17-09-2023 - 23:27

Lời bào chữa của Hoạn Thư xét từ góc nhìn Dịch lý (tiếp theo kỳ trước)

Văn nghê Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết Lời bào chữa của Hoạn Thư xét từ góc nhìn Dịch lý (tiếp theo kỳ trước) của Lê Nguyên Cẩn

Tám câu thơ tự bào chữa của Hoạn Thư tạo thành tám quẻ, được liên kết thành cặp với nhau: Khôn ( âm thổ) – Càn ( dương kim); Chấn ( dương mộc) – Tốn ( âm mộc); Cấn ( dương thổ) - Đoài ( âm kim); Khảm ( dương thủy) – Ly ( âm hỏa). Các cặp này diễn tả chính xác tính chất đặc biệt của hoàn cảnh Hoạn Thư đang gặp phải, qua các tương hợp tương hòa tương xung tương vũ theo âm dương ngũ hành thể hiện trong ký hiệu qui ước của từng yếu tố. Các cặp này thể  hiện sự vận động của câu chuyện được kể tóm tắt qua lời Hoạn Thư, vừa tự bào chữa nhưng lời bào chữa đó lại tái hiện những gì đã xảy ra, tái hiện những sự kiện cơ bản trong chặng đầu của mười lăm năm long đong chìm nổi của Kiều, một cách trung thực tới mức sau khi nghe xong Kiều đã phải thán phục “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”.

Hai câu đầu, xác lập nguyên tắc nhu (=Khôn) – cương (= Càn); còn các câu tiếp theo thì quẻ đầu là dương quẻ đối lập với nó là âm, diễn tả xung đột nhu - cương, theo xu hướng nhu thắng cương. Vì thế hai câu thơ cuối của lời tự bạch như ánh chớp (= Ly) lóe lên giữa trời mây sông nước (= Khảm), vệt sáng chói lòa (= Ly) bên trên dòng sông (= Khảm) đang cuộn chảy, khơi dậy ý thức nhân tính trong con người, thức tỉnh tâm hồn đang rơi vào cõi mê, để giúp Kiều nhận ra con đường phải đi, chân lý phải làm.

Tuy nhiên, các quẻ được xác lập trên đây mới chỉ là các quẻ đơn, cho dù đã bộc lộ ra những nét nghĩa, gợi mở một số nghĩa của câu chuyện được kể đang diễn ra giữa Hoạn Thư và Kiều, nhưng chưa đủ. Vì vậy, theo nguyên tắc Dịch lý, các quẻ đơn cần được kết hợp lại với nhau, diễn tả sự biến dịch, để tường minh câu chuyện theo trật tự logic diễn hành trong tự nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu cần biết trước những gì có thể xảy ra, những gì có thể đến trong cuộc đời một con người, như thế mới mang được tính chất tiên tri dự báo. Sự kết hợp các quẻ đơn để tạo thành quẻ kép tuân thủ nguyên tắc xác lập quẻ của Kinh Dịch, theo đó cứ hai câu thơ, một lục một bát là một liên thơ, được kết nối thành một quẻ kép. Quẻ đơn của câu lục được xếp ở trên, quẻ đơn của câu bát được xếp ở dưới, theo đúng trật tự của câu thơ mà không đảo lộn hay phá vỡ trật tự logic này. Cụ thể, sự kết hợp quẻ Khôn với quẻ Càn, Khôn ( âm thổ) – Càn ( dương kim), liên quan tới hai câu thơ: Rằng:”Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình..” tạo thành quẻ Địa Thiên Thái, quẻ thứ 11 trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Cặp Chấn ( dương mộc) – Tốn ( âm mộc), của Nghĩ cho khi các viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo, tạo thành quẻ  Lôi Phong Hằng, số thứ tự là 32. Cặp Cấn ( dương thổ) - Đoài ( âm kim), gắn với Lòng riêng riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai, tạo thành quẻ Sơn Trạch Tổn, đứng thứ 41. Cặp Khảm ( dương thủy) – Ly ( âm hỏa), của Trót lòng gây việc chông gai, Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng, tạo thành quẻ Thủy Hỏa Ký Tế, số thứ tự là 63. Chúng tôi dựa vào cuốn Kinh Dịch đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê1 để tường minh, trong chừng mực, ý nghĩa của các quẻ kép này.

