19-11-2021 - 08:16

GIẤC MƠ HOA PHƯỢNG Hồi ký của Nhà văn Hà Quảng

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu hồi ký "Giấc mơ hoa phượng" của Nhà văn, Nhà giáo Hà Quảng

HÀ QUẢNG

GIẤC MƠ HOA PHƯỢNG

     Trích hồi ký

… Trường Cấp ba Cẩm xuyên là nhiệm sở tôi đến đầu tiên. Vừa bước chân xuống xe một cậu học sinh đã xô đến vỗ vai hỏi “Cậu vào lớp nào?” Tôi không trả lời khẽ chào rồi đi về phía đám xe ôm gần đấy.

Vùng đất thị trấn Cẩm Xuyên, nơi trường đóng cách thị xã Hà Tĩnh khoảng hai mươi cây số, từ đây về quê tôi Nghi Xuân phải nửa ngày đi xe đạp. Một huyện nghèo cách biển mười cây số. Học sinh đa phần trọ học, cuối tuần về nhà lấy thêm lương thực. Dạo ấy giáo viên cấp 3 hiếm nên Bộ phải điều từ khắp các tỉnh về. Trường cấp 3 của chúng tôi có một số giáo viên được điều từ tỉnh khác: 3 thầy người Hà Nội, 1 thầy người Quảng Bình, số còn lại người các huyện trong tỉnh.

Tôi được phân ở dãy phía sau nhà tập thể, sinh hoạt chung trong khối giáo viên. Thầy Cừ nhiều tuổi nhất hay chủ trì những bữa cải thiện. Dạo ấy súng đạn thể thao không cấm như sau này. Các thầy thể thao thể dục vẫn cho giáo viên mượn súng đi bắn chim ngoài đồng. Thầy Lưu thường cùng thầy Phụ đi săn chim, đem về hoặc cu, hoặc cói, có khi vịt nước. Thầy Quỳnh nấu ăn ngon, bếp trưởng, thầy Hưng và tôi sắp dọn mâm bát và rửa dọn sau bữa. Ăn uống xong liên hoan hát hò. Thầy Quỳnh thầy Hưng chơi ghi ta tốt, thầy Cừ, Thầy Long hát rất hay. Những bài hát cổ điển các thầy trình diễn nhiều lần, tôi nhờ vậy biết được, nào Lòng mẹ, Sibêri nở hoa, Trở lại Sôrianto, Souliko, Sungsinsô, Chiều Mátcơva, Đôi bờ, Kachíusa…

Thời gian ở đây đối với tôi, được xem như một cái mốc của đời mình, đó là thời gian mới vào nghề nhưng chỉ trong hai năm tôi đã trở thành một giáo viên được Sở và đồng nghiệp chú ý. Hai công việc tôi đạt được thành tích cao là năm nào đội Học sinh giỏi của trường đều đạt giải của tỉnh trong số đó học sinh lớp tôi phụ trách có em giải nhất. Điều thứ hai là tôi tổ chức được cuộc thi “Rèn luyện kỹ năng” cho học sinh gọi tên là Sáu Cửa, gồm sáu môn thi nói: 1- đọc diễn cảm, 2- viết chữ đẹp, 3- kể chuyện hay, 4- nhớ thơ lâu, 5- biết nhiều tác giả, tác phẩm, 6 - làm tốt dàn bài tóm tắt. Mỗi lớp một đội, phải qua “sáu cửa” thi đó để đạt thứ hạng mong muốn. Chất lượng các cuộc thi vừa phải nhưng phong trào thì khá lên cao. Sở lấy làm mẫu nhân rộng ra các trường khác.

Thích nhất là những lần về vùng biển thăm học sinh. Học sinh ở đây ngoan hiền, nét sống vùng biển mang đậm nơi giọng nói các em. Tôi quen thân rất nhiều học sinh. Thầy trẻ, đánh bóng hay, hát được, các em gần gũi là đương nhiên. Cuối năm lưu bút các em có ghi hai câu thơ: Phượng ơi nở vội làm chi nhỉ ! Cho người li biệt nhớ thương nhau. Cảm động và vui. Còn tôi có những bài thơ viết vùng biển: Chiều biển động, nắng thiu thiu vòm lá/ Cát se se gió vẹt những hàng dương/Bác chài già phơi thớt lưng chàm tía/ Trên sạp thuyền lổn nhổn những phao bương/Những con thuyền nằm im trên bãi/ Rèn rèn chất đầy lưng/Dăm chú bé chạy lon xon lui tới/ Túi chặt những“coòng”/ Những chú“coòng” chạy về cuối bãi/Ngợp gió chiều lại vội vàng lui/Và bầy trẻ chộp ngang cho vào túi/ Đợi lúc hun thuyền, sẵn lửa nướng ăn vui/ Những mùa cá bự đầy sau mái ngói/ Vụ nồm này trăm tấn có dư/ Chiều biển động khảm thuyền hun nốôc/ Biển lặng rồi sẽ lại xa khơi… (Chiều trên bãi chài)

