19-08-2021 - 08:50

Hà Tĩnh với Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2021). Tạp chí Hồng Lĩnh số 180 trân trọng giới thiệu bài viết “Hà Tĩnh với Cách mạng Tháng Tám” của đồng chí Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

       Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2-9 là cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vùng lên giành chính quyền về tay mình, thực hiện mục tiêu đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc. Có thể nói trong cao trào cách mạng chung của cả nước, Hà Tĩnh đã đóng góp phần xứng đáng của mình. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước.

       Điểm nổi bật là cuộc khởi nghĩa nổ ra ở huyện Can Lộc (vào ngày 16-8-1945) khi chưa nhận được chủ trương của Việt Minh tỉnh và do một nhóm thanh niên giác ngộ trong tổ chức Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt. Do nắm bắt kịp thời tình hình nên nhóm này đứng lên vận động quần chúng xông vào huyện đường tước vũ khí của lính bảo an và buộc Huyện trưởng trao ấn triện, sổ sách, giấy tờ cho họ. Sau đó Uỷ ban khởi nghĩa huyện mới chính thức đứng lên tổ chức vũ trang giành chính quyền ở huyện lỵ và các địa phương trong huyện. Từ kết quả giành chính quyền an toàn và mau lẹ ở Can Lộc, cùng với việc nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh (Nghệ An- Hà Tĩnh), ngày 17-8-1945 Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà đã ra lệnh cho Uỷ ban khởi nghĩa hai huyên Thạch Hà và Cẩm Xuyên đứng lên giành chính quyền để làm hậu thuẫn cho việc giành chính quyền ở Thị xã Hà Tĩnh. Quần chúng cách mạng từ các xã ở huyện Cẩm Xuyên đã rầm rập kéo về bao vây Đồn Trường buộc binh lính hạ vũ khí đầu hàng, sau đó tiến vào huyện lỵ, mở nhà lao, giải phóng tù nhân, vào huyện đường buộc Huyện trưởng giao ấn tín và tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời huyện. Cùng lúc, quần chúng nhân dân ở các xã Thạch Việt, Thạch Sơn, Thạch Long, Thạch Thượng, Thạch Lâm, Thạch Điền... theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa Thạch Hà đã đứng lên giành chính quyền ở xã và kéo về huyện. Việc các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên nhanh chóng giành được chính quyền đã gây tiếng vang lớn và kịp thời cổ vũ nhân dân các nơi khác trong tỉnh. Sáng ngày 18-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà, một mặt yêu cầu quân đội Nhật đóng ở Thị xã Hà Tĩnh không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân địa phương; mặt khác huy động nhân dân ở Thị xã, các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên kéo về bao vây tỉnh lỵ. Tỉnh trưởng Hà Văn Đại chấp nhận đầu hàng, ký giấy trao trả chính quyền cùng toàn bộ sổ sách, ấn tín, súng đạn và tiền bạc cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đã thắng lợi nhanh gọn trong sáng ngày 18-8-1945. Trưa hôm đó quần chúng cách mạng với băng cờ, khẩu hiệu nô nức kéo về sân vận động thị xã Hà Tĩnh long trọng chứng kiến lễ ra mắt của Chính quyền Cách mạng lâm thời Tỉnh do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Tin khởi nghĩa ở Thị xã Hà Tĩnh thành công đã nhanh chóng loan đi khắp tỉnh và trong cả nước. Chiều ngày 18-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ lãnh đạo quần chúng vũ trang, biểu tình bao vây huyện đường. Các Huyện trưởng đều chấp hành mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa trao lại chính quyền cho nhân dân. Chính quyền cách mạng lâm thời ở Kỳ Anh và Đức Thọ được thành lập đã kịp thời lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở các xã trong huyện. Ngày 19-9-1945, Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nghi Xuân đã nhanh chóng chuyển cuộc mít tinh quần chúng nhằm chuẩn bị khởi nghĩa thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong hôm ấy. Cùng ngày Uỷ ban khởi nghĩa huyện Hương Sơn đã tổ chức quần chúng vũ trang biểu tình dành chính quyền ở huyện và buộc đơn vị quân Nhật ở đồn Ferey phải rút về Vinh, tạo điều kiện cho nhân dân các xã trong huyện dành chính quyền. Tuy có chậm hơn, nhưng đến ngày 21-8-1945, ở huyện Hương Khê quần chúng từ các xã kéo về tước vũ khí của binh lính ở đồn Chu Lệ rồi bao vây chiếm huyện đường và giành chính quyền trong ngày hôm đó. Như vậy cuộc khởi nghĩa dành chính quyền ở Hà Tĩnh đã diễn ra mau lẹ và dành thắng lợi hết sức trọn vẹn. Chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 16-8 đến 21-8-1945) toàn bộ chính quyền từ xã đến huyện, đến tỉnh đã về tay nhân dân, trong đó ở tỉnh lỵ vào ngày 18-8, trước khi nổ ra cuộc Tổng khởi nghĩa cả nước một ngày.

       Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Hà Tĩnh là kết tinh truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng được hun đúc từ bao đời nay, mà đặc biệt là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng vạch ra con đường đấu tranh, chỉ có thể là vùng lên làm cách mạng giành chính quyền. Điều này đã được tập dượt từ 15 năm trước trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đỉnh cao của Xô Viết Nghệ Tĩnh là ở Hà Tĩnh đã có 170 làng xã giành được chính quyền và lập nên các xô viết. Trong thực tế chính quyền cách mạng tuy tồn tại không được lâu, nhưng đã mang lại quyền lợi thiết thân cho họ. Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại, kẻ thù ra tay đàn áp bắt bớ, tù đày chém giết, đốt phá...song có một điều mà chúng không bao giờ làm lung lay được, đó là niềm tin của nhân dân vào cách mạng, vào thắng lợi. Vào thời điểm mà bọn phát xít Nhật cấu kết với thực dân Pháp ra sức bóc lột, vơ vét, đàn áp khủng bố, gây nên nạn đói khủng khiếp cướp đi trên 5 vạn sinh mệnh thì cũng là lúc thời cơ cách mạng đến. Nhạy cảm, sáng tạo và vốn đã từng trải, đã được tập dượt, quần chúng cách mạng Hà Tĩnh vùng lên chớp thời cơ giành chính quyền. Chính vì thế mới có hiện tượng giành chính quyền ở huyện Can Lộc; hay đến bây giờ chúng ta vẫn còn ngạc nhiên là với trình độ thông tin lúc đó làm sao mà chỉ trong 5 ngày cả tỉnh giành được chính quyền trọn vẹn, khi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chưa được khôi phục, mọi hoạt động về tổ chức và lãnh đạo đều do Mặt trận Việt Minh mới ra đời đảm đương.

Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn, Can Lộc. Ảnh: Huy Tùng

       Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám như là sự tất yếu diễn ra khi mà phong trào quần chúng có được một tổ chức Đảng được tôi luyện trong đấu tranh và một lãnh tụ tài ba lãnh đạo. Mục tiêu giành độc lập dân tộc cũng là mục tiêu đấu tranh suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, Người đã tìm cách tuyên truyền vận động nhân dân, đã trực tiếp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chuẩn bị đội ngũ cốt cán cho cách mạng...và Người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng này. Bây giờ đọc lại các văn kiện của Đảng càng thấy rõ Đảng ta đã chủ động từ đầu cho cuộc cách mạng. Từ “Sách lược vắn tắt” của Nguyễn ái Quốc và “Luận cương chính trị” của Đảng ngay khi Đảng mới thành lập; cho đến sau này vào những thời điểm có tính quyết định, thì Đảng đã có những chủ trương cực kỳ sáng suốt và kịp thời, như là ở Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941) đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xúc tiến việc xây dựng lực lượng vũ trang và chuẩn bị mọi mặt để tiến hành Tổng khởi nghĩa. ở Hội nghị Thường vụ TW Đảng (từ ngày 25 đến 28 tháng 2 năm 1943), sau khi đã phân tích kỹ tình hình quốc tế và trong nước đã nêu chủ trương: “Chúng ta phải tích cực thi hành kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa, đặng dành lấy những kết quả tốt đẹp cho cách mạng”. Chỉ thị của Ban thường vụ TW Đảng (ngày 12-3-1943) “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã nêu rõ: “Sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa khi đã đủ điều kiện (ví dụ khi quân đồng minh bám chắc và tiến mạnh trên đất ta)”. Chủ trương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa của TW là định hướng chiến lược để Hà Tĩnh tiếp thu và vận dụng phù hợp với tình hình, nhất là việc kịp thời thành lập Mặt trận Việt Minh ở các cấp. Ngày 8-8-1945 Việt Minh liên tỉnh họp Đại hội đề ra chủ trương “Gấp rút xây dựng lực lượng, đẩy mạnh mọi mặt công tác, tích cực chuẩn bị để khi thời cơ đến sẽ khởi nghĩa giành chính quyền”. Dựa theo tinh thần đó khi nhận được tin Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh, một hội nghị khẩn cấp của Việt Minh ở Phân khu Nam Hà được triệu tập vào ngày 13-8-1945. Hội nghị đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Uỷ ban khởi nghĩa Phân khu Nam Hà và Uỷ ban khởi nghĩa ở các huyện. Trong lúc này các đồng chí cán bộ, đảng viên vượt ngục trở về hoặc được tha trước đó cùng với những thanh niên trí thức giác ngộ cách mạng đã là những cốt cán nòng cốt từ ở các làng xã đến huyện, đến tỉnh. Họ góp phần quan trọng vào việc tổ chức, lãnh đạo quần chúng kịp thời đứng lên giành chính quyền.

       Phát huy truyền thống cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước tiếp tục lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất trong cả nước không để cho giặc Pháp đứng chân được 24 tiếng đồng hồ trên đất mình; là vùng hậu phương cung cấp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh xứng đáng là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc và hậu phương của chiến trường miền Nam. Nhân dân Hà Tĩnh vừa xây dựng, vừa chiến đấu giữ vững mạch máu giao thông đảm bảo cho sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam thông suốt. Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương và cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, góp phần mình vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước giành độc lập, thống nhất nước nhà. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, Hà Tĩnh đang ra sức xây dựng quê hương phát triển toàn diện, phấn đấu nhanh chóng thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”. Đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như mục tiêu Đại hội Đảng bộ XIX đã đề ra.

Đ.D.B

. . . . .
Loading the player...