận cuối làng Phong Hầu xã Cẩm Thăng, có dạo xuống tận bến đò Yên Lạc. Lớp học là chiếc lán tranh nửa nổi nửa chìm sau lũy tre xanh. Học sinh tá túc trong các gia đình người dân, ôn thi tốt nghiệp. Thầy chủ nhiệm phải đi từ nhà nọ sang nhà kia đôn đốc, hướng dẫn các nhóm học tập ôn thi cật lực. Đêm mỗi đứa một ngọn đèn dầu; ngày la lết bờ tre gốc mít, chúng tôi học như ma đuổi, tất cả cho kỳ thi cuối cấp. Cũng bởi sau kỳ thi này, rất nhiều đứa đã 16-17 tuổi, đủ tuổi ra chiến trường hay vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp; một số chưa đủ tuổi trai sẽ được tiếp tục học lên cấp ba trường huyện, vì vậy cái kỳ thi cấp hai những năm ấy vô cùng quan trọng và quyết liệt.

Trong vất vả và khó khăn đủ bề, chúng tôi được một luồng gió mát truyền tới từ người thầy yêu kính ấy: một bài thơ do thầy sáng tác với nét chữ mực tím đẹp như rồng bay. Bài thơ "GỬI BẢY B" của thầy nhắc tên tất cả 52 học sinh trong lớp, tả đúng tính cách, năng lực, sở trường, hoàn cảnh từng đứa với giọng thương yêu, hóm hỉnh, nhắn nhủ và hy vọng. Bài thơ đã động viên chúng tôi lúc ấy, đã theo chúng tôi trên mọi nẻo đường của một lứa học trò đang vô cùng non nớt nhưng chứa đầy hy vọng và sức lực trước một đòi hỏi vô cùng to lớn của Đất nước, Tổ quốc: cống hiến, hy sinh như đề bài thi môn Văn khóa ấy: "Trong bài Sao chiến thắng, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Bằng hiện thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, anh (hay chị) hãy phân tích và chứng minh...". Lần đầu tiên trong cuộc đời học sinh, chúng tôi được xưng "anh", xưng "chị" trên trang giấy. Dù chưa đủ lông đủ cánh nhưng chúng tôi đã như lớn thật rồi!. Không chỉ phân tích, chứng minh những câu thơ trên trang sách, mà sau đó chúng tôi đã chứng minh "nó" bằng chính cuộc đời mình khi hơn một nửa các anh các chị mấp mé tuổi "bẻ gãy sừng trâu" cầm súng lên đường vào chiến tuyến. Nhiều học sinh lớp Bảy B của chúng tôi sau chiến tranh không bao giờ trở về, xương máu họ đã hòa vào đất đai Tổ quốc. "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt" bởi đó chính là máu thịt của chúng ta!. Tôi nhớ hầu như ai cũng vui khi được thầy nhắc đến tên mình trong bài thơ "điểm danh" ấy, tôi nhớ anh bạn Hoàng Quốc Tuấn với câu thơ: "Quang Trung, Quốc Tuấn oai hùng/ Đánh đông dẹp bắc lẫy lừng bốn phương" của thầy mà thương. Sau đó, Tuấn vào bộ đội, lính đặc công thuộc mặt trận Trị Thiên. Năm 1968 Tuấn hy sinh ở Cam Lộ trong một trận tiếp cận công đồn, bị pháo Mỹ vùi chôn trong tư thế chuẩn bị xông lên. Nhờ Anh hùng Quân đội Nguyễn Chí Phi nguyên là thủ trưởng đơn vị đặc công ấy, các em của Tuấn tìm được thi hài anh là một bộ xương ngồi xổm, một chân quỳ, khẩu AK báng gập chống bên tay phải, mảnh dù hoa choàng từ vai xuống vẫn còn màu xanh loang lổ. Tuấn chết lẫm liệt trong tư thế bật dậy để xung phong...  

Tôi thấp bé nhẹ cân nhất lớp, học các môn tự nhiên thì thường lắm, bù lại tôi thích học văn và lịch sử. Văn tôi nhất nhì trong lớp, thường được thầy Nguyễn Xuân Dung đưa sang đọc "mẫu" cho các lớp cùng khối. Trong bài thơ, thầy Phan Văn Mạnh tặng cho chúng tôi: "Thanh Trần, Thanh Nguyễn, Thanh Quang/ Ba Thanh triển vọng nhà văn nước nhà"…(Trần Thị Thanh và Nguyễn Thị Thanh, hai cô gái xinh đẹp, giỏi văn của lớp tôi). Câu thơ vui của thầy, sau này ai ngờ ứng vào  tôi vì thế dù xa cách, dù ít gặp nhau, nhưng qua đài truyền thanh, truyền hình, qua sách báo và bạn bè, thầy vẫn dõi theo tôi, tìm đọc tôi (như thầy tâm sự). Riêng tôi, hình bóng thầy vẫn hiển hiện trong cuộc sống của mình. Có lần trong chiến trường Tây Nguyên gian khổ và ác liệt, nhớ về hậu phương, trường lớp, bạn bè... tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về bao người đang trên giảng đường đại học và những ước vọng ấp ủ của mình, tôi đã viết: "Gần chục năm rồi em vẫn nhớ như in/ Buổi chia tay lắc vai thầy dặn:/ Bớt nghịch nhé, tự nhiên cần cố gắng/ Thầy tin rằng em sẽ giỏi quốc văn/ Em không thành sinh viên khoa văn/ Bỏ bút ra em là người chiến sĩ/ Trăm vạn nẻo trên con đường đánh Mỹ/ Nhớ bóng thầy khi qua mỗi dòng sông"... Mỗi dòng sông trên đường đời tôi qua đều có ai đó đưa đò, chèo lái. Là mẹ, là cha, là anh, là chị; là những thầy, cô, bè bạn, đồng đội thân yêu. Cả khi vượt suối băng sông trong chiến trường, ôm chiếc ba bô bên trong bọc sẵn chiếc phao bơi, gác mũi AK về phía trước sẵn sàng đánh địch rồi băng trên sóng nước để sang sông... thèm và nhớ bao nhiêu bóng thầy như "con đò" tuổi trẻ...

