24-07-2023 - 02:10

“Cúc ơi!” – một tượng đài bi tráng

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), 55 năm Ngày chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 – 24/7/2023), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Cúc ơi!” – một tượng đài bi tráng của tác giả Hồng Giang

Cứ mỗi lần nhớ về Ngã ba Đồng Lộc, nhớ về mười cô gái - mười vầng trăng trinh nữ lồng lộng giữa đất trời Đồng Lộc linh thiêng, tôi lại nhớ tới bài thơ “Cúc ơi!” của Yến Thanh.

Đã có hàng trăm bài thơ viết về Ngã ba huyền thoại này, viết về mười cô gái, nhưng bài thơ “Cúc ơi” là bài thơ mang lại cho tôi cảm xúc mãnh liệt và dấu ấn sâu đậm nhất. Mãnh liệt và sâu đậm bởi từng chữ từng câu mộc mạc như đất nâu lại xa xót đến đau lòng, bởi tình cảm chân chất và nồng thấm, bởi lời gọi thân thương và quặn đau của một người trong cuộc.

Kể về xuất xứ của bài thơ “Cúc ơi” nhà thơ Yến. Thanh đã viết: “Một quả bom tấn rơi trúng cả ba hầm nơi mười cô ẩn nấp. Hàng trăm mét khối đất đã đã chôn sống cả tiểu đội. Lúc đó là 16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968. Gọi mãi không thấy ai thưa. Ban chỉ huy đại đội cho đào bới. Sau 2 giờ đồng hồ thì đào thấy thi thể của chín cô gái trong hai hầm dài. Vì bị chết ngạt nên sắc thái các cô vẫn hồng hào như người đang ngủ. Thi thể chín cô được đặt lên cáng xếp hàng ngang như khi còn sống tiểu đội tập hợp... Riêng Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó không thấy đâu... Đồng đội tiếp tục đào tìm suốt đêm 24 tháng 7, đến sáng 25 tháng 7 vẫn vô vọng... Mười hòm, mười huyệt sau eo núi Bãi Dịa thì chín đã “có chủ”, chỉ thiếu mình Cúc. Tôi ngậm ngùi đã xúc động ra vườn tro ngồi đặt bút viết. Tôi viết bài thơ trong nước mắt chừng ba tiếng... Bài thơ ra đời khi chưa tìm thấy Cúc. Trưa hôm sau (26 tháng 7 năm 1968), chúng tôi tìm thấy Cúc đang ngồi trong một hầm tròn cách xa nơi chín cô ẩn nấp. Đầu Cúc nón bẹp gí, vai Cúc tựa vào cuốc, thi thể còn nguyên vẹn, bầm tím, mười đầu ngón tay đầy máu khô, có lẽ Cúc đã cào bởi nhưng vô vọng... Hai tháng sau, bài thơ được ngâm trong tiết mục “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam qua giọng thơ Văn Thành...”.

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh...

Mở đầu bài thơ là lời gọi, lời báo tin của người anh với người em gái nhỏ. Lời gọi, lời báo tin cùng sự chờ đợi em “bình thản” tựa như sáng sáng, chiều chiều những ngày qua. Người đọc thấy lòng xa xót, thấy tim thắt đau vì sự “bình thản” ấy. Không phải đâu! “Xếp hàng ngang” hôm nay đâu giống mọi ngày. Sự “bình thản” gọi em, báo tin cho em chính là sự kìm nén đến tột cùng đấy, là giấu em nỗi đau đớn đến ngơ dại, giấu em những tiếng nấc nghẹn ngào. Nén sâu nỗi đau để em đỡ đau khi “về tập hợp” phải chăng cũng là một sự phi thường? Thêm nữa, sự “bình thản” của khổ thơ đầu còn nhắn gửi chúng ta một điều sâu xa nữa: Mười cô gái bất tử, mười cô gái vẫn chỉnh tề trong đội ngũ cùng lời điểm danh của a trưởng Võ Thị Tần...

Phần tiếp theo vẫn là lời gọi trìu mến, là lời tâm sự thân thương. Khác chăng, không gian được mở rộng, đó là sông “Ngàn Phố” là xã “Sơn Bằng” nơi Cúc sinh ra; là công việc thường nhật của tiểu đội và của người con gái.

... Cúc ơi! Em ở đâu?

Về với bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở,

Cơm chiều chưa ăn...

Kết thúc bài thơ lời gọi em tưởng như “bình thản” ấy đột biến trở thành lời gào em khản cổ trong sự đợi chờ mong mỏi đến nát tan.

Đồng đội tìm em đũa găm, cơm úp

Gọi em

Gào em

Khản cổ rồi

Cúc ơi!

Với 27 câu, có câu vẻn vẹn chỉ có 2 từ, “Cúc ơi!” là một bài thơ ngắn, kiệm lời nhưng đã mang lại hiệu quả rất cao về mặt cảm xúc. Thậm chí người đọc quên rằng đây là một bài thơ theo cách định nghĩa thông thường, mà chỉ nghĩ rằng 27 câu là 27 lời khắc cốt ghi tâm của những người đang sống, 27 lời tạc vào trời xanh, vào đất đai Đồng Lộc. Cảm nghĩ ấy cao hơn nhiều, bền lâu hơn nhiều so với sự cảm nghĩ phổ biến: Đây là một bài thơ hay dưới góc độ bình giá của văn học nghệ thuật.

Tác giả bài thơ "Cúc ơi!" bên mộ Liệt nữ - Ảnh: Anh Đức

Mới rồi, tôi lại có dịp cùng đoàn cán bộ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trở lại Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương tưởng nhớ mười cô gái cùng các anh hùng, liệt sĩ tại mảnh đất linh thiêng này. Suốt dọc đường đi về trong tôi cứ ngân lên bài thơ “Cúc ơi!” với niềm thành kính vô hạn.

Cùng với tượng đài chiến thắng vừa hoàn thành tại Ngã ba Đồng Lộc, với tôi bài thơ “Cúc ơi!” cũng là một tượng đài bi tráng.

H.G

. . . . .
Loading the player...