07-06-2023 - 02:23

Ghi chép AI VỀ MUA VẠI HƯƠNG CANH* của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Ghi chép AI VỀ MUA VẠI HƯƠNG CANH* của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

LÊ VĂN VỴ

AI VỀ MUA VẠI HƯƠNG CANH*

                           

Lần theo câu thơ của Tố Hữu, tôi tìm về thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Làng Hương Canh đã lên phố. Hàng ngàn lao động từ các tổ dân phố từ sáng sớm đã đổ về các Khu công nghiệp.

Thăng trầm Làng nghề gốm - sành Hương Canh

Vẫn còn đó những công trình dang dở, những con đường đang thi công, những  rác thải chờ xử lý và sông Cánh, nhánh rẽ của sông Cà Lồ nước như hắc ín bốc mùi, nhưng tiềm năng của Hương Canh đã được đánh thức. Hương Canh ngổn ngang của một thị trấn đang trở mình trong thời kỳ hội nhập…

Tôi về Hương Canh mang trong mình ám ảnh về vại Hương Canh một trong ba sản phẩm truyền thống: Chum, vại, tiểu sành làm nên thương hiệu gốm Hương Canh. Có phải Hương Canh nằm cuối dòng chảy sông Cà Lồ được thiên nhiên ban tặng vỉa đất chứa trầm tích có độ béo, dẻo, mịn, sạch chịu được nhiệt độ nung từ 1200 -1300 độ C làm nên đặc trưng sản phẩm gốm - sành Hương Canh?

Sách: “Di sản văn hóa Bình Xuyên” chép rằng: Quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền cùng với ái thiếp Bùi Thị Ái trong chuyến công cán ngày 6/8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1742) thấy đất Hương Canh sét nâu, sét xanh, người dân cần cù, khéo tay, chịu khó, nên đã lưu lại Hương Canh mở nghề, mở xưởng sản xuất gốm - sành.

 

Gần ba thế kỷ trôi qua, gốm - sành Hương Canh trải qua biết bao thăng trầm nhưng đã cùng với Bát Tràng  (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Ninh), Phù Lăng (Quảng Ninh) Đồng Nai (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương), Chăm (Ninh Thuận)…vẽ nên bản đồ gốm nước Việt. Người ta biết đến gốm Hương Canh ở cái thô ráp, mộc mạc, xù xì, nguyên chất không pha tạp, xương gốm đanh cứng nhưng vẫn không kém phần óng mượt...

Nền văn minh lúa nước của đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ với truyền thống ẩm thực dân dã đã gắn liền với những nhút, cà và đó là lý do để chum, vại sành, sứ ra đời. Gốm sành Hương Canh một thời là mơ ước của bao nhà nông. Chẳng trách những làng quê xứ Nghệ: Thanh Chương, Nam Đàn lựa chọn chum vại sành Hương Canh để muối nhút, làm tương cho ra sản phẩm lừng danh, nức tiếng “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”

Viết đến đây, bất chợt tôi nhớ về cái vại, cái chum mà ông bà nội đã chia phần cho cha mẹ tôi khi ra ở riêng. Ở làng thời đó, mấy nhà nông có được chum, vại sành mang thương hiệu Hương Canh? Cho nên với gia đình tôi đó là một tài sản có giá.

Nhớ lắm, cứ tháng 4 hàng năm, sau trận mưa rào, đậu ngoài đồng tua tủa đâm ngọn, mẹ tôi quảy gánh ra đồng hái ngọn, về phơi héo rồi cho vào vại lớp ngọn đậu, lớp muối, đậy liếp, dằn đá, úp kín. Đến tháng 8, mùa mưa lũ, khi gió mùa Đông Bắc tràn về, rau cỏ chợ búa khan hiếm, vại nhút ngọn đậu là thực phẩm để dành, có sẵn quanh năm. Mỗi lần đến bữa, mở vại vắt nắm nhút, nấu với lạc giã nhỏ hay chấm tương, ăn kèm khoai sắn đậm đà dễ nuốt. Mỗi lần thưởng thức món nhút, cha tôi lại tấm tắc vại sành Hương Canh thách thức nước nhút sắc như mác đâm, dùi chích cũng chẳng thể nào xuyên phá được gốm sành Hương Canh rò rỉ ra ngoài…

Phải 60 năm sau, khi mặt trời cuộc đời xế bóng, tôi mới đến được xứ sở chum vại này. Ngẩn ngơ đứng giữa thôn Lò Cang, tôi ngắm nhìn những ngôi nhà, những mái ngói cổ, đặc biệt là thẩn thơ rảo bước giữa những đường thôn rích rắc chữ chi. Ám ảnh nhất không phải là tường vôi, cổng sắt mà những tường rào được ken bằng những phế phẩm lò nung. Những viên ngói cong vênh, những lọ gốm sành méo mó nứt nẻ hay những tiểu sành quá lửa đã được ken thành hàng rào không chỉ có ý nghĩa rào dậu mà nói lên điều gì đó về góc khuất, về bếp núc, những vất vả của làng nghề. Con đường gốm sành quanh co quanh làng cũng có thể là biểu tượng cho con đường thăng trầm của làng nghề.

