03-09-2022 - 06:10

KÝ HỌA CHỮ BẠN VĂN

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8.2022 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà LLPB Bùi Việt Thắng về các cây bút văn xuôi nữ của Hà Tĩnh "Ký họa bạn văn"

 

Ký họa chữ bạn văn

 

“Văn chương nết đất thông minh tính trời” (Nguyễn Du – Truyện Kiều).

Bảy cây bút truyện ngắn nữ Hà Tĩnh, những người đồng hương, đồng nghiệp văn chương mà tôi đã từng quen biết (Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Trần Quỳnh Nga, Trần Hải Vân), hoặc “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình” (Tống Phú Sa, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp). Tuy ở một không gian “vùng sâu vùng xa”, nhưng thuộc địa linh nhân kiệt, nên phát rạng chừng đó tên tuổi, gương mặt góp phần làm phong phú truyện ngắn Việt Nam đương đại thì cũng đáng lao tâm khổ tứ viết một cái gì đó cho ra tấm ra món. Họ bổ sung cho thế hệ F (7X, 8X) trong sáng tác văn xuôi, ghi dấn ấn vào một nền “văn chương mang gương mặt nữ”. Nếu chưa viết được những chân dung văn học đầy đặn, tôi nghĩ, thì hẵng ký họa chữ về bạn văn bằng những nét chính. Đành lòng vậy cầm lòng vậy.

Tôi quen biết Như Bình kể cũng đã hai mươi năm có lẻ. Năm 2001, tôi có viết một bài in trên báo Văn nghệ Trẻ, nhan đề Viết đợi mùa thu (lúc ấy Như Bình đã sở hữu tập truyện ngắn đầu tay Giông biển, 1999). Đọc Như Bình từ Giông biển (1999) đến Đêm vô thường (2002), thấy chị đắm đuối với đời, đã đành (vì “văn là người”). Lại càng đắm đuối với văn chương. Như Bình viết, tôi nghĩ, là “tìm vào nội tâm” con người thời đại, nhất là người nữ. Chẳng ai là không đa tình, đa sự, đa đoan. Rồi bẵng đi có đến hơn mười năm (khoảng từ 2002 đến 2014), cùng ở Thủ đô mà tôi thấy hình như chị im hơi lặng tiếng với truyện ngắn. Chị làm báo vì cuộc sống của mình có biết bao thay đổi thân phận. Tôi cứ thấp thỏm mơ hồ về cái sự “báo báo hại văn” có thể xảy ra với bất kì nhà văn nào thiếu bản lĩnh. Thấp thỏm vậy thôi nhưng thâm tâm tôi vẫn tin vào Như Bình sẽ trung thành với văn chương, đặc biệt với truyện ngắn. Năm 2015, Như Bình đem lại niềm vui mới cho độc giả bằng tập truyện ngắn đầy ấn tượng Bùa yêu (tôi lại đã viết một bài giới thiệu Thời để sống, thời để yêu đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh, số 12-2015). Suy cho cùng ai rồi cũng đều bị giăng mắc trong bùa yêu, vì “tim không thể không yêu người nào”. Như Bình có một lối văn đẹp như chính nhan sắc của chị. Văn đẹp không có nghĩa là tràn ngập những “chàng” với “nàng”, nhuốm đầy những mỹ từ hào nhoáng. Văn đẹp là phát khởi từ một tâm hồn an nhiên, tự tại, hào hiệp. Đó là một lối văn trong sáng, thuần Việt. Như Bình cũng sở hữu một năng lực đặc biệt viết chân dung văn nghệ sỹ. Tập ký chân dung Người mang lại ái tình (2011) với 29 bức ký họa bằng ngôn từ văn chương đã làm nổi hình nổi khối những văn nhân, họa sỹ, nhạc sỹ tài danh của nước Việt Nam thời hiện đại như Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh… (Hội họa), Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Văn Dung… (Âm nhạc), Quang Dũng, Tế Hanh, Hoàng cầm, Huy Cận, Phạm Tiến Duật… (Văn chương).

