Tạp chí Hồng Lĩnh số 208 tháng 12/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Đôi điều về phú Việt Nam” của Phạm Tuấn Vũ
Thể phú từng có vai trò quan trọng trong văn học trung đại Việt Nam. Ở những thế kỉ đầu của nền văn học viết dân tộc ta, bộ phận văn chương thẩm mỹ chỉ gồm thơ và phú, về sau mới có thêm văn xuôi nghệ thuật. Phú tồn tại cùng nền văn học Việt Nam trung đại và nhiều năm về sau không bị triệt tiêu hẳn. Thể phú ra đời ở Trung Quốc. Ba ngọn nguồn quan trọng của nó là Kinh thi, Sở từ và văn xuôi từ đời Tần trở về trước. Từ lâu người Trung Quốc minh định đây là thể loại “bán thi bán văn” (vừa có tính chất của thơ, vừa có tính chất của văn xuôi). Tính thơ của nó thể hiện ở vần và nhạc điệu. Tính văn thể hiện ở câu phú dài ngắn không đều và các phần của bài phú liên kết với nhau bằng những cụm từ chỉ quan hệ.
Ở những năm 60 của thế kỷ trước từng có ý kiến cho rằng phú Việt Nam đồ lại diễn trình phú Trung Quốc (1). Lý luận và thực tiễn cho thấy nhận định này không có cơ sở. Ở phạm vi vĩ mô, ta thấy các thể loại văn học Trung Quốc lần lượt ra đời tạo nên tình trạng có những thể loại làm bá chủ văn học một thời: Hán phú, Đường thi, Tống từ, Minh Thanh tiểu thuyết (phú đời Hán, thơ đời Đường, từ đời Tống, tiểu thuyết đời Minh Thanh). Ở Việt Nam không có tình hình tương tự vì chúng ta tiếp thu ở văn học Trung Quốc cả hệ thống thể loại, chọn dùng những thể loại phù hợp với từng đề tài và cảm hứng. Ngoài ra còn có những thể loại nội sinh ra đời từ văn học dân gian Việt Nam. Ví dụ khi trữ tình, người Trung Quốc dùng thơ Đường luật hoặc phú, tùy theo dung lượng. Người Việt Nam còn có lục bát và song thất lục bát giàu nhạc tính, co duỗi rất linh hoạt từ một câu đến cả nghìn câu. Ở phương diện vi mô, bốn tiểu loại phú Trung Quốc lần lượt ra đời, dần dà bộc lộ sở trường, sở đoản. Người Việt Nam tiếp thu phú khi thể loại này đã hoàn chỉnh, vận hành nó theo quy luật tiếp biến, thực sự tạo cho phú sinh mệnh mới. Ví dụ các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết ở nước này luật phú (ta thường gọi là phú Đường luật) thành tựu rất ít, đến đời Thanh chỉ còn như một trò chơi văn tự. Ở Việt Nam khác, tiểu loại này có số lượng tác phẩm lớn, trong đó có nhiều tác phẩm mẫu mực. Hay là các tác giả Cổ đại Hán ngữ nhận thấy ở Trung Quốc, phú độc vận rất ít. Phú Việt Nam độc vận chiếm tỉ lệ cao hơn.
Thưởng thức phú cần tránh so sánh nó với thơ Đường luật. Xưa nay đều xem tinh giản là một ưu việt của thơ Đường luật, nên cũng từ đây không ít người buồn lòng về sự nhiều lời của phú. Đặc tính này có từ khi mới ra đời, thậm chí nổi trội hơn ở thời phú làm bá chủ - thời Hán. Nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây là I.X. Lisêvic xem thể phú biểu hiện sự mở rộng thế giới quan của người đời Hán. Ngoài ra, một đề tài nổi bật của phú đời Hán là ca ngợi quy mô vĩ đại của vương quốc và sự hưởng thụ phi phàm của giai cấp thống trị đương thời. Do những điều này, tác phẩm phú rậm lời là tất yếu. Bài phú dài nhất của Việt Nam là Lam Sơn Lương Thủy phú 2130 chữ cũng chưa bằng nửa số chữ của bài phú dài nhất của Trung Quốc là Tây kinh phú của Trương Hoành ra đời trước đó hơn mười lăm thế kỷ dài hơn năm nghìn chữ! Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1824-?) thật hóm hỉnh và sâu sắc khi cho rằng “phú sở dĩ là để phù trợ cho thơ vậy. Chán ghét cái dài của nó vậy anh muốn chặt chân hạc để biến nó thành le le chăng?”. (2)
Phú được dùng trong thi cử từ rất sớm. Ở Trung Quốc là từ đời Văn đế nhà Tùy (năm 608). Ở Việt Nam từ thời Lý.
