23-01-2023 - 15:55

Chùm Tản văn của Nhà thơ Phan Quốc Bình

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu chùm Tản văn của Nhà thơ Phan Quốc Bình

PHAN QUỐC BÌNH

 

SÁNG ĐẦU XUÂN CHÀO MÀO TIẾN CAU

       Ở  nơi nào có vườn cau, ở đó sẽ gọi được chim chào mào về làm tổ. Loài chim tinh khôn bí mật tha những cọng rác từ đâu đó bay vèo qua không gian lót ổ tít ngọn cây cau. Tuổi thơ tôi thân thiết vườn cau của mẹ, mải mê nhìn lên những ngọn cây phán đoán tổ chim. Tôi áp tai vào cây lắng nghe tiếng chim mới nở lích chích trên cao. Tiếng chim non kêu rối rít là lúc mẹ chúng kiếm mồi về. Tiếng kêu to dần theo thời gian rồi đến một ngày hình thành tiếng hót. Khi tiếng kêu biến thành tiếng hót cũng là lúc chim ra ràng. Chúng rời tổ bay đi gieo tiếng hát đặc trưng vào không gian và đáp xuống cành xoan đâu rung động chùm quả chín. Chúng tập hợp thành bầy đàn, vút cánh bay theo định hướng từ tiềm thức siêu nhạy tìm nơi bí mật mùa màng.

Bên sân nhà tôi có cây cau vượt quá nóc nhà. Có một lần cũng được tiếp đón đôi chào mào về làm tổ. Mẹ tôi đứng dưới gốc cau canh chừng mùa chúng nuôi con.

Chim chào mào chung sống với tuổi thơ tôi như một chương trong tiểu sử. Đó là câu chuyện về quả cau được chim chào mào thả xuống tiến cha tôi sáng đầu xuân năm ấy. Quả cau tròn đầy no đủ còn tươi nguyên tỉa ra từ buồng cau mẹ. Cha tôi nhặt lên hân hoan như quà tặng của trời cao. Cũng từ đó chim chào mào như trong cổ tích bay ra. Và từ đó, tiếng hót của chim cũng rơi theo quả xoan đâu khi mùa xuân về nhú xanh mặt đất.

SEO CỜ BÁO MƯA

T

ừ lâu rồi chim seo cờ không xuất hiện ở làng quê, trong lùm cây rậm rạp bên dòng nước chảy qua. Chim seo cờ mang trên mình màu xanh thẫm loáng bóng, chỉ một lông dài thành đuôi đỏ như cờ nên đã thành tên gọi. Nó vừa bay vừa kêu như thoi đưa từ cành này sang cành cây khác. Sắp mưa! Seo cờ ra rồi. Dân làng tôi thường nói thế để nhắc nhau thu xếp công việc đồng áng.

Ngày nay không ai biết đến nó. Cả cái tên cũng không ai nhắc đến nữa. Chim seo cờ xuất hiện đã lâu và biến mất cũng đã lâu. Loài chim ấy là bạn của nhà nông và được chào đón tôn trọng như một vị khách quý.

Thời hiện đại có máy móc theo dõi hoạt động của vũ trụ để dự báo thời tiết, đã quên hẳn một loài chim mang khí tượng sinh học, biết lắng nghe sự chuyển dịch của trời đất để báo cho con người điều tiết công việc làm ăn. Chim seo cờ đại diện tiếng nói khẩn thiết, cấp bách vì cuộc sống muôn loài. Nó báo thời tiết chuẩn xác và tin cậy. Không biết từ đâu chim seo cờ bay về mỗi khi nhận được tín hiệu của bầu trời đã kêu vang giục giã trong những lùm cây.

Chim seo cờ, chỉ một lông đuôi dài màu đỏ, tự nó là một sáng tạo độc đáo. Thời gian đang rời xa tiếng kêu của nó và hình ảnh truyền vào lịch sử cũng mờ dần.

Tôi tìm về một thời xa, tưởng nhớ loài chim seo cờ đã xuất hiện trên mặt đất này mang sứ mệnh thiêng liêng thông báo cho con người sự thất thường mưa nắng trong cuộc chuyển giao của vũ trụ

 

 

 

 

 

CHIM KHÔ RỐC KÊU*

 

                    

      B

ỗng nghe tiếng chim khô rốc kêu, tôi nhìn lên lùm cây trong khu vườn. Chim khô rốc kêu, âm thanh vẫn như xưa lưu giữ ký ức con người và thời đại. Một quá khứ theo về cùng tiếng chim. Loài chim ít thấy ít nghe ấy làm nên đặc trưng của vùng đồi núi trung du. Chim khô rốc kêu trong sáng mùa xuân, thời tiết non tơ. Tiếng chim đã lặn vào tâm hồn tôi từ ngày rời mẹ ra đi cùng với những kỷ niệm thuở ấu thơ. Dân gian phỏng theo tiếng kêu nên đặt tên chim khô rốc- âm vang như tiếng  mõ rộn ràng. Như một nhạc cụ gõ vào không gian tinh khôi thúc giục, cổ vũ muôn loài. Hình như cây cối trong vườn cũng lắng nghe trong trạng thái bình yên.

Chim khô rốc kêu- trả tôi về với tuổi thơ sớm chiều quấn quýt bên mẹ. 

Cây mít trong vườn có một cành khô (chết róc) chim khô rốc dùng mỏ đục lỗ tròn làm tổ. Hai chân bám vào cây như người ôm cây trèo, kiên trì đục để chờ ngày đẻ trứng. Tiếng mỏ đục vào cây nghe xa như tiếng đục thợ mộc. 

Về quê, nghe nhiều tiếng chim quen thuộc. Mỗi loài chim tiếng hót đều mở ra một không gian huyền thoại tuổi thơ. Không gian trong tiếng chim khô rốc đưa đến một cảm giác bàng hoàng, nhớ tiếc. Nó đánh thức trong tôi thời gian không mất, tình thương cha mẹ mãi còn. Tôi vẫn dại khờ trong vòng tay mẹ như chưa một lần xa quê hương. Tiếng chim khô rốc- âm nhạc thiên nhiên mang theo cả bầu trời tuổi thơ trở về. 

Chim khô rốc kêu. Thế giới bắt đầu chuyển dạ. Khai phóng, triệt tiêu, khai phóng.

Chim khô rốc kêu. Mở mang, mở mang, triển khai các giác quan. Thu nhận, lĩnh hội tinh hoa của trời đất. 

Chim khô rốc kêu. Tâm hồn tôi hoà cùng sự vật, hoà thành nhất thể

                                         P.Q.B                                                                                                                                                                       Trong vườn xuân (ảnh Sách Nguyễn) 

. . . . .
Loading the player...