Chiều nay tôi về tìm thầy, trong ngổn ngang bao ký ức. Thầy đưa ra tấm ảnh được phóng to đóng trong khung kính và đố tôi có nhận ra ai không? Tôi đọc tên từng người: Tiến sĩ Bùi Quang Anh - nguyên Cục trưởng Cục Thú y, Nhà giáo Bùi Sĩ Cẩm, Kỹ sư nông nghiệp Hồ Phúc Kháng, Kỹ sư xây dựng Trần Văn Bé (các anh này học trên tôi một lớp, đều người làng tôi) và vợ chồng thầy. Tôi cũng báo cho thầy biết Bùi Quang Anh đã mất hơn hai năm, thằng bạn giỏi giang và vui nhộn nhất lớp là Lê Hồng Xanh cũng mất khá lâu rồi. Thầy chững lại, ngỡ ngàng: "Sao các bạn bỏ đi sớm thế? Mình mới tám ba (83) thôi mà".

Hai thầy trò gặp nhau một lát thì nhà thầy có thêm mấy người về. Đầu tiên là một phụ nữ trạc ngũ tuần. Chị nhìn tôi cười rất tươi: "Anh không phải giới thiệu. Em biết anh Bùi Quang Thanh mà. Em là con dâu của cha". Tôi tròn mắt: "Vậy ư?" "Vâng! Cha vẫn nhắc anh luôn. Thơ anh vẫn in trong sách của cha". Rồi bà vợ thầy, anh con trai của thầy về, ai cũng mừng, cũng nhớ một chút gì đó về những lần các trò Cẩm Xuyên về thăm.  Hùng, con trai thầy còn đọc lại bài thơ tôi phải làm theo "lệnh" thầy 25 năm trước khi cùng 6 bạn học về thăm, ở lại ăn trưa với gia đình thầy. Phải rồi, trên chiếu rượu hôm ấy có ba học sinh từ chiến trường trở về: Lê Hồng Xanh ở Sở LĐTB & XH, Hoàng Viết Ngãi giám đốc ngân hàng tỉnh và tôi. Thầy bảo trước khi nâng ly, Bùi Quang Thanh cho vài câu xem ngày ấy thầy đoán có trúng không (lúc này tôi đang công tác ở bên ngành giao thông, mới in duy nhất một tập thơ, chưa là hội viên Hội Nhà văn VN). Tôi ứng khẩu: "Quây quần quanh chiếu rượu/ Ba hai năm chia xa/ Râu thầy đôi chòm bạc/ Tóc trò lác đác hoa

Chúng em, từ dạo ấy/ Giã thầy vào can qua/ Giữa tên rơi đạn lạc/ Bóng thầy chưa phút nhòa/ Ngoéo tay ngày gặp gỡ/ Tìm lại bến đò xưa/ Ôi con đò yêu dấu/Vẫn sông quê đợi chờ."

Hôm nay, nghe con trai thầy đọc những câu ấy tôi mới nhớ lại; và để minh chứng cho sự mong nhớ các trò, thầy giáo tôi chống gậy vào nhà trong đem ra một tập thơ đánh máy của thầy và bạn hữu, trong đó có cả những câu trên của tôi khiến tôi vô cùng xúc động. Dù đã quá nửa thế kỷ rồi, dù chỉ học với thầy chưa đủ hai năm mà trái tim thầy luôn đập vì chúng em.

Trời nóng như đổ lửa, đã cuối chiều rồi mà áo tôi ướt đẫm mồ hôi vì nóng và vì... hình như lửa quá khứ tuổi thơ đang đốt. Chỉ sau khi "đè" thầy ra mà chụp ảnh và được nghệ sĩ Trần Hướng người đi cùng tôi bấm thêm, tôi mới giật mình khi thấy áo như vừa vớt từ sông lên. Tôi hứa sẽ lại về thăm thầy nữa, các bạn Bảy Bê của tôi ơi, hãy nhớ tìm về nhé.

                                                                                        B.Q.T

Nhà thơ Bùi Quang Thanh và thầy giáo của mình

. . . . .
Loading the player...