25-01-2022 - 09:26

Ghi chép MỞ BIỂN của Ngô Đức Hành

Tạp chí Hồng Lĩnh số Xuân Nhâm Dần 2022 xin giới thiệu Ghi chép Mở biển của nhà thơ Ngô Đức Hành viết về những dấu ấn của con đường mở hướng đại dương của nền kinh tế biển Hà Tĩnh

NGÔ ĐỨC HÀNH

MỞ BIỂN

                         Ghi chép

 
 Hò hẹn mãi, một lần tôi cũng đưa được kỹ sư Ngô Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vietfracht về được cảng Vũng Áng. Khi chúng tôi về đến nơi thì đã 18h30. Kỹ sư Ngô Xuân Hồng bảo lái xe ra thẳng cầu Cảng. Gió từ biển thổi lên dư thừa mát mẻ, mặn mòi. Dãy núi Hoành Sơn gác chân lên sóng. 

Đã nhiều lần, Vietfracht với tư cách là một hãng tàu viễn dương nổi tiếng tính toán đến lập một điểm cầu container tại Vũng Áng. Công ty Vận tải Biển Đông, thời ông Bùi Quốc Anh làm Tổng giám đốc cũng đã từng ngó tới chặng biển đầy tiềm năng này. Kỹ sư Ngô Xuân Hồng và một Phó Tổng giám đốc giúp việc, chừng như đang tính toán đến công việc mà các anh ấp ủ. Nơi tôi và Ngô Xuân Hồng, Tổng giám đốc Vietfracht đứng chính là nơi của một thời đầy cảm xúc và hy vọng. Hồng vân vê điếu thuốc. Loay hoay mãi không thể châm lửa. Gió từ biển thổi lên quyến luyến.

 Đứng bên Cầu cảng số 1 khu bến tổng hợp, tôi miên man ngược chiều thời gian. Câu hỏi trăn trở, làm sao để Hà Tĩnh đủ ăn, thoát nghèo, thành chủ đề của các kỳ đại hội, nằm trên các văn kiện của tỉnh, trong các cuộc họp hằng năm. Hồi đó, tôi được gặp ông Trần Quốc Thại, ông Nguyễn Ký. Họ đều nặng trĩu suy tư. Và tôi nhận ra, những con đường giao thương đã được mở, ít nhất là hướng tuyến trong tư duy. Hà Tĩnh bắt đầu làm xuất nhập khẩu, kinh tế ngoại thương, vận tải biển.

Hà Tĩnh thiệt thòi, không có ga đường sắt chạy qua trung tâm tỉnh lỵ, nhưng Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, nhiều cửa sông lớn, bãi tắm mê hồn. “Mở biển”, được những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Hà Tĩnh sau ngày tái lập tỉnh nghĩ đến. Từ chỗ chỉ có bến Cảng Xuân Hải, chỉ có ít con tàu vài ngàn tấn, chủ yếu là chở phân bón, than đá, hàng nông sản, cát sỏi nhỏ lẻ..., Năm 1999, nghĩa là sau 4 năm tái lập, Hà Tĩnh động thổ xây dựng Bến số 1 Cảng Vũng Áng. Cũng xin nói thêm, trí tuệ của người Hà Tĩnh mách bảo họ về con đường lớn. Trước đó 2 năm, năm 1997, khu công nghiệp - Cảng biển Vũng Áng đã được thành lập.

Giai đoạn 2 của việc xây dựng khu bến này, cũng đã mười lăm năm, khai thác đúng mười năm, với tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm. Năm Bính Thân 2006, cũng là năm Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu Kinh tế Vũng Áng. Tôi nhớ, lúc đó ông Nguyễn Nhật đang là Giám đốc Công ty Vận tải biển Hà Tĩnh. Ông có lẽ là một trong những người mừng khôn xiết. Tàu của Công ty được về “cảng nhà” còn gì vui bằng?  Những người chủ trì gốc gác đều con nông dân, chẳng ai dạy kinh doanh cảng, vừa mừng vừa lo. Sau này Nguyễn Nhật ra làm Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mỗi lần nhắc đến cảng biển quê nhà, ông không bao giờ quên ngày 215/2001, cách đây hơn 20 năm. Vũng Áng đã đón tàu ReedBuck, quốc tịch Xingapore, tải trọng 15.000 tấn cập bến “mở hàng”. Trời đất, con người hân hoan. Ngày đó, trời mưa nhẹ, báo hiệu những điều hanh thông.