Quẻ Địa Thiên Thái  có  Nội quái là ( qian 2,  là Càn hay Trời );  Ngoại quái là ( kun 1, là Khôn hay Đất ). Quẻ này mang ý nghĩa:  thông hiểu, am tường, hiểu biết, thông suốt, quen biết, quen thuộc. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận. Trong quẻ Thái này, Càn là khí dương, Khôn là khí âm, “khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”, hai khí giao hòa, mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích. Trong (nội quái) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu giảm đi thể hiện ngay trong quan hệ “con ở chúa nhà” trước đây. Quẻ Địa Thiên Thái cho thấy ý nghĩa thiên địa hòa xướng chi tượng hay tượng trời đất giao hòa, cho thấy rõ hơn quan hệ giữa Hoạn Thư và Kiều: cả hai đã rất hiểu nhau, mà lời chào hỏi mang tính mỉa mai: “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây”, minh chứng cho mối quan hệ đã biết rõ về nhau ấy.

Quẻ Lôi Phong Hằng   có Nội quái là ( xun 4, là Tốn hay Gió ). Ngoại quái là ( zhen 4, là Chấn hay Sấm ). Quẻ này chỉ sự lâu dài, biểu thị đạo nghĩa lâu bền như vợ chồng, hay khả năng kéo dài, dựa trên quan hệ giao tiếp thâm sâu, kiểu bạn cố tri, cố nhân. Cương (Chấn) ở trên, nhu (Tốn) ở dưới, sấm gió giúp sức nhau, Chấn động trước, Tốn theo sau, thế là thuận đạo. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương, cũng là nghĩa thuận nữa, cả hai bên đều giữ được đạo chính lâu dài. Quẻ này quan trọng ở hào 5: đạo phu xướng phụ tùy của thời xưa. Quẻ này cũng mang tính chất một lời khuyên làm theo lý, không đúng lý thì không làm, mà lý ở đây sự cự tuyệt không chấp nhận Kiều là kế thất của Hoạn Thư. Quẻ Lôi  Phong hằng gắn với hoàn cảnh khi Kiều bị gia đình Hoạn Thư bắt về làm kẻ hầu hạ cho Hoạn Thư nhằm mục đích, dạy cho Thúc Sinh bài học để đời, đồng thời cũng cho thấy tính chất gia giáo, gia phong nề nếp của gia đình Hoạn Thư, thể hiện đạo nghĩa vợ chồng gắn kết bền chặt mà Kiều không có chỗ để chen chân vào.