Nguyễn Phương Liên mới chỉ sở hữu ba tập truyện ngắn Ngôi nhà cát trắng (2002), Đối thoại chiều (2005) và Họa tình (2020). Tác giả tự bạch: “Với tôi, văn chương không phải là một nghề. Nó là “thú chơi”, cũng là một khoảng trời riêng để trăn trở, vật lộn với chính mình trong một khát vọng kiếm tìm, khám phá và tự giải tỏa, cân bằng trong cuộc sống”. Đọc Nguyễn Phương Liên thấy chị viết nắn nót, vì thế mà chậm, không dồn dập xuất hiện trên báo chí. Càng đọc càng thấy Nguyễn Phương Liên “sớm già” trong văn chương. Tôi có cái cảm giác Nguyễn Phương Liên chỉ viết khi đã trải nghiệm, lùi xa sự kiện. Gần bốn mươi truyện trong ba tập truyện mỏng mảnh nhưng lại chứa sức nặng của những kiếp người, với bao cảnh ngộ không thể nói là không éo le, không bĩ cực. Nhưng không thấy tuyệt vọng như cái lối viết của một số văn trẻ hay thổi phồng lên. Đọc nhiều lúc không vững vàng thì sẽ chán đời đến kinh khủng. Truyện ngắn Nguyễn phương Liên về cơ bản không thể kể lại được (rất trái với truyện ngắn của Như Bình), mà phải đọc. Đọc thì cứ có cái cảm giác “váng vất” (chữ dùng của nhà thơ Trần Đăng Khoa). Váng vất vì sự tinh tế của một cây bút viết truyện ngắn có nghề biết đưa nhân vật vào những tình huống thật tiêu biểu. Nguyễn Phương Liên sở trường lối viết có vẻ như rất khách quan, không can thiệp vào câu chuyện mà cứ để nó tự “cuốn theo chiều gió”. Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh (Nxb Hội Nhà văn, 2011), tác giả tự chọn truyện ngắn Như bóng người xưa. Một cuộc gặp gỡ có vẻ như vô tình giữa một anh thanh niên (tên Luân) sức dài vai rộng, làm nghề mat-xa ở một trung tâm vật lý trị liệu. Một lần chăm sóc khách hàng là một người nữ, anh ta phát hiện ra “Một nốt ruồi nâu sẫm bằng hạt đậu ngoan hiền như mắt nai trên bắp vế phải mịn màng”. Cái nốt ruồi ấy gợi nhớ “Ngày xưa Luân đã thấy có một nốt ruồi như thế trên đầu gối trắng mịn của Hường, khi có lần nàng mặc juýp chạy ra mua hoa”. Rồi sau cái sự kiện “nhỏ như con thỏ” ấy, Luân bỏ việc. Chỉ có anh biết vì sao mình bỏ việc “Bởi người con gái đã đi qua một giờ duy nhất trong cuộc đời. Như cái đẹp hoàn mĩ, thanh khiết chợt thoáng qua, vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Như bóng người xưa trong trẻo vẹn đầy, còn lưu luyến mãi trong tâm tưởng, không rời”. Đọc Như bóng người xưa của Nguyễn Phương Liên bỗng gợi nhớ đến Ánh trăng của Nguyễn Bản. Có cái gì đó vừa mơ hồ vừa hiện hữu, vừa gần vừa xa, vừa đứt đoạn vừa liên tục. Đó là một cách cảm thức đời sống ở chiều sâu, ở tính biện chứng của nó. Truyện của Nguyễn Phương Liên thường nhiều những tiếng thở dài bị kìm nén, nhiều nuối tiếc, nhiều xáo động, nhiều trăn trở. Cái cảm giác “váng vất” mà Trần Đăng Khoa nói có lẽ là vì thế.

