30-12-2022 - 07:01

KHẢO CỨU HỆ THỐNG VĂN MIẾU, VĂN THÁNH Ở HÀ TĨNH

Tạp chí Hồng Lĩnh Số tháng 12 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh "Khảo cứu hệ thống Văn Miếu, Văn Thánh ở Hà Tĩnh"

 

khảo cứu hệ thống văn miếu,

văn thánh ở hà tĩnh

                                                                                       

 Văn Miếu ở Việt Nam gắn liền với lịch sử nền giáo dục và khoa cử Nho học nước nhà. Văn Miếu ra đời sớm nhất ở Việt Nam là Văn Miếu Thăng Long, được xây dựng từ năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072). Sau Văn Miếu Thăng Long, lần lượt Văn Miếu các trấn, các tỉnh được ra đời như Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Miếu Lạng Sơn, Văn Miếu Tam Đới (Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc), Văn Miếu Mao Điền (Văn Miếu tỉnh Hải Dương), Văn Miếu Nam Định, Văn Miếu Trấn Biên (Văn Miếu tỉnh Biên Hòa), Văn Miếu Huế, Văn Miếu Thanh Hóa, Văn Miếu Nghệ An, Văn Miếu Gia Định…

Đối với Hà Tĩnh, do từng là địa bàn phên dậu của Đại Việt, lại là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong cho nên việc xây dựng văn miếu, văn thánh ở Hà Tĩnh cũng diễn ra muộn hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Phải đến thời Lê trung hưng, khi có nhiều người Hà Tĩnh đỗ đạt cao, được bổ dụng vào chốn quan trường, việc học ngày càng phát triển thì việc xây dựng văn miếu, văn thánh mới có điều kiện hơn. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thiên tai và chính sự tàn phá của con người, nhiều văn miếu, văn thánh ở Hà Tĩnh đã dần xuống cấp, đặc biệt là hệ thống văn thánh, văn chỉ của các xã đều hầu như mai một, nay không còn nữa.

Ngày nay, cùng với phong trào phục dựng các di tích Lịch sử - văn hóa thì một số di tích văn miếu, văn thánh ở Hà Tĩnh cũng đã được khôi phục, trùng tu, xây dựng lại, một số hoạt động lễ hội, vinh danh việc học được tổ chức tại văn miếu, văn thánh. Tuy chưa được nhiều nhưng đây cũng là nỗ lực lớn của Nhân dân và chính quyền từ cấp tỉnh đến các địa phương.

1. Văn Miếu Tiên Điền

Sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn chép về Văn Miếu Tiên Điền: “Văn Miếu ở xã Tiên Điền. Từ thời Long Đức về trước lệ tế đình huyện ta thường tế ở Văn Miếu Xuân Viên; vào thời vua Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1740) Xuân Nhạc công mới dời về đây. Năm Tân Hợi thời Tây Sơn (1971) quan Hiệp trấn Nguyễn Quang Dụ vào đánh phá Tiên Điền, phóng hỏa đốt cháy lan tràn chỉ còn lại tòa miếu thờ các vị thánh hiền trước, lợp ngói 3 gian mặt xây tường. Cách vài năm sau, con trai thứ 2 ông Xuân Nhạc là Nghị đình hầu Nguyễn Nệ (Đề) mới sửa sai lại… Năm Mậu Tuất thời Vua Minh Mạng (1838) làm thêm một toà bái đường, do phe dân hộ trong huyện lợp. Năm Canh Tý thời Minh Mạng (1840) xã Tiên Điền lợp ngói toàn thượng và mua sắm chiêng trống. Hội tư văn huyện làm thêm hành lang hai bên để thờ những người đậu đạt trước cũng lợp bằng ngói. Tri huyện Nguyễn Vỹ lại đứng chủ đốc suất sĩ, dân trong huyện cúng tiền để lợp ngói bái đường”.

