31-10-2022 - 10:45

Một tư liệu quý về người Hà Tĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Một tư liệu quý về người Hà Tĩnh” của Võ Trí Tâm

Năm 1908, một cuộc vận động quần chúng có ảnh hưởng vang dội khắp cả nước là Phong trào "khiếu sưu” (biểu tình đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, đòi giảm sưu thuế ở nhiều tỉnh Trung Kỳ). Những người lãnh đạo phong trào chống thuế ở Hà Tĩnh là các sĩ phu trẻ đầy nhiệt huyết - hội viên tích cực của Duy Tân hội. Duy Tân hội đã thông qua các sĩ phu trẻ để lãnh đạo phong trào chống thuế và hướng phong trào đi theo ý đồ của mình. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man phong trào này, bắt những người cầm đầu và những hội viên tham gia tích cực nhất của Duy Tân hội đày ra Côn đảo.

Bị đày ra Côn Đảo đợt ấy có các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… cùng với các văn thân, sĩ dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên. Trong tác phẩm “Thi tù tùng thoại” cụ Huỳnh Thúc Kháng cho chúng ta biết “kể cả thân sĩ cùng dân mấy tỉnh cùng đày đi chuyến tàu ấy là 27 người”.

Một tư liệu vô cùng quý giá đã cho chúng ta biết được đầy đủ danh sách của 27 người này. Đó là châu bản của triều vua Duy Tân hiện còn lưu giữ được. Toàn văn châu bản này được in trong cuốn sách “Phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân”(1), nhà xuất bản Văn học, năm 2008 (xem các trang 176 - 180: châu bản triều Duy Tân, tập XV, tờ 65-67). Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới, hiện đang được bảo quản và lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội.

Châu bản này cho chúng ta biết 27 tù phạm bị đày ra Côn Đảo gồm 8 người Hà Tĩnh, 8 người Quảng Nam, 5 người Quảng Ngãi, 4 người Bình Định, 1 người Nghệ An và 1 người Thừa Thiên, là những người đã tích cực tham gia và lãnh đạo phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908. Những con số này cho thấy phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, đòi giảm sưu thuế ở Hà Tĩnh là hết sức sôi động và mạnh mẽ.

Xin trích một đoạn của châu bản này và danh sách 8 người Hà Tĩnh có tên trong châu bản (trong số 27 người thì 8 người Hà Tĩnh được ghi theo thứ tự từ thứ 5 đến thứ 12):

“Ngày 17 tháng 8 năm Duy Tân thứ 2 (tức ngày 12-9-1908),

Phủ Phụ chính chúng thần đẳng tấu về các khoản tù phạm can các tội nặng thông giao với giặc, hành động càn quấy… đem hai mươi bảy tù phạm tình tội nặng, phát phối Côn Lôn…

Phủ thần đẳng liệt kê các phạm ấy can về khoản gì, biên thương như sau:

... 5. Phạm Tấn Xoang: người tỉnh Hà Tĩnh (từ đây trở xuống), can làm giấy tờ bậy bạ, luân báo các xã thôn cùng tới tỉnh thành kêu thuế, án xử trảm giam hậu, phát phối;

6. Ngô Đức Kế: can tập hợp mở hội buôn, liễm tiền ngầm giúp các người mưu nghịch, lén sang Nhật Bản, chúng chứng cùng khai đều là hiển xác, án xử phát phối;

7. Đặng Nguyên Cẩn: can án như trên;

8. Lê Văn Huân: can án như trên, từ đây trở xuống, khổ sai 9 năm, phát phối;

9.  Đặng Văn Bá: can lấy cớ xem địa lí đi du lịch, ngầm cùng người mưu phản là tên Ấm Võ, hiếp liễm tiền bạc để giúp các người sang Nhật Bản, án xử khổ sai 9 năm, phát phối;

10.  Trần Ty: can suất dân tới huyện đường, dọa nạt quan huyện, nói nhiều lời ngạo mạn, án xử khổ sai 9 năm;

11. Phan Hiệp: can án như trên;

12. Võ Tĩnh: can củ tụ hạt dân hơn một trăm người bao vây quanh tỉnh thành xuẩn động, án xử khổ sai 9 năm, phát phối;

… Phủ thần đẳng đã điện cho các tỉnh quan giải phát.

…đã lựa các tên trọng tù giải phát Côn Lôn…”.

Trong số 8 người Hà Tĩnh bị đày đi Côn Đảo, những nhân vật nổi tiếng như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá đã được mọi người biết đến và có rất nhiều tư liệu, sách vở viết về họ. Những người còn lại thì hầu như không được biết đến. Việc tìm hiểu thêm về những con người này giúp chúng ta cảm nhận, có cái nhìn đầy đủ hơn về phong trào chống thuế và lịch sử những năm đầu thế kỷ 20 của mảnh đất Hà Tĩnh.