Tôi biết Trần Quỳnh Nga qua nhà văn Nguyễn Thế Hùng (Báo Văn nghệ công an). Một lần anh đưa tôi một tập truyện ngắn có cái nhan đề rất gợi Giấc mơ cánh cò của một nữ tác giả trẻ, có tên Trần Quỳnh Nga. Anh có ý nhờ tôi viết một bài phê bình để in trên báo nhà. Tôi nhận lời vì quý và nể Nguyễn Thế Hùng. Lúc đầu có ý nghĩ là viết “trả nợ miệng” như các cụ ta xưa thường nói. Nhưng đọc Trần Quỳnh Nga qua Giấc mơ cánh cò thì bị dẫn dụ, thích thú. Rồi viết một bài ngắn (với tựa Những giấc mơ màu trắng, in trên Văn nghệ công an), ngắn nhưng có thể vừa ý cả người viết lẫn người được viết. Tôi có anh bạn đồng hương Hà Tĩnh, là dân kỹ thuật nhưng yêu văn chương. Sau khi cho mượn Giấc mơ cánh cò, đọc xong nhận xét “Đọc văn người này như bị say nắng!”. Tôi nghĩ đấy là một lời khen, là một nhận xét tinh tế không phải ai trong văn giới cũng thẩm thấu hết được ý vị những trang văn của Trần Quỳnh Nga. Đã lâu rồi, chị có gửi cho tôi bản thảo tập truyện ngắn thứ tư có tựa rất bắt mắt Xác tín mùa và có nhã ý nhờ tôi viết cho một bài dùng làm Bạt hoặc Lời giới thiệu. Tập truyện thứ tư cho thấy một Trần Quỳnh Nga chững chạc hơn, giản dị hơn, vì thế cũng hứa hẹn hơn. Không biết rồi sau này Trần Quỳnh Nga có xắn tay áo liều lĩnh viết tiểu thuyết hay không. Nhưng tôi đồ rằng người này chỉ hợp với truyện ngắn (tính đến 2020, Trần Quỳnh Nga đã sở hữu bốn tập truyện ngắn: Bí đỏ, Giấc mơ cánh cò, Không hẹn mùa côm cốm, Xác tín mùa). Các giải thưởng văn chương chị nhận đều có ý nghĩa như những cú hích sáng tác: Giải tác giả trẻ của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2009; Giải B Giải thưởng VHNT Nguyễn Du, 2005-2010; Giải B cuộc thi truyện và ký Tạp chí Hồng Lĩnh, 2014-2015; Giải C Giải thưởng VHNT Nguyễn Du, 2010-2015 và gần đây nhất là 2 giải (1B và 1KK) viết về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân năm 2022 của Bộ Công an.

 Một lần đọc truyện Cô Khang của Tống Phú Sa in trên Văn nghệ quân đội, thấy ghi dưới truyện “Đức Thọ, tháng/năm,…”. Tôi nghĩ ngay, đây là một đồng hương nhiều hứa hẹn văn chương, dù chỉ mới đọc có một truyện. Rồi đọc tiếp Vé xem xiếc, Người cùng nhà của Tống Phú Sa, thấy cần “theo dõi” cây bút này cho thật kĩ lưỡng. Tôi đã cùng TS. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học), là người theo rất sát tình hình văn xuôi đương đại, tổ chức một “bàn tròn” mi – ni, dưới hình thức đối thoại bàn về cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của Tạp chí Văn nghệ quân đội, ở chặng đường nước rút của nó (nội dung cuộc đối thoại sau in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 4-2015). Trong bài này tôi vẫn tiếp tục cổ vũ người đồng hương của mình, qua cách nói về hai cây bút nữ “cùng họ” (Tống Ngọc Hân và Tống Phú Sa), người thì ở tít tắp Hà Tĩnh, người thì ở xa lơ xa lắc Lao Cai. Nhưng cùng đem tới niềm hi vọng cho độc giả yêu thích truyện ngắn. Tôi gọi đó là những “hạt giống” văn chương. Tống Phú Sa được giải (tuy không cao) của cuộc thi danh tiếng này. Tập truyện Miền vô thực (2015) gồm chín truyện, phần nhiều đã in báo, ghi danh Tống Phú Sa vào đội  hình 7X đang gây men niềm kỳ vọng của độc giả. Truyện ngắn Tống Phú Sa, tôi tạm gọi là kiểu truyện truyền thống (có cốt truyện rõ ràng, có thể kể lại được, nhân vật có tính cách, lối kể khách quan thường ở ngôi thứ ba, chú ý mở đầu và kết thúc truyện, ngôn từ giản dị đôi lúc như lời ăn tiếng nói hàng ngày). Ít chất lãng mạn, giàu cảm quan thực, nói cách khác là lối viết “sát sàn sạt” về đời sống, những số phận hẩm hiu, những kết cục buồn, đó là những nét chính trong truyện ngắn Tống Phú Sa. Tôi nghĩ, âu cũng là một lối nẻo vào văn chương.

