25-07-2023 - 01:18

Ghi chép DƯỚI TRỜI XANH CAN LỘC của tác giả Bùi Đức Hạnh

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), 55 năm Ngày chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 – 24/7/2023), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu ghi chép “Dưới trời xanh Can Lộc” của tác giả Bùi Đức Hạnh

Từ trên đỉnh núi Nghèn, phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ thấy bốn phía sông núi hữu tình, làm nên một vùng quê tôi gấm vóc “địa linh, nhân kiệt”.

Can Lộc nay là phần chính của Thiên Lộc xưa, trải dài một vùng đầu Mênh cuối Sót vốn đầy đủ cảnh quan núi, đồng bằng và biển. Từ mấy nghìn năm trước, người Việt đã quần tụ nơi đây. Đất lành chim đậu, trăm họ chung lưng đấu cật khai phá, dựng xây cùng làm nên ruộng đồng, làng mạc. Còn đó, huyền thoại kinh đô Việt Thường in dấu xưa trong các di tích khảo cổ Phôi Phối, Bãi Cọi, nơi linh thiêng thuỷ tổ Kinh Dương Vương mở nước buổi hồng hoang. Vời vợi cao 99 đỉnh non Hồng gắn với truyền thuyết đàn chim phượng trăm con, tụ một vùng chính khí. Núi non Hồng Lĩnh từng được ngợi ca “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Dãy Trà Sơn phía Tây với những núi Bụt, núi Mòi, Truông Bát... nhấp nhô trải dài xa xanh màu tím biếc. Núi Cài mọc lên giữa vùng Thượng Can, dáng đẹp như con chim phượng hoàng đang dang đôi cánh bay lên.  Dòng Minh Giang bắt nguồn từ sông La, lượn lờ soi bóng những bờ tre, thấp thoáng những con thuyền xuôi ngược, nghìn năm sông nước bên lở bên bồi. Những cánh đồng chấp chới cánh cò, bao đời chua mặn, nắng hạn bão giông, nay bốn mùa ngập tràn một màu khoai lúa. Những làng quê mái ngói đỏ tươi, tường trắng, tường vàng tinh khôi màu sơn mới xoá mờ kí ức về một thời nhà tranh vách đất, đói rét, lầm than...

Qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người quê tôi đã trung dũng, kiên cường lấy máu hồng viết nên những trang sử vàng oanh liệt.

Đi dưới trời xanh Can Lộc hôm nay, ta như nghe tiếng thơ Đặng Tất, Đặng Dung một thuở dưới trăng mài gươm mòn đá núi. Nghe tiếng voi gầm hùng dũng vượt ngầm đá sông Nghèn, linh ứng lời La Sơn Phu Tử, Quang Trung Nguyễn Huệ áo vải, cờ đào thần tốc tiến về Thăng Long, thế chẻ tre đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược trong mùa xuân 1789! Vọng khe núi Trà Sơn, lời thề nghĩa quân, vâng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, dốc lòng theo cụ Phan khởi nghĩa chống Pháp. Rạng khí tiết những chí sĩ Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn … sau song sắt nhà lao hay bị đày ra Côn Sơn đập đá vẫn một trái tim hồng khát khao đi tìm đường giải phóng cho nước, cho dân.

Bến đò Thượng Trụ, đêm tháng 3- 1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trung Thiên, xứ uỷ viên Trung Kỳ, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh nhà. Dưới ngọn cờ búa liềm sáng soi, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra như sóng trào, thác cuộn, quần chúng lao khổ vùng lên, đập tan xiềng xích lập chính quyền xô viết trong 130 làng xã ở cả ba vùng Trung, Thượng và Hạ Can.

Trong nắng xuân, tượng đài liệt sĩ Ngã ba Nghèn sáng ngời dũng khí 43 chiến sĩ đã ngã xuống trong cao trào Xô Viết trước sự đàn áp dã man của kẻ thù trong cuộc biểu tình hưởng ứng ngày Quảng Châu công xã 1/5. Hàng trăm đảng viên, quần chúng cách mạng bị sát hại trong cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp. Mặc dù, phong trào sau đó bị dìm trong biển máu, song ngọn lửa cách mạng thì vẫn âm ỉ cháy để mười lăm năm sau, nhân dân Can Lộc lại nhất tề đứng dậy cùng đồng bào cả nước đánh đổ ách thực dân, phong kiến. Quê tôi là địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Tĩnh và cả nước.

