21-02-2024 - 01:18

Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng

Đêm đầu xuân năm nay, vào lúc 21 giờ 05 ngày 3/2/2024 (Nhằm mồng 4 tháng Giêng, Giáp Thìn), Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh đã từ biệt chúng ta về miền mây trắng vĩnh hằng. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh

Đêm đầu xuân năm nay, vào lúc 21 giờ 05 ngày 3/2/2024 (Nhằm mồng 4 tháng Giêng, Giáp Thìn), Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh đã từ biệt chúng ta về miền mây trắng vĩnh hằng.

NNND Nguyễn Hồng Oanh sinh năm 1955 tại xã Thạch Liên, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thạch Liên là một vùng đất nghèo, và cái tên khai sinh Nguyễn Hồng Vanh của chị đã nói lên tất cả. Sau ngày Thống nhất đất nước, chị vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống lập nghiệp, và do cái tên “Vanh” lạ quá nên bị đổi thành Oanh, và cái tên Nguyễn Hồng Oanh bắt đầu từ đó. Là một người sáng tạo, năng động, sau một thời gian, Chị trở thành một doanh nhân nổi tiếng ở đất Sàì Thành. Đây chính là tiền đề, là nền tảng vững chắc để Chị dâng hiến hết mình cho Văn học Nghệ Thuật.

Nói đến NNND Nguyễn Hồng Oanh, trước hết người ta nhớ đến một “cây” hát ví dặm Xứ Nghệ bậc nhất những năm đầu Thế kỷ XXI. Không dừng lại ở đó, Chị còn luôn có ý thức gìn giữ Di sản văn hóa ấy của quê hương. Chị nâng cấp, sáng tạo những làn điệu dân ca ví dặm mới. một mình lập ra “CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh” tập hợp, thu hút được mấy chục nghệ nhân, sinh hoạt tươi vui, đằm thắm, tạo nên một sắc màu xứ sở giữa đất Sài thành hoa lệ. Sau này, Chị có điều kiện đi biểu diễu nhiều nơi trên đất Bắc (Hà Nội, Hải Phòng). Đến đâu Chị cũng trổ hết tài năng để mọi người thẩm thấu hết cái hay, cái đẹp của những làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ. Có người ví Chị là con thuyền chở ví dặm đi khắp bốn phương cũng không có gì lạ. Với những đóng góp không nhỏ của chị, năm 2015 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, và bảy năm sau, 2022, chị được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.

Chị là người thể hiện loại hình hát thơ theo làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh đầu tiên. Chị đã làm được một công việc rất lớn cho quê hương đất nước là ngâm (theo điệu hát thơ) và thu âm toàn bộ Truyện Kiều 3424 câu lục bát vào trong 12 đĩa CD. Sau khi hoàn thành công trình đồ sộ này, chị bay ra Hà Tĩnh, trước hết trình và bái lễ trình cụ Nguyễn Du tại khu tưởng niệm Người ở Nghi Xuân. Sau đó vào Thành phố Hà Tĩnh báo cáo với Sở Văn Hóa Hà Tĩnh, bởi đây là Di sản văn hóa quê nhà cần lưu giữ. Chị bồi hồi nhớ lại: Khi đến gặp GS Nhạc sĩ Trần Văn Khê nổi tiếng và hát thơ cho GS nghe một đoạn trong Truyện Kiều, GS chia sẻ: “Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm. Làm được gì thì gắng mà làm. Trả nợ cha ông, dành tặng cho đời chắc chẳng có tiền bạc để hưởng thụ gì đâu”. Người ta mệnh danh cho chị là Đại sứ Truyện Kiều quả không sai.

