08-02-2023 - 06:30

Lễ Kỳ yên của huyện cổ Nghi Xuân

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Lễ Kỳ yên của huyện cổ Nghi Xuân” của tác giả Võ Giáp

Ngày xưa, sau tết là mùa xuân, rộn ràng nhất là tháng Giêng là mùa của lễ hội. Ta hãy để ý đến lễ chính mang tính cộng đồng. Lễ Kỳ yên, lễ Xuân tế, lễ Khai hạ. Tất cả các xã cổ, thôn cổ, trang cổ trong huyện Nghi Xuân thời đó đều khởi sắc với các lễ hội đó.

Lễ Kỳ yên  (Cầu yên) – Lễ được tổ chức trong tháng Giêng, như các xã: Hội Thống (Đan Nhai), Đan Hải, Đan Uyên, Tiên Điền, Tiên Bào, Cổ Đạm, Cương Gián, Cương Đoán, Động Gián; các Trang Liêu Đông, Cam Lâm, Đông Hội. Xin nêu  điển hình về Lễ Kỳ yên ở xã Hội Thống: Lễ được cúng tế tại đình làng. Trong lễ vật có chiếc “Tàu Ô” bằng giấy (loại tàu cướp biển). Trên tàu có đủ hình nhân để vận hành. Sau tế lễ, tàu được “rước” đi trên các trục đường chính của xã. Đám rước chỉ vẻn vẹn có mấy người khiêng tàu, một trống to đánh “ngũ liên”, vài trống nhỏ, vài cái mõ và vài người cầm loa vừa đi vừa rao xướng “Mời ôn hoàng dịch lệ, thần khí ma vương xuống tàu. Ai có tai ương chướng ách thì gửi vào tàu để tống tiễn ra biển”. Người gửi cũng chỉ bằng lời nói. Mọi người rước cùng nhau xua đuổi tà khí trong xã, nhằm thu gom những điều “nhân bất an, vật bất thịnh”, những điều không may mắn trong dân xã gặp phải cho vào tàu và cuối cùng được làm lễ tại đền Tam-Tòa, rồi khiêng tàu thả ra biển để buông trôi. Mục đích là làm giảm đi sự lo lắng, không hay xẩy ra trong năm để yên bề làm ăn sinh sống.

Đầu năm làm lễ Kỳ yên

Cho vơi nhẹ bớt nỗi phiền trong năm.

Cũng có nơi tổ chức ở chùa như xã Đan Hải. Còn Cương Gián và Động Gián lại khác về thời gian, đó là đàn tràng làm vào tháng Tư, được hành lễ ngoài biển (còn tháng Tám ở sân đình). Trong khi trống chiêng dục dã, pháp sư đang hò hét bắt ma, thì nhóm thanh niên chia làm hai phe, với thương, mã tấu (bằng gỗ giống thật), đọ vũ khí quanh đàn tràng (không được để vũ khí chạm người). Khi pháp sư cúng xong thì vũ khí bên nào ít hỏng nhất sẽ thắng, bên thua phải khiêng “tàu giấy” ra  biển tống khứ ra khơi.

Lễ Xuân tế - Lễ được tổ chức trong tháng Giêng (như Lễ Kỳ yên), có các xã: Phan Xá, Mỹ Dương, Tả Ao, Tiên Cầu, Uy Viễn, An Lạc, Khải Mông; Tổng Tam Đăng, trang Đô Uyên, thôn Bảo Lâm. Xin trích Lễ Xuân tế ở cụm này: Ngày trước được tổ chức ở đền thờ Lý Đại Vương. Năm Đinh Tỵ (1677 – đời Vĩnh Trị) Khuông lộc hầu Đặng Đình An sửa lại đền, Thượng thư Duệ quận công Hồ Sỹ Dương làm văn bia, thời vua Gia Long thêm nhà hát. Lễ Xuân tế được luân phiên lần lượt từng xã biện lễ, các xã còn lại phụ tế. Sau lễ, phần “lộc”được dọn cho các vị chức sắc và cả những người dân đến dự cùng hưởng. Trong ngày lễ có tổ chức hội như đánh cờ tướng, chọi cù, đấu vật, đánh đu, có năm tổ chức cả phường chèo biểu diễn, …

Lễ Khai hạ (hạ cây nêu) – Lễ là một cách khác để thể hiện tinh thần của hai lễ trên. Như các xã Đan Trường, Đan Phổ, Xuân Viên; Hồng Thôn. Trong ngày lễ có cúng bách thần, tổ chức yến lão và ngày 7 tháng Giêng hạ cây nêu kết thúc mấy ngày tết.

Còn ngày nay, sáng mồng Một chào cờ tại trụ sở Ủy ban, sau đó chia đoàn đi chúc tết các gia đình chính sách, thắp hương những nơi thờ cúng công cộng, rồi chính quyền và Hội Người cao tuổi tổ chức mừng thọ các bậc cao niên, và nhớ thực hiện lời Bác Hồ dạy “toàn dân thực hiện tết trồng cây”.

V.G

. . . . .
Loading the player...