Qua mô tả trên có thể thấy, kể từ sau lần trùng tu năm 1840, Văn Miếu Tiên Điền cơ bản giữ nguyên vị trí như hiện nay, có hai tòa chính là Thượng điện và bái đường, về sau gọi là Nhà Văn Thánh và Nhà Tư văn. Văn Thánh thờ Khổng Tử và các vị đỗ đạt trong huyện, Nhà Tư văn dùng làm nơi để bình văn, đàm đạo văn chương.

Hiện nay, Văn Miếu Nghi Xuân nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du. Năm 2020 - 2021, Nhà Văn Thánh và Nhà Tư văn (Văn Miếu Nghi Xuân) được trùng tu, tôn tạo lại cùng với Dự án trùng tu, khôi phục hạng mục gốc di tích Khu lưu niệm Nguyễn Du.

2. Văn Thánh xã Bùi La Nhân

Cùng thời Văn Miếu Tiên Điền là Văn Thánh xã Đức Nhân, phủ Đức Quang, nay là xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ. Đây cũng là một trong những Văn Thánh có niên đại xây dựng sớm nhất ở Hà Tĩnh. Văn Thánh này được xây dựng vào tháng 2 năm Nhâm Tý 1732, hoàn thành vào tháng 8 năm Ất Mão 1735. Tại đây hiện vẫn còn lưu giữ một tấm bia đá cổ, đề là “Tạo thánh vũ bi”, ghi chép lại quá trình xây dựng Văn thánh. Đặc biệt, tấm bia này còn ghi rõ họ tên 72 vị, trong đó có 2 Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) cùng các chức sắc khác gồm Tri phủ, Tri huyện, lại viên trong huyện tham gia, góp công xây dựng Nhà Văn thánh, đó là: Tứ Quý Sửu khoa đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Phan Như Khuê; Tứ Quý Sửu khoa đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân - Tuyên Quang xứ Giám sát Ngự sử Nguyễn Hoành; Tri phủ Bùi Đĩnh Vĩ; Tri huyện Từ Nhã Thực…

Sách Văn bia Hà Tĩnh cũng ghi rõ: “Đoái nghĩ, quan Thị nội Giám ti Lễ giám Tổng thái giám Tham đốc Tình Quận Công Bùi Phan Hữu, sớm theo hầu vua, dấn thân trên đường hoạn lộc, tận tụy tinh tế phụng sự nơi cung cấm, vẫn giữ lòng thanh cao trong sáng; tấm lòng cung kính quyến luyến sự dạy dỗ của thánh hiền nơi học cung. Bèn suy bèn tính, thực muốn truy nguồn, mà cùng bàn cách làm rạng rỡ dấu tích xưa. Thế là ngày ngày tốt tháng trọng xuân năm Nhâm Tý, khéo chọn gỗ tốt, chế thành vuông tròn, họp thợ làm nhà, lầu gác quy cữ. Bên trong thì thượng điện cột xà nguy nga mới mẻ, quy mô sáng sủa khoáng đạt hơn xưa. Bên ngoài thì tiền đường tường vách to lớn liền tiếp, quy cách sáng sủa hơn ban đầu…”.

Như vậy, có thể thấy, việc Nhà Văn Thánh xã Đức Nhân được xây dựng khá sớm đã phản ánh đúng truyền thống học hành của địa phương này, bởi trong suốt chế độ giáo dục và khoa cử Nho học của nước nhà, La Sơn là huyện có người đỗ đạt nhiều nhất trong xứ Nghệ An trước đây cũng như sau khi tỉnh Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1831.

Sau một thời gian dài xuống cấp, đến năm 2016, xã Đức Nhân (nay là Bùi La Nhân) đã tiến hành trùng tu lại Văn Thánh, gồm ba gian, tường xây bít đốc, hệ thống cột, vì, xà… cơ bản được giữ lại từ nếp nhà cũ. Năm 2017, Nhà Văn Thánh này đã được xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các lễ tế cũng có nhiều thay đổi nhằm phù hợp với cuộc sống hiện nay.

