24-04-2023 - 07:41

Món quà sinh nhật

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Món quà sinh nhật” của em Nguyễn Hạnh Chi, lớp 7A, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh - Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết – Vẽ tuổi học trò lần thứ XIV

Hôm nay trời lại mưa, cũng như mọi lần, tôi lại ngồi tựa lưng vào sofa nhìn mưa rơi. Có thể là hơi lạ với một thằng con trai, nhưng tôi thích vậy, thế là đủ rồi. Gắn chiếc AirPods vào tai, mở máy lên nghe nhạc và nghĩ vu vơ để thả trôi mệt mỏi… Là vì tôi thì ngày một lớn, bài tập thì ngày một tăng và độ khó cũng tỉ lệ thuận với số lượng. Mấy khi tôi được thảnh thơi thế này.

Chợt nhìn thấy bài kiểm tra Ngữ văn cô vừa trả sáng nay đang nằm ở góc bàn. Ừ thì, góc nào chẳng có đồ của tôi, bố mẹ tôi cũng đã quá quen rồi. Tôi cười, hình như cũng là thời điểm như thế này… Nhưng giờ là 9,25 điểm đầy kiêu hãnh, thay vì...

*

Mấy năm trước, khi vừa được giải thoát sau mấy ngày liên tiếp khảo sát chất lượng, thật sự tôi khá tự tin vào khả năng của bản thân. Có lẽ ít nhất mỗi môn cũng phải trên 8 điểm. Xong kì thi khảo sát nặng nề vướng víu, thì chỉ vài ba hôm nữa đến sinh nhật tôi, tôi đã hẹn vài thằng bạn đến nhà, chắc như đinh đóng cột rằng sinh nhật năm nay sẽ rất thịnh soạn, bánh trái nến pháo tưng bừng. Bố mẹ tôi sẽ không quên mua quà cho tôi đâu nhỉ? Mải háo hức, tôi gần như quên hẳn cái se lạnh cuối thu, ngoài giờ đi học lúc nào cũng bận bộ quần áo cộc tay loay hoay ra ra vào vào từ nhà đến ngõ chờ đón sinh nhật mình.

Là con trai một trong nhà kiêm cháu đích tôn của ông bà nội, tôi được chiều chuộng, quan tâm và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Việc học tập của tôi luôn có o tôi - chị gái của bố tôi kèm cặp. O tôi là hiệu phó một trường trung học cơ sở nên luôn giúp được tôi mỗi lúc tôi cần, nhà o cũng ở ngay sát bên cạnh nhà cô giáo chủ nhiệm lớp tôi. Mẹ tôi rất giỏi nấu ăn, nên chế độ ăn uống của tôi luôn điều độ. Bố tôi làm kinh doanh, tuy chẳng mấy khi ở nhà nhưng ông cũng rất quan tâm tôi. Chỉ cần tôi luôn ngoan, cố gắng học tập, thì tôi muốn gì bố mẹ cũng sẽ cho thôi.

Ngày tôi hóng chờ rồi cũng đến. Đi học về, vừa bước vào nhà đã nhìn thấy mẹ nơi phòng khách, cười tươi bên chiếc bánh gato tự tay làm cùng rất nhiều bánh kẹo, trái cây các loại. Bố tôi cũng về sớm để đón sinh nhật cùng tôi, mặc dù công việc luôn bận rộn. Mẹ dọn đồ ăn ra để cả nhà ăn sớm, tối còn tổ chức tiệc chúc mừng, cả ông bà tôi cũng gọi video qua. Mọi thứ đều diễn ra như mong đợi, việc cần làm duy nhất bây giờ chỉ là chờ bạn bè tôi đến nữa mà thôi. Thời gian trôi qua thật chậm… Chợt tiếng thông báo tin nhắn vang lên, mấy đứa bạn tôi cùng nhắn rằng không đến được, phải đi học thêm vì thầy của chúng nó đổi lịch dạy. Tôi thất thểu bỏ lên phòng, ngồi nghịch máy tính một cách vô thức, để chờ xuống nhà cắt bánh với bố mẹ. Thật chán, bao nhiêu chờ đón, vậy mà bạn bè vắng hết!