Phú được đưa vào dạy học với Bạch Đằng Giang phú (Trương Hán Siêu) và Hàn nho phong vị phú (Nguyễn Công Trứ). Quý hồ tinh bất quý hồ đa (cốt tinh túy, không cốt nhiều). Bài phú của Trương Hán Siêu tiêu biểu cho phú chữ Hán, còn bài của Nguyễn Công Trứ tiêu biểu cho phú quốc âm. Cả hai bài đều nổi bật ở phương diện thi pháp. Phú kể nhiều, tả kĩ, tả từ nhiều góc độ và nhiều khoảng cách. Phú thường xuyên cường điệu khi miêu tả và trữ tình. Bài phú của Trương Hán Siêu hướng đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Bài phú của Nguyễn Công Trứ hướng đến vận mệnh con người. Đây là hai chủ đề xuyên suốt và nổi bật trong văn học dân tộc ta. Về cảm hứng, bài phú của Trương Hán Siêu thấm đượm cảm hứng hùng ca chính thống, bài phú của Nguyễn Công Trứ nhất quán cảm hứng trào lộng đời thường.
Do những nguyên nhân văn học và nguyên nhân phi văn học mà những quy phạm thể loại của văn học trung đại rất bền vững. “Nhập gia tùy tục” hay “tuồng nào tập ấy” rất đúng với nền văn học này. Người Việt Nam sử dụng các thể loại văn học cổ điển Trung Quốc để phản ánh thực tiễn Việt Nam, biểu hiện văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên các quy phạm thể loại vẫn được bảo lưu. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết chỉ trừ những bài phú làm trong thi cử phải đầy đủ các phần, còn ở những trường hợp khác, bài phú có thể thiếu phần này phần nọ. Tuy nhiên, có một phần không bao giờ được thiếu. Đó là phần triết lý, nghị luận ở cuối bài. Toàn bộ các phần trên là để phục vụ cho phần này. Thiếu nó không còn là bài phú nữa. Bạch Đằng Giang phú đúc kết quan niệm nhân sinh của tác giả là: cốt yếu nhất để làm nên những chiến công chói lọi không phải do quan hà hiểm yếu mà do con người nhân đức. Người nhân đức sẽ muôn đời lưu lại danh thơm, trái lại bọn cướp nước tên tuổi bị mai một.
Ở đây việc chuyển ngữ có vấn đề. Câu trong nguyên tác là Nhân nhân hề văn danh, phỉ nhân hề câu dẫn. Có hai chữ đồng âm nhưng khác tự dạng và ý nghĩa. Chữ nhân trước là lòng nhân. Phỉ là kẻ cướp. Câu phú của Trương Hán Siêu trong bản dịch hiện hành là Những người bất nghĩa tiêu vong, nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh. Những nghĩa với anh hùng bỗng từ đâu nhảy xổ vào chứ nào có liên quan, dẫn dụ gì! Nhân, đức, nghĩa, anh hùng là những giá trị hệ trọng, từ xa xưa đã được các trí tuệ siêu việt minh định. Trong Luận ngữ, hơn mười lần đức Khổng Tử nói đến chữ nhân, nào đâu thấy dấp dính với anh hùng! Còn cổ nhân cho rằng “nghĩa giả nghi dã” (nghĩa là việc nên làm), đâu liên quan đến người và việc ở đây. Nói kẻ thù bất nghĩa thì hà tất, như nói đêm ba mươi mà sao trời tối. Chính ở đoạn thể hiện tập trung chủ đề bài phú, nhân đã đi liền với đức (cốt đâu đất hiểm tại mình đức cao). Đất nước đã thanh bình, tác giả không khuyến dụ nhà vua thành anh hùng mà mong mỏi đức chí thượng là người nhân đức. Sự khác biệt về ý nghĩa của câu dịch so với câu trong nguyên tác là điều không phải người uyên thâm Hán học mới nhận ra.
Thời Trần là thời kỳ phục hưng của đất nước ta. Võ công và văn trị đều có những thành tựu khiến muôn đời tự hào. Có những minh quân xứng đáng để kẻ sĩ ưu tú gửi gắm ý nghuyện vì dân vì nước. Trong những bài phú thời Trần hiện còn, có mấy bài có chức năng phúng gián. Phúng gián là kín đáo khuyên răn vua. Ở Trung Quốc, chức năng này đã được nhận thức từ đời Hán, chẳng hạn trong lời Dương Hùng, một nhà làm phú có tiếng đương thời: Hùng này cho rằng phú phải hướng tới phong “Hùng dĩ vi phú giả, tương dĩ phong chi”. Chữ phong có bộ ngôn là chỉ trích, khuyên răn. Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu có những điểm độc đáo. Tác giả không mượn hiện tượng thiên nhiên hay người và việc xa tít bên Tàu mà lấy ngay ở chính triều Trần. Hẳn nhiên là điều đó khiến sức tác động mạnh mẽ hơn. Ca ngợi võ công nhưng Trương Hán Siêu cho rằng nguồn gốc sức mạnh chiến thắng là đường lối chính trị thân dân. Chính nó đã tổng hợp được sức mạnh to lớn của quân và dân ta đương thời. Tư tưởng nhân văn này hai thế kỷ sau sẽ được danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380- 1442) tái khẳng định: văn trị chung tu trí thái bình (văn trị rốt cuộc sẽ đem đến thái bình). Người xưa coi văn trị hay đức trị, nhân trị là những giá trị nhân văn gần gũi.
P.T.V
__________________
(1) Phong Châu-Nguyễn Văn Phú: Phú Việt Nam cổ và kim. NXB Văn hóa, 1960, tr7.
(2) Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, H. 1982, tr 72.
Tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trên quảng trường Chiến thắng. Ảnh: Hồng Phong