Một thời người người, nhà nhà, bất kể trẻ già trai gái Hương Canh đều sống chết với gốm sành. Những sản phẩm chum vại, tiểu sành và những vật dụng sinh hoạt khác được nhào nặn từ những bàn tay khéo léo, mềm mại của những cô thôn nữ Hương Canh. Người Hương Canh tự hào họ có bàn tay vàng đã biến hòn đất không biết nói năng  gì thành những sản phẩm dân dã mang hồn cốt làng quê.

Những hoa văn tiểu sành, những uốn lượn đường cong chum nhỏ, chum to, những nét trổ tài hoa lên sự vật đã tạo cho sản phẩm một nét riêng khó lẫn. Nghệ nhân Hương Canh đã kết hợp hài hòa đất - nước - lửa. Đất phơi ải, ngâm, lọc sạch mới là đất nguyên liệu. Đất nhào nặn với nước xe thành những con chạch là “bột gột nên hồ”. Bột nhão không  thể vắt nặn. Bột khô rộp, khi nung sản phẩm sẽ đốm, nổ. Tất cả dựa vào kinh nghiệm qua mắt nhìn, tay nắm… Nghệ nhân Nguyễn Giang Anh rủ rỉ kể cho tôi nghe về kinh nghiệm làm nghề, lựa đất, vào lò. Người thợ lành nghề là người không chỉ biết phân loại sử dụng từng loại đất mà còn biết pha chế nâu với sành ghi đen với tỷ lệ thích hợp để có sản phẩm bền đẹp, bắt mắt. Xong thô, phơi khô sản phẩm cũng là bí quyết. Mỗi một ngày trong mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; khí hậu, thời tiết, độ nóng, độ ẩm vv… khác nhau không có công thức chung cho công đoạn phơi sấy. Người làm nghề, chỉ cần nghe mùi đất  là biết sản phẩm đã khô đến độ nào để  thu gom.

Công đoạn đốt lò cũng chẳng dễ dàng. Ba mươi giờ dấm sấy có ý nghĩa như khởi động để rồi sau đó, người thợ thúc lò, thêm củi cho ngọn lửa bén vào sản phẩm, chia lửa, ăn lửa đều đều. Người thợ lành nghề nghe mùi đất bốc lên là biết sản phẩm non hay già. “Kinh nghiệm của tôi khi đốt lò nhìn vào ngọn khói. Khói non sản phẩm bị phồng rộp như bánh đa cong. Khói quá già sản phẩm hóa sành, cháy. Màu khói đen ùn ùn là sản phẩm còn sống. Màu trắng sản phẩm đã chín tới. Khi ngọn khói không màu lẫn vào không khí là sản phẩm đã no lửa”. Nghệ nhân Anh “bật mí”.

Vật lộn với đất, nặn sản phẩm, vào lò, bao mồ hôi thậm chí có cả nước mắt, nhưng khi sản phẩm ra lò đạt được 50% trở lên đã thành công. Cũng có khi trắng tay. Người làm nghề gốm - sành như cá cược với trời. “Hiện nay, công nghệ nung lò ga đỡ may rủi hơn, nhưng cũng chỉ được 70% sản phẩm thành hàng hóa”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.

Sống chết với nghề, nhưng gốm sành không nuôi sống được người dân Hương Canh. Hàng năm ra giêng, ngày sáu âm lịch, nhân dân Hương Canh nô nức Lễ tổ. Cạnh nhà tổ là chùa Ma Hồng. Phật trăm tay, trăm mắt nhưng chẳng thể nào cứu được nghề.