3. Văn miếu Phương Cần (Văn Miếu phủ Hà Hoa)

Tiếp sau Nhà Văn Thánh xã Đức Nhân là Văn Miếu Phương Cần, hay còn là Văn Miếu phủ Hà Hoa, được xây dựng trong một khu đất bên bờ sông Vân (Ngàn Mọ) ở làng Phương Cần, tổng Mỹ Duệ, nay là xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Văn Miếu phủ Hà Thanh: Ở xã Hương Cần, thuộc huyện Cẩm Xuyên, do thân hào ba huyện cùng phụng thờ. Miếu làm theo lối cổ, trong nội cung là nhà ngói, đặt tượng đức Khổng Tử, hai bên tả hữu đặt tượng Tứ Phối (bốn vị phối hưởng là: Nhan Hội, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Kha) và Thập Triết (10 vị hiền triết là: Mẫn Tử Khiên, Tử Trương, Tể Ngã, Nhiễm Cầu, Tử Du, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung, Tử Cống, Quý Lộ, tử Hạ), các tượng thờ đều thếp vàng thếp bạc cả”.

Sách Phong thổ ký các huyện ở Hà Tĩnh chép về Văn Miếu Phương Cần như sau: "Tượng nhà Văn Thánh Phương Cần - Văn Miếu này tại xã Phương Cần, tổng Mỹ Duệ. Miếu có một tòa thượng điện ba gian, gian giữa tầng trên hết đặt tượng đức Khổng phu tử, tầng dưới đặt tượng bốn vị tứ phối… Tả vu, hữu vu là nơi thờ các tiên triết, tiên nho (trong phủ) qua các thời đại… Hàng năm hai ngày "xuân đinh" (ngày "đinh" tháng hai âm lịch), "thu đinh" (ngày "đinh" tháng tám âm lịch) thân sĩ, sắc hào ba huyện hội tế ở đây". Tuy nhiên, cuối thời Lê, do chiến tranh liên miên, việc thờ cúng ở Văn miếu bị bỏ phế, đến đời Nguyễn Gia Long mới được phục hồi. Các tỉnh thần Hà Tĩnh như: Nguyễn Công Điển, Tôn Thất Hân, Nguyễn Khoa Tân... lần lượt cho tu sửa lại miếu sở, và khắc bia ghi lại việc này. Từ lâu, dân địa phương đã truyền nhiều chuyện ly kỳ để tôn sự thiêng liêng của ngôi miếu. Ví như, "Cứ đến ngày sóc, vọng và gần kỳ mở khoa thi, đêm khuya thanh vắng, người ta nghe văng vẳng có tiếng đọc sách trong miếu". Hoặc các bức tượng Khổng thánh và tứ phối cao lớn hơn người thật, được tạc rất công phu, sơn thiếp đẹp đẽ, được truyền là "Triều nhà Trần sai sứ sang Bắc quốc, đến tận quê đức Khổng, mua gỗ bạch đàn chạm tượng các vị, rước về, nửa đường gặp sóng gió, thuyền trôi vào cửa Kỳ La, đến sông Phương Cần thì tự dừng lại, do đó, người ta lập miếu thờ ở đây. Thời Tây Sơn, sợ bị huỷ hoại, dân địa phương đưa tượng đặt vào sau vách miếu, luyện đất sét trát kín lại để cất giấu. Sau khi bản triều đại định, dân ta mới rước ra thờ phụng như cũ"1