*

Bài báo này cung cấp một số tư liệu về cụ Võ Tĩnh (có tư liệu ghi là Võ Tịnh, do người Hà Tĩnh không phân biệt dấu nặng và dấu ngã), người đã cầm đầu đoàn hơn 100 người bao vây Tòa công sứ tỉnh Hà Tĩnh nêu yêu sách đòi “giảm sưu thuế”, bị xử án khổ sai 9 năm, đày đi Côn Đảo.

Trong “Gia phả Họ Võ xóm Quỳnh Sơn, xã Trường Lộc cũ (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc)”(7) chỉ có mấy dòng ngắn gọn: “Ông là một nhà nho yêu nước, tham gia phong trào chống thuế ở trung kỳ, lãnh đạo dân biểu tình ở toà công sứ Hà Tĩnh, bị đày đi côn đảo cùng cụ Huỳnh thúc Kháng. Về sau ông tham gia đảng Tân Việt, đến cách mạng tháng 8-1945 - tuy tuổi cao ông vận động thành lập hội văn hoá cứu quốc huyện và khuyến khích con cháu tham gia công tác cách mạng”.

Qua tìm hiểu tác giả thấy cuộc đời cụ Võ Tĩnh (Võ Tịnh) còn được ghi nhận và nhắc đến trong khá nhiều tư liệu:

1/ Trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Trường Lộc (1930 - 2010)”(2), (Nxb Văn hóa thông tin, 2011), ghi nhận những hoạt động của cụ:

“Bước sang những năm đầu thế kỷ 20, cùng với nhân dân các làng ở Lai Thạch, nhân dân Tràng Lưu, Nguyễn Xá đã có mặt trong các phong trào Duy Tân (1904), Đông Du (1906) và cự sưu - kháng thuế (1908) với những hoạt động tích cực của ông Võ Tịnh ở xóm Vĩnh Côi làng Nguyễn Xá. Ông sớm gia nhập Hội Duy Tân của cụ Phan Bội Châu và là người được Tiến sỹ Ngô Đức Kế ở Trảo Nha tin cậy. Thực hiện kế hoạch của Nguyễn Hằng Chi ở Ba Xã, sáng ngày 3/5/1908, được ông Võ Tịnh vận động, ở Tràng Lưu có ông Nguyễn Huy Nùng, Nguyễn Huy Nhạ, Nguyễn Huy Chỉ, Nguyễn Xuân Du, Nguyễn Xuân Hỷ, Đào Đóa, Nguyễn Lượng đã tập trung ở Chợ Quan đón đoàn nông dân nghèo tổng Lai Thạch kéo xuống huyện lỵ, rồi vào thẳng tỉnh lỵ Hà Tĩnh bao vây Tòa sứ nêu yêu sách “giảm sưu thuế”. Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man: chúng đã bắt chém hai người cầm đầu ở Can Lộc là Nguyễn Hằng Chi và ở Nghi Xuân là Trịnh Khắc Lập và bắt ông Võ Tịnh ở Nguyễn Xá đày ra Côn Đảo.” (trang 34-35).

“Sau ngày Hội Phục Việt ra đời (14/7/1925), cụ Lê Văn Huân ở Lạc Thiện - Đức Thọ - bạn tù Côn Đảo đã bắt mối với ông Võ Tịnh ở Vĩnh Côi, Nguyễn Xá bàn việc thành lập tiểu tổ Tân Việt ở Trường Lộc tổng Lai Thạch. Từ 1927 về sau, một số người có lòng yêu nước đã giác ngộ tham gia Đảng Tân Việt (tiền thân là Hội Phục Việt) như Võ Tạc, Nguyễn Xuân Ổn, Trần Huy Tùng, Nguyễn Huy Bính… Những hoạt động của Tân Việt từ 1928 - 1929 đã tạo tiền đề cho sự ra đời của các Chi bộ Cộng sản ở Tràng Lưu và Nguyệt Ao đầu 1930 và cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Trường Lộc từ cuối 1930 về sau.” (trang 35-36).