Những năm 80, Hương Canh không mặn mà với chum vại mà chuyển sang ngói. Mỗi gia đình dựng lên một lò thủ công. Không chỉ ruộng trồng lúa, hoa màu bị xẻ thịt mà ngoài đường công nông, đầu dọc như bọ hung thi nhau xẻ đường, tung bụi mù mịt. Những cột khói lò gạch cuộn lên trời phủ đen cả một vùng trời. Khí hậu ngột ngạt. Sông Cánh đặc quánh hắc ín, ô nhiễm. Giếng làng bốc mùi xú khí... Bỏ ngói thì sống. Làng nghề Hương Canh đi theo tiếng gọi của sự sống…

Đến thời mở cửa, Bình Xuyên cuốn hút các nhà đầu tư. Khu công nghiệp mọc lên thu hút nguồn lực lao động, kéo người dân ra khỏi làng nghề. Họ đã lựa chọn lối rẽ không còn phải lo những bất trắc, bất an, rủi ro từ nghiệp gốm sành. Làng nghề thưa vắng. Mười ba ngàn nhân khẩu thị trấn Hương Canh chỉ còn không quá trăm người còn mặn mà, dẻo dai với đất đai và giữ ngọn lửa đam mê với nghề. Một trong số đó là nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang.

Người giữ ngọn lửa làng nghề gốm sành Hương Canh

Nhà thơ Hải Thanh - Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc không quá lời khi nói rằng Quang đã đưa chum vại, tiểu sành hòa nhập vào thế giới. Đối với Quang, gốm - sành chỉ là chất liệu để làm nên tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm là câu chuyện về làng nghề, về gia đình về chính cuộc đời mình với nước mắt, nụ cười, với mọi cung bậc bất hạnh, khổ đau, hạnh phúc. Tác phẩm của Quang là bức chân dung tự họa của cậu ấy. Tôi trộm nghĩ thế!

Nhân dịp tham gia Trại sáng tác văn học ở Đại Lải, tôi tìm đến xưởng nghề của Quang. Quang đang chuốt sản phẩm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng đến từ Hà Tĩnh nhận xét khuôn mặt Quang bóng màu đồng hun, còn tôi thấy khuôn mặt Quang như sành đúc lại. Cậu ấy cất giọng. Đanh. Chắc. Cắm xuống. Sắc. Nét. Như gõ vào miệng chum sành.

Quang không chỉ thừa hưởng thương hiệu gốm sành Hương Canh mà thừa hưởng cái gien gốm sành ông ngoại. Ông ngoại của Quang là nghệ nhân gốm sành ngoại hạng. Ông có thể nghe tiếng lửa và ngửi mùi khói mà biết được sành nung đến độ nào. Các chủ lò thường mượn ông đốt đuốc soi lò xem sản phẩm đã chín lửa chưa? Ông ngoại đã di truyền gien sành cho các con mà mẹ Quang không là một ngoại lệ. Thân mẫu Quang đã ngoài 70, nhưng vẫn luyện đất, vo chạch, dựng khuôn, chuốt bình, đắp hoa văn vv… cho từng sản phẩm. Cụ có 5 người con đã xây dựng gia đình và có 4 người vẫn theo nghề. “Có phải Quang đã truyền cảm hứng cho anh chị em, con cháu?”. Tôi hỏi. Quang im lặng, như tượng sành, rồi sau đó gật gù: “Vâng! Có lẽ thế!”

Nhưng cốt lõi là Quang đã sáng tạo, đã đưa gốm - sành thành nghệ thuật. Quang tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Nghiệp Quang đeo đuổi là gốm sành ứng dụng. Kiến thức trong trường học khép kín khiến Quang mở  mang bằng các chuyến trải nghiệm vào Nam, ra Bắc đến với gốm sành Tây Nguyên, Chăm (Ninh Thuận), Đồng Nai hay Bát Tràng Hà Nội để rồi ôm giấc mộng đưa gốm sành Hương Canh thăng hoa. Tuổi trẻ, đam mê đã thắp sáng ngọn lửa nghề trong Quang. Suốt ngày, Quang lăn lộn với đất, với bản vẽ, thiết kế với bàn xoay, với bếp lò, ngọn lửa. Những tác phẩm của Quang cách tân được nẩy sinh từ ý tưởng khác lạ, từ cuộc đời của Quang. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện  đời mình.

Nhóm tác phẩm Hạt mầm gồm 5 tác phẩm; mỗi tác phẩm là biểu trưng cho mỗi đứa con của Quang. Mỗi đứa con mang một số phận, một cá tính. Vợ chồng Quang sinh chúng ra trong những bối cảnh khác nhau. Cái xù xì, góc cạnh, hay nhẵn thín hiền ngoan trong tính cách không chỉ được thể hiện ở gam màu trầm hay đa màu sắc mà còn thể hiện ở hình dạng, kích thước, không gian đa chiều trong tác phẩm. Năm đứa con, đứa đầu con chung với vợ cả. Hai đứa sau con riêng của vợ thứ ba và đứa thứ 5 kết quả của tình yêu với người vợ thứ ba đã phục sinh Quang.