Như vậy, Văn Miếu Phương Cần, tức Văn Miếu phủ Hà Hoa (từ 1841 là Hà Thanh) có thể đã được xây dựng từ đời Lê. Trước năm 1945, quan lại chức dịch văn thân ba huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (vốn thuộc phủ Hà Hoa/Hà Thanh/Thạch Hà) hàng năm vẫn hợp tế ở Văn Miếu Phương Cần.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Miếu Phương Cần dần bị phế tích, các đồ tế khí, hoành phi, đối liễn… đều mất mát cả, còn tấm bia đá thì dân trong làng đem lót dưới bến sông Ngàn Mọ, gần đây được vớt lên nhưng đã bị vỡ và mòn hết chữ. Đến năm 1950, toàn bộ hiện vật ở Văn Miếu Phương Cần như tượng Khổng Tử, bài vị, đồ tế khí, đại tự, câu đối đều đem về hợp tự về Văn Miếu Hà Tĩnh. Mặc dù vậy đến nay Văn Miếu Phương Cần chưa phai mờ trong ký ức của dân địa phương và ít nhiều còn được lưu lại trong thư tịch.

4. Văn miếu Hà Tĩnh (Văn miếu Thạch Hà)

Văn Miếu được dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ở làng Hoàn, xã Đông Lỗ (nay là phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh).

Trước đây Văn miếu Hà Tĩnh được phân bố trên một khuôn viên rộng với diện tích khoảng 2.500 m2, ngoảnh mặt về hướng Đông, ban đầu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh, sau đó được tu bổ, mở rộng và trở thành công trình khá lớn gồm các hạng mục: cổng tam quan cao 5m, hai bên là cột nanh cao khoảng 2m - 3m đều làm bằng gỗ lim, có nghê đứng chầu. Qua cổng tam quan là con đường lát gạch chạy thẳng tới hồ bán nguyệt ở giữa, sau đó theo hai lối tả, hữu đi vào sân rộng và đến Thượng đường.

Văn Miếu Hà Tĩnh được giữ nguyên hiện trạng cho đến năm 1955, công trình có ba tòa nhà chính, xếp hình chữ “môn” và nhà “túc hậu” được làm bằng gỗ, nhà 4 mái (2 mái dài, 2 mái ngắn) lợp ngói âm dương, đỉnh nóc đắp nổi họa tiết 2 con rồng “lưỡng long chầu nguyệt”. Các cột trụ ở mỗi gian và các vì kèo trong nhà đều làm bằng gỗ lim, xung quanh các cột tạo hình dáng long, ly, quy, phượng uốn lượn, bay bổng, phóng khoáng, tinh tế. Nền nhà đắp bằng đất cứng cao ráo, trơn, mịn, bằng phẳng có màu đen. Móng nhà được xây bằng đá ong rất chắc chắn. Lên bậc tam cấp vào Thượng đường rộng lớn, giữa có điện thờ chính, phía trên treo bức hoành phi, hai bên là hai câu đối. Điện thờ chính là nơi đặt bài vị thờ Khổng Tử, hai bên là bài vị thờ Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Trong hai dãy Tả vu, Hữu vu thờ Thất thập nhị hiền và các vị Tiên hiền của vùng đất Hà Tĩnh. Nhà chính còn có các pho tượng chạm khắc tinh tế, sơn son thiếp vàng. Trên bệ thờ có hòm sắc đựng sắc phong, bài vị. Sau nhà Thượng đường là nhà Túc hậu.