2/ Mối quan hệ gần gũi, quý mến và tin cậy giữa cụ Ngô Đức Kế và cụ Võ Tĩnh được nhắc đến trong bài báo “Ngô Đức Kế - chí sĩ quê Can Lộc”(3) trên trang mạng của báo Hà Tĩnh (http://baohatinh.vn/home/danh-nhan/ngo-duc-ke-chi-si-que-can-loc/1k55444.aspx) và trong bài viết “Chí sĩ Ngô Đức Kế - Kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế 1878 – 2008”(4) của GS Ngô Đức Thọ, cháu nội cụ Ngô Đức Kế (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13862&rb=0306):

“Sau lễ vinh quy khá trọng thể trong tháng 5-1901, Ngô Đức Kế không vào Huế nhận thẻ “Hậu bổ” như lệ định. Ở lại quê nhà, ông mở một hiệu thuốc Đông y ở phố Nghèn và một Thư viện. Hiệu thuốc thì mời ông Võ Tịnh ngồi bốc thuốc, cho em là ông Ngô Đức Thiệu giúp các công việc.”(3)

 “Ngoài việc đọc sách, tiếp khách văn tại nhà, Ngô Đức Kế còn ra ngoài cửa hiệu thuốc bắc ở phố Nghèn. Ngô Đức Kế cũng có đọc sách y, nhưng việc chẩn bệnh bốc thuốc thì từ đầu ông đã mời ông lang Võ Tịnh quê xã Khánh Lộc gần Nghèn trông coi, giao cho em là Ngô Đức Thiệu ra giúp các việc với ông Võ Tịnh. Ngoài việc bán thuốc, cửa hàng là nơi để khách xa đến tiện liên hệ. Thời kỳ này Ngô Đức Kế đang rất quan tâm mối liên hệ với các thân hữu cùng chí hướng. Trên đường vào Nam ra Bắc, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vốn quen biết Ngô Đức Kế ở Huế, hồi này cũng vài lần ghé nghỉ nhà Ngô Đức Kế ở Trảo Nha. Bàn luận của các cụ vẫn không ngoài “đại cuộc” của nước nhà”(4).

Như vậy, cụ Võ Tĩnh chắc cũng đã được tiếp xúc với các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu trinh, những người lãnh đạo phong trào Duy Tân, và điều đó có tác động và ảnh hưởng tích cực đến quá trình tham gia hoạt động của cụ trong phong trào chống sưu thuế thời kỳ đó.

3/ Trong cuốn sách “Hà Tĩnh - Đất văn vật Hồng lam”(5), (Nxb Trẻ, 2013), nhà Hà Tĩnh học Thái Kim Đỉnh cũng 2 lần nhắc đến cụ Võ Tĩnh:

“Nhân dịp này, thực dân Pháp bắt thêm hàng loạt yếu nhân khác của hội Duy Tân như Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Lê Võ, Nguyễn Đình Kiên, Đặng Nguyên Cẩn, Võ Tĩnh… giam ở lao Hà Tĩnh” (trang 66).

“Đầu thế kỷ XX, hội Duy Tân thành lập, do Phan Bội Châu lãnh đạo. Cuộc vận động Duy Tân và phong trào Đông Du do Hội phát động dấy lên mạnh mẽ. Ở Hà Tĩnh, những người tham gia tiêu biểu có các nhà khoa bảng (Tiến sĩ Ngô Đức Kế, Giải nguyên Lê Văn Huân, Cử nhân Đặng Văn Bá…), các nho sĩ (Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập, Trần Sĩ Dực, Phạm Văn Thản, Lê Võ, Đặng Văn Cáp, Võ Tĩnh…), các nghĩa sĩ thời Cần Vương còn lại…” (trang 86).

4/ Trong cuốn sách “Địa chí huyện Can Lộc”, (Sở VH và TT Hà Tĩnh, 1999)(6), Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh - Chương Thâu, cũng cung cấp một thông tin thú vị về Cụ:

“Ở Can Lộc cũng như ở các địa phương khác, đông đảo các nhà nho ở làng, xã, trong đó có các nhà khoa bảng, đều thích làm thơ và để lại khá nhiều tác phẩm tốt… Các nhà nho Võ Tĩnh, Nguyễn Hàng Chi (1986 - 1908), Võ Ngọc Liễn (1881-1938) v.v. là những nhà nho yêu nước, cách tân, đều tham gia phong trào Duy Tân do Phan Bội Châu lãnh đạo. Võ Tĩnh còn để lại bài thơ (Hán) “Tự vịnh” làm lúc ông bị tù ở Côn Đảo và “Văn tế liệt sĩ Lê Trà” (Nôm - 1937)” (trang 292-293).

Tiếc rằng cho đến nay tác giả vẫn chưa thể tìm lại được bài thơ và văn tế nêu trên của cụ Võ Tĩnh.

