02-09-2023 - 00:57

Nền độc lập nước Việt và các bản thiên cổ hùng văn

Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nền độc lập nước Việt và các bản thiên cổ hùng văn” của tác giả Bùi Đức Hạnh

Dân tộc ta trải hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng oanh liệt. Nền độc lập nước nhà xây bằng xương máu bao thế hệ từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh là khúc tráng ca bất diệt in dấu các bản tuyên ngôn thiên cổ hùng văn.

1. Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt vang lên trên sông Như Nguyệt trong cuộc hải chiến đánh tan 10 vạn quân Tống được coi là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nhà nước Đại Việt sau ngàn năm Bắc thuộc.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

(Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

      (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Bài thơ khẳng định sông núi nước Nam là của người Việt, một quốc gia có chủ quyền, có chính thể nhà nước, có cương vực lãnh thổ, là địa bàn định cư của con Rồng cháu Tiên. Đó là chân lý hiển nhiên, là lẽ phải, đã được thực tiễn khẳng định, sáng rõ như “thiên thư”, như mặt trời, trăng sao vậy. Mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược, đồng hoá của kẻ thù ngoại bang đều trái đạo lý, phi nghĩa, nhất định sẽ chuốc lấy thất bại. 

Với thể thất ngôn tứ tuyệt, bài thơ vang lên như một bản tuyên ngôn chắc nịch về nền độc lập của nước Đại Việt, Vua với Dân đồng lòng, chung sức, sẵn sàng nghênh chiến, đánh tan kẻ thù xâm lược. Chính sức sống mãnh liệt của văn hoá dân tộc, của ý chí sinh tồn của cư dân Việt dù phải trải qua thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc - dưới vó ngựa quân thù, âm mưu “diệt  phu, hiếp phụ”, sáp nhập, lập bộ máy cai trị rộng khắp vô cùng thâm độc - vẫn không ngăn nổi ý chí sinh tồn của một dân tộc quyết giữ vững nền độc lập. Từ cột mốc lịch sử này đã mở ra thời kỳ tự chủ Lý, Trần, Lê... hàng trăm năm sau giang sơn bền chính khí, xã tắc vững âu vàng!

2. Sau hơn mười năm kháng chiến đánh đuổi quân Minh xâm lược (1418-1428), vâng lời Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã chấp bút viết nên bản hùng ca “Bình Ngô đại cáo” ca ngợi thắng lợi vĩ đại của dân tộc và một lần nữa khẳng định nền độc lập không gì lay chuyển của nước Việt. 

Mở đầu bản đại cáo, Nguyễn Trãi viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có.”

Bản hùng văn đã tố cáo tội ác của quân xâm lược “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung-tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai-vạ”; ca ngợi ý chí anh hùng của tướng sĩ; công lao to lớn của Lê Thái Tổ; cuộc kháng chiến “chí nhân, đại nghĩa” vô cùng gian khổ và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta.

Bản đại cáo như một lời tuyên ngôn độc lập mang ý nghĩa như một văn bản pháp lý (sánh ngang vương triều phương Bắc), được viết theo lối văn biền ngẫu, văn ngôn hùng hồn, sắc thái tự tin, hào sảng, đanh thép và đầy kiêu hãnh của người chiến thắng. “Bình Ngô đại cáo” lấp lánh các giá trị nhân văn, xứng đáng là Di sản tư liệu ký ức không chỉ của dân tộc Việt mà mang tầm vóc thế giới về sức mạnh quật cường của một dân tộc bị áp bức, bóc lột, của khát vọng thái bình và ý chí độc lập, tự cường; một áng hùng văn bất hủ in dấu vàng son trong lịch sử nước nhà.

3. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Ý thức hệ phong kiến lỗi thời và sự hèn nhát của vua quan nhà Nguyễn đã thất bại trước nhiệm vụ lịch sử. Đất nước trải qua hơn 80 năm nô lệ, “vua làm tượng gỗ, dân làm thân trâu”. Thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, bóc lột nhân dân ta hết sức thậm tệ. Nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước đã liên tiếp nổ ra nhưng đều bị dìm trong biển máu. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc xuất dương tìm đường cứu nước, bôn ba khắp bốn bể năm châu. Cuối cùng, Người đã tìm đến ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và con đường giải phóng cho dân tộc. 3-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, sau 15 năm vận động cách mạng, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy đánh đổ ách thực dân phong kiến, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Và, ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bản hùng văn do chính tay Người soạn thảo vào đêm 28-8-1945 trong ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang Hà Nội trở thành di sản tinh thần thiêng liêng vô cùng quý báu của toàn dân tộc.

Quảng trường Ba Đình kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015). Ảnh: baodautu.vn 

Đã 78 năm kể từ ngày ra đời, Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành bản hùng văn vĩ đại trong lịch sử dân tộc và một trong những áng văn kiệt xuất trong lịch sử văn học nước nhà, đã đang và sẽ mãi mãi toả sáng giá trị cao đẹp nhất, làm nức lòng các thế hệ người Việt Nam. 

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do", "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". 

Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Chúng đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Sau ngày 9/3/1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. 

Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... sau ngày 9/3/1945. 

Sau khi phân tích tình hình nước ta từ mùa thu năm 1940 đến khi nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa". 

Bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam với toàn thế giới. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập có 1010 chữ, trùng với con số 1010, năm Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long dựng nền độc lập. Với bố cục chặt chẽ, lời văn súc tích, cô đọng, cách diễn đạt vừa giản dị vừa sắc bén, dẫn chứng cụ thể, hùng hồn, bản tuyên ngôn đã lay động tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cỗ vũ tinh thần độc lập cho mỗi người dân Việt Nam. Bản tuyên ngôn là kết tinh của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng cháy bỏng về nền độc lập cho nước nhà và lời thề đanh thép về giữ gìn nền độc lập thiêng liêng ấy... Mỗi ngôn từ trong bản tuyên ngôn chứa đựng tình cảm dạt dào từ trái tim lãnh tụ và mỗi người dân yêu nước, linh thiêng như phù sa sông Hồng cuộn chảy nghìn năm, kế thừa mạch nguồn truyền thống từ các Vua Hùng mở nước, trải các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê... dựng nước và giữ nước đến vinh quang rực rỡ cờ đỏ sao vàng của thời đại Hồ Chí Minh.

Âm vang hào khí ý ngọc lời vàng trong từng mỗi bản hùng văn thiên cổ ấy, đã dẫn dắt, cổ vũ dân tộc ta đã đi qua cuộc trường chinh hàng ngàn năm với sức mạnh vô song, ngời sáng chính nghĩa, “rủ bùn đứng dậy” vượt muôn trùng gian khổ hy sinh, xây đài độc lập nước Việt muôn thuở vững bền. /. 

B.Đ.H

. . . . .
Loading the player...