11-04-2020 - 03:03

Ký ức về “Báu vật nhân văn sống” Ca trù Cổ Đạm

Đến mảnh đất Cổ Đạm nơi mà xưa nay được coi là "đất tổ" của Ca trù, rất nhiều người vẫn còn lâng lâng với câu ca: “Giáo phường Ty đệ nhất/ Tiếng tài hoa từ thuở cỏn con”. Nơi này, Ca trù dường như đã như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Với họ trước đây, Ca trù được xem là tài sản tinh thần vô giá, trong làng ai cũng biết hát, biết nghe Ca trù. Thậm chí, Ca trù được coi trọng đến mức trở thành tiêu chí để đánh giá chuẩn mực của một cô gái, là của hồi môn quý giá khi về nhà chồng.

Nhân lúc vừa hoàn thiện bản thảo cuốn sách “Ca trù Cổ Đạm xưa và nay” và suy ngẫm về kết quả bảo tồn và phát huy Ca trù sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh (2009-2020), tôi chạnh lòng nhớ thương nghệ nhân Phan Thị Mơn. Bà là 1 trong số 8 nghệ nhân cuối cùng của Giáo phường ty Cổ Đạm nức tiếng một thời và là một trong những người được UNESCO xem là “báu vật nhân văn sống”.

Nghệ nhân Phan Thị Mơn (1922 – 2013). Khi còn sống, bà vẫn luôn tự hào với ba điều may mắn dành cho riêng mình: Một là, bà là người người sinh ra và lớn lên trên đất tổ Ca trù. Hai là, thuở nhỏ được theo học hát tại nhà cụ Phan Hưng, một nghệ nhân Ca trù nổi danh trong cả nước. Ba là, được giới chuyên môn đánh giá bà là người hát hay, hát đúng, bền bỉ khổ luyện và thủy chung với nghề. Bà Mơn vướng vào nghiệp “cầm ca” lúc còn rất trẻ. Bà là con cả trong gia đình có 4 anh chị em ở Cổ Đạm. Cha mất sớm, mẹ con bà phải cáng đáng hết công việc trong gia đình. Đến năm 14 tuổi, thấy con mình được trời phú cho có giọng hát hay, mẹ bà vì muốn cô con gái sẽ không phải sống cảnh cơ cực, nên đã gửi con cho cụ Phan Hưng, một chủ gánh hát Ca trù để học hát. Ban ngày làm việc nhà cho chủ, ban đêm đi theo hầu những ca nương đã thành danh để học việc. Đến năm 16 tuổi, bà Mơn đã thuộc trên 20 làn điệu Ca trù. Bà cùng gánh hát đi biểu diễn khắp các tỉnh với vai trò là ả đào chính. 17 tuổi, quan Bộ Lễ ở Huế mời vào hát tiến Vua Bảo Đại ở điện Thái Hòa với tất cả niềm tự hào của một ca nương trẻ. Sau đó ít năm, đất nước bước sang những năm tháng đói kém, gian khổ. Đền Xứ - nơi sinh hoạt của các giáo phường trong xứ bị ngưng hoạt động, gánh hát của cụ Phan Hưng cũng tan rã. Mơn phải nghỉ hát, trở về quê lo việc đồng áng để kiếm sống và nuôi con. Hòa bình lập lại, Ca trù tiếp tục được hồi sinh trở lại. Những bạn học Ca trù cùng trang lứa với bà Mơn như bà Khánh, bà Nga, bà Bình, bà Gia, bà Lý, bà Xợp, bà Tam, bà Thọ...tụ họp nhau lại để truyền cho nhau câu hát một thời.   

