27-04-2022 - 14:38

CÔ GIÁO QUÊN MÌNH VÌ HỌC SINH DÂN TỘC MANG HỌ BÁC HỒ của Lê Văn Vỵ

Chuyên mục Học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh- Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu bài viết CÔ GIÁO QUÊN MÌNH VÌ HỌC SINH DÂN TỘC MANG HỌ BÁC HỒ của Nhà thơ Lê Văn Vỵ.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

LÊ VĂN VỴ

cô giáo quên mình vì học sinh dân tộc

mang họ bác hồ

Một ngày đầu tháng 2 năm 2022, vượt qua dốc Mục Bài, khe Chẹt, vòng vèo với quãng đường gần 40 km từ thị trấn Hương Khê, chúng tôi đã đặt chân đến điểm lẻ trường MN Hương Liên dành riêng cho học sinh dân tộc Chứt từ 3 đến 5 tuổi. Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Hương, người được bà con dân tộc Chứt gọi là “Mẹ của các em học sinh dân tộc Chứt ở trường”.

Mười bốn năm kể từ ngày thành lập. Rau đã xanh, hoa đã khoe sắc vườn trường. Các em học sinh dân tộc Chứt đến trường học tập, múa, hát, vẽ, hòa nhập với cộng đồng. Nhưng lòng vẫn day dứt vì nơi đây vẫn quá nhiều khó khăn thiếu thốn. Cách đây hai năm, có người  buồn rầu nói nhỏ với chúng tôi: “Điểm trường này 4 không: Không nhà vệ sinh. Không sân chơi. Không mái che. Không bán trú”. Tôi hỏi cô Hoàng Thị Hương: “Không có nhà vệ sinh, thì học sinh đi vệ sinh ở đâu?”.

Cô Hương chỉ ra bãi đất trống sau lớp học: “Trẻ bốn tuổi thì ở đây. Còn trẻ nhỏ thì vệ sinh vào bô rồi cô đi đổ”. Cô chỉ bốn cái bô màu đỏ đặt ở sau lớp. Đây chỉ là một trong trăm ngàn công việc không tên mà cô giáo Hương hàng ngày, hàng giờ đã, đang, sẽ, vẫn, còn phải tiếp tục vì học sinh thương yêu! Những công việc không có trong giáo án lên lớp và cũng không có trong bài giảng những năm Hương học ở trường sư phạm mầm non. Đó là mỗi ngày bốn lượt Hương phải xuống tận từng nhà trong bản để đưa đón học sinh đến lớp. Nắng cũng như mưa, lạnh cũng như nóng, cô giáo Hương âm thầm, lặng lẽ, một mình với chiếc xe máy âm thầm gõ cửa từng nhà phụ huynh. Có những lúc trời mưa, đường rừng trơn trượt, cô ôm trò chạy bộ giữa trời mưa lạnh đến lớp. Hai nách hai đứa, lại còn cõng thêm đứa ở sau lưng. Mà không phải chỉ một lượt mà trở đi trở lại sáu bảy lượt mới hết học trò. Có những khi, ngã xe, may mà cô trò không việc gì vẫn an toàn về lớp… “Ngày làm việc của cô giáo Hương không phải 8 tiếng mà 11 tiếng. Sáng sáu giờ lên xe đến tận từng nhà đón các em học sinh. Trưa chăm lo cho các em ăn ngủ bán trú. Chiều mười sáu giờ ba mươi lại trả các em về nhà”. Cô Lê Thị Thành - Giáo viên cùng trường  cho biết.

Cô giáo đến nhà gõ cửa, cả nhà vẫn còn ngủ (ảnh tác giả cung cấp)

Có những sáng, cô giáo đến nhà gõ cửa, cả nhà vẫn còn ngủ. Thế là cô phải đánh thức trò dậy, giúp trò vệ sinh rồi mang lên lớp. Mà không chỉ một nhà, hầu hết các gia đình dân tộc Chứt có bé đi học đều quen như vậy!

Đến lớp, các em chưa có gì ăn sáng,  khóc đói, đòi ăn. Cô phải bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo dỗ các cháu. Sau đó, lăn lưng ra chuẩn bị bữa ăn phụ cho mười hai cháu.