*

Qua những tư liệu trên, ta thấy cụ Võ Tĩnh là người nằm trong nhóm các sĩ phu yêu nước, dẫn đầu phong trào Duy Tân ở Hà Tĩnh những năm đầu thế kỷ 20. Cụ là cộng sự gần gũi của những yếu nhân lúc bấy giờ như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá, Nguyễn Hằng Chi…

Là một danh y có tiếng, sau khi ra tù về quê cụ Võ Tĩnh tiếp tục mở hiệu thuốc, chữa bệnh cho người dân trong vùng. Hiệu thuốc bắc nổi tiếng của cụ ở cạnh chợ Nhe, những người cao tuổi trong vùng đến nay vẫn còn nhớ. Trong chiến tranh bom đạn Mỹ đã đánh phá tan tành khu vực chợ Nhe, trong đó có cả hiệu thuốc của cụ. Cụ chuyển về xóm Quỳnh Sơn ở với em trai Võ Tạc cho đến năm 1969 thì mất. Toàn bộ đất đai, vườn tược ở chợ Nhe cụ hiến tặng hết cho địa phương làm nơi xây dựng kho tàng.

Ngoài làm thuốc đông y, cụ tiếp tục các hoạt động yêu nước, tham gia đảng Tân Việt, đến cách mạng tháng 8-1945 cụ tham gia vận động thành lập Hội văn hoá cứu quốc huyện và động viên con cháu tham gia công tác cách mạng. Em trai Võ Tạc là phó bí thư Huyện ủy, em gái Võ Thị Em là cán bộ Huyện ủy thời kỳ 1930-1931, cả hai người đều được nhà nước truy tặng huân chương độc lập hạng ba. Con trai Võ Ninh là liệt sĩ, hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh khi tham gia cuộc biểu tình của hàng ngàn người ngày 22/12/1930 ở huyện lỵ Nghèn để phản đối chính quyền thực dân. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man và 42 người đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất ngã ba Nghèn lịch sử. Phần mộ của ông hiện nằm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc. Võ Tạc, Võ Thị Em, Võ Ninh đều được nhắc đến trong “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Trường Lộc (1930 - 2010)”(2). Con trai út Võ Trí Hữu tham gia  khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công tác liên tục trong các cơ quan của Đảng và nhà nước cho đến khi nghỉ hưu, từng giữ các chức vụ Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban khoa học giáo dục Trung ương. Ông Võ Trí Hữu có 3 người con đều là Tiến sĩ: “Trường Lộc ngày nay là một xã tiêu biểu của huyện Can Lộc về hiếu học và học giỏi… tiêu biểu như cả 3 người con ông Võ Trí Hữu đều là Tiến sỹ”(2) (trang 24). Nổi bật nhất là TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, hiện là thành viên - chuyên gia tư vấn của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

Cuộc đời của cụ Võ Tĩnh và các sĩ phu yêu nước khác đầu thế kỷ 20 là thế hệ những con người Hà Tĩnh đã dám dấn thân tham gia phong trào Duy Tân chống lại thực dân Pháp, mở đầu cho giai đoạn tiếp theo là thời kỳ cách mạng sôi nổi mãnh liệt nhất của người dân Hà Tĩnh, tiến tới cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tìm hiểu về những người đã tham gia và lãnh đạo phong trào chống thuế đầu thế kỷ 20 thiết nghĩ là một việc làm có ích, giúp chúng ta cảm nhận và có cái nhìn đầy đủ hơn về một giai đoạn của lịch sử Hà Tĩnh. Rất mong sẽ có thêm nhiều tư liệu về những người có tên trong châu bản triều Duy Tân (nhất là về các cụ còn ít được biết đến: Phạm Tấn Xoang, Trần Ty, Phan Hiệp…) qua gia phả và các tư liệu còn được lưu giữ của các dòng họ.

V.T.T

__________________

Tài liệu tham khảo:

(1) “Phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân”, Nguyễn Thế Anh (Giáo sư, Giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng thực hành Sorbonne – Paris), nhà xuất bản Văn học, 2008.

(2) “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Trường Lộc (1930 - 2010)”, nhà xuất bản văn hóa thông tin - Hà nội, 2011.

(3) “Ngô Đức Kế - chí sĩ quê Can Lộc” (http://baohatinh.vn/home/danh-nhan/ngo-duc-ke-chi-si-que-can-loc/1k55444.aspx).

(4) “Chí sĩ Ngô Đức Kế (Kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế 1878 – 2008)”, GS Ngô Đức Thọ (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13862&rb=0306).

(5) “Hà Tĩnh - Đất văn vật Hồng lam”, Thái Kim Đỉnh, nhà xuất bản trẻ, 2013.

(6) “Địa chí huyện Can lộc”, Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh - Chương Thâu, Sở văn hóa và thông tin Hà Tĩnh, 1999.

(7) Gia phả Họ Võ xóm Quỳnh Sơn, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.

Núi Hồng sông Lam - Ảnh: Đậu Đình Hà

. . . . .
Loading the player...