Khi bước sang tuổi 87, dưới đường lối đổi mới của Đảng, Ca trù Cổ Đạm/ người Việt được chấn hưng, phục hồi, giọng hát của nghệ nhân Phan Thị Mơn lại vang lên đắm say, nền nã. Lối hát ấy, giọng hát ấy, những câu hát ấy đã hòa chung dòng lưu huyết trong cơ thể những đào nương ở đất tổ Ca trù. Những ngày cuối đời, bà đã dốc hết cả sự đam mê của mình để trao truyền vốn cổ cho các ca nương trẻ. Nhưng bà rất buồn vì chuyện bà được đi hát từ Nam chí Bắc và được vào cung hát cho vua nghe, đã không còn đủ hấp dẫn, lôi cuốn lớp trẻ nữa. Bà thường ngồi lặng ở cái chõng tre trước nhà để suy gẫm, hồi tưởng về một thời vàng son của Ca trù. Rồi bà chống gậy đến từng nhà vận động các em nhỏ học hát. Lớp trẻ ngày nay hầu hết không mấy ai mặn mà với việc hát Ca trù, nhưng trước cái tâm nhiệt huyết của bà, chúng kéo nhau đi học ngày một đông. Phòng học là gian nhà ẩm thấp của bà, rộng chưa đến 15m2. Học trò nhiều khi phải xếp hàng ngồi tràn cả ra sân. Ôm ấp hoài bão giữ gìn vốn văn hóa quí giá cho quê hương mình, bà Mơn đã tìm cách truyền dạy cho lớp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của lời từng điệu hát, kỹ năng đặc biệt của lối hát, điệu múa cổ trong Ca trù. Hơn 30 em, từ chỗ “mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi”, nay đã thành thục các điệu như: Hồng hồng Tuyết tuyết, Khen ai khéo vẽ... đến các điệu khó như: Đêm chia lửa, Ông già điên, Phận hồng nhan, Đàn ai một tiếng dương tranh, Chí nam nhi, Tỳ bà hành, Thét nhạc...Sự thành danh của một số học trò cưng của mình như Dương Thị Xanh, Trần Văn Đài, Đặng Thùy Vân, Trần Thị Cảnh, Phan Thị Sâm, Cao Thị Phương Anh, Lê Xuân Hải, Võ Thanh Tuấn, Trần quốc Dũng…đó là một niềm hạnh phúc lớn nhất của bà.  

Năm 2007, khi Nhà nước có chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Ca trù người Việt là Kiệt tác truyền khẩu đại diện của nhân loại, về sau chuyển lại tên hồ sơ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, bà cùng với một số ít nghệ nhân khác trong toàn quốc đã cung cấp cho Viện Âm nhạc (cơ quan lập hồ sơ) toàn bộ tri thức, kĩ năng, vốn hiểu biết và những bài bản, thể cách cổ xưa về Ca trù mà bà đang nắm giữ. Không chỉ là nghệ nhân hát hay, hát đúng, mà nghệ nhân Phan Thị Mơn còn thuộc lòng hàng chục làn điệu Ca trù ở nhiều không gian diễn xướng khác nhau cùng với các điệu múa cổ. Tiêu biểu như: Múa hát Chúc hỗ, Tứ quý, Hãm, Ngâm vọng, Hát nói…(không gian Hát Cửa quyền); Giáo trống, Giáo hương, Dâng hương, Thét nhạc, Hát giai, Cung Bắc, Gửi thư, đọc Phú, Hà Liễu, Tỳ bà hành, múa Bài Bông…(không gian Hát Cửa đình, trong các lễ hội); Thư phòng, Tiến chức, Hãm, Chừ khi, Bắc phản, múa Đại Thạch (không gian Hát thi); Non Mai, Hồng Hạnh, múa Bỏ Bộ và múa Tứ Linh (chỉ có trong không gian Hát thờ); Mưỡu nói, Hát nói, Hà vị, Huỳnh hãm, Mưỡu huỳnh, Nhịp ba cung Bắc, Gửi thư, Hát ru...(không gian Hát chơi).  Khi Ca trù người Việt chính thức được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, bà Mơn thường xuyên tiếp cận với các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà báo…Họ yêu cầu bà hát hết làn điệu này đến làn điệu khác, rồi họ quay phim, chụp ảnh bà…Lúc đó tuy đã tuổi cao sức yếu, nhưng giọng hát của bà vẫn mượt mà, đầm ấm, thanh thoát và sâu lắng. Xa nghe tiếng hát của , chắc có nhiều người lầm tưởng đó là một đào nương đang thì xuân sắc chứ đâu phải là giọng ca của một bà lão đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Mỗi lần yêu cầu bà hát, hầu hết những người “hảo tâm” đều móc tiền túi biếu bà đôi ba trăm bạc gọi là “biếu cụ ăn trầu”. Đôi khi cũng gặp những kẻ “máu lạnh”, bà lặng lẽ lấy khăn chùi bọt mép sau những “chầu hát miễn phí”. Bà Mơn rất nghèo, nhưng bà không mấy bận tâm về tiền bạc, được hát và được trải lòng với mọi người là niềm an ủi vô biên của người nghệ nhân ấy. Ngưỡng mộ và trân trọng bà, năm 2002, tôi đã đích thân thay mặt 2 nghệ nhân Phan Thị Mơn và Phan Thị Nga chắp bút làm viết bản thành tích trình Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian cho 2 nghệ nhân trên (họ là chị em ruột của nhau).