Các em học sinh dân tộc Chứt vẫn ảnh hưởng lối sống hoang dã, thích ăn bốc hơn ăn bát đũa, nên tập thói quen cầm bát, đũa,  là cả quá trình khó khăn. Với những em ba tuổi chưa tự ăn được, cô phải săn sóc cá biệt. Nhiều khi, đang bữa, có em đòi vệ sinh,  cô lại xoay như chong chóng.

Ra trường từ 1997, Hương được phân công về dạy trường MN Hương Liên. Hai năm sau, vào năm 1999, Hương được phân công về dạy điểm lẻ cho các em học sinh dân tộc Chứt. Từ bấy đến nay đã 22 năm gắn bó với học sinh dân tộc Chứt, Hương đối mặt với khó khăn thách thức. “Hai năm đầu, phải mượn nhà bà Nguyễn Thị Ngân và nhà  ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 8). Sau đó, thôn nhường Hội quán để đặt lớp. Hội quán chỉ che nắng che mưa, còn trang thiết bị dạy học quá bất cập. Đối tượng học sinh dân tộc Chứt rất đặc biệt từ phong tục, tập quán, sinh hoạt, khả năng hòa nhập với cộng đồng…”, cô Hương chân thành bày tỏ.

Khó khăn là vậy, nhưng cô Hương không hề nản chí. Tấm gương tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ đã tỏa sáng trong cô. “ Em học được ở Bác tấm lòng nhân ái bao dung, ở giữ lời hứa với một em học sinh dân tộc Dao. Câu chuyện “Chiếc vòng bạc” gợi cho em nhiều ý nghĩa. Em học tập tư tưởng đoàn kết của Bác. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” trong thời kỳ đầu xây dựng điểm trường. Em học bài học dân vận từ Bác để thực hiện xã hội hóa giáo dục. Chính nhờ theo ánh sáng đó mà trong thời gian ngắn, các nhà hảo tâm đã đến với học sinh dân tộc Chứt bằng những đóng góp cụ thể, sát thực. Cho nên điểm trường không chỉ có dàn che mát kiên cố, không chỉ có công trình phụ khép kín mà cả trang thiết bị dạy học, trang thiết bị tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh đã đầy đủ, khang trang”

Năm 2007, Bệnh viện K Hà Nội qua xét nghiệm, phát hiện cô bị U ác tuyến giáp. Không chỉ bản thân mà gia đình Hương cũng bị “sốc”. Anh Trần Ngọc Thiện (chồng Hương) sát cánh bên vợ, động viên để Hương tích cực điều trị. Mười bốn năm đối mặt với lưỡi hái tử thần, Hương sống lạc quan, tích cực. Hương tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ Bệnh viện K, kết hợp với chế độ ăn uống, thể dục thể thao hợp lý nên  đủ sức đề kháng với bệnh tật. Khi được hỏi sức mạnh nào giúp Hương vươn lên chiến thắng bệnh tật. Hương không ngần ngại trả lời: “Ánh sáng từ Bác Hồ. Mười bốn tháng nằm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch ăn đói, nhịn khát, đối mặt với ghẻ, lở, bệnh tật, nhưng tinh thần của người chiến sĩ cộng sản ở Bác vô cùng kiên cường. Những câu thơ: “Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao” khích lệ em rất nhiều. Những em học sinh dân tộc Chứt đang rất cần em. Những cư dân lá vàng này từ bờ vực tuyệt chủng được bộ đội biên phòng cứu sống, đưa về sinh sống bên bản Rào Tre. Họ chỉ có tên mà không có họ. Ông Hồ Púc, thầy cúng của làng nói: “Chúng tôi là con cháu Bác Hồ cả, nên lấy họ Bác. Từ đó, 34 hộ với 120 nhân khẩu dân tộc Chứt đều mang họ Hồ của Bác. ”

