15-02-2023 - 14:27

“Kính lão đắc thọ” nét đẹp văn hóa truyền thống

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Kính lão đắc thọ” nét đẹp văn hóa truyền thống của tác giả Lê Văn Tùng

"Kính lão đắc thọ" là một thành ngữ rất quen thuộc từ xa xưa đã được lưu tryền rộng rãi trong dân gian Việt nam, với ý nghĩa khuyên mọi người phải luôn biết kính trọng người già cả, người lớn tuổi hơn mình. Cũng có người còn hiểu thêm một ý nghĩa nữa là: Biết kính trọng người già thì rồi mình cũng sẽ được sống lâu, theo nghĩa "Kính già già để tuổi cho".... Dù hiểu theo nghĩa nào thì đây cũng là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử cần được gìn giữ và phát huy, đó là: lễ phép, cung kính, tôn trọng người cao tuổi.

Con cháu chúc thọ ông bà là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Ảnh: Duy Khôi /baocantho.com.vn

Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người thượng thọ là có được cái phúc lớn. Có phúc lớn mới được sống lâu, có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc đức ấy.

Cũng chưa biết rõ câu thành ngữ “kính lão đắc thọ” mang ý nghĩa tốt đẹp ấy bắt đầu có từ thời nào, nhưng từ rất xa xưa việc tôn vinh, qúy trọng người cao tuổi không chỉ nẩy sinh trong ý thức của mỗi người, trong phong tục lệ làng mà còn có cả những quy định của "phép vua" nữa.

"Năm Tự Đức thứ sáu (1853), nhà vua nói rằng những người thọ 80 là rất quý, cần được hưởng tiệc "ngũ đậu" để tỏ lòng quý trọng. Tiệc "ngũ đậu" gồm năm bát bằng gỗ, có nắp, có đế, dùng đựng năm loại thực phẩm quý để mời người thọ 80. Đó là nhà vua dựa theo Chu lễ mà ban hành.

Đến năm Tự Đức thứ 20 (1867), nhà vua còn quy định thêm về chúc thọ người 100 tuổi với các quy định: Nếu thọ 100 tuổi mà năm đời còn sống thì sẽ được ban:

- Từ 80 đến 100 lạng bạc, tùy địa vị xã hội.

- Vải sa Nam, sa Tàu 2 tấm mỗi thứ.

- Vải trừu Nam, lụa hai tấm mỗi thứ.

- Một tấm biển sơn son thiếp vàng, trên khắc hai chữ lớn "Thọ Quan", dưới đề tên..., chức vụ..., quê quán...

- Trường hợp đặc cách có thể tặng nhà ở.

(Đại Nam Thực Lục chính biên, tập XXXIII, đệ tứ kỷ VII, trang 341. Nhà xuất bản KHXH - Hà Nội 1973).

Ngày xưa tuổi thọ trung bình không cao, nên có thời sống đến 50,  55 tuổi đã được xếp vào "Lão hạng", 70, 80 tuổi trở lên đã là rất hiếm. "Phúc, lộc, thọ" là ba điều ai cũng ước muốn được càng nhiều càng tốt nên gọi là "Tam đa".

Để tỏ lòng "Kính lão đắc thọ", xưa ở các làng những ngày có hội hè, tế lễ lớn, phần giửa của đình làng thường được trải chiếu hoa cạp điều trang trọng, dành để mời các cụ cao tuổi ngồi ăn cỗ, ở đây các cụ cao tuổi cũng được gọi là quan - "quan lão". Các quan lão cũng được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, cố cả rồi đến cố hai... , còn phần hai bên mới mời các quan văn, quan võ ngồi theo thứ tự "tả văn, hữu võ".  "Thứ tự đình trung", hay "chiếu trên chiếu dưới" là xuất phát từ tục lệ này của các làng cổ.