Tại Văn Miếu Hà Tĩnh trước đây thường diễn ra các lễ tế với nghi thức trang trọng, đó là lễ tế xuân (tháng 2 âm lịch) và tế thu (vào ngày 15 tháng 8 âm lịch), tức là ngày lễ tế Nho thánh và các vị tiên hiền. Lễ tế do các vị quan đầu tỉnh và các bô lão đứng ra chủ trì, Hội Tư văn đảm nhiệm việc tế (Hội Tư Văn là một tổ chức của giới nho sĩ, gồm các nhà khoa bảng, các nhà văn thân tiêu biểu trong tỉnh). Trước lễ tế, quan viên địa phương, các vị bô lão khăn đóng, áo dài làm lễ. Sau khi tế có cuộc hội ẩm của quan chức, văn thân hàng tỉnh. Những người đậu đạt cao trước khi nhận ấn tín, mũ áo vua ban thường đến Văn Miếu lễ bái để tỏ lòng biết ơn các vị Nho thánh đã ban cho ân đức, học hành đỗ đạt làm rạng rỡ cho các sĩ tử vùng đất Hà Tĩnh. Ngoài tế lễ Văn Miếu còn là nơi tổ chức các kỳ sát hạch học trò toàn tỉnh chọn ra những người giỏi để đi thi Hương. Kỳ thi Hội năm 1919 là kỳ thi Nho học cuối cùng, từ đó về sau việc sát hạch học trò cũng không còn nữa.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Văn Miếu Hà Tĩnh chỉ còn diễn ra lễ tế xuân và một số hoạt động văn thơ của hội Tư văn. Đến năm 1955, sau cải cách ruộng đất, Văn Miếu bị phá dỡ hoàn toàn, một số tượng thờ ở Văn Miếu và các đền chùa trong vùng đều hợp tự về Võ Miếu, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Trải qua thời gian, di tích Văn Miếu hiện chỉ còn lại là chiếc lư hương bằng sứ cổ, là minh chứng cho quá trình thăng trầm của Văn miếu Hà Tĩnh.

Năm 2013, Dự án trùng tu Văn Miếu Hà Tĩnh được khởi công xây dựng trên diện tích 1,672ha bao gồm các hạng mục: Nhà Đại bái, Tả vu, hữu vu, nhà Bia, lầu chuông, lầu trống, Văn miếu môn… Hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gian chính của Văn Miếu có thờ bài vị Khổng tử, tượng Chu Văn An, Nguyễn Huy Oánh, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đại thi hào Nguyễn Du. Thành phố Hà Tĩnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động vinh danh học tập tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

5. Văn Miếu phường Đức Thuận

Văn Miếu Đức Thuận có từ thời gian nào chưa rõ, sau bị phế tích, năm Tự Đức thứ 30 (1877) được xây dựng lại. Ngày 15 tháng 10 cùng năm thì hoàn thành, dựng bia ghi lại sự kiện này. Bia do Tú tài Nguyễn Tử Cường soạn, Cử nhân Tri huyện huyện Phong Doanh Lê Lai Yến và Tú tài Hàn lâm viện Điển bạ Đặng Đức nhuận sắc. Tú tài Nguyễn Văn Kiểm viết chữ, thợ đá Thanh Hóa là Lê Văn Trung khắc bia. Văn Miếu Đức Thuận nay đã xuống cấp trầm trọng, hiện chỉ còn lại một vài hạng mục như Nghi môn, nền móng, một số cây cổ thụ… Tuy nhiên, qua những gì còn sót lại cũng cho thấy đây là một di tích đồ sộ, bề thế, đặc biệt là cổng Văn Miếu với kiến trúc hai tầng tám mái chồng diềm, khá độc đáo và khá hiếm trên địa bàn Hà Tĩnh. Việc phục dựng lại Văn Miếu Đức Thuận là rất cần kíp hiện nay.

6. Văn Miếu Kỳ Anh

Sách Địa chí huyện Kỳ Anh cho biết: “Nho học đã có từ đời Lê và khá thịnh đầu đời Nguyễn ở Kỳ Anh. Nhưng giới nho sĩ Kỳ Anh lúc đầu chỉ thờ Văn Thánh (Khổng Tử) ở Văn Miếu Phương Cần (Mỹ Duệ) cùng với hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Mãi đến giữa đời Nguyễn, huyện mới dựng nhà Văn Miếu ở Biểu Duệ (Kỳ Tân), nay vẫn còn cổng. Một số làng xã thịnh nho học cũng có Nhà Văn thánh làng. Lễ tế Văn Thánh tiến hành hàng năm vào ngày “thượng đinh” (ngày đinh tháng hai âm lịch), do giới tư văn chủ trì”.