Ở Trường Cẩm Xuyên tôi được dạy cùng nhà thơ Xuân Hoài. Anh, mặc dầu là giáo viên Toán, vẫn hay thơ, hồi này đã có nhiều thơ đăng báo, được tuyển vào tập thơ trẻ Sức mới. Phòng anh phía trước, phòng tôi phía sau, nhà vách nứa nói chuyện vọng qua vách, anh thường đọc thơ cho tôi nghe. Tính trầm lặng, viết bảng đẹp, anh phụ trách Bảng tin của trường. Mấy năm sau anh vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi chuyển ngành sang ngạch văn hoá. Sau này tôi còn gặp anh nhiều lần, tình bằng hữu nảy nở và niềm yêu thích văn chương của tôi được truyền từ anh khá nhiều. Bài thơ “Những ngôi sao” anh viết dạo đó đã từng được giải trong một cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ.

Vì nhu cầu học tập của học sinh các huyện ngày càng đông, UBND Tỉnh quyết định mở thêm một số trường Cấp 3 ở các huyện lẻ nhằm phục vụ yêu cầu phụ huynh, đồng thời làm giảm sự tập trung, tránh sự bắn phá của không quân Mỹ. Tôi và một số giáo viên khác được điều vào dạy một trường cấp ba Kỳ Anh mới được thành lập. Những ngày đầu xây dựng trường, lớp, các thầy giáo làm nhiều việc có tính công vụ chứ không thuần giảng dạy: Chặt tre, đốn tranh, đào hầm, dựng lán học, chở bàn ghế…

Cùng về với tôi năm ấy có thầy Ánh. Anh người Hà Nội gốc, học Tổng hợp nhưng vì thiếu giáo viên Bộ vẫn liên hệ điều vào đây đi dạy. Lạ phong thổ, lạ sinh hoạt anh rất nhớ nhà. Qua lời anh kể, tôi mường tượng đến một ngôi nhà nằm sâu nơi phố Quan Thánh, có một bà mẹ sống bằng nghề đan len cùng ông chồng cán bộ lưu dung và một cô em gái học dở cấp 3…Về sau biết thêm anh có một giọng hát đẹp và là một tay “gôn “có hạng của một đội bóng sinh viên cuối khoá. Mới quen nhưng tôi cảm thấy như đã biết nhau từ lâu, rất cảm mến. Những ngày nghỉ tôi và thầy Ánh hay xuống địa phương thăm học sinh. Rất nhiều kỷ niệm cảm động. Chúng tôi biết nhiều về đất và người miền Trung nhờ những chuyến đi này. Các vị phụ huynh yêu con nên rất quý thầy, câu ca cũ  “Muốn sang thì bắc cầu Kiều…” nhờ những lần gặp này khắc sâu hơn trong tâm hồn tôi. Có bận tôi ngủ thiếp giấc trưa, chập chờn, bà mẹ ngồi cạnh đưa võng cho tôi. Có chị chép cho chúng tôi những câu hát rất nặng ân tình và giàu tính địa phương: Nhà có khách em thường đi ngõ sau/ sang vườn anh hái trộm ngọn trầu. Nhà vắng khách em thường sang nhà anh/ lắng tiếng đàn bầu.

Vào dịp nghỉ mùa, chúng tôi lên vùng cao Kỳ Thọ, Kỳ Lạc ở cùng học sinh. Đất sơn cước thoáng đãng có phần hoang vu nhưng nhiều cây cỏ, muông thú lạ. Khe suối rất nên thơ nhưng đường sá đi lại hơi khó khăn, đêm tiếng thú kêu, tiếng cây lá vi vút, gió xào xạc, những âm thanh dưới xuôi ít nghe vẳng đến trong đêm là lạ hơi nao lòng. Thời gian này đêm đêm nhiều đoàn xe cũng như nhiều đoàn quân thường hành quân qua đây. Miền Bắc đã qua bốn năm chiến tranh, ngày tháng trôi nhanh xuân qua hạ đến hết nắng lại mưa. Tôi linh cảm đến những buổi ra đi của các thế hệ thầy trò sau này…