Tôi quen chị chưa lâu. Ấy là một lần chị ra Thành phố Hà Tĩnh dự một Hội thảo về Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, chị tranh thủ ra giao lưu với các bạn Văn nghệ sĩ Hà Tĩnh hiện đang sống và sáng tác tại Thành phố Vinh. Tôi không tham dự được. Thế là chị nhờ thi sĩ đồng hương Yến Thanh - tác giả bài thơ “Cúc ơi” nổi tiếng - chở đến nhà tôi bằng chiếc xe máy cọc cạch. Sau khi nghe gia đình tôi yêu cầu chị biểu diễn vài câu ví dặm, không ngờ mình chị “đóng cả ba vai chèo”! Chị hát ví dặm theo điệu cũ và theo cách tân, hát thơ Truyện Kiều.  Chị biểu diễn hồn nhiên như một bé gái mẫu giáo, khiến cả nhà tôi ai cũng xuýt xoa, và sau này còn nhắc tới chị với buổi biểu diễn có một không hai trên cái “sân khấu mini” đó.

NNND rất quan tâm đến việc đào tạo lớp trẻ. Là Phó giám đốc Trung tâm phát triển giao lưu văn hóa khoa học giáo dục thuộc Hội Giáo dục và Tâm lý Việt Nam, chị dành nhiều thời gian kết hợp với các trường tổ chức các buổi nói chuyện giao lưu với học sinh sinh viên về Truyện Kiều, về Đại thi hào Nguyễn Du. Các em được nghe chị ngâm Kiều, hát Kiều. Từ đầu năm 2000, chị đã thành lập một câu lạc bộ hát dân ca, các thành viên chủ yếu là học sinh sinh viên và các em tuổi mười tám đôi mươi. Sau đó thành lập Câu lạc bộ Ví dặm “CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh”. Từ đây xuất hiện nhiều câu lạc bộ ví dặm khác thành phố Hồ Chí Minh do chị làm chủ nhiêm.

Nói đến NNND Nguyễn Hồng Oanh, ít người biết Chị còn là một thi sĩ tài hoa. Chị là tác giả bốn thi tập: Trăng ngân, Sông hát, Đất ngời, Gió; tiêu đề các thi tập toát lên cái chất thơ mộng của người nghệ sĩ. Chị là Hội Viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Thơ Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, kết hợp với nhà thơ Gia Dũng, đứng ra biên soạn tuyển thơ Đường vê Xứ Nghệ Một tuyển thơ dày ngót 2000 trang khổ 16 x 24, tập hợp thơ của 600 tác giả quê xứ Nghệ và các tác giả khác viết viết về xứ Nghệ từ thời trung cận đại và đương đại. Xin giới thiệu hai bài thơ của chị, một được chọn trong “Thơ Lục bát Xứ Nghệ” (Nxb Nghệ An, 2020), một trong Thi tuyển “Thơ Xứ Nghệ đương đại” (sắp xuất bản). 

 

VẠN CHÀI  

                                            

Cha ngồi vá lưới ban mai

Mẹ cùng ngồi vá tương lai gia đình

Con ra đời giữa lênh đênh

Sóng xô chìm nổi, cong vênh mái chèo

 

Biển mênh mông, biển càng nghèo

Cha nhoài ngọn sóng gieo neo nỗi đời

Lưa thưa gánh cá chiều vơi

Lưa thưa kẻ chợ, qua đôi lối mòn

 

Tương lai con chữ chon von

Vạn chài muôn thuở, sóng còn xô theo!

 

GIÓ GỌI 

 

Người bỗng thành ngọn gió

Bay về phía vô cùng

Người bỗng thành giọt nắng

Tỏa xuống dòng sông xanh

 

Gió gọi về phía núi

Nắng gọi về vườn xưa

Tiễn người về quê mẹ

Kịp trước mùa bão mưa

 

Về trên đồi sim tím

Nắng sưởi ấm thân gầy

Chim sơn ca của mẹ

Hát đầy lời gió mây!

Từng tiếp xúc, quen thân vớ không ít văn nghệ sĩ, nhưng thực sự tôi chưa thấy ai cháy hết mình vì VHNT như NNND Nguyễn Hồng Oanh. Giờ đây, chị đã cưỡi hạc trời bay về miền mây trắng; hy vọng ngọn lửa ấy vẫn luôn rực sáng, và may mắn hơn có một văn nghệ sĩ trẻ kế nhiệm.

L.Q.H

. . . . .
Loading the player...