Trong khi đó, tác phẩm gốm sành Thoát xác được kế thừa trên hình khối chữ nhật tiểu sành cách tân chóp tháp. Từ cảm thức tâm linh “ba hồn bảy vía”, Quang đã “nặn” 16 nhân vật đang cố gắng bằng mọi cách thoát xác ra khỏi cõi Trần Thế với những tư thế khác nhau. Người sắp bay được ra ngoài vẫn ngoái đầu nhìn lại. Thoát xác là câu chuyện của tâm hồn, tâm linh ký thác trên tiểu sành hài cốt.

Quang lại kể cho chúng ta nghe câu Chuyện của làng bằng nhóm tượng gốm sành được gắn kết với nhau ba hình lọ. Mỗi miệng lọ là một cái  miệng nhân gian “buôn dưa lê”. Cái chõ lên trời, cái tru xuống đất. Câu chuyện với nhịp điệu lúc khoan, lúc nhặt, lúc vang lúc trầm. Sắc trầm màu sành ghi đen là câu chuyện buồn bã, đau lòng  của làng. Sắc hồng son môi, má đào là câu chuyện niềm vui, hạnh phúc. Lãng đãng sương khói không phải là chuyện kể nữa mà thơ ca, dân ca xứ sở ngân nga cất tiếng. Quang đã kể câu chuyện của làng mình bằng ngôn ngữ kiến trúc gốm sành đa giọng điệu như thế!

Tôi không đủ thời gian chép hết những câu chuyện mà Quang đã kể trên gốm sành để hầu bạn đọc. Lúc Quang im lặng là lúc câu chuyện vẫn tiếp tục. Có một đêm yên tĩnh tại làng nghề Hương Canh, tại xưởng gốm sành của  Quang, tôi lắng nghe những nhân vật gốm sành tự kể về thân phận đời mình, về ông chủ tài hoa mà quăng quật. Bao vóc dáng, vẻ mặt, bao tâm tư, ánh mắt, bao hình hài, màu sắc vẫn là một Quang đấy. Quang của thời trẻ dại lỗi lầm cờ bạc, rượu chè thâu đêm suốt sáng. “Em đã sa vào nợ nần, tan cửa nát nhà. Nhà cửa, vườn tược bố mẹ cho vào đỏ đen tuốt. Vợ đầu cũng từ mặt em để rồi mỗi người mang theo  một đứa trẻ. Người vợ thứ 2 cũng không chịu được em, lặng lẽ chia tay. Em đã lang thang không cửa không nhà, không xu dính túi, vật vờ như tiểu sành méo mó, phế phẩm. Nhưng đứa con trai đầu lòng níu giữ em lại. Đi trắng đêm, nhưng 5 giờ sáng là em về gác trọ, nằm bên con rồi lo cho nó đến trường. Chính vào lúc em thất vọng nhất thì  gốm sành đã cứu em. Một khách hàng từ thành phố Sài Gòn đã “ăn” hết sản phẩm của em. Thế là xủng xẻng tiền trả nợ nần. Em lại vắt đất, nhóm lò. Em không ngờ, lúc em nhóm lò gốm sành, cũng bén duyên tình yêu, hạnh phúc. Minh - người phụ nữ phúc hậu đã hai con, góa chồng bén duyên với em. Duyên sành, duyên nghề, duyên lứa đôi tam hợp. Em được hồi sinh sau tan tác, đổ nát”. Quang rơm rớm nước mắt kể.

Bây giờ thì Quang đã có tất cả vợ con, nhà cửa, nhà xưởng, tiền bạc cũng như sự nghiệp. Tác phẩm của Quang đã góp mặt ở nhiều triển lãm gốm sành trong nước và quốc tế. “Thượng đế” khó tính đã lựa chọn tác phẩm của Quang để mang sinh khí cho không gian sống của mình. Con đường hành nghề của Quang nằm trong lộ trình xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc. NTM là “bà đỡ” mát tay, là “ông bầu” thông tuệ sẽ tạo mọi điều kiện để Làng nghề phát triển thương hiệu góp phần làm thay đổi diện mạo của làng quê…

Quang đã thừa hưởng tinh hoa gốm sành Hương Canh và đã trả ơn làng nghề bằng thăng hoa lên nghệ thuật mới.

                                                                  Trại viết Đại Lải 11/4/2023

                                                                                                     bài và ảnh:Lê Văn Vỵ

_________________

* Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng (Việt Bắc - Tố Hữu)

 

. . . . .
Loading the player...