Có cảng rồi, phải tính có cơ quan cảng vụ để quản lý Nhà nước về hàng hải. Dấu ấn của con đường mở hướng đại dương. Tôi thật hạnh phúc khi được chứng kiến nhịp điệu chuyển động của quê nhà, hiểu lo lắng từng con sóng. Về Cảng, qua thời các Giám đốc Nguyễn Nhật, Nguyễn Thế Cường, đến Nguyễn Anh Tuấn hiện tại. Về Cảng vụ, gắn bó từ thời ông Nguyễn Duy Phương, Vương Bình Minh đến Trương Minh Tuấn bây giờ. Chỉ nội việc được chuyển từ mấy căn phòng đi thuê trên đường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh đến trụ sở mới khang trang cạnh kề cảng Vũng Áng đã là một hành trình, đáng nhớ.

Biển về đêm, rộng lượng và mê hoặc.... Vịnh Vũng Áng - Sơn Dương, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh bao đời nay chỉ với thuyền con, nôốc thúng. Ngoài kia những chiếc thuyền câu mực ánh sáng chan vào biển, đường biển thật huyền ảo.

Trong dòng chảy cảm xúc bên bờ biển hôm nay, tôi nhớ một người, đó là ông Võ Kim Cự. Từ thời làm Giám đốc Titan, rồi Mitraco, ông đã tiếp xúc với các đối tác Ấn Độ, Đài Loan... Khi đó, ông đâu nghĩ, có một ngày mình sẽ được làm người lãnh đạo tỉnh để thực hiện một giấc mơ mở biển, ước mơ biến vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành trù phú. Dự án FDI của Tập đoàn Formosa với tổng mức đầu tư đăng ký gần 17 tỷ USD đến nay vẫn là dự án FDI lớn nhất cả nước. Cảng biển khu vực Vũng Áng, gắn với Khu kinh tế Vũng Áng. Trong hoạch định đây là một bộ phận của Khu đô thị Vũng Áng và vùng kinh tế Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh. Nó sẽ là “thủ phủ” của các ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu. Các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển như công nghiệp thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu. Nó sẽ là tổ hợp đồng bộ Vũng Áng - Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả dịch vụ cảng, vận tải biển tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung Bộ. Khu đô thị mới Vũng Áng là khu đô thị xanh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên “con đường di sản” miền Trung. 

 Từ cầu cảng này, nhìn ra đảo Sơn Dương, không xa lắm, nay mai sẽ là Khu bến Sơn Dương. Theo kế hoạch, Cảng Sơn Dương sẽ chia thành 2 giai đoạn chính, trong đó giai đoạn I khu bến này sẽ xây dựng 11 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tới 200 nghìn DWT; tổng cộng 2 giai đoạn sẽ xây dựng 32 cầu cảng. Câu chuyện này đã và đang được thực hiện. Năm 2021 này là năm thứ hai dịch COVID-19, nhưng đã có 7 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 11.380 tỷ đồng được cấp phép đầu tư, trong đó, có một dự án dự kiến sẽ được khởi công vào tháng cận Tết Nhâm Dần. Đó là Nhà máy sản xuất CELL pin VINES của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Vingroup) do tập đoàn của ông chủ quê Lộc Hà, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện. Hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hà Tĩnh đã đạt gần 40 triệu tấn.Vũng Áng đã trở thành một “địa chỉ” trên tuyến đường hàng hải quốc tế và đã trở thành một “điểm đến” giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối logistics trên hành lang kinh tế Đông Tây. 

  Sau ngày tái lập tỉnh, tôi còn nhớ, kỳ họp sơ kết 6 tháng đầu năm năm 1991, ông Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã có một quyết định rất tình: Ông tổ chức ngay tại trụ sở Công an thị xã Hà Tĩnh (nay là Công an tỉnh Hà Tĩnh). “Có gì thuận lợi, nên ủng hộ anh em Hà Tĩnh”, giọng ông trầm ấm. Đêm xuống, tôi lang thang dọc con đường Phan Đình Phùng, con đường duy nhất được rải nhựa của thị xã Hà Tĩnh cũ đèn đường bóng tròn, đỏ quạch. Cảm giác về con đường gian truân. Bây giờ Hà Tĩnh đã và đang trên đường chuyển dịch tới cơ cấu kinh tế tới công nghiệp. Vũng Áng, với tư cách là cửa mở nối Hà Tĩnh với với các tuyến hàng hải quốc tế.

Tổng giám đốc Vietfracht Ngô Xuân Hồng bây giờ đã trở thành một Phó Vụ trưởng Ban Kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ tổng kết, nghiên cứu về kinh tế biển. Mấy năm nay, anh không có dịp trở lại Vũng Áng. Nơi anh đứng năm nào, bên Cầu cảng số 1, số 2 bây giờ Cầu cảng số 3 sắp đi vào khai thác, với năng lực đón tàu 45.000 DWT.

Hai anh em lại hò hẹn qua Tết này, trở lại Vũng Áng! Biển về đêm lung linh...

                                                                                                          N.Đ.H

. . . . .
Loading the player...