Nhiều làng quê xưa còn có phong tục tặng ruộng lão. Làng thường trích ra mười hai phần ruộng, mỗi phần hai sào, trong đám "nhất đẳng điền" (hạng ruộng tốt nhất) để tặng 12 vị lão làng. Phần một được tặng cụ tiên chỉ (cố cả), tiếp đến phần 2, phần 3...cho các cụ kề cận theo sổ làng. khi có một cụ tạ thế thì cụ tiếp theo liền kề lên nhận phần ruộng này, các cụ cứ thế mà tiến dần lên. Người được tặng ruộng lão, nhất là ruộng lão bậc cao thì không những gia đình mà cả họ hàng xóm giềng ai cũng vui mừng nể trọng.

"Tuổi già làng xóm yêu vì,

Mười hai phần ruộng tặng về lão ông.

Cháu con chăm sóc hết lòng,

Quý như viên ngọc nằm trong chén vàng"

                                 (câu ca địa phương)

Tuy nhiên có điều rất đáng tiếc là các phong tục tặng ruộng lão, hay tôn vinh địa vị giửa đình làng... cũng chỉ thực hiện đối với các lão ông, các lão bà ngày xưa không được hưởng quyền lợi gì ở đó. Bởi theo quan niệm thời ấy, phụ nữ chỉ là người của gia đình, không được tham gia công việc làng, không có nghĩa vụ và quyền lợi gì trong làng, trong nước.

Lễ mừng thọ tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng đó là một phong tục cổ kính thể hiện sự kính lão của người Việt Nam ta. Các nhà nghèo thời trước thường không tổ chức nỗi lễ mừng thọ nên họ thường im lặng, giấu đi bậc tuổi lão của mình. Tuy nhiên, con cháu, họ hàng, láng giềng... vẫn đến với nhau, dù chỉ bát nước miếng trầu, quả cau... cùng với những lời chúc mừng thể hiện lòng kính yêu, cảm thông sâu sắc. Những nhà khá giả hơn, khi có ông bà, cha mẹ tuổi cao, thường mời bà con, thông gia, bạn hữu, làng xóm... đến dự lễ mừng thọ đông vui. Người đến dự lễ mừng cũng chỉ mang theo những thứ quà  rất đơn giản như dăm quả cau, một be rượu, thông gia có thể có bánh trái hoặc đối trướng...., vật chất tuy đơn sơ nhưng chứa đầy ý nghĩa chân tình và trân trọng. Lễ mừng thọ ở một số nhà có học hành hoặc ít nhiều có danh vọng thường có lễ yến lão (gần như tế sống - cũng rất ít có). Trong lễ yến, vị thọ lão mặc quần áo vải điều ngồi trên ghế cao chính giửa. Hai bên là quan khách ngồi theo thứ tự tuổi tác, chức tước, dưới cùng là họ hàng, con cháu... Thủ tục yến lão không phiền phức nhưng không khí rất trọng thị, trang nghiêm, lần lượt có lễ dâng trầu, dâng rượu, đọc lời chúc (chúc từ)... Sau đó quan khách, họ hàng, thông gia...., dâng tặng quà, đối trướng, hoặc nói lời chúc tụng. Chúc từ có khi là một bài thơ, nhưng thường là một bài văn nôm biền ngẫu, theo thể phú nên người ta gọi là "văn tế sống". Nội dung bài chúc từ chủ yếu là nêu lên công lao, đức độ của người được chúc mừng, tỏ lòng thành kính và ước nguyện của con cháu mong được Trời, Phật, Tổ tiên phù hộ để ông bà, cha mẹ được mạnh khỏe, sống lâu.... Sau đây là một đoạn trích trong chúc từ mừng cha mẹ tuổi 80 (của một gia đình ở xã Đại Nài, thuộc tổng Thượng Nhị, phủ Thạch Hà cũ): ( ....)  “Áo xiêm quỳ trước sân lai/ Bưng chén rượu dâng bài chúc thọ/ Con ghi nhớ từ ngày thơ nhỏ/ Công tập rèn nhờ bố biết là bao