Tiếp tục quan sát văn xuôi nữ nói chung, văn xuôi nữ Hà Tĩnh nói riêng, tôi lại vui mừng về sự xuất hiện và khẳng định của ba cây bút nữ viết truyện ngắn mới nổi ở Hà Tĩnh hiện nay: Trần Hải Vân, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp. Đó có thể coi là những nguồn lực bổ sung cho mùa màng văn chương về sau, như cách trong thể thao hay nói. Trần Hải Vân hiện đang ở vị trí Thư ký toàn soạn Tạp chí Hồng Lĩnh. Tôi đã gặp, đã viết về tập truyện ngắn đầu tay Chuyến tàu mùa thu của của chị (in trên Tạp chí Hồng Lĩnh, 2019). Truyện ngắn Trần Hải Vân không không có tính chất “mê lộ” đánh đố về cốt truyện, nhưng lại dẫn dụ người đọc nhờ văn phong – nhẹ nhàng mà có sức lắng đọng, nhờ các liên tưởng nghệ thuật, có vẻ như toàn kể những chuyện “vô thường” nhưng không thôi da diết. Nhân vật truyện ngắn có được sự biệt đãi của tác giả, sống hòa hợp với tự nhiên, không bứt lìa khỏi cội rễ - gia đình, quê hương bản quán (tiêu biểu Chuyến tàu mùa thu, Ngôi nhà có hương ngọc lan, Người thổi sáo bên sông, Đàn chim bay ngang chiều). Trên chuyến tàu mùa thu cũng đồng nghĩa với trên chuyến tàu tâm tưởng, tâm linh như miền lưu giữ ký ức của cái đẹp. Tập truyện ngắn Chuyến tàu mùa thu của Trần Hải Vân nhận Giải A, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (2015-2020).

 Nếu tôi không nhầm thì Trần Thị Tú Ngọc và Trần Ngọc Diệp là “song kiếm hợp bích” (chị em ruột, cùng nghề dạy học, cùng chuyên viết truyện ngắn). Tác phẩm của hai chị em thường xuất hiện trên các báo chí có chữ “Văn” (Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an). Trong cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới (2018-2019) của Tạp chí Văn nghệ quân đội, tên của Trần Thị Tú Ngọc và Trần Ngọc Diệp thường được “xướng lên”, gây ấn tượng mạnh với độc giả cùng với Vũ Thanh Lịch, Phạm Thu Hà, Bảo Thương, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyệt Chu, Lưu Thị Mười, Nguyễn Hải Yến,... Tuy là “chị em gái như trái cau non”, nhưng người này không phải là phiên bản của người khác cả trong cách sống, cả trong cách viết, cũng bởi “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nếu Trần Thị Tú Ngọc mạnh mẽ, sắc lẻm, phóng khoáng thì Trần Ngọc Diệp “cổ điển” hơn khi viết (tôi không có ý nói về tính mẫu mực, không bắt chước được của hai chữ cổ điển, ý tôi muốn nói về sự nghiêm ngắn, chừng mực hơn). Trần Thị Tú Ngọc đã nhận Giải B cuộc thi truyện và ký Tạp chí Hồng Lĩnh, năm 2013-2014, cho chùm truyện Biển gọi, Lung linh như nước; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới, 2018-2019, của Tạp chí Văn nghệ quân đội cho truyện Tiếng rền của đá; Giải B của UBTQLH các Hội VHNT Việt Nam, 2019, cho tập truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư; Giải B, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (2015-2020) cho tập truyện Ngụ ngôn tháng Tư. Trần Ngọc Diệp đã nhận Giải C cuộc thi truyện và ký của Tạp chí Hồng Lĩnh, năm 2013-2014. Như thế đã thấy lưng vốn của các cây bút nữ đủ năng lượng kích hoạt họ tiếp tục đồng hành cùng văn chương, dẫu biết trước là lận đận, vinh quang thì ít ỏi, còn cay đắng thì có dư.

Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh (Nxb Hội Nhà văn, in lần thứ hai, 2011) ghi danh 77 nhà văn. Từ bấy đến nay đã bổ sung thêm nhiều tên tuổi mới. Năm 2020, Trần Quỳnh Nga vinh dự đứng vào đội ngũ hùng hậu các nhà văn tỉnh nhà trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thiết nghĩ, trong một tương lai không xa, những bạn văn Trần Hải Vân, Tống Phú Sa, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp sẽ đứng tên trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đạiNhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh. Cổ nhân nói: “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”. Tôi thấy, nụ thì đã nhú, chỉ chờ ngày nở hoa. Đôi khi, như ai đó nói, chờ đợi cũng là một hạnh phúc. Hãy đợi đấy!, như tên một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng. Lý do của hy vọng, theo cách diễn đạt của nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi thấy, có đủ cơ sở trở thành hiện thực./.

                                                              Hà Nội, tháng 6, 2022

              Bùi Việt Thắng

. . . . .
Loading the player...