Các đ/c lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa
Với NN. Phan Thị Mơn và NN. Phan Thị Nga tại Lễ vinh danh

Đề nghị của tôi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chấp nhận. Và cũng thời điểm này, Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm và Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ là Địa chỉ Văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam.

Đáng tiếc, hồi đó Nhà nước ta chưa có chủ trương phong tặng các danh hiệu bậc cao cho các nghệ nhân. Khi Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ra đời, thì bà đã tuyệt thế, đi xa. Những người hiểu bà như nhà nghiên cứu Nguyễn Ban, nhạc sĩ Mạnh Chiến và kể cả bản thân tôi cũng lần lượt nghỉ hưu, không ai đứng ra khởi xướng việc truy tặng danh hiệu cho người quá cố. Chính vì điều này mà nhiều đêm nằm nghĩ tôi cũng cảm thấy vô cùng áy náy, vì những thiếu sót của mình đối với bậc tiền nhân. Thiết nghĩ, muộn vẫn còn hơn không, chính quyền xã Cổ Đạm và huyện Nghi Xuân nên có Công văn đề nghị Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho bà Phan Thị Mơn vào đợt tới, trung tuần tháng 7 năm nay (trường hợp truy tặng lâu nay vẫn được thực hiện trong các đợt xét tặng cấp Nhà nước, trong đó có một số nghệ nhân ở các tỉnh thành khác cùng thời với nghệ nhân Phan Thị Mơn đã được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân ưu tú). Việc những người có công không được vinh danh là một thiệt thòi lớn cho tỉnh, huyện, xã, gia đình cũng như bản thân bà Mơn. Đành rằng, với những người yêu mến Ca trù, tên tuổi của nghệ nhân Phan Thị Mơn từ lâu đã rất nổi tiếng. Bà nổi tiếng không phải bởi những danh hiệu mà bà này nọ mà bà được nhiều người được biết đến bởi bà là một trong số ít nghệ nhân Ca trù của thế hệ trước của cả nước còn sót lại với tư cách “báu vật nhân văn sống”. Giọng hát và hình ảnh của nghệ nhân Phan Thị Mơn được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Và bà được Đạo diễn Lưu Trọng Ninh mời tham gia đóng phim Ngã ba Đồng Lộc, cũng chính từ cái danh ấy.

Hàng đầu, trái sang, NN: Trần Thị Gia, Phan Thị Mơn, Hà Thị Bình,  Phan Thị Lý cùng thế hệ trẻ CLB Ca trù Cổ Đạm, 2005.  

Nghệ nhân Phan Thị Mơn dẫu đã đi xa chúng ta gần chục năm nay, nhưng tiếng hát, hình ảnh và những dấu ấn của bà vẫn in đậm trong trí nhớ của những người trân quý Ca trù. Việc vinh danh những người có công trong việc trao truyền, đó là một trong những chương trình hành động bảo tồn và phát huy những giá trị của Ca trù trong đời sống đương đại./.

P.T.H

. . . . .
Loading the player...