Bỗng dưới nhà có tiếng xôn xao, tôi tò mò chạy thẳng ra cầu thang ghé dòm xuống xem có chuyện gì. O đến. Sự xuất hiện khá sớm của O khiến tôi cảm thấy háo hức. Không biết O đã chuẩn bị món quà gì cho tôi đây. Nhưng không, thay vào đó, O lại lấy từ trong túi áo khoác ra một tờ giấy, đưa tay miết thẳng rồi đặt xuống bàn cho bố mẹ tôi cùng cúi đầu xem. Bố mẹ nhìn xuống, mặt biến sắc. Bố tôi hét lớn:

- Thằng Phúc, xuống nhanh!!

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, vội vàng chạy từ trên cầu thang xuống ngơ ngác nhìn bố mẹ và lí nhí chào O. Chưa kịp giữ thăng bằng thì… Bốp! Bố tôi vụt nhanh một cái bạt tai đau điếng, tôi muốn nổ đom đóm mắt. Bố trợn mắt, chụp tờ giấy trên bàn dứ dứ thẳng vào mặt tôi, hỏi dồn dập rằng tại sao lại như thế này, học hành kiểu gì vậy, học đâu cái kiểu nhác học ham chơi, mua sắm sách vở máy móc cho mày để làm gì làm gì, tại sao bố mẹ đã tin tưởng như thế mà cuối cùng... Thế này thì muối mặt! Thế này thì làm sao mà ngước mắt nhìn thiên hạ! O mày mà không cho biết thì bố mẹ còn bị mày gây ảo tưởng đến bao giờ! Bố nói liên hồi, tôi ôm đôi má ê ẩm nóng bừng mà chưa kịp hiểu ra điều gì. Bố nổi khùng, quờ tay ném luôn chiếc bánh gato vào bức tường trước mặt. Tôi đã làm gì sai? Tôi có gây sự với ai đâu! Tôi có nói có viết gì bậy bạ tùy tiện đâu! Mẹ nhìn tôi với ánh mắt ái ngại...

Bố lắc đầu lộ rõ vẻ chán ngán thất vọng não nề, rồi dằn mạnh tờ giấy lại mặt bàn. Đến lúc đó tôi mới nhận ra, bài kiểm tra Ngữ văn hôm trước tôi chỉ được 4,5 điểm, dưới điểm trung bình. Trời, bài kiểm tra ở đâu ra? Sao tôi chưa biết mà o đã biết? Dù đề khó, tôi cũng nghĩ ít nhất mình được điểm 5. Mà tại sao lại là hôm nay? Rõ ràng O cũng biết hôm nay là sinh nhật tôi nhưng tại sao lại đưa cho bố mẹ tôi xem? O có nghĩ đến cảm giác của tôi không vậy?

- Đặt tên mày là Phúc nhưng tao thật vô phúc khi có mày!!! Lên phòng tự kiểm điểm đi!

Không nói không rằng, tôi lầm lì đi thẳng lên phòng, khóa cửa lại. ném cặp sách vào cửa phòng, tiếng va đập của cặp sách với tấm kính trắng đục không đủ làm tôi nguôi ngoai. Tôi gạt hết sách vở trên bàn xuống sàn, mặc kệ chúng có nhăn nhúm nhàu nhĩ hay rách đi nữa. Tôi không quan tâm. Ai rảnh đâu quan tâm đống sách vở đó như thế nào? Vì suy cho cùng bố cũng chẳng hiểu cho rằng tôi đã cố gắng đến thế nào. Tôi muốn khóc, nhưng cứ nhớ đến lời lớp phó lớp tôi nói “đàn ông con trai mắc gì phải khóc” tôi lại kìm nén lại. Con trai mà khóc thì đúng thật là nhục lắm. Nhưng ám ức không chịu được, nước mắt tôi cứ nghẹn ngào trào ra. Thế là sinh nhật 13 tuổi của tôi trôi qua. Không có tiếng cười, không thổi nến, không cắt bánh trái, không bạn bè, không nói cười ca hát, không có cả những lời chúc… Làm sao cười nổi khi đã mất chiếc bánh gato cùng niềm vui thêm một tuổi mới.