Mẹ bế bồng xiết nỗi cù lao/Công đức ấy non cao biển thẳm/ Nay con được đội nhờ phúc ấm/Quế non yên đằm thắm mấy cành hoa/ Móc mưa sâu thẳm một nhà/Mừng bố mẹ tuổi đà tám kỷ/ Gương bạch tuyết long lanh rạng vẻ/ Tấm lòng con ngẫm nghĩ biết sao đền/ Dấu vàng son nhờ phước bề trên/ Phongbốn chữ: quan viên phụ mẫu./ Sách có chữ: Hiền thân chi vị hiếu/Chúng con dâng chén rượu chúc mừng/Mừng rằng:/ “Thung huyên tuổi hạc càng cao/ Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.”..... (Trích Làng cỗ Hương Nao)

Tuy nhiên, lòng hiếu thảo không căn cứ vào mâm cao cỗ đầy hay các giá trị vật chất khác. Trên hết và trước hết là lòng kính trọng và tình yêu thương. Con cháu có lòng hiếu nghĩa, người trẻ biết “kính già, trọng lão”, người cao tuổi biết làm gương và dẫn dắt lớp hậu sinh, đó mới là niềm hạnh phúc lớn, như Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng dạy:

      “Dưới biết kính trên, trên dẫn dưới,

      Ấy nhà còn thịnh, phúc còn thêm”.

                                           (Bạch Vân gia huấn)

Ngày nay, khi những người cao tuổi đã được tổ chức lại thành một đoàn thể "Hội Người cao tuổi" và đặc biệt khi luật người cao tuổi được ban hành thì không chỉ những nét đẹp văn hóa truyền thống "kính lão" được trân trọng giữ gìn mà vai trò và tác dụng của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi cũng được phát huy mạnh mẽ.

Luật Người cao tuổi còn quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của Người cao tuổi, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Luật và sau đó là Nghị định của Chính phủ còn quy định rõ cả những vấn đề về chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi như:

- Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.

- Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chúc thọ và tặng quà.

- Chính quyền địa phương phối hợp với Hội người cao tuổi và gia đình tổ chức mừng thọ người cao tuổi....

Có một câu chuyện vui kể về một công ty nọ đăng báo tuyển dụng nhân viên quản lý. Trong vòng ba ngày đã có đến trên mười người đến ứng tuyển và hầu như ai đến cũng cầm theo một “lá thư giới thiệu”. Vị giám đốc phỏng vấn tất cả các ứng viên và sau cùng quyết định chọn lấy một người trẻ tuổi, mặc dầu anh ta không cầm trên tay một phong thư giới thiệu nào cả. Khi thấy nhiều người có vẻ ngạc nhiên và thắc mắc, ông giám đốc giải thích:

"Những người khác chỉ mang theo một lá thư giới thiệu, còn chàng trai này mang đến những ba bức thư:

Khi bước vào phòng tôi, anh ta nhẹ nhàng khép cửa lại, đây là bức thư thứ nhất giới thiệu về sự cẩn thận. Trong suốt buổi nói chuyện, giọng anh ta nhẹ nhàng, rõ ràng và các câu trả lời đều thứ tự, hợp lý, đó là bức thư thứ hai giới thiệu về sự thông minh. Đặc biệt, khi thấy một người lớn tuổi bước vào phòng, anh ta nhanh nhẹn đứng dậy cúi chào và lễ phép nhường chỗ, đó là bức thư thứ ba giới thiệu về trình độ văn hóa ứng xử, người trẻ biết “kính lão, trọng già”, một phẩm chất rất quan trọng đối với mọi người, nhất là đối với người quản lý (nhân viên đang cần tuyển). Ba bức thư giới thiệu của anh ấy được biểu hiện ngay trong hành động, còn lá thư của những người khác chỉ được viết trên giấy".

Câu chuyện trên đây đã cho chúng ta thấy "kính lão" không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống trong ứng xử đời thường mà nó còn là một phẩm chất không thể thiếu trong văn hóa quản lý của thời hiện đại.  

L.V.T

. . . . .
Loading the player...