Tôi đã chứng kiến, gặp gỡ nhiều tấm gương nhà giáo quên mình vì học sinh, nhưng khi tiếp xúc gặp gỡ cô Hoàng Thị Hương, thấm thía sự quên mình của cô là lẽ sống. Cô quên đi bệnh tật của chính mình mà trái tim lúc nào cũng lo lắng cho học sinh. Nào là em Hồ Thị Trang khoèo chân, ba tuổi đứng chưa vững, cô phải bế vào lớp; nào là em Hồ Thị Yên, bị thiểu năng não, không biết khi nào mới hòa nhập được. Nào là em Hồ Viết Đoàn hơn ba tuổi mà cân nặng chỉ có chín ki lô gam. Nào là em Hồ Viết Toản con út sinh ra trong một gia đình năm anh em xanh xao chống đỡ với môi trường rất kém. Nào là  Hồ Thị Lê Na, mẹ hai lần đi bước nữa, tuổi thơ phiêu bạt trên chặng đường Tuyên Hóa (Quảng Bình) Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh…

Những đứa trẻ trong đó có mười sáu học sinh lớp cô phụ trách đang chịu hậu quả nặng nề của hôn nhân cận huyết, thách thức mà dân tộc Chứt đang đối mặt. Khả năng chống đỡ với môi trường rất kém, nên chỉ cần thay đổi thời tiết là ho, thở khò khè, chảy nước mũi. Lâu nay, cấp ủy Đảng chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đang nỗ lực cố gắng giải bài toán này, nhưng đáp số còn ở phía trước. Đây là vấn đề làm cô Hương trăn trở nhất. Bản sắc văn hóa của tộc người này bị mai một theo năm tháng, đây cũng là điều mà cô Hương nghĩ tới qua những việc làm cụ thể. Những nỗ lực cá nhân của cô như đan những chiếc gùi, làm chiếc nỏ, làm chiếc đàn tơ rơ bon hay xếp chiếc kèn lá (mô phòng lại dụng cụ dân tộc Chứt) để đem đến lớp giảng dạy chính là góp phần duy trì những nét văn hóa riêng của đồng bào.  Những hộp xốp, lon bia, phế liệu đã giúp cô tái hiện lại những con thú, những vật dụng quen thuộc với các em học sinh dân tộc Chứt. Nhiều khi, làm không hết việc, cô vận động cả chồng  sử dụng một số phế liệu làm đồ chơi cho học sinh. Cô con gái đầu lòng Trần Việt Hà (sinh năm 1994) tốt nghiệp trung cấp SP MN năm 2015 chưa có việc làm cũng hăng hái giúp mẹ vẽ tranh, trưng bày góc học tập theo chủ đề của lớp.

Lắm việc quan tâm, say mê làm việc giúp cô quên đi bệnh tật. Có những lúc ù đầu, choáng, ngỡ như không thể tiếp tục được nữa, nhưng nghĩ đến các em học sinh dân tộc Chứt, cô lại cố vươn lên. Vốn tiếng dân tộc được bổ sung qua giao tiếp hàng ngày đã giúp cô hiểu được tâm tư tình cảm của phụ huynh, đặc biệt là dễ dàng bày vẽ cho các em học tiếng Việt. Kết quả bất ngờ này đã giúp cô hoàn thiện sáng kiến kinh nghiệm: “Dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chứt” được Hội đồng Khoa học ngành GD&ĐT Hương Khê đánh giá  xếp loại bậc 3. Nhưng đối với cô, quan trọng nhất là vốn kinh nghiệm ấy đã giúp cô thành công dạy tiếng Việt giúp các em học sinh dân tộc Chứt hòa nhập với cộng đồng.

Được biết, cô Hoàng Thị Hương  vừa từ Bệnh viện K Hà Nội trở về… Suốt trong buổi nói chuyện, cô không nói gì về bệnh tật của mình mà  đau đáu nỗi niềm với nhà trường, với các em học sinh. Cô dạy các em múa hát và thật vui khi mười hai em học sinh dân tộc Chứt ca vang bài hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…”

Hát xong, cô hỏi: “Các con, con cháu ai?”. Tất cả đồng thanh: “Con cháu Bác Hồ ạ!”. “Cô cũng con cháu của Bác Hồ. Chúng ta con một nhà cả”

                                                                                      Hà Tĩnh 20/2/2022

                                                                                                 L.V.V

Bữa ăn phụ cho các cháu (ảnh tác giả cung cấp)

. . . . .
Loading the player...