Trước đây, kiến trúc Văn Miếu rất đồ sộ, bao gồm: cổng, tam quan, bái đường (rộng 5 gian); phía trong là Nhà Tả vu, Hữu vu và Thượng điện (3 gian hai hồi). Cổng tam quan có kiến trúc chồng diêm, ba tầng tám mái, phía trước trổ cửa vòm, xung quanh xây tường bằng vật liệu truyền thống vôi, vỏ hàu kết dính, trần mái đổ khung tre trát vôi vữa kết dính. Phía trên cửa vòm cổng đắp nổi 3 chữ Hán: (Văn miếu môn). Mặt trước cổng văn miếu trang trí đề tài mây cách điệu và hồi văn; có đắp đôi câu đối chữ Hán, được gắn mảnh gốm hoa lam.

Văn Miếu Kỳ Anh tồn tại đến khoảng giữa thế kỷ XX thì dần xuống cấp, về sau bị phế tích, chỉ còn một số dấu vết như cột nanh, tảng kê chân cột, bia đá nhưng bị mờ hết chữ. Năm 2015, chính quyền và nhân dân địa phương đã khôi phục lại Văn Miếu này, với kiến trúc nhà một tòa ba gian, để làm nơi thờ Chu Văn An, Lê Quảng Chí, Lê Tuấn và các vị đỗ đạt trong vùng.

7. Các Văn miếu, Văn thánh khác

Ngoài các Văn Miếu, Văn Thánh đã khảo cứu, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn có một số lượng khá nhiều di tích tương tự nhưng hầu hết đã xuống cấp, một số mới được phục dựng gần đây, còn lại đa số chỉ còn trong trí nhớ của người cao tuổi và một số sách địa chí, lịch sử địa phương như: Huyện Đức Thọ có Văn Miếu phủ Đức Thọ Yên Trung, Văn Thánh Du Đồng, Văn Miếu Quang Chiêm, Văn Thánh Gia Thịnh, Văn Thánh Hạ Tứ, Văn Thánh Thái Yên, Văn Thánh Yên Mỹ, Văn Thánh Thọ Tường… Huyện Nghi Xuân, ngoài Văn Miếu Tiên Điền còn có Văn Miếu xã Uy Viễn (xã Xuân Viên ngày nay), Văn Miếu xã Xuân Mỹ. Huyện Can Lộc có Văn Miếu Phù Lưu Thượng, Văn Thánh Lai Thạch. Huyện Hương Khê có Văn Miếu Thượng Trạch. Huyện Hương Sơn có Văn Miếu Đỗ Xá, Văn Thánh Dương Trai…

Qua một số khảo cứu nói trên, có thể thấy hệ thống văn miếu, văn thánh của Hà Tĩnh trước đây vốn khá đa dạng, trải đều ở khắp các phủ, huyện, tổng, làng xã. Những địa phương có truyền thống hiếu học phát triển sớm thì văn miếu, văn thánh cũng được xây dựng sớm hơn, nhiều hơn. Văn Miếu được xây dựng sớm nhất có thể là Văn Miếu Phương Cần, tiếp đến là Văn Miếu Xuân Viên, Văn Miếu Tiên Điền, Văn Miếu Đức Thuận, Văn Thánh Đức Nhân và một loạt văn miếu, văn thánh ra đời dưới thời Hậu Lê, triều Nguyễn…

Bản đồ phân bố và thời gian xây dựng hệ thống văn miếu, văn thánh của Hà Tĩnh cũng chính là bức tranh phản ánh đúng lịch sử kiến tạo và tinh thần vượt khó, hiếu học, vươn lên của người dân Hà Tĩnh.

        Nguyễn Tùng Lĩnh

________________

1. Nhiều tác giả (2001), Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh, tr.105.

Tài liệu tham khảo: Lê Văn Diễn (2010), Nghi Xuân địa chí, Nxb Thanh Niên, Hà Nội; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kỳ Anh (2011), Địa chí huyện Kỳ Anh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Bảo tàng Hà Tĩnh (2017), Văn bia Hà Tĩnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; Nhiều tác giả (2001), Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh xuất bản; Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội…

 

 

. . . . .
Loading the player...