Gục mặt nơi bàn học, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy thì đã gần sáng, tôi lăn ra giường cố ngủ tiếp, nhưng đầu óc cứ nghĩ miên man. Nghĩ về cái tát. Nghĩ về cái bánh bị bố ném đi. Nghĩ về những tiếng cười tiếng hát tiếng tranh nhau bánh trái chỉ có trong hình dung… Nghĩ về cái đề kiểm tra hiểm hóc xuất hiện vào lúc phong độ của tôi không tốt…

Sáng sớm, tôi xuống nhà vệ sinh cá nhân, thay đồ, tự lo ăn uống, soạn sửa đi học. Và đương nhiên, tôi làm những việc đó bằng cách ồn ào nhất có thể. Vẫn biết là do phong độ mình không ổn, nhưng dễ gì quên…. Đồng ý là trẻ con nhanh quên, nhưng làm gì có đứa nào qua một đêm là gật đầu bỏ qua mọi thứ! Tôi nhắn thằng bạn đến chở mình đi học chứ không ngồi xe bố như mọi lần, dù bố ngỏ ý muốn đưa tôi đến trường.

Tôi lên lớp, quăng cặp vào chỗ, rồi hậm hực ngồi xuống. Mấy thằng bạn không biết tình trạng tệ hại của tôi nên cứ nhơn nhơn chạy lại hỏi thăm:

- Sinh nhật tối qua thế nào, đại ca?

- Nát.

- Sao nát?

- Né. Tao từ giờ anti chị của bố tao.

Sau một hồi lâu đeo bám dai dẳng, cụ thể là từ lúc tôi đến lớp tới giờ giải lao giữa tiết 2 và tiết 3 thì mấy thằng bạn tôi cũng thành công ép tôi kể về vụ việc tối qua. Tôi bức xúc kể lại, kể gọn, rồi đạp cho mỗi thằng bạn một cái khi thấy chúng bò ra cười trên sự bực bội của tôi.

Hết buổi học, tôi về nhà, hỏi không thưa, gọi không đáp, cứ thế xách cặp lên phòng. Lát sau mẹ tôi gọi lớn:

- Phúc, O gọi con này.

- Mẹ nghe máy đi! Con không nghe. – Tôi nhăn mặt trả lời vì vẫn còn rất giận O.

O với mẹ tôi nói chuyện một lúc rồi thôi, mẹ lại quay về với món ăn đang nấu dở. Tôi bình thường sẽ đợi cả bố và mẹ rồi cả nhà cùng nhau ăn, nhưng hôm nay thì không. Mẹ vừa nấu xong, tôi liền xuống ăn rồi đi lên phòng ngủ luôn chứ không chờ bố về như mọi lần.

Vừa tan học buổi chiều, không muốn về nhà ngay, tôi tranh thủ ghé qua nhà bà ngoại chơi. Về với nhà ngoại, tôi cũng luôn được chào đón với tư cách “cục cưng” của cả nhà. Bà đón tôi bằng nụ cười hiền hậu bao dung. Rồi bà lấy kẹo bánh cho tôi ăn, nhìn tôi tò mò ngắm nghía những bức tượng nhỏ bằng gỗ do chính tay ông ngoại lúc còn sống đã làm. Bà ngoại cười hiền, bảo rằng chúng là do ông làm cho mẹ.

- Hồi đó mẹ con đi theo ông ngoại suốt. Mẹ thường nhìn ông đẽo gỗ làm búp bê đấy.

- Vậy ạ?

- Ừ, hồi đó có lần mẹ hỏi ông rằng ông “chọc” gỗ như thế thì gỗ có đau không kia đấy!

- Rồi ông trả lời thế nào ạ?

- Để bà nhớ xem... Hình như ông bảo... gỗ chịu đau một chút nhưng ông đang giúp nó từ khối gỗ xù xì trở thành búp bê xinh xắn đấy... Cũng như cháu vậy, bố mẹ luôn muốn cháu chăm chỉ và giỏi hơn bố mẹ nữa mà...