Quẻ Sơn Trạch Tổn  gồm Nội quái là ( dui 4, là Đoài hay Đầm ). Ngoại quái là ( gen 4, là Cấn hay Núi ), với các ý nghĩa hao hụt mất mát, thua thiệt, bớt phần dưới cho phần trên là tổn hại. Quẻ này hàm ý: Phòng nhân ám toán chi tượng hay tượng đề phòng sự ngầm hại, hao tổn. Tổn là thiệt hại mà cũng có nghĩa là giảm đi. Giảm đi: nếu chí thành thì rất tốt, không có lỗi, giữ vững được như vậy thì làm việc gì cũng có lợi. Giảm đi, không nhất định là tốt hay xấu. Còn tùy mình có chí thành, không lầm lỡ thì mới tốt. Giảm đi ở đây liên quan tới quyết định của Kiều trong vai trò người đưa ra phán quyết cao nhất và cuối cùng. Thoán truyện giảng: phải biết tùy thời; nếu cương quá thì bớt cương đi nếu nhu quá thì bớt nhu, nếu vơi quá thì nên làm cho bớt vơi, nếu văn sức quá thì bớt đi mà thêm phần chất phác vào; chất phác quá thì thêm văn sức vào, dân nghèo mà bóc lột của dân thêm vào cho vua quan là xấu; nhưng hạng dân giàu thì bắt họ đóng góp thêm cho quốc gia là tốt; tóm lại phải tùy thời; hễ quá thì giảm đi cho vừa phải. Đại tượng truyện khuyên người quân tử nên giảm lòng giận và lòng dục đi (quân tử dĩ trừng phẫn, trất dục). Quẻ Tổn này chưa chắc đã xấu, ích (tăng) chưa chắc đã tốt; còn tùy việc tùy thời, hễ quá thì nên tổn để được vừa phải, thiếu thì nên ích, và mình nên chịu thiệt hại cho mình mà giúp cho người. Quẻ này có nghĩa tổn dương cương (quẻ Càn ở dưới) để làm ích cho âm nhu (quẻ Khôn ở trên) mà không làm tổn hại đức cương chính trực của mình, hàm chứa lời khuyên răn để Kiều suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Quẻ Thủy Hỏa Ký Tế    gồm Nội quái là ( li 2, là Ly hay Hỏa ).  Ngoại quái là ( kan 3, là Khảm hay Nước ), mang ý nghĩa: sự  gặp gỡ, cùng nhau, việc đã xong, thực hiện được ích lợi nhỏ. Quẻ này nghĩa là: Hanh tiểu giả chi tượng hay việc nhỏ thì thành. Tế là vượt qua sông, là nên làm; Ký Tế là đã vượt qua, đã nên  chuyện, đã thành, đã xong. Nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên thì nước mới nóng, mới sôi được. Ở vào thời Ký Tế, việc lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét. Quẻ này còn hàm ý nhắc khéo Kiều, vì Kiều đã có danh, có phận, có địa vị giàu sang, là vợ vua Từ Hải, thì phải cố mà giữ những cái đã đạt được, nếu không về sau sẽ chẳng còn gì. Bởi chính lời bàn hạ vũ khí đầu hàng của Kiều với Từ Hải sau này không lâu: “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu hai là đắc trung”, đã làm tiêu vong sự nghiệp của Từ Hải và cũng hạ bệ hoàn toàn Thúy Kiều, đẩy Kiều vào con đường phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Tính chất tiên tri dự báo trong Trót lòng gây việc chông gai, Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng, chứa đựng ý nghĩa triết lý và chiều sâu ngữ nghĩa cho việc thẩm thơ, bình thơ theo góc nhìn Dịch lý.

Tóm lại, việc rút ra các quẻ từ lời tự bào chữa của Hoạn Thư dựa trên nguyên tắc Dịch lý, cho phép hiểu sâu sắc hơn giá trị của Truyện Kiều trên  bình diện triết học. Sự tài hoa sắc sảo, thông tuệ, có học vấn cao của Thúy Kiều và Hoạn Thư được nhận diện qua góc nhìn Dịch lý, cũng cho thấy học vấn uyên thâm của thiên tài Nguyễn Du, không chỉ ở mức tuyệt tác thi thư mà còn sâu sắc vô cùng trong Lý Số. Bởi nhà thơ đã chuyển tải câu chuyện nhân tình thế thái đẫm nước mắt thành cách chuyển hóa Dịch lý, tạo ra chiều kích triết học cho tác phẩm. Chính Dịch lý đã làm cho câu chuyện tài mệnh tương đố, tài tình tương đố, thiên mệnh tương đố trở nên sâu sắc hơn, có thêm sức sống và đó cũng chính là tính chất của những kiệt tác văn chương nhân loại.

Lê Nguyên Cẩn

_________________

1. Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch đạo của người quân tử . NXB Văn học, thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

. . . . .
Loading the player...