Mây trời Đồng Lộc. Ảnh: Quang Vinh

Dưới bầu trời xanh trong, kỳ vĩ tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, biểu tượng cho chiến công oanh liệt, tinh thần quả cảm, của lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng thống nhất non sông. Trong các năm 1965 đến 1968, gần năm vạn quả bom của không quân Mỹ đã trút xuống ngã ba này hòng ngăn chặn con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng ngàn bộ đội, công an, thanh niên xung phong, công nhân giao thông và nhân dân đã sống chiến đấu anh dũng ngoan cường, phá bom, sửa đường cho xe ra mặt trận. Tiểu đội nữ thanh niên xung phong anh hùng của Võ Thị Tần đã trở thành mười bông hoa trinh liệt, sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Trung đoàn pháo cao xạ thủ đô 210 chiến đấu ngoan cường, phối hợp các lực lượng phòng không địa phương bắn rơi 14 máy bay Mỹ, 120 chiến sĩ trung đoàn đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo, hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mình. Tên tuổi các Anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân...và bao liệt sĩ thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe... như các vì sao lấp lánh, toả rạng chí anh hùng trên mảnh đất Đồng Lộc quê tôi. Còn đó đài tưởng niệm 1226 người dân Can Lộc đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu và bị bom Mỹ sát hại. Máu xương nghìn người đã đổ xuống, tô thắm mảnh đất linh thiêng này, góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vinh quang...

Còn đó nhịp cầu Nhe sừng sững trên sông, nơi máu xương 54 chiến sĩ đoàn Yên Tử hoà vào đất mẹ Vĩnh Lộc sau trận bom định mệnh. Nhưng bom đạn quân thù làm sao ngăn nổi bước quân đi...

Sâu nặng nghĩa nước non, lòng dân làng Thượng Lội, xã Tiến Lộc trong chiến dịch vận tải mang mật danh K130. Trong một đêm, bà con trong làng đã tình nguyện tháo dỡ hàng mấy chục ngôi nhà, lát đường cho xe ra mặt trận. Hào khí làng K130 như đang tiếp lửa cho lòng dân để Can Lộc đang là huyện đi đầu giải phóng mặt bằng nhanh nhất cho tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua…

Còn đó lửa hờn căm tội ác giặc Mỹ xâm lược ném bom huỷ diệt làng Nam Sơn, thị trấn Nghèn. Một trận bom na - pan cùng lúc đã giết hại 57 dân lành. Nhưng dân làng vẫn không hề nao núng, kiên cường bám trụ, giữ vững con đường vận tải huyết mạch, cho máu chảy về tim.

Linh thiêng đền thờ 23 liệt sĩ thanh niên xung phong trên cung đường 70 tại xã Phú Lộc. Không thể nào quên những đêm vui náo nức mở đường dưới pháo sáng và bom đạn ác liệt của quân thù.

Tất cả hào khí quê tôi, chảy tự nghìn xưa theo mạch nguồn truyền thống, trong thử thách gian lao, như cùng hội tụ về Đồng Lộc anh hùng. Từ ngã ba lịch sử này, trong trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, với tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trùng trùng những đoàn quân ra trận quét sạch kẻ thù xâm lược giành thống nhất non sông...

Kỷ niệm 55 năm Ngày 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc và cũng là 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, đi dưới trời xanh quê hương lộng gió, mà lòng ta trào dâng biết bao niềm xúc động, tự hào. Nhìn bình minh lên trên đài cao kỉ niệm, mà như thấy cả tương lai quê hương, đất nước rạng ngời phía trước...

Mỗi độ xuân sang, hoa bần vẫn nở trắng ngần bên bến đò Thượng Trụ. Ngã ba Nghèn vẫn âm vang tiếng trống Xô Viết trong rực rỡ sắc cờ. Và chí khí anh hùng của người Hà Tĩnh tỏa sáng trên Ngã ba Đồng Lộc, trở thành biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khát vọng giải phóng, thống nhất non sông. 

Và hôm nay đây, một Can Lộc rũ bùn đứng dậy từ đổ nát, hoang tàn của chiến tranh, trải 50 năm từ Chiến thắng Đồng Lộc, đang từng ngày thay da đổi thịt. Cuộc sống mới đã sang trang. Thị trấn Nghèn đang hướng đến đô thị loại bốn. Những làng xóm khoác lên mình bộ cánh nông thôn mới, khang trang những ngôi nhà to đẹp, những con đường trải nhựa, bê tông sạch sẽ, đêm về sáng bừng ánh điện, ngỡ như thấy “phố ở trong làng”. Những cánh đồng tốt tươi trải rộng lúa vàng no ấm. Những vườn cây, trang trại chạy dài theo dãy Trà Sơn, bạt ngàn cây trái. Xã Thiên Lộc nơi có Bến đò Thượng Trụ - xã anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, quê hương của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần - đã trở thành điểm sáng nông thôn mới, giàu đẹp văn minh bậc nhất của toàn tỉnh. Và một Đồng Lộc thông đại ngàn vui reo trong gió sớm, thị trấn mới trở mình vươn dậy trên mảnh đất ngã ba huyền thoại anh hùng.

Đi dưới trời xanh Can Lộc trong sắc cờ đỏ thắm, tưởng như nghìn bông hoa đang nở mà càng thiết tha yêu mến quê mình./.                                         

 B.Đ.H

. . . . .
Loading the player...