Tôi im lặng, ngồi nghe bà nói rồi gật gật đầu. Bà nhẹ nhàng hơn bố mẹ, nên lời bà nói chẳng bao giờ tôi phản đối. Bà cũng không khi nào nói sai.

Trên đường về nhà tôi không ngừng nghĩ đến chuyện bà vừa nói. Tôi hiểu và nhận thấy rằng bố cũng chỉ muốn tốt cho tôi, dù nhiều khi bố hùng hổ, nóng tính, cực đoan. Nhưng vẫn không hiểu tại sao O biết rõ là sinh nhật tôi mà vẫn báo điểm của tôi cho bố mẹ. Tôi cứ thế đi thật nhanh về nhà.

Dắt xe vào cổng, tôi chào thật lớn để bố mẹ ở trong nhà có thể nghe thấy. Bố mẹ tôi, và cả O tôi bước ra nhìn tôi cười cười.

- Vậy là Phúc tha thứ cho bố rồi phải không?

- Dạ.

- Thế còn giận O không?

- Có.

O tôi mỉm cười, lại nói xin lỗi tôi, và rằng O đã rất hối hận khi nhìn thấy bố tôi đánh tôi. O bảo là chỉ muốn mượn bài kiểm tra của tôi từ chỗ cô giáo về để nhắc nhở tôi chứ không hề nghĩ đến việc đã xảy ra. Tôi lườm O, rồi lên phòng thay đồ để xuống ăn tối với cả nhà. Một lời xin lỗi làm sao bù đắp được điều O gây ra cho tôi! Sinh nhật tôi, chính O là người trực tiếp làm hỏng. Dù vậy, tôi không biết cách giận O lâu được nên đã chấp nhận hòa bình với điều kiện là có được bộ sách trinh thám yêu thích. Còn bố, có lẽ tối qua mẹ tôi đã nói chuyện với bố tôi chăng? Mẹ tôi luôn như vậy, luôn tuyệt vời. Mẹ có cách giải quyết riêng, nhẹ nhàng nhưng việc luôn êm thấm. Tôi biết mẹ cũng thất vọng vì điểm thi của tôi lắm, nhưng cách xử lí của mẹ luôn thật đặc biệt. Hôm nay bất ngờ bố vào bếp, chấp nhận vượt qua thử thách làm bánh trăm lần thất bại của bản thân. Bố “đền” cho tôi một cái bánh gato khác do tự tay bố làm, tất nhiên là có mẹ giúp sức. Nhưng tất nhiên, bánh bố tôi làm thì sao mà đẹp mắt và ngon như của mẹ tôi làm được!

*

Tia sét rạch ngang bầu trời, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi, kéo tôi về thực tại. Tôi nhoẻn cười vì những hồi ức liên quan đến lần sinh nhật thứ 13. Tôi của lúc đó chưa hiểu chuyện, làm toàn những điều khiến tôi của bây giờ nghĩ lại mà muốn quay về quá khứ đấm cho bản thân mình mấy cái. Mà tôi trước đây sai cái gì cũng không còn quan trọng lắm vì tôi bây giờ có sai thế nữa đâu. Hiện tại hai bố con tôi hòa hợp hơn rồi, nhiều người còn nhận xét bố con tôi giống nhau kia mà. Đúng là bà ngoại và mẹ tôi giống nhau thật, đều có cách giải quyết riêng nhưng không kém phần đặc biệt. Tôi giật mình nhớ ra còn “kha khá” bài tập chưa làm. Thở dài một cái, tôi đứng dậy đi gom đồ đi vào phòng. Bất chợt, lại rất tình cờ, nhà hàng xóm có trẻ con mở bài hát lúc trước bố vẫn hát tôi nghe “Nhà là nơi bố dịu dàng cùng con lăn vào bếp/ Mẹ vừa nếm đã tươi cười đồ ăn ngon được phết...”

Tôi quay đầu nhìn ra sân mưa, bố về...

 

. . . . .
Loading the player...