Những năm dạy học ở Hà Tĩnh chứng kiến nhiều kỷ niệm bạn bè. Tôi nhớ nhiều về Quốc. Tốt nghiệp đại học tôi và Quốc đều được phân công về công tác Hà Tĩnh. Ở đại học, Quốc và tôi cùng một tổ học tập, lúc đó Quốc tổ trưởng, anh cùng với tôi có chân trong Nhóm cán sự bộ môn. Về Hà Tĩnh, tôi cùng các anh Quốc, Lê, Văn, là những thầy giáo dạy văn, hồi ấy hay gặp nhau đọc thơ và bàn chuyện văn chương. Lê người miền Nam ra Bắc diện học sinh tập kết, Văn người Hà Nội gốc ở phố Khâm Thiên. Quốc, bạn thân nhất quê Phủ Lý được phân về dạy Đức Thọ, hễ nghỉ là vào tôi. Với chiếc xe đạp cà tàng Quốc và tôi đi khắp các huyện. Thăm học sinh, vãn cảnh, tham quan các di tích, tìm hiểu sinh hoạt nhân dân…Lời dạy “Đi, học, đọc, viết” của một vị tiền bối cứ nhắc nhủ chúng tôi. Nhưng cái chính là đi để nói chuyện gia đình, đọc thơ văn cho nhau nghe vì hai đứa rất hiểu và tâm đắc nhiều vấn đề. Cùng tuổi, cùng học chung lớp, cùng sở thích, thân nhau là tất nhiên. Đặc biệt hai đứa cùng chung cảnh mẹ già một thời lẻ mọn, về già đơn chiếc, yếu ốm, xa con cái không ai đỡ đần khuya sớm. Thương và nói chuyện về mẹ về nỗi bất hạnh và sự hy sinh của các cụ là một đề tài hai đứa không bao giờ cạn. Ở Đức Thọ, Quốc thân với nhiều học sinh, đang học cũng như đã thôi học đi làm, có em ở cả những đơn vị dân quân trực chiến. Hồi ở đại học một lần yêu không thành về dạy ở Đức Thọ, anh yêu một cô giáo cấp 2. Cô dịu dàng rất dễ mến. Có lần Quốc dẫn tôi về thăm nơi cô dạy. Chuyện trò, lúc chia tay tôi đi trước, Quốc đứng lại nói chuyện rất lâu với cô giáo, sau cánh cửa khép hờ. Lúc về anh có vẻ bồn chồn, tôi gặng hỏi, Quốc không nói gì thêm…

Dịp nghỉ mùa năm ấy anh cùng về Nghi Xuân thăm mẹ tôi. Trên đường về anh ghé vào chợ, biết mẹ hay ăn trầu anh mua một ít trầu cau về biếu mẹ. Sớm hôm sau chia tay mẹ, hai đứa đèo nhau trở lại trường. Mẹ níu tay tôi dặn khẽ: Đi đường cẩn thận nhé, chục cau Quốc mua cho mẹ toàn “bị điếc” cả! Thói quen cũ, mẹ tôi nghĩ điềm báo có điều không lành sắp tới cho hai đứa. Dạo ấy trên đường những giờ cao điểm phòng không, nguy hiểm khôn xiết kể.

Bẵng đi mấy tuần không gặp và cũng không tin tức, hôm ấy đang chuẩn bị lên lớp tôi được Lê báo tin “Quốc bị bom. Ra ngay”. Tôi xin phép hiệu trưởng nghỉ, phóng xe ra Đức Thọ. Qua Cầu Rác máy bay nhào xuống ném bom, những quả bom không nổ xoè cái đuôi vàng óng trên mặt đường.

Tối ấy Lê cho tôi biết, Quốc bị bom khi vào trận địa 12ly7 thăm học sinh, ra về vừa lúc bom dập đến. Anh bị thuơng nặng đến bệnh viện thì mất cùng với một pháo thủ. Tôi khôn xiết đau buồn! Năm mươi ngày giỗ anh sau đó, Văn, Lê, tôi và cả cô giáo đi viếng mộ Quốc. Ngôi mộ còn mới nhưng cỏ đã nhú mầm xanh biếc. Lặng yên, tôi mong cho bạn bình yên nơi cực lạc, phù trợ cho tôi khi còn dang dở bao dự định.Tôi cảm thấy mình cô đơn, nhỏ bé và bất lực hơn bao giờ hết. Bao năm có Quốc chuyện trò động viên nhau, tôi cảm thấy vững chải bao nhiêu thì giờ yếu ớt bấy nhiêu. Thắp nén hương trên mộ bạn, tôi hứa thầm sẽ làm tròn những điều hai đứa đã từng nuôi mơ ước.

Tôi đọc lại những câu thơ của Quốc, những câu thơ như chắt ra từ cõi lòng anh đối với Hà Tĩnh : Mùa em về sông La rất xanh/, Chiền chiện xuống chiền chiện lên chao hót/ Lúa đồng chiêm gặp trộ mưa tốt vụt/ Trận địa nằm bên lúa gió thâu đêm...

                                                                                                       H.Q

(ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...